Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Học sinh Việt bị thừa chữ nhưng thiếu kỹ năng

Thứ sáu - 10/10/2014 11:38
Hiện nay, học sinh đến trường được học rất nhiều môn, dường như lượng kiến thức khổng lồ đang được ra sức nhồi nhét vào những bộ não non trẻ, nhưng những kỹ năng sống gần như là con số không.
Con học giỏi nhưng như “gà công nghiệp”
 
Đành rằng kiến thức là quan trọng đối với một con người, con học giỏi thì cha mẹ nào cũng vui, nhưng đã mấy ai tự đặt câu hỏi hay cảm thấy giật mình vì những câu nói, ứng xử ngu ngơ của con trẻ trước những giao tiếp, tình huống đời thường trong cuộc sống. 
 
Xin thưa hầu như bố mẹ nào cũng đã cảm thấy thỏa mãn, hài lòng về con chỉ cần đơn giản là con học giỏi. Chính cái tư tưởng cho rằng với trẻ quan trọng là học hành chứ những việc khác chỉ là vặt vãnh, rồi nó sẽ tự biết hết mọi thứ đã khiến nhiều ông bố, bà mẹ đang biến con mình thành những chú “gà công nghiệp”.
 
Chị bạn tôi là một ví dụ điển hình cho việc đào tạo con thành “gà công nghiệp”. Ngay từ khi con trai mới học lớp 3, lớp 4 chị đã lập tức đề ra mục tiêu phải cho con học lớp chọn và đến cấp 2 là phải vào học bằng được trường Amsterdam (một trường chuyên có tiếng của Thủ đô). Thế là ngoài những giờ lên lớp ở trường tiểu học, chiều tối chị lại đưa con đi học thêm ở những lò luyện thi. Những bài tập Tiếng Việt, bài tập Toán nâng cao con chị phải cố gắng làm bằng được. Nhiều lúc đã 12 giờ đêm mà con chị vẫn phải ngồi dưới ánh đèn để cố giải quyết cho hết bài. Giật mình hơn đến bữa ăn cũng chỉ thấy chị giục con ăn nhanh lên còn học, con ăn chậm quá chị còn ngồi xúc cho con, đến giờ đi học để muốn cho nhanh chị cũng phải mặc quần áo cho con dù con đã 10 tuổi.
 
Đến giờ con chị đã học cấp 2 đúng như mục tiêu ban đầu của chị nhưng vẫn chưa biết cắm cơm, quét nhà, rửa bát. Thế là đi làm cả ngày, về đến nhà chị lại tất bật lo cơm nước, giặt giũ quần áo, quét dọn nhà cửa. Còn “hoàng tử” của chị thì nằm xem ti vi, đọc truyện tranh, đến giờ thì ăn và đến giờ lại đi học. 
 
Một dạng "gà công nghiệp" khác là những đứa trẻ bị áp đặt phải học tập, chọn nghề và sống theo cách của cha mẹ. Những bậc phụ huynh này bắt con học quá nhiều, theo ý thích của mình. Họ muốn con họ “đa di năng” nên phải học rất nhiều thứ, nào nhạc, nào họa, nào múa mà không cần biết nguyện vọng và năng khiếu của con ra sao, khiến trẻ bị áp lực tâm lý rất nặng. Con họ thường "đa di năng" nhưng lại không biết tự phục vụ bản thân. 
 
Học đầy kiến thức nhưng thiếu kỹ năng
 
Phía gia đình đã vậy, nhưng với lượng kiến thức khổng lồ được quy định trong chương trình giáo dục nặng như hiện nay của nước ta khiến nhà trường hầu như chỉ tập trung chú trọng truyền đạt kiến thức cho học sinh chứ còn đâu thời gian hướng dẫn kỹ năng xã hội cho con trẻ.
 
Nhìn lướt qua thời khóa biểu của một học sinh THCS ở trường hiện nay thì thấy, 6 ngày đến trường học sinh học từ 12 - 13 môn học, trung bình một tuần học sinh có 25 - 30 tiết học, nhưng số tiết học thể dục, sinh hoạt tập thể chỉ đếm được vài ngón tay. Điều này cho thấy thời gian để học sinh vận động, giao lưu tập thể, rèn luyện kỹ năng gần như là không có.
 
Bà Trần Thị Thảo (Bách Khoa, Hà Nội), một giáo viên mới nghỉ hưu cho biết, đúng là với chương trình nặng và sách khoa như hiện nay, các cô giáo phải dồn sức và tâm trí cho các bài giảng sao cho đủ chương trình, sao cho học sinh vừa nắm được kiến thức vừa làm được bài tập trong vòng 45 phút đứng lớp đã là cả vấn đề lớn, thì thời gian đâu mà hướng dẫn kỹ năng khác cho học sinh. 
 
Cũng theo bà, cô giáo nào tâm huyết lắm thì mới có sự sáng tạo, tìm tòi và lồng ghép các kỹ năng sống cho học sinh, còn không thì chỉ đọc giảng cho học sinh chép bài là hết. Chính vì vậy, nhiều học sinh có thể giải Toán rất nhanh, Văn viết rất hay nhưng khi đứng trước đám đông, tập thể thì không nói được gì. Tai hại hơn, khi đứng trước một tình huống nguy hiểm trẻ không biết cách thoát thân, hay gặp một trường hợp bị thương cần sơ cứu kịp thời thì hầu như chẳng có mấy học sinh nào biết cách. Trong khi, đó là những kỹ năng sống cơ bản mà mỗi người cần có.
 
Đúng là hiện nay nhiều em học sinh của chúng ta rất thông minh, kiến thức còn có phần uyên bác, nhưng trước những ứng xử cuộc sống lại có phần ngu ngơ. Ý thức về cộng đồng, lòng cảm thông đối với mọi người, giao tiếp lịch sự với hàng xóm, với những người xung quanh hay sự chào hỏi lễ phép với người lớn tuổi, sự nhường nhịn đối với người nhỏ tuổi hơn… dường như đang dần thiếu đi.
 
Dù ngành giáo dục đang cố gắng lồng ghép giữa kiến thức và kỹ năng trong một số môn học như Giáo dục công dân, Giáo dục nếp sống văn minh thanh lịch..., nhưng vẫn là chưa đủ để phát triển, hình thành những kỹ năng xã hội cho một đứa trẻ. Trong khi không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của kỹ năng sống trong quá trình tương tác tích cực với cộng đồng, trong thành công tương lai của trẻ.

Thuỳ Minh

VnMedia

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây