Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Cách dạy học sinh tiểu học

Thứ tư - 15/10/2014 10:59
Giáo viên khi dạy học sinh những bài học về đạo đức cần hướng các em đến những câu chuyện, lời khuyên hợp lứa tuổi, không nên khiến những tâm hồn thơ dại sớm có cái nhìn bi quan về cuộc đời. Duới đây là hai câu chuyện như thế:
Câu chuyện 1

Chiều thứ sáu đi học về, mẹ thấy Na buồn thiu, hỏi gì cũng không nói. Đến tối trước khi đi ngủ, mẹ khuấy cho Na bình sữa để uống như mọi khi. Như chỉ chờ có thế, Na cầm bình sữa bật khóc ngon lành. Sau một hồi gặng hỏi, mẹ mới hiểu được nguyên nhân. Thì ra chiều nay cô giáo phát kết quả khám sức khỏe đầu năm cho cả lớp. Cuối mỗi tờ giấy bạn nào cũng nhận được lời khuyên của bác sĩ.
 
Hầu hết cả lớp đều có lời khuyên giống nhau như “Vận động nhiều hơn con nhé”, “Chú ý ăn nhiều thức ăn có chứa vitamin A để bảo vệ mắt”… Cả lớp chỉ riêng mình Na nhận được lời khuyên “Béo phì cấp độ 2, cần xem lại chế độ ăn uống”. Sự việc sẽ không có gì đáng nói nếu như sau đó, cô giáo chủ nhiệm không “tặng” thêm cho cô học trò nhỏ nhiều cảnh báo hãi hùng. Nào là nếu con không giảm cân nặng, các bạn sẽ không cho con chơi cùng vì không theo kịp các hoạt động của lớp. Nào là con gái mà thân hình phì nhiêu quá sẽ phải mặc quần áo của con trai. Rồi nào là không được làm đẹp, không thể tham gia đội múa…
 
Chừng ấy cảnh báo thôi cũng đủ khiến một cô bé chưa tròn 6 tuổi bật khóc ngon lành ngay giữa lớp học. Na càng khóc, các bạn càng được dịp chọc ghẹo. Cũng may tiết sinh hoạt hôm ấy là tiết cuối cùng của ngày học, nếu không chẳng biết Na sẽ trốn trong nhà vệ sinh khóc đến chừng nào.
 
Câu chuyện 2

Cả tuần nay, Bin kiên quyết không cho ông nội đến trường đón sau giờ tan học. Nếu ba mẹ bận quá, Bin thà đi bộ hoặc nhờ bạn chở về chứ không chịu cho ông đến đón. Ba mẹ hỏi mãi, Bin mới chịu trả lời: “Cô Bin dạy cả lớp sau giờ tan học chỉ được ngồi lên yên xe để ba hoặc mẹ chở về. Nếu không phải ba mẹ đến đón, tụi con kiên quyết không cho ai chở về”.
 
- Nhưng ông nội không phải người lạ. Hơn nữa ông cũng ở chung nhà mình - mẹ Bin cố thuyết phục.
 
- Cô Bin nói xã hội bây giờ không tin ai được. Ngay cả ông nội, cha dượng còn hiếp dâm con gái hoặc cháu gái của mình. Chỉ có ba mẹ là đáng tin thôi - Bin làm ra vẻ nghiêm trọng nhắc lại lời cô giáo.
 
Nghe đến đây, mẹ Bin mới thở dài. Không hiểu sao cô giáo ở trường lại dạy Bin những điều không đúng lứa tuổi. Đành là trong xã hội nơi này nơi khác đã xảy ra những sự việc đau lòng. Nhưng đó không phải là bản chất, càng không nên dạy một đứa trẻ mới 6, 7 tuổi đầu biết cảnh giác, đề phòng ngay cả người thân của mình.
 
Nếu làm như vậy, các em sẽ bước vào đời bằng đôi mắt xấu xí, nhìn đâu cũng thấy những điều không đáng tin. Trong khi đó, những câu chuyện cảm động như một cậu bé học sinh lớp 3 bán bánh xèo nuôi bà và mẹ bị bệnh, những em nhỏ đến trường trên đôi chân của ông bà, cha mẹ, một người dì tảo tần bán xôi nuôi ba cháu nhỏ mồ côi được đến trường… lại không được giáo viên nhắc đến. 
 
Hai câu chuyện khác nhau nhưng cùng có chung bài học. Dạy cho học sinh ý thức cảnh giác và khả năng tự bảo vệ là cần thiết, nhưng không nên vì thế cướp đi cái nhìn trong trẻo của các em về cuộc đời. 

Tâm Nguyễn

SGGP

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây