Dân tộc Việt Nam từ xa xưa đến nay đã có truyền thống đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. "Thương người như thể thương thân" từ lâu đã trở thành đạo lí của dân tộc. Thế nhưng, dường như truyền thống tốt đẹp ấy ngày càng bị bào mòn đi theo sự phát triển của xã hội. Xã hội ngày càng phát triển, con người ta càng có xu hướng vun vén cho bản thân, gia đình mình mà thờ ơ trước những vấn đề của xã hội. Sự thờ ơ đó đã góp phần làm cho căn bệnh vô cảm vốn đã và đang có nguy cơ lan rộng, lại càng có điều kiện để lây lan mạnh hơn.
Nếu như ung thư là căn bệnh tàn phá thể xác thì vô cảm chính là căn bệnh tàn phá tâm hồn. Thật đáng buồn khi căn bệnh ấy ngày một lan tràn trong cái xã hội nhỏ bé, chật chội này. Bệnh vô cảm đã làm mất đi tình thương giữa con người với con người, “Dòng máu hồng hào nay đã trở thành dòng máu trắng” (Diệu Hương).
Nếu như ngày xưa, người xấu số chết bên đường, được người đi qua đắp cho một hòn đất và cắm cho nén hương thì giờ đây người ta thờ ơ trước nỗi đau của người khác. Đau xót làm sao khi trước một vụ tai nạn, nạn nhân bị tử vong, không một ai có ý định đắp cho kẻ bạc phước một mảnh chiếu hay cắm cho người xấu số một nén hương. Đâu đó thấp thoáng những lời bình phẩm "chết trẻ khỏe ma", “lại thích trèo lên nóc tủ ăn chuối xanh”. Người ta chen chân vào xem cho bằng được “người xấu số” ấy nhưng ít lắm những lời xót xa, an ủi, ít lắm những giọt nước mắt mà chỉ có những đôi mắt ráo hoảnh.
Tôi đã từng chứng kiến cảnh một tốp thanh niên đi vào viện thăm bố của một đồng nghiệp. Không một ai vào phòng thăm người bệnh, họ chỉ đưa túi hoa quả, bánh kẹo cho người nhà bệnh nhân rồi đứng ngoài bình luận: “Thế mà bảo bố nó ốm nặng lắm. Trông thế kia còn lâu mới chết”. Vô cảm!
Người ta vô cảm đến mức tự biến mình thành một người vô lương tâm, một người không có văn hoá. Điều đáng buồn là sự vô cảm ấy không chỉ đối với những người ngoài xã hội mà còn đối với cả những người thân trong gia đình, với cả người đã “mang nặng đẻ đau” mình. Có cô con gái học đại học rồi mẹ ốm mà không biết làm gì, khoác tay cậu bạn trai vào thăm mẹ với một túi mì tôm.
Cô xin các bệnh nhân cùng phòng một ít nước sôi, đổ vào bát mì rồi úp lại bảo mẹ: "Lúc nào mì nở hết, mẹ ăn nhé. Con không ăn được mì tôm, con đi ăn phở đây". Rồi cô gái vô tư kéo tay ban trai mình ra ngoài họ đi ăn phở ngoài phố. Cô gái không biết rằng mẹ mình ngồi quay lưng vào trong và lặng lẽ khóc. Bệnh vô cảm đã trở thành cái tội bất hiếu?. Không xét đến chuyện bất hiếu hay không, chỉ buồn trước cách cô con gái đã đối xử với người mẹ của mình - người đã sinh thành và nuôi dưỡng cô như ngày hôm nay.
Tình thương là cái quý giá của con người nhưng bệnh vô cảm đã làm mất đi phẩm chất ấy. Bệnh vô cảm đang lan tràn từ trong nhà ra ngoài phố, len lỏi vào từng ngõ ngách của xã hội. Bệnh vô cảm đã làm cho con người trở nên vô tri, vô giác trước nỗi đau của nhân loại.
Cơn bão Shangxhen đi qua để lại bao đau thương mất mát cho đồng bào miền Trung. Trên các trang báo điện tử liên tục cập nhật những tin tức mới, kèm theo đó là những hình ảnh và câu chuyện cảm động về số phận của những con người đang nằm trong vùng bão. Trong khi cả nước đang chung tay góp sức để bù đắp lại những tổn thất, thương đau của đồng bào mình thì ở một quán cà phê nọ, họ - những người Việt trẻ - trí thức cùng nhau bình phẩm và chê bai những bức ảnh chụp cảnh bà con nhận quà cứu trợ. Bên cạnh những chiếc điện thoại di động thời trang, những laptop sành điệu những người bạn ấy vô cảm trước nỗi đau của đồng bào mình. Ngày xưa khi còn đi học, ai cũng thuộc lòng câu ca dao “Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Bây giờ ngẫm lại mới thấy xót xa.
Mới đây thôi, chắc hẳn ai cùng biết em Bình (Hà Nội) bị hành hạ suốt 13 năm. Gia đình không biết, khu phố không biết và cả xã hội cũng không ai hay. Sự vô cảm đến lạnh nhạt, đến tê dại ngự trị trong mỗi người. Họ sợ rắc rối, sợ phiền toái để rồi trở thành một người vô cảm. Họ quay lưng đi trước nỗi đau, sự khốn khổ của người khác bởi vì không muốn "mua cái rắc rối vào người".
Hay vừa qua, tại một trường mầm non tư thục ở Đồng Nai, sự vô lương tâm và vô cảm đã khiến những em bé non dại, vô tội và thơ ngây bị đối xử như những con vật. “Trẻ em như búp trên cành” thế nhưng sự vô cảm trong lòng người lớn đã vùi dập những “búp non” ấy. Và càng đau đớn, xót xa thay khi gia đình, cha mẹ và xã hội biết nhưng không mấy ai dám lên tiếng. Sự vô cảm đã át đi tình người, tình đồng loại.
Bệnh vô cảm làm cho con người ta như một cái máy, làm việc nhưng không hề có cảm xúc. Con người cũng vì thể mà không thể hoà nhập với cộng đồng. Cuộc sống trở nên đơn điệu và tẻ nhạt.
Một người cán bộ Nhà nước vô cảm sẽ xa rời quần chúng nhân dân, không có trách nhiệm trong công việc, họ thờ ơ trước những bức xúc chính đáng, quyết định những chuyện liên quan đến cuộc sống của nhân dân mà không hề có tấm lòng, không có sự lo lắng, mặc cho dân ra sao thì ra, và cũng không hề lắng nghe ý kiến đóng góp của dân hoặc có nghe nhưng không bao giờ để ý. Sau việc thiếu hụt tiền cứu trợ lũ quét ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) lại đến việc báo cáo sai về việc xoá nhà tranh tre dột nát cho gia đình thương binh liệt sĩ ở Can Lộc, Thạch Hà. Chưa kể đến việc những người cán bộ ấy đồ lừa dối tỉnh, lừa dối Trung ương về khoản tiền trợ cấp, chưa kể đến việc họ là những người đại diện cho quyền lợi của nhân dân ở địa phương, họ vô cảm hay đúng hơn là vô ơn với những người đã hi sinh xương máu vì Tổ quốc, cho họ cuộc sống thanh bình ngày hôm nay.
Một bác sĩ vô cảm trong công việc không thể có tình thương với người bệnh. Và cũng vì vô cảm mà người bệnh không được chăm sóc chu đáo, hậu quả là cái chết đáng tiếc. Với trình độ y học ngày nay, bệnh viêm ruột thừa không phải là một căn bệnh quá khó chữa trị nếu được chuẩn đoán kịp thời. Thế nhưng, tại TP. Hồ Chí Minh đã có nhưng y bác sĩ vì vô cảm và vô lương tâm mà để bệnh nhân nằm chờ gần 30 tiếng đồng hồ dẫn đến cái chết tức tưởi. Người ta đã vô cảm đến mức, khi có kết quả của phòng khám kết luận là "viêm ruột thừa, cần nhập viện gấp để mổ, thì các bác sĩ lại cứ để cháu nằm chờ. Bên cạnh bệnh vô cảm, đó phải chăng còn là sự suy đồi về đạo đức, sự xuống cấp về y đức của các bác sĩ nói trên.
Đáng buồn hơn, bệnh vô cảm đang ngày một có xu hướng lây lan trong giới trẻ, đặc biệt là các bạn học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường. Ban đầu là sự vô cảm với kiến thức mình đang được học, Ngày xưa, người ta khóc vì thương nàng Kiều phải bán mình chuộc cha, ngày nay khi thầy giáo giảng đến đoạn “Hỡi ôi thân ấy biết là mấy thân” chỉ bắt gặp những cái lắc đầu ngán ngẩm cùng những cái ngáp dài ngáp ngắn. Học sinh bây giờ không thể cảm Kiều bởi vì vô cảm. Nhưng dần dần sau đó, lại là sự vô cảm với chính cuộc sống và việc học của mình. Có những học sinh điểm 1 không buồn, điểm 9,10 không vui bởi vì thực sự chúng đâu có quan tâm mình đang học gì và cũng chẳng ý thức được ý nghĩa của việc học ấy. Thật đáng lo ngại khi những chủ nhân tương lai của đất nước lại vô cảm với sự học khi mà đó chính là hành trang giúp chúng vững bước sau này.
