Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Vợ nhặt của Kim Lân là bài ca ngợi ca về sức sống diệu kỳ của con người trong nạn đói. Phân tích tác phẩm để làm rõ ý kiến trên

Thứ tư - 01/04/2020 09:43
Vợ nhặt của Kim Lân là bài ca ngợi ca về sức sống diệu kỳ của con người trong nạn đói. Hãy phân tích tác phẩm để làm rõ ý kiến trên. Liên hệ với hình tượng đoàn tàu trong Hai đứa trẻ (Ngữ văn 11, tập 1) để thấy được sức sống của con người Việt Nam nói chung.
BÀI LÀM:
Nạn đói khủng khiếp và dữ dội năm 1945, nỗi đau đã hằn in và hiện hình trong không ít những tác phẩm của các nghệ sĩ tên tuổi như: Nam Cao, Bàng Bá Lân, Tô Hoài, Kim Lân,... Bằng tài năng đích thực, sụ am hiểu và gắn bó máu thịt với mảnh đất - con người và cuộc sống vùng nông thôn Bắc Bộ Việt Nam, Kim Lân đã đóng góp một truyện ngắn có chiều sâu tư tưởng giàu tính triết lý và giá trị nghệ thuật đặc sắc: Vợ nhặt - Tác phẩm là “bài ca ngợi ca về sức sống diện kỳ của con người trong nạn đói”


Tác phẩm “Vợ nhặt” trích trong tập truyện “Con chó xấu xí” (1962). Truyện được viết ngay sau Cách mạng với tiền thân là “Xóm ngụ cư”. Nhưng do thất lạc bản thảo nên sau khi hòa bình lập lại, tác giả đã viết lại thành “Vợ nhặt”. Thông qua tác phẩm, nhà văn đã phản ánh sinh động tình trạng khốn khổ của nhân dân ta trong nạn đói khủng khiếp năm 1945, dưới chế độ thực dân phong kiến. Qua đó khẳng định: Ngay bên bờ vực cái chết, người nông dân nghèo vẫn hướng về sự sống, khát khao tổ ấm gia đình và hết lòng cưu mang, đùm bọc nhau.

Tác phẩm xoay quanh tình huống truyện, anh Tràng nghèo khổ, xấu xí, ế vợ. Giữa nạn đói năm Ất Dậu, chỉ một câu nói bông đùa, bốn bát bánh đúc, hai hào dầu mà Tràng có được vợ. Nói đúng hơn là có vợ theo mà không tốn tiền cưới cheo gì. Sau đêm tân hôn của đôi vợ chồng son, cuộc sống gia đình Tràng bắt đầu nhen lên ngọn lửa niềm tin. Bà cụ Tứ - mẹ Tràng thì rạng rỡ hẳn lên. Người vợ nhặt thì hiền hậu đúng mực khác với vẻ chao chát ngoài chợ. Kết thúc tác phẩm là chi tiết lá cờ đỏ cùng đoàn người đi phá kho thóc Nhật.

Sức sống diệu kỳ là sức sống mãnh liệt ngay trong hoàn cảnh khốn cùng. Điều mà không ai có thể ngờ lại xảy ra, cận kề cái chết nhưng những con người năm đói trong “Vợ nhặt” vẫn vươn lên bằng niềm tin của chính mình hướng tới tương lai.

Văn học, đó là tư tưởng đi tìm cái đẹp trong ánh sáng. Đúng vậy, dẫu cho nạn đói khủng khiếp có đe dọa đến con người nhưng không ngăn nổi sức sống của con người năm đói. Mở đầu tác phẩm là bức tranh ngày đói thảm hại. Hai lần nhà văn so sánh người với bóng ma: “lũ lượt dắt díu, bồng bế nhau lên xanh xám như những bóng ma”, “dưới những gốc đa gốc gạo xù xì bóng những người đói đi lại dật dờ lặng lẽ như nhũng bóng ma”. “Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường”. Cũng nhu cái không khí ảm đạm đến đáng sợ của năm đói, người vọ nhặt là hiện thân nạn nhân của nạn đói, thị xuất hiện và được gợi tả với “những nét không dễ nhìn”: ngực gầy lép, khuôn mặt lưỡi cày xám xịt, quần áo rách như tổ đỉa. Thị sắp chết đói. Thị sẵn sàng đặt sự sống, miếng ăn lên trên nhân cách. Bất chấp tất cả ngôi sà xuống ăn một chập hết bốn bát bánh đúc rồi “theo không” về làm vợ một người đàn ông xa lạ không chút do dự, suy tư. Cái lạ là thị có biết Tràng là ai, người như thế nào, gia cảnh, công việc, quê quán, gốc tích ra làm sao? Vậy mà chỉ một câu nói bông đùa của Tràng “có muốn theo tớ về nhà thì ra khuân hàng lên xe rồi ta cùng về”. Thị là người dễ dãi, hời hợt thế ư? Thị theo Tràng chỉ vì miếng ăn, vì lợi ích của barn thân thôi ư? Nhưng không, việc thị chấp nhận theo Tràng về nhà xuất phát từ nhu cầu bám lấy sự sống, khao khát được sống. Nếu thị chỉ vì những lí do trên thì khi chứng kiến gia cảnh của Tràng liệu thị có vẫn chấp nhận anh không? Thị đã không giấu nổi nỗi thất vọng của mình, tiếng thở dài cố nén trong “cái ngực lép nhô hẳn lên”, nhưng đó cũng là sự chấp nhận. Tiếng thở dài không chỉ là sự ngao ngán, đó vừa là sự lo lắng cho tương lai ngày mai, vừa là sụ ý thức trách nhiệm của bản thân đối với việc cùng chồng xây dựng nên một tổ ấm hạnh phúc. Cho đến lúc cận kề cái chết, người đàn bà cũủng không hề buông xuôi sự sống. Ngược lại, thị vẫn vượt lên, khao khát hạnh phúc gia đình. Ý chí và tấm lòng của thị đáng quý biết bao.

Biểu hiện thứ hai của sức sống diệu kì của con người trong nạn đói ấy là các nhân vật Tràng, người vợ nhặt, bà cụ Tứ đã không ngừng hướng tới ánh sáng của cuộc sống. Giũa cảnh tối sầm lại vì đói khát, họ vẫn dựng xây hạnh phúc, tổ ấm của mình. Tình người làm bừng sáng tác phẩm và thắp lên ngọn lửa niềm tin khát vọng. Nói như Kim Lân: “Khi viết về nạn đói người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm. Khi viết về con người năm đói người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hi vọng, tin tương ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người”:

Ở nhân vật Tràng, niềm hạnh phúc sau đêm tân hôn khiến tâm trạng anh chuyển biến hẳn. Buổi sáng thức dậy, anh cảm thấy “trong người êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra”“việc hắn có vợ đến hôm nay hắn vẫn còn ngỡ ngàng như không phải”. Những cảnh vật quen thuộc hàng ngày cũng khiến anh thấy thân thiết đến khác và có cái gì vừa thay đổi mới mẻ, khác lạ”. Anh thấy yêu thương, vui sướng và điều quan trọng hơn, anh thấy mình “nên người”: “bỗng nhiên hắn thấy hắn yêu thương, gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng”.

Không chỉ ở Tràng mà ngay cả cô vợ nhặt cũng có sự thay đổi tâm trạng rõ nét. Nếu như những lần trước gặp Tràng đầy “chao chát”, “chỏng lỏn”,...rồi khi theo về thì e thẹn, dè dặt “ngồi mớm” thì bây giờ “nàng dâu” trỏ nên hiền hậu đúng mực: “Tràng nom thị hôm nay khác lắm, rõ ràng là người đàn bà hiền hậu đúng mực không còn vẻ gì chao chát chỏng lỏn như mấy lần Tràng gặp ở ngoài tỉnh”. Thị dậy từ sớm, biết vun vén nhà cửa, cùng mẹ Tràng ước mong những thứ giản đơn, nhỏ bé nhưng mong sao gia đình hạnh phúc.

Có lẽ sự thay đối tâm trạng của bà cụ Tứ - mẹ Tràng là rõ nét nhất. Bà là người có diễn biến tâm lí phức tạp nhất truyện kể từ khi biết tin anh con trai lấy vợ, nhưng bà cũng là người mẹ nhân hậu, bao dung và hết mực yêu thương con. Đặc biệt vào buổi sáng hôm sau, người mẹ ấy đã có nhung thay đổi mới mẻ, “cũng nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên”. Bà lão dậy từ sớm, “xăm xắn thu dọn” bởi trong thâm tâm người mẹ ấy tin rằng “thu xếp cửa nhà cho quang quẻ, nền nếp thì cuộc đời họ có thể khác đi, làm ăn có cơ khấm khá hơn”. Ngay trong hoàn cảnh khốn cùng, những tưởng con người từng trải và chịu nhiều thương đau, mất mát như bà cụ Tú sẽ buông xuôi tất cả nhưng không người mẹ ấy vẫn vươn lên, khát sống mãnh liệt và có những ước mong thật cao đẹp.

Họ là những con người giàu niềm tin, lạc quan. Dẫu cho bữa cơm đầu đón nàng dâu mới thảm hại đến đâu họ vẫn ăn một cách ngon miệng và chỉ luôn nghĩ đến những điều tốt đẹp. Từ hình ảnh đàn gà, những tính toán của bà cụ Tứ,...đến cảm nhận “chưa bao giờ trong nhà này mẹ con lại đầm ấm, hòa hợp như thế”.

Tác phẩm mở đầu bằng bức tranh đen tối nhưng kết thúc bằng lá cờ đỏ và ánh sáng mặt trời mùa hè. Chính câu chuyện phá kho thóc Nhật, rồi những người trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang không chịu đóng thuế của cô vợ nhặt như đem đến một luồng gió mới, hơi thở mới thổi vào cuộc sống ảm đạm của gia đình Tràng, của những con người năm đói. Chính thị cũng là người giúp cho Tràng giác ngộ về con đường phía trước mà anh sẽ chọn. Cũng bằng việc kết thúc tác phẩm bằng hình ảnh “lá cờ đỏ”, nhà văn tin tưởng rằng những người nông dân nghèo khổ như Tràng sẽ đứng dậy đấu tranh, đi theo con đường của Cách mạng, của Đảng.

“Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật trước hết là giá trị tinh thần của nó. Những tư tưởng đã được ru lên ở các bậc tình cảm, chứ không phải là tư tưởng nằm thẳng đơ trên trang giấy. Có thể nói tình cảm của người viết là khâu đầu tiên cũng là khâu sau cùng của quá trình xây dựng tác phẩm lớn” (Nguyễn Khái). “Vợ nhặt” của Kim Lân đã thể hiện được điều đó. Bằng tinh thần nhân đạo sâu sắc, niềm tin của nhà văn vào sự khao khát được sống, vươn lên kì diệu của con người Việt Nam. Dù cho bị đặt trong hoàn cảnh khốn cùng đến đâu thì sức sống, bản năng khát sống ở họ vẫn luôn trỗi dậy mạnh mẽ.

“Cái đẹp cứu vớt con người” (Đôxtôiepki). Nếu trong “Vợ nhặt” của Kim Lân đó chính là cái đẹp từ tình người, hình ảnh mang nhiều ý nghĩa tượng trưng “lá cờ đỏ” kết thức truyện thì ta cũng bắt gặp ở tác phẩm “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam là hình ảnh đoàn tàu.

Hình tượng đoàn tàu mang ánh sáng từ Hà Nội về cùng với sự trông chờ của con người nơi phố huyện là báo hiệu cho một khát vọng giải thoát. Đây có lẽ là hình ảnh giàu ý nghĩa, đẹp đẽ nhưng cũng có phần kì lạ. Thoạt tiên, việc đợi tàu của hai chị em Liên và An không có mục đích thiết thực nào cả. Đợi tàu chỉ để được nhìn thấy tàu, thứ ánh sáng rực rỡ, náo nhiệt của đoàn tàu, rồi lặng theo những mơ tưởng về Hà Nội, “Hà Nội xa xăm. Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo”. Liên và An đợi tàu, còn bởi lẽ, đoàn tàu là hoạt động cuối cùng của một ngày. Đoàn tàu mang đến một thế giới khác đi qua. Đoàn tàu khuấy động bầu không khí hoang vắng của phố huyện. An và Liên cố đợi là để được hoà vào nhịp sống sôi động mà đoàn tàu mang lại. Song, đợi tàu là còn để gửi gắm vào đó những niềm mơ ước. Cuộc sống nơi phố huyện bao trùm là không khí ảm đạm, sự yếu ớt của những bóng đèn leo lét bị bủa vây bởi bóng tối. Vì vậy chuyến tàu như là một sứ giả của cuộc sống khác, nó “như đã đem đến một chút thế giới khác đi qua. Một thế giới khác hẳn, đối vói Liên, khác hẳn các vầng sáng ngọn đèn của chị Tí và ánh lửa của bác Siêu”. Đoàn tàu với những “toa đèn sáng chưng” chính là hình ảnh đối lập với cuộc sống nơi phố huyện buồn tẻ, tù túng và ngột ngạt, là nỗi khát khao chờ đợi của Liên. Đó là ánh sáng của khát vọng, ước mơ về một cuộc sống tươi mới hơn, đẹp đẽ hơn. Ánh là nhu cầu tinh thần khát sống dù chỉ trong một khoảnh khắc nhất định. Đó là tất cả những gửi gắm, mong ước không chỉ của Liên mà còn là của những người dân nơi phố huyện vẫn luôn mong có một cuộc sống, tương lai tươi sáng hơn. Dù trong bất kì hoàn cảnh nào, dù có bị bóng tối lấn át thì khát vọng ấy vẫn luôn cháy bỏng mạnh mẽ.

Tóm lại, sức sống của con người thật diệu kì. Cuộc sống khắc nghiệt dù có cố dồn ép, đưa đẩy con người đến khốn cùng thì sức mạnh tinh thần, ý chí vẫn không gục ngã. Một khi ngọn lửa khát vọng ấy bùng cháy mãnh liệt thì sẽ chẳng có rào cản nào, chẳng có ai có thể làm chùn bước cả. Nó nâng đỡ, giúp ta chống chọi lại mọi khó khăn cũng giống như những nhân vật trong các tác phẩm trên: anh Tràng, cô vợ nhặt, bà cụ Tứ hay là chị em Liên, những người dân phố huyện. “Khát vọng chính là nguồn động lực có sức mạnh vô biên, tiềm tàng bên trong mỗi con người. Động lực này được thể hiện qua những hoạt động không ngơi nghỉ, để con người không bao giờ từ bỏ ước mơ, không bao giờ khuất phục trước hoàn cảnh.” ( Keith D. Harrell).

Tác phẩm “Vợ nhặt” là một trong những truyện ngắn xuất sắc của Kim Lân viết về người nông dân nghèo khổ năm đói. Khác với những tác phẩm trước đó, Kim Lân không chỉ dùng lại ở việc đồng cảm, xót thương mà nhà văn còn đem đến một cái nhìn mới về khả năng, sức sống tiềm tàng của mỗi người là cả một sự kì diệu.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây