BÀI DỰ THI TÌM HIỂU
“BÁC HỒ VỚI GIAI CẤP NÔNG DÂN”
Là một người nông dân, hơn nữa là một người nội trợ quản lý việc chi tiêu trong gia đình, nếp sống giản dị tiết kiệm của Bác làm cho tôi vô cùng khâm phục và tự đặt ra phương châm cho mình: Mình phải học cho được đức tính quý báu này của Bác. Khi chưa là Chủ tịch nước và ngay cả khi đã là Chủ tịch nước Bác vẫn giữ nếp sống khiêm tốn giản dị này. Bác quả thật là một thánh nhân nhưng rất giản dị đời thường. Với dân tộc Việt Nam Bác mãi mãi là một người Thầy, người Cha vĩ đại, là tấm gương cho muôn đời con cháu noi theo.
Tôi xin kể một câu chuyện nhỏ về đức tính giản dị, tiết kiệm của Bác mà tôi được đọc trong cuốn “Một số lời dạy và mẩu chuyện về Tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh” do Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương phát hành ở trang 76 có tiêu đề là: “Việc chi tiêu của Bác Hồ”
Các đồng chí ở gần Bác đều biết Bác rất tiết kiệm. Có đôi tất rách đã vá đi vá lại mấy lần, Bác cũng không dùng tất mới. Bác nói:
- Cái gì còn dùng được nên dùng. Bỏ đi không nên …
Khi tất rách chưa kịp vá, anh em đưa đôi mới để Bác dùng, Bác xoay chỗ rách vào bên trong rồi cười xí xoá;
- Đấy có trông thấy rách nữa đâu !
Có quả chuối hơi nẫu, anh cán bộ chê không ăn, Bác lấy dao gọt phần nẫu đi, bóc ăn ngon lành, rồi nói:
- Ở chiến khu có được quả chuối này cũng đã quý.
Câu nói và việc làm của Bác làm đồng chí cán bộ hối hận mãi.
Dù cho đã làm đến Chủ tịch nước, suốt trong những năm ở Việt Bắc, ở Hà Nội, Bác chưa bao giờ “có tiền” (như anh em cán bộ chiến sĩ quanh Bác nhận xét).
Thực tế lịch sử cho thấy rằng: Suốt thời gian hoạt động của Bác ở nước ngoài, Bác gặp rất nhiều khó khăn về tài chính do những nguyên nhân khác nhau. Được đồng nào chủ yếu do lao động tự thân mà có, Bác dành cho công tác cách mạng. Bác chi tiêu rất dè sẻn, cân nhắc từng xu. Liên hoan thành lập Đảng cũng chỉ có bát cơm, món xào, tô canh, đĩa cá. Chiêu đãi đồng chí Lý Bội Quần , người Trung Quốc, người đã mua chiếc máy chữ từ Hải Phòng về tặng Người (năm 1939), Bác cũng chỉ “khao một món canh và hai đĩa thức ăn, thêm hai lạng rượu, tổng cộng chưa hết một đồng bạc.”
Tự thết đãi mình “khi nghe Hồng Quân bắt sống 33 vạn quân Hítle ở Xtalingrát năm 1943”, tại nhà tù trong túi chỉ có vỏn vẹn một đồng bạc, Bác đã “nhờ người lính gác mua giùm cho ít kẹo và dầu chả quẩy”. Sau khi phấn khởi hô mấy khẩu hiệu hoang nghênh thắng lợi của Liên Xô, Bác ngồi một mình chén tạc, chén thù rất đàng hoàng vui vẻ”….
Năm 1957, Bác về thăm Nghệ Tĩnh, khi ăn chung với đồng chí Nguyễn Sĩ Quế, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Diệm, Bác đã để bớt ra ngoài mấy món ăn, rồi nói: “Ăn hết lấy thêm, không ăn hết để người khác ăn, đừng để người ta ăn thừa của mình”.
Có thể dẫn ra nhiều nữa những ví dụ về cách chi tiêu, sử dụng tiền bạc, cơ sở vật chất của Bác, rất “mâu thuẫn thống nhất”: Chắt chiu, tằng tiện nhưng vẫn rộng rãi, không hoang phí mà cũng không keo kiệt, “ki bo”.
Câu chuyện trên cho đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị giáo dục sâu sắc cho bất kể tầng lớp nhân dân nào.
Có thể nói rằng: Theo sự phát triển của xã hội, đời sống kinh tế của chúng ta cũng ngày càng khởi sắc. Do vậy việc chi tiêu của chúng ta cũng trở nên thoả mái không còn dè sẻn như trước nữa. Thậm chí có thể nói rằng, nhiều người hiện nay tiêu pha hoang phí và bản thân chúng ta nhiều lúc cũng thả trôi mình cho sự hoang phí kia lôi kéo.
Chúng ta cứ hô hào phải thực hành tiết kiệm, phải thực hiện việc ma chay cưới hỏi theo nếp sống văn minh – nghĩa là tiết kiệm. Nhưng có lẽ đã quá lâu rồi việc tổ chức cưới xin bằng một bữa tiệc liên hoan bánh kẹo trà, thuốc đơn sơ với vài chục người mà thay vào đó là tiệc tùng linh đình thâu đêm suốt sáng với bia rượu cỗ bàn ê hề. Bây giờ có nơi cả việc tang cũng mổ heo, mổ gà dọn cỗ ăn uống suốt mấy ngày trời. Một số nông dân cứ rảnh lúc nào là rủ rê nhậu nhẹt lúc ấy bất kể ngày hay đêm vừa lãng phí thời gian và tiền bạc. Chỉ vài ba người vào cuộc nhậu cũng tiêu tốn hàng tạ thậm chí hàng tấn thóc mà chẳng thấy ai động lòng. Nông dân rảnh ra thì vào quán nhậu, cán bộ họp hành, làm việc xong cũng vào quán nhậu. Nam giới nhậu đã đành, ngày nay nữ giới cũng chẳng kém cạnh gì. Nhiều bàn tiệc còn đầy thức ăn, thức nhấm ê hề sau khi tàn cuộc thấy mà tiếc đứt ruột. Nhiều đám cưới linh đình rượu bia lênh láng để rồi sau đó chú rể, cô dâu è cổ ra mà trả nợ, nghĩ vô lý đến tận cùng …
Chúng ta cứ hoang phí mà chẳng hề biết rằng, nhiều người còn phải bữa đói bữa no vào ra trong mái tranh dột nát, con cái họ phải đói cả cơm cả chữ. Chúng ta chẳng hay rằng một bộ tộc người Rục ở huyện Quảng Hoá – Quảng Bình ngày giáp hạt năm 2006 phải ăn cả con nòng nọc để duy trì sự sống và hiện nay hơn 100 triệu người ở các nước chậm phát triển lâm vào nguy cơ thiếu lương thực trầm trọng – Nghĩ mà thấy đau lòng.
Mấy anh trong ban chấp hành chi hội nông dân thường phàn nàn với tôi rằng: Phụ nữ đến là kỳ và cục bộ quá ! Tôi hỏi tại sao ? Các anh ấy bảo rằng: Cái gì của Hội Phụ Nữ phát động thì phụ nữ làm rất hăng hái, chu đáo và vượt chỉ tiêu kế hoạch, còn cái gì của Hội Nông dân phát động thì một số người lại lơ là không đôn đốc chồng mình tham gia, kể cả lãi vay của NHCSXH cũng chai ì nốt ! Tại sao như thế ? Tôi cứ băn khoăn tự hỏi mãi mà cũng không dám chắc ở câu trả lời. Quê tôi phần lớn Hội viên nông dân là nam giới, phụ nữ là Hội viên nông dân không nhiều. Là một phụ nữ và được vinh dự là Hội viên nông dân, tôi có chủ quan quá không khi cho rằng mỗi người phụ nữ chúng ta dù là Hội viên nông dân hay không thì trong gia đình chúng ta vẫn là người quản lý kinh tế, là người nội trợ. Nếu mỗi bữa đi chợ ta tiết kiệm chi tiêu 500 đồng thôi thì đừng nói là các chỉ tiêu quỹ Hội của chồng, của mình mà kể cả các chỉ tiêu Nhà Nước giao cho mỗi hộ gia đình chúng ta cũng có thể hoàn thành một cách rất dễ dàng. Một điều nhỏ nhặt như thế, thiết nghĩ mỗi người đều có thể thực hiện được không mấy khó khăn. Có điều là chúng ta có quyết tâm để làm điều đó hay không mà thôi. Phụ nữ cũng là thành viên của Hội Nông Dân cơ mà!
Có một lý do mà các anh ấy không nói ra nhưng tôi biết rằng một số Ban Chấp Hành hiện nay hoạt động chưa có hiệu quả. Bác Hồ dạy: người cán bộ cách mạng phải nêu gương về đạo đức. Nhưng hình như phần lớn cánh đàn ông gặp nhau không có rượu bia thì nó lạt phai tình cảm hay sao ấy. Dù mới sáng sớm hay giữa trưa, thậm chí nửa đêm, dù lúc ấy đang là mùa vụ hay lúc nông nhàn nếu một ông nào đó tình cờ bắt được con cá, con ếch hay hái được trái ổi, trái xoài thì những thứ đó cũng đều trở thành món đưa cay lý tưởng. Ban đầu thì chỉ hai người dần dần phát triển lên 5, lên 7 … từ sáng cho đến chiều, rồi từ chiều cho đến đêm cho đến khi ai cũng say bí tỉ mới chịu dừng. Không hiểu họ nói chuyện gì mà hăng say đến thế. Trong khi đó ruộng đồng thì năng suất kém, một số người lại thiếu cả biện pháp canh tác để cho sâu hại phá hoại nặng nề. Nếu họ dùng thời gian nhàn rỗi ấy thảo luận xem làm sao để năng suất trên đồng cao hơn thì tốt biết bao. Đôi khi trong số ấy cũng có một vài cán bộ trong ban chấp hành chi hội. Nếu một vài cán bộ mà cũng như thế thì làm sao vận động hội viên gương mẫu được. Nhiều lúc tôi chợt nghĩ: giá như việc phát triển Hội viên nông dân cũng được mọi người hăng hái như thế, giá như các phong trào của Hội cũng được mọi người hưởng ứng như thế thì Hội nông dân của chúng ta vững mạnh biết bao nhiêu. Và giá như mỗi một Hội viên nông dân (là nam giới) trong một năm chỉ cần nghỉ vài cuộc nhậu vô bổ và đem số tiền ấy, thời gian ấy thực hiện các phong trào của Hội và tăng gia sản xuất thêm thì có lẽ Hội viên nông dân nghèo đã không còn ở những ngôi nhà tranh tre dột nát và những người anh em dân tộc ít người của chúng ta không đến nỗi phải ăn sắn thay cơm, không đến nỗi phải vào rừng đào củ, không đến nỗi phải ăn nòng nọc để duy trì sự sống trong những ngày giáp hạt.
Biết bao giờ người dân Việt Nam ta ai ai cũng đều thực hành tiết kiệm chi tiêu hợp lý theo gương của Bác Hồ kính yêu để góp phần đưa nước ta khỏi tình trạng kém phát triển ?
Thế giới, loài người tự hào về Bác, là người Việt Nam đồng hương của Bác, chúng ta càng tự hào biết bao ! Cách ứng xử của Bác với tiền tài, với cái ăn, cái mặc, với cơ sở vật chất nói chung đâu có phải là cao quá mà chúng ta không học tập được, đâu có phải là một toà thánh cấm uy nghiêm mà chúng ta không đặt chân lên được thềm bậc, dù là bậc thềm thứ nhất ?