Xã hội ngày càng phát triển, đời sống của đại bộ phận người dân càng được nâng cao. Và khi con người ta phải lao mình vào cái vòng xoáy cơm áo gạo tiền thì dường như tình cảm giữa người với người trở nên xa lạ và phản cảm hơn. Họ thờ ơ với tất cả, với cuộc sống xung quanh. Đôi lúc họ cảm thấy vô cảm, mòn mỏi với chính bản thân mình. Gần đây, hội chứng self-cut được nhiều các bạn trẻ coi là cách để giảm nhẹ nỗi đau tinh thần. Bằng những vật dụng như dao, kéo.,, họ tự làm đau bản thân để chạy trốn nỗi đau bằng ảo giác. Thế nhưng khi tự hành hạ bản thân, họ có chắc chắn rằng sẽ xoa dịu được nỗi đau tinh thần hay chỉ mang lại nỗi buồn, sự xót xa cho cha mẹ, những người thật sự yêu thương họ? Vô cảm với chính mình, với những người xung quanh, họ đang quay lưng lại với hạnh phúc, tình yêu thương vả sự quan tâm của gia đình, bạn bè, xã hội.
Người Việt Nam có truyền thống đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, thế nhưng cách sống ngày nay đang dần dần gặm nhấm những truyền thống ấy. Đi ra đường thấy lũ càn quấy không ai dám ngăn cản, thấy người khác bị đánh không ai dại gì bênh vực, trong công việc thì không ai dại gì đấu tranh mà ảnh hưởng đến công tác. Cái xấu vì thế càng nhiều, người xấu càng được đà mà lấn tới. Bệnh vô cảm đã trở thành căn bệnh của thế giới hiện đại. Đó là căn bệnh thờ ơ trước cuộc sống xung quanh, trước nỗi đau của người khác, trước những vấn đề chung của xã hội, đôi khi còn là sự thờ ơ với chính cuộc sống của mình. Xã hội vô cảm là một xã hội chết.
Bên cạnh những ngươi mang căn bệnh “lạnh tim” đáng sợ vẫn còn những trái tim nhân ái, biết xúc động trước những cảnh ngộ khó khăn, vẫn có những đôi mắt không hề ráo hoảnh trước đau thương và mất mát. Đó là cuộc “Hành trình nhân ái” của VNPT đã giúp cho bọn trẻ sống dập dềnh trên những thùng phuy ở bãi giữa sông Hồng, những người dân quanh năm sống qua ngày bằng ngô xay ở vùng Simacai (Lào Cai), cư dân của xóm vạn chài nghèo Vạn Hoà Xuân (Huế) có một cái Tết sớm và đầy đủ hơn. Đó là cuộc vận động kí tên "Xoa dịu nỗi đau da cam", là những đêm nhạc ủng hộ người nghèo, nạn nhân vùng bão lũ ... Những trái tim không vô cảm đã có cơ hội để san sẻ tình yêu thương của mình với đồng bào, với những mảnh đời bất hạnh. Những hoạt động ấy tuy mới chỉ đang "bước chập chững những bước đầu tiên" thế nhưng cũng đem đến cho ta niềm hi vọng vào một ngày mai, sức mạnh của lòng nhân ái sẽ đánh bật căn bệnh vô cảm đang ngày một lây lan trong xã hội.
Đất nước phát triển, nhưng cuộc sống của đồng bào mình vẫn còn khó khăn nhiều. Cần lắm những bàn tay, những khối óc góp sức xây dựng đất nước, cần hơn những tấm lòng nhân ái biết rung động, xót xa trước những hoàn cảnh kém may mắn. Thiết nghĩ, vô cảm có thể là một căn bệnh nhưng chắc chắn không thể biến thành đại dịch khi cuộc đời còn có những trải tim biết cảm thông, chia sẻ. Hãy tin rằng trong xã hội ngày nay hay dù ở bất kì thời đại nào, tình thương yêu giữa mọi người, giữa cộng đồng vẫn mãi mãi tồn tại chỉ có điều đôi khi nó vẫn ẩn nấp đâu đó sâu trong lâm hồn mỗi người. Hãy khích lệ lòng trắc ẩn và tình yêu thương có trong mỗi chúng ta từ lúc được cha mẹ sinh thành, để cùng hành động kiên quyết nói KHÔNG với bệnh vô cảm.