Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Bánh chưng ngày Tết

Thứ năm - 26/01/2017 11:03
Bánh chưng là một loại bánh rất độc đáo có một không hai của dân tộc Việt Nam. Bánh có lịch sử lâu đời, từ thời vua Hùng Vương thứ 6, do hoàng tử Lang Liêu sáng tạo ra, trong cuộc thi tìm của ngon vật lạ dâng lên cúng tổ tiên nhân dịp đầu xuân.
la dong va lat cot

Trải qua bao nhiêu thăng trầm, biến cố của lịch sử, bánh chưng vẫn được lớp lớp các thế hệ con cháu người Việt lưu truyền, gìn giữ và phát huy cho đến tận ngày nay.
 
nguyen lieu banh chung

Nguyên liệu để làm bánh chưng gồm có: Gạo nếp, thịt lợn, đỗ xanh, lá dong (có thể thay bằng lá chuối sứ) và gia vị. Thịt lợn loại ba chỉ được cắt lát mỏng tẩm ướp gia vị muối, tiêu, tỏi. Đỗ xanh bóc vỏ nấu chín. Lá dong rọc cuốn, rửa sạch, lau khô cắt bỏ hai đầu, xếp vuông góc.
 
chuan bi khuon
 
Khuôn bánh chưng được làm bằng gỗ, có hình vuông kích thước 20x20x7 cm. Đặt lá dong vào khuôn, cho một lớp gạo nếp làm nền, sau đó cho một lớp đỗ xanh vào, sắp thịt lợn lên trên rồi cho tiếp một lớp đỗ xanh lên trên nữa, tiếp tục cho thêm gạo nếp và gói bánh lại, cột bánh theo hình caro.
 
goi banh chung
 
Bánh sau khi gói xong được cho vào nồi, đổ nước ngập bánh, nấu liên tục từ 10 đến 15 tiếng. Người nấu bánh phải canh chừng nước trong nồi, nếu nước cạn phải châm thêm. Bánh sau khi chín có mùi thơm đặc trưng của lá dong, gạo nếp và gia vị.
 
banh chung thanh pham
 
Mỗi dịp Tết đến, xuân về trên bàn thờ mỗi nhà, đều có bánh chưng dâng lên cúng tổ tiên, để tưởng nhớ và biết ơn các vị tiền nhân đi trước, thể hiện đạo lí “uống nước nhớ nguồn” sâu sắc, đồng thời cũng để tôn vinh cây lúa trong nền văn minh lúa nước lâu đời.
 
nau banh chung
 
Cuối năm, cả gia đình sum họp quây quần gói bánh, nấu bánh, ngồi canh nồi bánh chưng trên bếp lửa đã trở thành một nét văn hóa riêng biệt, đặc trưng của người Việt. Ngoài bánh chưng truyền thống còn có các loại bánh chưng khác như: bánh chưng ngũ sắc, bánh chưng gấc, bánh chưng cốm, bánh chưng cẩm, bánh chưng chay,...
 
Bánh chưng thường được ăn với dưa hành, nước mắm chanh tiêu tỏi ớt. Trong dân gian còn lưu truyền cặp câu đối bất hủ:
 
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh
 
Cùng với thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, bánh chưng đã làm nên phong vị Tết ngọt ngào đầm ấm, đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam.

Nhân Hoà

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây