Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ có yếu tố tự sự và miêu tả

Thứ hai - 20/09/2021 08:21
Là một nhà thơ xuất sắc, Xuân Quỳnh đã có những tác phẩm vô cùng ấn tượng tiêu biểu phải kể đến là Chuyện cổ tích về loài người
Bài 1: Bài thơ Đêm nay Bác không ngủ.
Bài thơ Đêm nay Bác không ngủ được Minh Huệ sáng tác năm 1951 là một trong những bài thơ xuất sắc viết về vị lãnh tụ của dân tộc. Hình ảnh Bác lớn lao, cao cả nhưng ấm áp, thân tình được hiện lên rõ ràng qua những nét vẽ trong lòng anh đội viên. Sự lo lắng của Bác thể hiện ở những hành động "đốt lửa cho anh nằm", "đi dém chăn", "đi nhẹ nhàng" vì lo cho giấc ngủ của các anh. Bác không ngủ vì còn lo chuyện nước nhà. Bác thương đoàn dân công ngủ ngoài rừng vào lúc trời mưa. Bác chỉ mong trời sáng nhanh để gặp lại nhân dân, động viên, chỉ huy nhân dân đánh giặc. Bác không ngủ vì Bác là Hồ Chí Minh, là vị lãnh tụ đáng kính của dân tộc. Bác luôn đặt việc dân, việc nước lên trước cả bản thân mình. Bác lo cho dân nằm ngoài rừng, cho anh đội viên tỉnh dậy cùng Bác sẽ ốm đau, không có sức mai chiến đấu nhưng lại không hề lo cho sức khỏe của bản thân phải thức trắng đêm không ngủ. Cũng chính vì điều ấy mà hình ảnh Bác trong lòng anh đội viên thật cao cả, lớn lao. Anh thương Bác, lo lắng cho Bác mà nằng nặc xin Bác đi ngủ vì sợ Bác ốm, Bác không đủ sức. Mặc dù được Bác giục đi ngủ nhưng đến lần thứ ba tỉnh dậy mà Bác vẫn ngồi đó, anh quyết định thức cùng Bác. Hình ảnh ngọn lửa hồng trong bài thơ cùng niềm vui của anh đội viên có nhiều ý nghĩa. Trước hết, đó là ngọn lửa sưởi ấm cho những chiến sĩ ngủ ngon giấc trong những đêm mưa lạnh lẽo. Ngọn lửa ấy còn là sự ấm áp, yêu thương của Bác dành cho quân dân cũng như của quân dân dành cho Bác. Nhưng hơn hết nữa, ngọn lửa ấy còn là ngọn lửa chiến đấu, quyết tâm chiến thắng quân thù, đem lại tự do cho dân tộc. Cuối cùng, có lẽ ngọn lửa ấy còn là ánh sáng của niềm tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc. Bài thơ đã khắc họa nhân vật Hồ Chí Minh rất mực cao cả nhưng lại vô cùng gần gũi. Qua đó thể hiện tình cảm quân dân thắm thiết và lòng kính trọng, yêu mến của anh đội viên, của toàn dân tộc hay chính là của tác giả với Bác Hồ. Về hình thức, bài thơ sử dụng nhiều yếu tố tự sự, miêu tả phù hợp với việc thể hiện nội dung kể chuyện về Bác; các biện pháp tu từ so sánh, ẩn dục, hoán dụ, điệp từ, điệp ngữ,... tô đậm được vẻ đẹp của hình tượng Bác Hồ. Qua bài thơ, em thu nhận được rất nhiều điều về Bác Hồ cũng như nhân dân ta thuở chiến tranh; khơi dậy trong em lòng yêu mến Bác và niềm tự hào dân tộc.


Bài 2: Chuyện cổ tích về loài người
Là một nhà thơ xuất sắc, Xuân Quỳnh đã có những tác phẩm vô cùng ấn tượng tiêu biểu phải kể đến là Chuyện cổ tích về loài người. Ngay từ tiêu đề, tác giả đã như muốn gợi dẫn về việc đưa chúng ta theo dòng thời gian đi từ khi được sinh ra ở những vùng đất sơ khai, dần dần trưởng thành cho tới khi cuộc sống phát triển văn minh từng ngày. Ở khổ thơ đầu tiên, khi ấy sự sống mới chỉ bắt đầu, trái đất còn hoang sơ "trụi trần", chưa có màu xanh, "không dáng cây ngọn cỏ". Thế nhưng trải qua năm tháng ở những khổ thơ tiếp theo, cuộc sống ngày một thay đổi khi mặt trời chiếu rọi ánh sáng khắp trái đất, đem lại sự sống cho muôn loài. Con người ngày càng trở nên đông đúc, cha mẹ, ông bà yêu thương và nuôi dưỡng trẻ em để chúng lớn lên trong những lời ru ngọt ngào. Gia đình ngày càng hoàn thiện, trí tuệ, sự hiểu viết của loài người, của thế giới “trẻ em” đi lên một bước tiến mới.  Nhờ "bố bảo", "bố dạy" mà trẻ em “biết ngoan”,  "biết nghĩ". Vạn vật xung quanh càng ngày càng trở nên rõ ràng và tươi sáng bởi chính những điều ấy, khi dần dần phát triển tiếng nói, chữ viết, có nền giáo dục. Đi theo đó là những trường lớp đào tạo và dạy dỗ trẻ em, rồi bàn, ghế, cái bảng, cục phấn, chữ viết, thầy giáo,.. Cuộc sống thay đổi diệu kì biết bao, loài người trên trái đất từng bước đạt được nền văn minh hoàn chỉnh. Bên cạnh việc khéo léo kể về sự phát triển của loài người, lòng yêu trẻ của tác giả được thể hiện trong bài thơ "Chuyện cổ tích về loài người" hết sức đằm thắm, nồng hậu. Trẻ em được mẹ sinh ra trong "tình yêu và lời ru", được "bế bồng chăm sóc". Trẻ em được "bố bảo cho biết ngoan - bố dạy cho biết nghĩ". Trẻ em được đến trường học tập, và mọi điều tốt đẹp nhất đều dành cho trẻ em. Bằng giọng thơ nhẹ nhàng, êm dịu chúng ta được dẫn dắt tìm hiểu về khởi nguồn của loài người với những hình ảnh vô cùng đát giá. Hóa ra, mọi vật xuất hiện trên trái đất đều là để làm cho cuộc sống của trẻ em, của con người trở nên tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó là lời khéo léo nhắn nhủ: hãy chăm sóc, thương yêu, dạy dỗ trẻ em và dành cho thế giới tuổi thơ mọi điều tốt đẹp nhất.
                  
                  
Bài 3: Lượm của Tố Hữu.
Bài thơ Lượm của Tố Hữu đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc hình ảnh một em bé thiếu nhi hi sinh vì nhiệm vụ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nội dung chính của bài thơ tự sự – trữ tình kể về cuộc đời ngắn ngủi nhưng rất anh dũng của chú bé liên lạc, hồn nhiên, nhí nhảnh, yêu đời, dũng cảm đã ngã xuống để bảo vệ sự bình yên cho chính mảnh đất quê hương mình. Về nghệ thuật, Tố Hữu chủ yếu sử dụng sử dụng từ láy, lối thơ tự sự, điệp từ, so sánh,… góp phần thể hiện hình ảnh Lượm – một em bé liên lạc hồn nhiên, vui tươi say mê tham gia công tác kháng chiến thật đáng mến, đáng yêu. Lượm xuất hiện với dáng người nhỏ nhắn, mang theo chiếc xắc xinh xinh vui sướng đi làm nhiệm vụ. Ngoại hình với đôi má ửng đỏ bồ quẩn, dáng đi thoăn thoắt, cái đầu nghênh nghênh, miệng huýt sáo vang,… đều tô đạm nét hồn nhiên ở chú bé. Thế nhưng giữa cánh đồng lúa chín, em nằm đó, máu chảy đỏ như hoàng hôn. Lượm đã hi sinh trên đường làm nhiệm vụ nhưng hình ảnh của em còn mãi với quê hương, đất nước và trong lòng mọi người. Bằng lời thơ bốn chữ giản dị, tác giả đã thể hiện thành công lớp người thiếu niên nhỏ tuổi yêu nước trong thời kì kháng chiến. 

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây