2. Phân tích
a. Thể thơ: Bài thơ Tây Tiến được viết bằng thể thơ 7 chữ - thể hành. Mỗi đoạn thơ đều có sự đan xen vần bằng và vần trắc. Các đoạn thơ có số câu không giống nhau: 14/8/8/4. Chính sự lựa chọn thể thơ này làm cho Tây Tiến có được một nhạc điệu cổ kính, có vẻ khắc khổ nhưng thực chất lại phóng túng bay bổng.
b. Ngôn ngữ thơ:
- Ngôn ngữ tạo hình độc đáo: từ ngữ của Quang Dũng như chạm, như khắc trong từng nét vừa bạo khoẻ, vừa tinh tế: dốc “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, “heo hút cồn mây”, “thác gầm thét”, “cọp trêu người”, “ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”, “dáng người trên độc mộc trôi dòng nước lũ”, “hoa đong đưa”...
- Cách chuyển nghĩa từ đầy sáng tạo bất ngờ, tạo nhiều liên tưởng rộng: “chơi vơi” thường bổ nghĩa cho danh từ, ở đây lại bổ nghĩa cho động từ gợi nỗi nhớ mông lung chập chờn “nhớ chơi vơi”, cách kết hợp từ “mùa em” thật giàu sức gợi - mùa lúa chín, mùa nếp thơm cũng là mùa em dịu dàng thơm thảo. Từ mùa mà cảm nhận về em, từ em mà hình dung về mùa là cách nhìn vừa lãng mạn trẻ trung lại vừa độc đáo của Quang Dũng.
- Thanh điệu, nhịp điệu biến hoá khác thường: xen kẽ giữa những cấu trúc trắc nặng nề là những câu thơ toàn thanh bằng - hầu hết là không dấu thanh đọc lên ngân nga, êm nhẹ. Sau một đoạn thơ tả những gian nan vất vả lại chốt lại bằng một câu thơ toàn thanh bằng êm nhẹ góp phần biểu hiện cái êm nhẹ ở trong và ở sau cái nặng nề, cực nhọc nguy nan - Lối cảm nhận và thể hiện rất riêng của những con người có tâm hồn lãng mạn.
- Ngôn ngữ vừa chân thực, táo bạo lại vừa lãng mạn: Những chữ dùng đậm chất lính “súng ngửi trời”, “mắt trừng”, “bỏ quên đời”, “cọp trêu người”, “đoàn binh không mọc tóc” tạo một ý vị đậm đà về đời lính. Những từ Hán Việt như “biên cương” “viễn xứ”, “áo bào”, “độc hành” xuất hiện hợp lí tạo ra cái tính diệu nghiêm trang cổ kính phảng phất truyện tráng sĩ xưa. Sự xuất hiện vô cùng đắc địa của lớp từ địa danh như “Sài Khao”, “Mường Lát”, “Pha Luông”, “Mai Châu”, “Mường Hịch”, “Châu Mộc”, “Sầm Nứa” ... gây ấn tượng về một không gian hoang sơ, xa ngái. Mỗi tên đất đều như giấu trong mình một bí mật riêng, kích thích mạnh trí tưởng tượng và khơi dậy khát khao khám phá của độc giả. Có thể nói, mọi kiểu vận dụng từ ngữ trong bài thơ đều mang ý nghĩa nghệ thuật đích đáng, tạo hiệu quả thẩm mĩ lớn. Sự pha trộn giữa các lớp từ không hề ngẫu nhiên, không gây phản cảm, ngược lại đã phản ánh được những nét cơ bản trong không khí trận mạc một thời và phẩm chất vừa can trường mạnh mẽ, vừa lãng mạn tình tứ của những người lính Tây Tiến.
c. Xây dựng hình ảnh
Có hình ảnh được tạo nên bằng những nét chạm khắc gân guốc rạch ròi (hình ảnh dốc và người leo dốc), lại có những hình ảnh được gợi ra bằng những nét chấm phá, phóng khoáng mà tinh tế (hồn lau nẻo bến bờ dáng người trên độc mộc trôi dòng nước lũ, hoa đong đưa). Để tạo được những hình ảnh đầy chất thơ, tác giả ít sử dụng lối miêu tả chi li cùng loại cú pháp khúc chiết, minh bạch mà thường dùng kiểu câu tỉnh lược, lung linh chập chòi giữa khả giải và bất khả giải. Mặt khác, bên cạnh những từ ngữ mang chức năng định danh, tạo hình sự vật, tác giả thường ghép vào những từ chỉ một trạng thái cảm xúc nào đó “nhớ ôi” “có nhớ” “có thấy”. Chính cách làm này đã tăng ý vị trữ tình của hình ảnh, khiến nó “phất phơ” “chòng chành” “đong đưa” mãi trong trí tưởng tượng của người đọc, khiến hình ảnh trở nên chuyển động và có hồn: súng hếch mũi ngửi trời, thác oai linh cất tiếng gầm thét rung chuyển cả núi rừng, hoa đong đưa, hồn lau phơ phất, sương dâng lên phủ lấp, đuốc lung linh hiện về, cơm lên khói, hương nếp xôi lan toả...
d. Thế giới hình tượng
+ Bức tranh núi rừng Tây Bắc vừa hoang vu, vừa hùng vĩ, vừa mĩ lệ trong một không gian ba chiều lạ lẫm, độc đáo: chiều lên cao ngất ngước mãi lên cao không có điểm dừng “dốc thăm thắm”, “ngàn thước lên cao”, “heo hút cồn mây súng ngửi trời”. Chiều xuống cũng gợi gian khổ hiểm nguy chẳng kém: “ngàn thước xuống” từ đỉnh núi, lưng chừng là “thác gầm thét” và tận cùng là mặt sông dữ dội “gầm lên khúc độc hành”. Chiều ngang của không gian mở ra bao la bát ngát trong mưa mù và sương núi mà “nhà ai” đầy phiếm chỉ ở xa xôi chỉ như một dấu chấm nhoè. Trong không gian ba chiều ấy, núi rừng Tây Bắc hiện lên vừa hoành tráng, hùng vĩ, hiểm trở đến kì lạ, vừa thơ mộng huyền ảo, rực rỡ lung linh đến kì lạ mà vẫn không hiếm những nét bình dị, gần gũi thân quen lạ lùng. Quang Dũng đã thâu tóm được trọn hình tượng thơ, mọi nét độc đáo nhất của không gian Tây Bắc và trở thành người mở đầu cho cái mạch nguồn không gian đầy lạ lẫm này (4 năm sau, ca khúc Qua miền Tây Bắc mới ra đời, những năm 60 mới xuất hiện Sông Đà của Nguyên Tuân, Lên miền Tây của Bùi Minh Quốc, Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên nối tiếp các mạch nguồn cảm hứng đó).
+ Hình tượng người lính Tây Tiến oai dữ mà tinh nghịch, hào hoa mà cũng rất anh hùng, oai dữ trong diện mạo “không mọc tóc”, dáng vẻ “dữ oai hùm”, tư thế “không bước nữa” “bỏ quên đời”. Tinh nghịch trong cách hếch mũi súng “ngửi trời”. Hào hoa trong những cảm xúc mộng mơ lãng mạn về vẻ đẹp của đêm hội vùng cao, của hoa cảnh và hoa người (hoa về, hội đuốc hoa, hoa đong đưa, em xiêm áo). Trong nỗi nhớ khắc khoải một dáng kiều thơm Hà Nội. Anh hùng trong quyết tâm chiến đấu “chẳng tiếc đời xanh”, trong cái chết làm rực sáng lên một tinh thần bất tử “áo bào ... độc hành”. Có thể nói, lần đầu tiên trong văn chương, Quang Dũng đã khắc hoạ được một cách đặc sắc hình ảnh người lính lãng mạn hào hoa mà cũng anh hùng có xuất thân thành thị, cảm hứng lãng mạn cách mạng đó đã thống nhất được các mặt hầu như đối lập giữa dữ dội và hào hoa, mơ mộng và anh hùng để từ đó nêu bặt lên hào khí của lớp thanh niên trong một thời kì lịch sử đặc biệt.
3. Tổng kết
+ Tây Tiến là sự kết tinh hoàn hảo của cảm hứng lãng mạn anh hùng và bút pháp tài hoa. Ngòi bút Quang Dũng dù là tả người hay dựng cảnh, lựa chọn từ ngữ hay kiến thiết âm hưởng đều vô cùng độc đáo. Bởi thế, bài thơ đọc lên một lần đã gây ấn tượng mạnh mẽ, càng đọc càng phát hiện ra những điểm tạo hứng thú để có thể neo đậu lâu trong lòng người đọc.
+ Bút pháp nghệ thuật độc đáo đã giúp Quang Dũng chuyển tải được trong bài thơ vẻ đẹp lãng mạn và bi tráng của cuộc sống và con người một thủa.