Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Cảm hứng về cái đẹp của nghệ thuật và con người qua tác phẩm Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân) và Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài (Nguyễn Huy Tưởng).

Thứ năm - 05/10/2017 09:57
Đối với lĩnh vực nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng, vòng xoáy của thời gian chính là thước đo khắc nghiệt nhất. Đó là một thử thách lớn lao của những người cầm bút, là điều kiện để quyết định sức sống của một tác phẩm nghệ thuật. Trên từng bước đi chậm rãi của thời gian, bên cạnh những tác phẩm bị chìm sâu vào đáy vực của sự lãng quên thì vẫn tồn tại những tác phẩm có khả năng vươn lên mạnh mẽ trước những cơn bão táp và tỏa sáng rực rỡ bằng sức sống của mình cho đến ngày hôm nay. Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân cùng Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài của Nguyễn Huy Tưởng chính là hai luồng sáng rực rỡ của văn học đã được khẳng định bởi thời gian. Với những quan niệm về nghệ thuật và nhân sinh sâu sắc của mình, hai tác giả đã gieo vào lòng người đọc những nỗi trăn trở khôn nguôi về “cái đẹp nghệ thuật”, đặt ra trong lòng người ta những câu hỏi mang tính thời đại.
Có người mất cả cuộc đời để mải mê đi tìm cái đẹp, có người chấp nhận hi sinh cả kiếp người chỉ để tìm một định nghĩa vẹn tròn cho cái đẹp. Thế nhưng, cái đẹp nào phải công thức toán học, buộc người ta phải chấp nhận dựa trên sự khách quan? Cái đẹp nằm trong chủ quan mỗi con người, tùy theo thước đo thẩm mĩ và cách đánh giá của con người đó. Cùng một phong cách, một hình thức nhưng người ta có thể có những ý kiến đa chiều để bàn luận về quan điểm của mình đối với hình thức đó. Tuy nhiên, để thông qua con mắt chủ quan của người nhìn, cái đẹp phải tồn tại hài hòa hai yếu tố nội dung và hình thức. Về khía cạnh nội dung, cái đẹp phải là cái có ích cho con người, cho sự vật khi ta xét trên mối quan hệ của nó với thiên nhiên, con người, về khía cạnh hình thức, cái đẹp là cái có hình thức tốt, dễ nhìn và phù hợp với quan điếm thẩm mĩ của loài người. Chính nhờ những yếu tố trên, cái đẹp hoàn toàn có khả năng khơi dậy trong lòng ta những rung cảm, khiến tâm hồn ta say mê và sai khiến ta hướng về những cái cao thượng, những mục đích tốt đẹp. Đó là trong cuộc sống. Cái đẹp trong văn học còn cao cả hơn thế nửa. Chính trong văn học và chỉ có trong văn học, cái đẹp mới đưa người ta tới một con người đúng đắn, hướng người ta tới một “chân - thiện - mĩ”, đem đến cho người ta một ý nghĩ để tồn tại. Cái đẹp nghệ thuật là một sự thăng hoa trong tâm hồn người sáng tác, chính vì vậy những tư tưởng, tình cảm, những quan điểm tốt dẹp đều được tác giả thổi vào tác phẩm để làn gió ấy mang đến cho người đọc một sự rung cảm chân thành, một tình yêu đời nồng nàn. Để làm được điều ấy, tác phẩm văn học bắt buộc phải đáp ứng đầy đủ hai yêu cầu cơ bản: Nội dung và hình thức. Nếu ta xem hình thức chính là lớp áo ngoài đẹp đẽ thì nội dung được xét đến ở những phẩm chất bên trong. Nội dung chính là đề tài, là tư tưởng, là tấm lòng của tác giả. Hình thức là những biện pháp tu từ, cấu trúc từ ngữ, ... gọi chung là cách thể hiện của tác giả đối với một nội dung đã chọn. Hai yếu tố này có mối quan hệ tương tác với nhau nhưng yếu tố quyết định chính là nội dung. Nội dung quy định một hình thức thích hợp để thể hiện. Bên cạnh đó, cách người viết thể hiện ý tưởng của mình trên trang giấy chính là một yếu tố luôn luôn được chú ý khi người ta khám phá tác phẩm và sau đó là đánh giá tác phẩm. Như vậy, cái đẹp nghệ thuật là sự hòa quyện giữa hai yếu tố trên, thiếu một trong hai thì tác phẩm không thế tồn tại được.
 
Đại văn hào Nga Lép Tôn-xtôi từng nói rằng: “Tác phẩm nghệ thuật hay hay dở tùy thuộc vào điều nhà văn nói ra, cách anh ta nói và anh ta nói có thật lòng không?”. Đúng như vậy “điều nhà văn nói ra” là điều kiện tiên quyết để cấu thành một tác phẩm hay. “Văn học và dời sống là hai vòng tròn đồng tâm”, cuộc sống là nơi bắt đầu và cũng là nơi hướng đến của văn học. Vì thế, nội dung của văn học là một thành phần hợp nhất với cuộc sống, tức “điều nhà văn nói ra” phải là một điều xuất phát từ cuộc sống được sao chụp y nguyên mà ta là một khía cạnh cuộc sống bị chi phối bởi lãng kính chủ quan của tác giả. Vì sự đa dạng, phong phú của mình mà cuộc sống luôn luôn là nguồn cảm hứng dồi dào và bất tận cho những người “nghệ sĩ của ngôn từ”. Bên cạnh đó, văn học lấy chất liệu từ cuộc sống mà con người với các mối quan hệ tổng hòa lại là trung tâm của đời sống xã hội cho nên ta thấy giữa văn học và con người phải có sự gắn bó mật thiết. Nói cách khác, “cái đẹp nghệ thuật”“con người” luôn có mối quan hệ tương tác hai chiều với nhau, hòa lẫn với nhau để cùng làm rực lên ánh sáng của một tác phẩm nghệ thuật. Để tạo nên một tác phẩm đẹp, nhà văn luôn tìm kiếm những nét đẹp xung quanh con người, nét đẹp ẩn chứa trong con người và hướng về con người. Sau khi kết thúc một tác phẩm, giá trị của tác phẩm ấy cũng được thể hiện ở chỗ: Nó thể hiện được quan niệm nhân sinh gì? Nó đem đến những gì cho cuộc sống của con người? Nếu tác phẩm có thể trả lời được hai câu hỏi ấy thì nó mới có thể đứng vững trên chốn văn đàn để tô đậm thêm tôn tuổi của người sáng tác, để người tiếp nhận muôn thuở vẫn đắm chìm trong những ý nghĩa sâu xa của tác phẩm. Cái đẹp nghệ thuật là ở đó, ở con người, ở những tư tưởng tốt đẹp hướng con người tới ba đỉnh cao chân - thiện - mĩ như Nguyễn Minh Châu từng khẳng định: “Văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người. Mỗi tác phẩm văn học chỉ là một lát cắt, một tờ biên bản của một chặng đời sống con người ta trên con dường dài dằng dặc di đến cõi hoàn thiện.”.
 
Có nội dung, có tư tưởng tức là nhà văn đã có cái tâm, một tâm hồn tinh tế đủ để thấy được những nét đẹp dù ẩn chứa sâu trong tâm hồn con người. Tuy nhiên, nếu chỉ có “tâm” thì hoàn toàn chưa đủ. Cái “tài” của tác giả cũng có những đóng góp không nhỏ trong yếu tố thành công của một tác phẩm. Điều khó ở đây là người sáng tác phải biết vận dụng hết vẻ đẹp ngôn từ để tạo lập một hình ảnh mang tính biểu tượng cho tư tưởng của mình. Biểu tượng đó sẽ làm người tiếp nhận văn bản có ấn tượng sâu sắc với tác phẩm. Như Nguyễn Du, với Truyện Kiều ông đã làm hàng vạn người không chỉ phải phục cái tâm mà đồng thời còn phải nể cái tài của ông. Dù bao nhiêu thế kỉ trôi qua, người ta vẫn xót thương một cô Kiều “hồng nhan bạc phận”, người ta vẫn thách đố nhau rằng: “Đố ai có đủ tài để thay thế dù chỉ một chữ của cụ Nguyễn Du” đấy thôi! Khi một nội dung tốt tìm được mình trong một hình thức thích hợp, tác phẩm nghệ thuật sẽ tìm được chỗ đứng của mình trong vườn hoa nghệ thuật và cũng từ đây, những cái đẹp thật sự đầy tính nhân văn sẽ ra đời, làm cuộc sống con người càng thêm đẹp đẽ.
 
Vượt qua màu xám của lí thuyết, ta hãy cùng tìm đến màu xanh của cây đời trong những tác phẩm văn học đã từng trường cửu với thời gian. Tìm đến một Huấn Cao, người đeo gông đang dặm tô nét chữ, tìm đến Vũ Như Tô ánh mắt rực lên ngọn lửa Cửu Trùng Đài, chúng ta sẽ thấy được một dấu gạch nối giữa “nghệ thuật” “con người”, hai khái niệm tuy riêng biệt nhưng lại tạo nên một thể thống nhất không thể nào tách ra được.
 
Bắt đầu với Huấn Cao, ta thấy được hình ảnh tuyệt đỉnh mà Nguyễn Tuân đã dùng hết tất cả “tâm”“tài” để tạo nên. Mọi thứ Huấn Cao có được đều là tuyệt đỉnh của cái đẹp: Một tài cao vời vợi, một nhân cách sáng ngời. Cái tài ấy đâu chỉ ở võ nghệ siêu phàm ít ai bì kịp, đâu phải chỉ có ở những lần bẻ khóa vượt ngục. Cái tài của ông Huấn trên hết tất cả là nét chữ thanh cao: “Chữ ông Huấn đẹp lắm, vuông lắm”. Nét chữ ấy là những gì tinh túy nhất, trong sáng nhất của tâm hồn người tử tù. Với nghệ thuật miêu tả bậc thầy của mình, Nguyễn Tuân đã nâng cái đẹp của nét chữ Huấn Cao lên tới mức tối đa, đến nỗi mà: “Có được chữ ông Huấn như là có báu vật ở trên đời vậy.”. Cũng đẹp như nét chữ ấy, nhân cách Huấn Cao lồng lộng hơn cả bóng của một toà lâu đài sừng sững, rộng lớn. Ý thức được tài năng của mình, Huấn Cao ra sức giữ gìn, bảo vệ, trân trọng cái đẹp. Đồng tiền, quyền lực, ngay cả mạng sống cũng không thể bắt người anh hùng trao đi nghệ thuật - thứ quý giá mà cả một đời người theo đuổi. Huấn Cao xem “Địa hạt duy nhất mà thiêng liêng dược thấy rõ đó là nghệ thuật, mặc dù người ta dặt cho nó cái tên gì cũng được”, vì thế ông quyết không để nghệ thuật rơi vào tay của những kẻ ông cho là nhem nhuốc, hôi tanh máu người. Cho dù được biệt đãi, Huấn Cao bất chấp mạng sống mà mắng chửi viên quản ngục, đuổi ông ra khỏi buồng giam. Điều này thể hiện nhân cách của một con người. Khí phách của Huấn Cao xứng đáng là khí phách của bậc trượng phu trọng khí, trọng nghĩa. Điều bất ngờ mà tác giả đã tạo ra là cho dù xuất thân từ hai môi trường khác nhau, đại diện cho hai lí tưởng đối lập nhau hoàn toàn, đến với nhau với hai tư cách đối nghịch nhưng tấm lòng yêu cái đẹp của Huấn Cao và viên quản ngục vẫn gặp nhau và tỏa sáng. Trong giờ khắc sinh tử, Huấn Cao tìm được người tri âm tri kỉ của đời mình. Cái đẹp một lần nữa lặp lại ở dây, ở hai tâm hồn thánh thiện, trong khiết. Thế rồi, “một người tù cổ đeo gông, chân vướng xiểng đang dặm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván..”. Trong không khí nhà giam, Huấn Cao sẵn sàng ban phát đi nghệ thuật mình tạo ra, không phải ở đâu khác, không phải ở thư phòng uy nghiêm, không bàn viết tử tế, ngay cả người viết cũng không được tự do, cái đẹp xuất hiện trong một nhà lao đích thực! Qua đó, ta thấy được quan niệm về cái đẹp của Nguyễn Tuân: Cái đẹp có ở mọi nơi, có thể nảy sinh trong bất kì hoàn cảnh nào và cái đẹp cũng không bao giờ bị khuất phục trước uy quyền cùng đồng tiền phàm tục. Cái đẹp xứng đáng được tôn thờ và người sáng tạo ra cái đẹp luôn có thể vượt khỏi mọi trói buộc thể xác để trở thành người tự do nhất, một cái đẹp không giới hạn, không khoảng cách, ở những “cái bình thường trong cái phi thường, cái phi thường trong cái bình thường”, Nguyễn Tuân đem đến một hình tượng cái đẹp thanh cao, mang con người đến gần con người hơn, xóa bỏ khoảng cách giai cấp, xỏa bỏ mọi vị trí xã hội, địa vị, danh lợi. Dưới chân cái đẹp, Huấn Cao và viên quản ngục không còn là hai kẻ khác chủ, hai người khác chí hướng, đại diện cho hai thế lực đối đầu nhau. Đối với họ, hướng về cái đẹp, hướng về cái cao cả nhất là một lí tưởng chung. Ngày mai, cho dù Huấn Cao có phải đi vào cõi vĩnh hằng, dù sự nghiệp của ông không thể tiếp tục nữa thì cái đẹp ông tạo ra vẫn luôn trở nên bất tử, vĩnh hằng với thời gian. Con người có thể chết nhưng cái đẹp không bao giờ chết, cho dù nó có thể được sinh ra trên mảnh đất chết.
 
Một học giả người Đức có lần đã nói: “Một tòa lâu đài đẹp không thiết yếu bằng một thánh đường” để nói rằng cái đẹp phải là cái có ích. Vậy Cửu Trùng Đài của Vũ Như Tô đã từng xây nên có phải là một trường hợp như thế chăng? Một tòa lâu đài đẹp nhưng vô ích? Ta hãy cùng Vũ Như Tô quay ngược dòng thời gian để trở về với lúc Cửu Trùng Đài đang xây. Ngoài đài, Vũ Như Tô ánh mắt sáng ngời niềm tin, dưới chân đài, xác người chất đống. Vua Lê Tương Dực tấm tắc ngợi khen tài, bá tánh con mất cha, vợ mất chồng, mẹ đỏ mắt chờ tin đứa con đang đi xây thành. Một Cửu Trùng Đài xây xong, hàng vạn nhà dân sụp đổ. Những điều tương phản nhau như thế cho ta thấy Cửu Trùng Đài và lợi ích con người hoàn toàn đối lập nhau, muốn con người tồn tại thì đài Cửu Trùng phải bị phá bỏ, còn nếu đài Cửu Trùng tồn tại thì sẽ còn biết bao nhiêu người chết, kẻ lầm than. Đài Cửu Trùng nguy nga vô hình chung đã trở thành một biểu tượng cho chế độ phong kiến thối nát mà người người thù hận. Bao nhiêu công sức, tiền của dốc vào xây thành chỉ để đối lấy một nơi cho vua ăn chơi, hưởng lạc để cuối cùng một đài Cửu Trùng xây xong dù tráng lệ, lộng lẫy, dù có thể “tranh tinh xảo với hóa công” thì vẫn chỉ còn lại tro bụi mà thôi. Tuy nhiên, Cửu Trùng Đài cũng vẫn được xem là một kiệt tác nghệ thuật có một không hai và người sáng tạo ra nó vẫn tồn tại với tư cách một người nghệ sĩ chân chính. Chỉ tiếc rằng tác phẩm ấy ra đời không đúng lúc, chỉ tiếc rằng quan niệm của kẻ nghệ sĩ bạc mệnh quá ư là thuần túy nên không phù hợp với thời đại mà thôi! Đài Cửu Trùng, một mặt là một công trình kiến trúc mà tầm vóc không chỉ tính bằng lượng gỗ cây, đá khối dù những con số ấy nghe qua cũng đủ làm người ta giật mình: “hai trăm vạn cây gỗ chất đống cao như núi, toàn những gỗ quý vô ngần”, “hai mươi vạn phiến đá lớn, bốn mươi vạn phiến đá nhỏ từ Chân Lạp tải ra” ... Tầm vóc của nó phải được hình dung bằng chính tầm vóc ý tưởng, khát vọng ngạo nghễ của con người dồn cả tâm huyết và sức lực để tạo ra nó - một kì quan được kì vọng là sẽ bền vững, bất diệt. Với số chín trong “Cửu Trùng”, Vũ Như Tô muốn cho người ta thấy được sự tuyệt mĩ của tòa đài. Theo quan niệm phương Đông, số chín là số cao nhất, trọn vẹn nhất, hứa hẹn một đài Cửu Trùng đạt đến mức tinh xảo nhất, vững chắc nhất. Bằng tác phẩm này, tâm huyết của người nghệ sĩ mang tên Vũ Như Tô cùng tài năng của ông đã được tập trung cao độ nhất. Cả đời ông chỉ thực hiện ước mơ của người làm nghệ thuật chứ không bán nghệ thuật. Trớ trêu thay, hoài bão của một nghệ sĩ chân chính lại đi ngược với lợi ích của dân tộc, một công trình vươn lên từ xương máu người không được xã hội chấp nhận. Nghệ thuật mà Vũ Như Tô đem lại càng làm tăng cao sự phân chia giai cấp, tách con người ra xa con người hơn. Đây là tấn bi kịch không lối thoát của người nghệ sĩ. Chính Vũ Như Tô đã bỏ qua yếu tố hiện thực nên ông phải chấp nhận một thất bại đau thương. Từ đó, ta thấy nghệ thuật và hiện thực không bao giờ tách khỏi nhau được, một tác phẩm không được xây dựng trên nền tảng là tình thương nhân loại sẽ khó mà được thời đại chấp nhận. Quan niệm duy mỉ mù quáng đã làm Như Tô phải trả giá quá đắt, ông phải trả bằng mạng sống của mình và cao hơn nữa là tiêu tan giấc mộng của cả một đời người. Mãi đến lúc lìa đời, Như Tô nào biết mình đã làm gì sai. Mà ngay cả Nguyễn Huy Tưởng - người cha đẻ của nhân vật Vũ Như Tô - cũng vẫn không thể đưa ra câu trả lời dứt khoát: “Đài Cửu Trùng không thành, nên mừng hay nên tiếc? [...] Than ôi, Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải? Ta chẳng biết! Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm.
 
Qua hai tác phẩm trên, người đọc thấy được một quan điểm rõ ràng về nghệ thuật: nghệ thuật bất diệt phải là nghệ thuật vì con người, hướng tới con người. Cùng một tấm lòng yêu cái đẹp, cùng tạo ra được những tác phẩm tuyệt mĩ, cùng tìm được người tri âm tri kỉ để sẻ chia những hoài bão lớn lao, thế nhưng nghệ thuật của Huấn Cao tạo ra đi vào cõi vĩnh hằng còn nghệ thuật của Vũ Như Tô lại sớm tan thành tro bụi âu cũng là do hai chữ “nhân sinh”. Nghệ thuật đích thực hướng người ta tới “chân”, tới “thiện”, tới “mĩ” vậy mà Cửu Trùng Đài nào có được cái “thiện” - một trong ba đỉnh ấy? Nếu hiểu nghệ thuật theo một cách quá thuần túy thì cái đẹp mà người nghệ sĩ tạo ra chỉ được người ta đón nhận khi đã đáp ứng đầy đủ những cơ sở vật chất cho cuộc sống mà thôi. Vũ Như Tô “tài bất phùng thời” một đời sống vì nghệ thuật lại bị chính căn bệnh quá đam mê cái đẹp hủy hoại cả cuộc đời, ai mà không xót xa, không thương cảm? Dẫu biết rằng con người là nguồn gốc của một tác phẩm nghệ thuật vững bền nhưng ta vẫn không khỏi chạnh lòng bởi cái chết đau thương của người kiến trúc sư bạc mệnh, bởi đó không chỉ là cái chết của thể xác mà còn là cái chết của tâm hồn khi đài Cửu Trùng tan dần trong ngọn lửa căm hờn của lớp lớp người trong xã hội bấy giờ. Từ bài học của Như Tô, người sáng tác nghệ thuật luôn cần ý thức được rằng tác phẩm nghệ thuật do mình tạo ra phải xóa bỏ khoảng cách giữa người với người, mang người gần người hơn chứ đừng nên tạo thêm một khoảng cách nào nữa. Nghệ thuật chân chính sẽ luôn tồn tại như nét chữ của Huấn Cao: luôn đẹp rực rỡ dù nảy sinh ở bất cứ nơi đâu, luôn đẹp mãi với thời gian dù người tạo ra cái đẹp có phải kết thúc quãng đời hữu hạn của mình.
 
Như Tô Hoài đã nói: “Mỗi trang văn đều soi bóng thời dại mà nó ra đời”, hai thời đại của một dân tộc đã được phản ánh qua hai tác phẩm trên. Dù hai thời đại ấy đã đi qua chúng ta như những gì thuộc về quá khứ nhưng cho đến nay, quan niệm về cái đẹp đích thực ấy vẫn không hề lạc hậu. Nguyễn Tuân qua Chữ người tử tù đã cho người ta thấy một văn phong rất Nguyễn Tuân, rất tài hoa, phá cách, còn Nguyễn Huy Tưởng, chẳng phải qua tác phẩm này ông đã thay Vũ Như Tô đưa nghệ thuật đến cõi bất diệt đấy sao? Câu hỏi nghệ thuật nên “vị nghệ thuật” hay “vị nhân sinh” có lẽ vẫn sẽ là nỗi trăn trở của nhiều thế hệ nhưng qua hai tác phẩm mà chúng ta đã tìm đến, mối quan hệ mật thiết giữa nghệ thuật và hiện thực, nghệ thuật và con người luôn là một điều không ai phủ nhận được.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây