Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, ...
Trời đã bắt đầu đêm, một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát...
Tối hết cả con đường thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà ... Qua kẽ lá của cành bàng, ngàn sao vẫn lấp lánh ... Hai chị em còn nhìn theo cái dấu chấm nhỏ của chiếc đèn xanh treo trên toa sau cùng, xa xa mãi rồi khuất sau rặng tre ...
Hai đứa trẻ còn chứa đựng những chất thơ trong cuộc sống thường nhật. Truyện cấu tứ xung quanh tâm trạng, suy tưởng âm thầm, cụ thể là qua nhân vật Liên. Suy tưởng đó cũng chính là suy tưởng của tác giả, một con người tinh tế, dịu dàng, nhạy cảm trước mọi biến thái của trời đất và của lòng người, đặc biệt là lòng xót thương những kiếp người sống quẩn quanh, đói nghèo, tăm tối.
Có thể nói, Hai đứa trẻ là một bài thơ trữ tình đầy xót thương với nỗi buồn, với cuộc sống nghèo đói đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra, lặp đi lặp lại đều đặn. Tất cả mọi sinh hoạt ở phố huyện đều diễn ra trong bóng tối. Bóng tối như con quái vật nuốt chửng cuộc sống vốn đã thầm lặng vào miền tối tăm. Hình ảnh chuyến tàu đêm đi qua phố huyện cũng là một chi tiết rất thơ bởi nó là tình thương mà Thạch Lam muốn gửi đến cho nhân vật của mình. Chuyến tàu đó là ước mơ. Nhưng ước mơ vụt đến và vụt đi. Những mảnh đời nghèo khó đến xót xa được viết ra bằng những dòng thương cảm, bằng những rung động sâu lắng bên trong tâm hồn. Chính vì thế, có thế nói, Hai đứa trẻ là một bài thơ trữ tình đầy xót thương.