Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Viết bài nghị luận bày tỏ ý kiến của mình về phương châm Học đi đôi với hành.

Thứ ba - 13/12/2016 02:11
"Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy". Lời dạy ấy của Bác Hồ có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc học của chúng ta ngày nay. Tìm hiểu về phương châm này sẽ giúp mỗi chúng ta rút ra được cho mình một phương pháp học tập đạt hiệu quả cao.
Vậy học và hành có quan hệ với nhau như thế nào? Để trả lời câu hỏi này, trước hết ta phải hiểu nghĩa của hai từ học và hành. Học là tiếp thu kiến thức đã được tích luỹ trong sách vở, là nắm vững lí luận đã được đúc kết trong các bộ môn khoa học. Đồng thời tiếp nhận những kinh nghiệm của cha anh đi trước. Học là trau dồi kiến thức, mở mang trí tuệ, từng lúc cập nhật hóa sự hiểu biết của mình, không để tụt lùi, lạc hậu. Học là tìm hiểu, khám phá những tri thức của loài người nhằm chinh phục thiên nhiên, chinh phục vũ trụ. Học thuộc khía cạnh của lí thuyết, lí luận. Còn hành nghĩa là làm, là thực hành, là ứng dụng kiến thức, lí thuyết cho thực tiễn đời sống.

Cho nên học và hành có mối quan hệ rất chặt chẽ với nhau.  Học và hành là hai mặt của một quá trình thống nhất, nó không thể tách rời mà phải luôn gắn chặt với nhau làm một. Không thể chỉ có học mà không có hành. Khi đó những gì học được cũng chỉ là một mớ lí thuyết suông, vô dụng. Cũng không thể chỉ nghĩ đến việc hành mà không học. Những kiến thức đã được học, vận dụng một cách hợp lí sẽ phát huy đắc lực, giúp cho việc hành tốt hơn, đạt những kết quả cao hơn. Hơn nữa, nhờ có thực hành, chúng ta cũng được học thêm vô số những điều mới mẽ, bổ ích mà trước đó không một sách vở nào có thể dạy hết được.

Xác định mối quan hệ giữa học và hành, ta cần hiểu rõ “hành” vừa là mục đích vừa là phương pháp học tập. Một khi đã nắm vững kiến thức, đã tiếp thu lí thuyết mà ta không vận dụng vào thực tiễn, thì những kiến thức đã học chẳng là gì và học chẳng để làm gì cả. “Học mà không hành thì vô ích”. Học mà không hành được là do học không thấu đáo hoặc thiếu môi trường hoạt động.

Trong cuộc sống không thiếu những kẻ lúc đi học không chuyên chú nên lúc ra đời không làm gì được, bị mọi người khinh chê. Hoặc cùng có thể đó là do hậu quả của một cách học thuần lí luận, xa rời thực tiễn mà lúng túng khi thực hành, làm cho những lí thuyết học được trước đó cũng trở thành vô nghĩa. Ngược lại nếu hành mà không có lí luận chỉ đạo, lí thuyết soi sáng và kinh nghiệm đã được đúc kết dẫn dắt thì việc ứng dụng vào thực tiễn sẽ khó khăn, thậm chí có khi sai lầm nữa. “Hành” mà như thể rõ ràng là “không trôi chảy”. Đã có không ít trường hợp vô tình trở thành người phá hoại chỉ vì người đó “hành” mà không “học”.
 
Có thể nhận thấy một thực trạng đáng buồn đang diễn ra ở nước ta là sự xa rời giữa lí thuyết và thực tiễn làm cho cả công việc học hành và làm việc đều trở nên không hiệu quả. Sự thiếu liên kết giữa kiến thức với thực tiễn ở các trường phổ thông đã khiến các sinh viên tương lai không biết nên lựa chọn ngành học nào trước mùa thi. Đa số không biết sử dụng những kiến thức đã được học vào việc gì ngoài việc để... thi đỗ đại học, rồi sau đó như thế nào lại là một chuyện khác. Có những học sinh đạt kết quả học tập rất cao nhưng vẫn ngơ ngác khi bước vào cuộc sống, nhiều thủ khoa vẫn chưa biết liệu trường mình chọn vào thi đã thực sự đúng đắn chưa?.
 
Những trường hợp học sinh, sinh viên Việt Nam tham gia vào các cuộc thi mang tầm cỡ quốc tế có thể hoàn thành một cách xuất sắc phần thi lí thuyết nhưng lại lúng túng, thậm chí là bỏ cuộc khi bước vào thi thực hành không phải là không có. Trong khi đó, những thí sinh nước bạn, về lí thuyết có thể họ không xuất sắc bằng ta nhưng họ đã hết sức tự tin và thành công khi bước vào thi thực hành. Một phương pháp giáo dục tiến bộ và phù hợp giữa lí thuyết và thực tiễn đã đóng vai trò rất lớn góp phần tạo nên sự khác biệt đó. Không chỉ vậy, nhiều thầy cô giáo vẫn còn lúng túng trong việc áp dụng lí thuyết vào thực tiễn, hướng dẫn học sinh tìm tòi, khám phá lí thuyết qua thực tiễn... Kết quả là, cả thầy và trò vất vả “vật lộn” trong mớ kiến thức nhưng kết quả thu được lại không hề mang tính ứng dụng.
 
Từ thực tể ấy, chúng ta nhận thức được tầm quan trọng của “Học đi đôi với hành”. Nhưng chỉ thế thôi chưa đủ. Mỗi chúng ta cũng cần phải xác định được học để làm gì và học như thế nào? Không ít những người đi học mà không xác định được mình học để làm gì ngoài việc nghĩ rằng: cứ học là sẽ tốt; họ đã đi trên một con đường nhưng lại không biết nó dẫn tới đâu ngoài suy nghĩ rằng: cứ đi sẽ tới. Các học sinh sau khi thi đỗ vào đại học bắt đầu nghĩ rằng “thế là xong”, còn sinh viên đại học khi được tốt nghiệp ra trường rồi thì nghĩ rằng “thế là ổn”.

Khi chúng ta làm hay học một cái gì đó mà không có mục đích, nó dễ làm ta nản lòng và đi chệch hướng. Điều này tiếp tục giải thích vì sao lại xảy ra hiện tượng có những học trò giỏi thời phổ thông, nhưng sẵn sàng trở thành một sinh viên học kém khi học đại học; những thủ khoa đại học lại không phải là những người tài trong xã hội... Học ở đây không chỉ bó hẹp trong phạm vi nhà trường, không phải chỉ có kiến thức do thay cô truyền thụ. Còn có rất nhiều điều hay mới lạ trong cuộc sống mà ta cần phải học. “Những gì ta biết chỉ là giọt nước - Những gì ta chưa biết lại là đại dương bao la”.

Sự học rất mênh mông, không có giới hạn cho nên chúng ta phải học tập không ngừng, ở lứa tuổi nào cũng phải học - học ở nhà trường, gia đình, xã hội, học thầy, học bạn, học ở mọi nơi mọi chốn “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Hơn thế là học sinh ta cần phải có ý thức đúng đắn trong việc học, phải có thái độ học tập nghiêm túc, không học qua loa chiếu lệ, vừa học vừa chơi, Vào lớp phải chú ý nghe thầy cô giảng bài, ghi chép bài đầy đủ, về nhà phải học bài cũ, phải nghiên cứu bài mới, làm bài tập đầy đủ, không học theo kiểu học vẹt, học lí thuyết suông mà phải kết hợp lí thuyết thực hành. Phải biết vận dụng sáng tạo những kiến thức thầy cô truyền thụ vào bài tập thực hành. Có như vậy hiệu quả học tập mới được nâng cao. Mục đích giáo dục của chúng ta là phải có ích cho cuộc sống sau này.

Phải đáp ứng tất cả những kĩ năng cơ bản cần thiết, đồng thời cũng định hướng phân hóa học sinh. Và chính những sự liên hệ giữa lí thuyết với thực tiễn trong các môn học sẽ góp phần quan trọng vào quá trình hình thành tư tưởng học tập có chủ đích, hình thành các định hướng tư duy, sự quan tâm đối với các lĩnh vực tri thức của học sinh cho nghề nghiệp tương lai sau này.
 
Lựa chọn phương châm “Học đi đôi với hành” mỗi chúng ta sẽ thực sự tự tin khi bước vào cuộc sống để trở thành những người có ích cho xã hội.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây