Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích những đặc sắc nghệ thuật của ngòi bút Tô Hoài trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ.

Thứ năm - 19/12/2019 12:40
Hướng dẫn làm bài:
1. Giới thiệu
- Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ nằm trong tập Truyện Tây Bắc - kết quả của chuyến đi thực tế 8 tháng cùng bộ đội vào giải phóng Tây Bắc 1952. Tập truyện đã nhận được giải nhất về truyện kí của Hội văn nghệ Việt Nam 1954 - 1955.
- Vốn sống và tình yêu với miền đất Tây Bắc đã thôi thúc Tô Hoài viết về đề tài Tây Bắc. Song để dựng lại một cách chân thực và sinh động bức tranh về cuộc sống, con người Tây Bắc với những sắc thái riêng của vùng đất này phải kể đến sự góp mặt của những biện pháp nghệ thuật đặc sắc ở ngòi bút Tô Hoài.
2. Phân tích
a. Nghệ thuật tả cảnh
a.1. Mục đích: Làm nổi bật chất Tây Bắc. Ở bề nổi, chất Tây Bắc bộc lộ rõ nhất qua những nét dặc sắc của thiên nhiên, của cuộc sống sinh hoạt với những phong tục, tập quan vừa mang đậm bản sắc văn hoá vùng cao vừa không ít những dấu hiệu của lối sống còn mông muội, lạc hậu.
a.2. Đối tượng và cách thức cụ thể
- Cảnh sắc thiên nhiên:
+ Chọn thời điểm: thời điểm tết đến, xuân về là lúc Tây Bắc đẹp mất với sự gặp gỡ của cái bừng nở ở thế giới tự nhiên với cái bừng nở trong tâm hồn của con người.
+ Cách thể hiện: kết hợp giữa tả và gợi, xây dựng quan hệ tương đồng, hài hoà giữa cảnh thiên nhiên và cảnh sinh hoạt của con người đã tạo lên sức hấp dẫn của bức tranh thiên nhiên Tây Bắc: sắc màu của thiên nhiên và sắc màu cuộc sống đã hoà quyện vào nhau (“khi cỏ gianh vàng ửng, hoa thuốc phiện nở đỏ, nở tím trên núi cao cũng là khi những chiếc váy hoa sặc sỡ được phơi trên mỏm đá đầu làng”).
- Cảnh sinh hoạt, phong tục:
+ Cảnh sinh hoạt ngày tết: Nhà văn chọn những chi tiết tiêu biểu nhất cho nét sinh hoạt của người dân miên núi để miêu tả (uống rượu, nhảy đồng, sân chơi chung với các trò chơi đánh pao, đánh quay, thổi sáo...). Những chi tiết được chọn và dựng lại bằng một thứ ngôn ngữ miêu tả giản dị như đời sống tự nhiên chảy vào tác phẩm.
+ Cảnh đêm tình mùa xuân: Chọn được 2 chi tiết đặc sắc nhất trong nét sinh hoạt văn hoá độc đáo này và dựng lại một cách sinh động, tự nhiên. Đó là cảnh trai gái rủ nhau đi chơi mùa xuân (thời gian là nửa đêm, tín liệu là tiếng gõ vách, hành động là dỡ cửa bước ra rừng chơi). Đó là cảnh trai gái hẹn hò, ngỏ lời yêu thương bằng quả pao, quả yến, tiếng sáo, tiếng khèn và những bài hát tỏ tình độc đáo. Tất cả làm nên màu sắc trữ tình độc đáo cho bức tranh sinh hoạt và chất trữ tình thấm thía cho trang văn Tô Hoài.
+ Cảnh sự kiện: Đây là một biểu hiện đậm nét của tập tục dã man trong chế độ phong kiến miền núi. Tính chất dã man ấy được dựng lại thông qua những nghịch lý: xử kiện là thực hiện công lý song trong cuộc xử kiện ấy, công lý đã bị bóp méo nghiêm trọng để mang một bộ mặt bất công đến đáng kinh sợ. Bản án đưa ra đáng lẽ để răn đe, trừng phạt kẻ có tội lại trở thành tai hoạ giáng xuống đầu những kẻ thân cô thế cô khiến họ không thể kháng cự, không có cách nào để được giải thoát.
- Nhận xét:
+ Cái tài của nhà văn là đã tìm ra những chi tiết có ý nghĩa khéo léo tổ chức chúng để làm nổi bật đặc điểm chính của cảnh, của vật, của việc mà mình miêu tả.
+ Giá trị của những trang văn tả cảnh này là không chỉ dựng lại một cách sinh động cảnh trí, nếp sinh hoạt, phong tục của vùng cao Tây Bắc mà còn tạo ra một cái nền thích hợp để làm bộc lộ nét bi thảm của số phận và vẻ đẹp của sức sống tiềm tàng của con người trên vùng đất đó.
b. Nghệ thuật xây dựng nhân vật
b.1. Nghệ thuật mô tả diễn biến tâm lý
- Sử dụng rộng rãi thủ pháp tương phản: Nhà Pá Tra giàu có và cô Mị luôn cúi mặt, mặt buồn rười rượi; phòng giam Mị chật hẹp và không gian bên ngoài phóng khoáng, tự do; cảnh u ám, chết lặng trong buồng Mị và sự rộn ràng của những ngày xuân, những đêm tình mùa xuân.
- Đi sâu vào đời sống nội tâm để khắc họa tính cách. Nội tâm nhân vật được khắc hoạ bằng những cách thức cụ thể:
+ Mượn hình tượng thiên nhiên để diễn tả tâm trạng (mùa xuân của thiên nhiên khơi gợi sức sống thanh xuân trong tâm hồn Mị, ngọn lửa hơ tay trong đêm mùa đông gợi ngọn lửa âm ỉ trong tâm hồn mình).
+ Trực tiếp miêu tả diễn biến tâm lý một cách hợp lý và tinh tế vói từng tình huống cụ thể: trong đêm tình mùa xuân, tiếng sáo bên ngoài đã đánh thức khát khao tình yêu, khát khao sống trong Mị. Âm thanh tiếng sáo càng gần thì khát vọng trong Mị càng mạnh mẽ. Cho đến khi tiếng sáo bên ngoài đã nhập hẳn vào trong lòng, trong đầu Mị thì Mị bắt đầu có những hành động để thực hiện khát khao ấy. Trong đêm mùa đông, giọt nước mắt A Phủ gợi nhắc giọt nước mắt chảy xuống không tự lau đi được khi Mị bị trói, điểm chung trong số phận của những con người luôn có thể bị trói đến chết đã khơi dậy lòng căm phẫn và ý thức về sự bất công, hành động cứu người đã thúc đẩy quyết định tự cứu mình.
+ Giọng kể của nhà văn nhập vào dòng tâm tư nhân vật, làm nổi lên ý nghĩ, tâm trạng và cả những trạng thái chập chờn của tiềm thức nhân vật.
b. 2. Nghệ thuật xây dựng tính cách
- Xây dựng nét tính cách ổn định, thông nhất mà cũng phong phú với những vận động, đổi thay vừa bất ngò vừa tất yếu. Mị là cô gái có sức sống tiềm tàng mạnh mẽ. Khi buộc phải sống như một con vật đã dám chết như một con người. Khi bên ngoài câm lặng là khi sức sống âm ỉ đã dồn vào bên trong để chờ cơ hội bùng phát. Khi sẵn sàng chết thay cho người khác cũng là khi quyết tâm sống trào dâng mạnh mẽ.
- Làm nổi bật sự khác biệt giữa các tính cách: Mị và A Phủ có sức sống mạnh mẽ song ở Mị sức mạnh đã dồn vào bên trong nên tác giả chủ yếu miêu tả đời sống nội tâm. Ở A Phủ, sức sống lại bộc lộ ra thành vẻ nam tính trong những hành dộng dữ dội quyết liệt và lời nói dứt khoát.
c. Ngôn ngữ và cách kể
- Ngôn ngữ: Đậm chất miền núi, biểu hiện ở lối tư duy gắn liền với thiên nhiên, hoà quyện và đồng nhất với thiên nhiên. Nét đặc sắc là ở chỗ, Tô Hoài đã vận dụng cách nói hồn nhiên, giàu hình ảnh của người miền núi song không sa vào sự sao chép tự nhiên chủ nghĩa mà có chọn lọc, nâng cao đến trình độ chuẩn mực của ngôn ngữ văn học.
- Cách kể: Xây dựng lối trần thuật linh hoạt vói sự dịch chuyển của điểm nhìn trần thuật (khi đặt bên ngoài để quan sát khách quan, khi đặt bên trong để thể hiện thấm thía những suy nghĩ, tình cảm trong lòng nhân vật).
3. Kết luận
- Tô Hoài đã kết hợp và vận dụng tài tình những phương tiện, biện pháp nghệ thuật khác nhau để làm bật một bức tranh sinh động về cuộc sống và con người ở vùng cao Tây Bắc.
- Những thành công về nghệ thuật góp phần thể hiện thành công ý đồ tư tưởng của nhà văn trong tác phẩm. Đó là cơ sở để tác phẩm cũng như các tập Truyện Tây Bắc được đánh giá là thành công đột xuất của nhà văn xuôi kháng chiến chống Pháp.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây