2. Phân tích
a. Khái quát chung
a.1. Khái niệm “tình huống”
- Là một sự kiện đặc biệt của đời sống được mô tả trong tác phẩm mà tại sự kiện đó, nhà văn đã làm sống dậy một tình thế bất thường có tính chất éo le và gây bất ngờ trong quan hệ giữa các nhân vật, tại sự kiện đó, tính cách nhân vật được bộc lộ sắc nét, ý tưởng của nhà văn cũng hiện hình khá trọn vẹn.
a.2. Giới thiệu tình huống
- Là tình huống nhận thức bởi nó hướng tới bộc lộ nhận thức của nhà văn về cuộc đòi và nghệ thuật qua sự thể hiện nhận thức của các nhân vật trong tác phẩm về vấn đề này.
- Phùng là một phóng viên nhiếp ảnh. Theo yêu cầu của cấp trên, anh cần chụp một bức ảnh về cảnh bình minh trên biển. Vì vậy, Phùng đã trở về vùng biển nơi anh từng chiến đấu năm xưa.
- Toàn bộ sự việc được trình bày theo ba bước:
+ Bước 1: Sau nhiều ngày tìm kiếm, Phùng đã phát hiện ra một cảnh đẹp tuyệt vời để nhận ra bản thân cái đẹp cũng là một giá trị đạo đức vì để có được những giây phút trong ngần của tâm hồn.
+ Bước 2: Phùng phát hiện ra một sự việc vô cùng tàn nhẫn trong đời sống hiện thực - đó là sự việc người đàn ông làng chài đánh đập, chửi rủa vợ mình một cách tàn tệ ngay trên bãi cát - nơi Phùng đang say sưa với cảm hứng sáng tạo nghệ thuật. Sự việc này khiến Phùng kinh ngạc, đau đớn để từ đó nhận ra những điều phi lí, những sự thật trần trụi vẫn luôn tồn tại trong cuộc sống bề bộn quanh mình.
+ Bước 3: Khi đến toà án huyện, nghe câu chuyện của người phụ nữ, Phùng lại có thêm những phát hiện quan trọng về bản chất của con người, về sự phức tạp của đời sống để từ đó có thêm những trăn trở về nghệ thuật, về mối quan hệ giữa nghệ thuật với cuộc đời.
b. Phân tích tình huống
b.1. Tình huống bất ngò
- Sau rất nhiều ngày tìm kiếm, lựa chọn và thất vọng, cuối cùng, Phùng cũng bất ngờ được chứng kiến một cảnh đẹp tuyệt vời: Bình minh nơi cửa biển với không gian phóng khoáng, thi vị, với màu hồng hồng của sương mai, với con thuyền lưới vó và tấm lưới còn đọng nước. Sự hài hoà của hình ảm thiên nhiên và hình ảnh trong cuộc sống ở một thời điểm đặc biệt đã tạo nên vẻ đẹp lí tưởng của bức tranh và đem lại cho Phùng một niềm hạnh phúc đến ngỡ ngàng khi thưởng thức. Đó cũng là cội nguồn cảm hứng sáng tạo của Phùng: Khi phát hiện được khoảnh khắc “trời cho” ấy, Phùng đã bấm máy liên tục đến gần hết cuộn phim. Đó cũng là cơ sở cho những suy tưởng của anh: cái đẹp không chỉ thoả mãn nhu cầu thưởng thức, kích thích sáng tạo mà còn có khả năng thanh lọc để đem lại giây phút trong ngần của con người.
- Sự việc xảy ra trên bãi cát: ngay chính nơi Phùng vừa ngắm cảm thiên nhiên và thực hiện niêm hứng thú sáng tạo đã diễn ra một sự việc bất ngờ - một lão đàn ông thô kệch, xấu xí đang đánh dập, chửi rủa một người phụ nữ mà người phụ nữ ấy lại chính là vợ ông ta. Sự việc này khiến Phùng cảm thấy bất ngờ không chỉ bởi anh vừa trải qua giây phút thăng hoa trong niềm say mê sáng tạo mà còn bởi đây là điều phi lí, bất công mà anh không thê ngờ rằng vẫn còn tồn tại trong cuộc sống hiện thời - đó là tình trạng bạo lực trong gia đình. Phùng đã từng trải qua chiến tranh, đã cầm súng để bảo vệ hoà bình và hạnh phúc cho con người nên anh không thể chấp nhận nổi cách hành xử tàn nhẫn, độc ác của lão đàn ông kia. Đó chính là lí do khiến Phùng không chỉ kinh ngạc, phẫn nộ mà con có những hành động bột phát: Anh quăng chiếc máy ảnh, phương tiện tác nghiệp của người phóng viên - nghệ sĩ để xông vào đánh người đàn ông kia như một cách để bênh vực người đàn bà bất hạnh, yếu đuối. Phản ứng trong cả tình cảm và hành động của Phùng khi ấy cho thấy anh không chỉ là một người nghệ sĩ có niềm say mê với cái đẹp mà còn là con người có tấm lòng nhân ái và ý thức trách nhiệm. Cũng chính tấm lòng và trách nhiệm ấy đã khiến anh dù hoàn thành nhiệm vụ của một phóng viên vẫn quyết định ở lại vùng biển thêm mấy ngày để cùng Đẩu giải quyết sự việc.
- Câu chuyện ở toà án huyện: cả Phùng và Đẩu đã phải đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác về người đàn bà - nạn nhân của tình trạng bạo lực gia đình kia. Mang tâm lí của một người tự coi mình là ân nhân, xuất hiện để giúp đỡ, che chở và bênh vực cho người đàn bà bất hạnh để giúp chị ta thoát khỏi những bi kịch trong cuộc sống của mình, Phùng và Đẩu đã vô cùng bất ngờ khi người đàn bà ấy không nghe theo lời khuyên, từ chối sự giúp đỡ và một mực van xin để không phải bỏ chồng. Sự việc này bất ngờ đến mức Phùng vừa kinh ngạc, vừa khó hiểu, vừa bị sốc tới mức căn phòng đang lộng gió biển mà anh có cảm giác như bị rút hết không khí để trở lên ngột ngạt. Phùng và Đẩu còn bất ngờ hơn khi nghe lời giải thích, thanh minh của người đàn bà: người phụ nữ nhẫn nhục, cam chịu vừa mới trước đó thôi còn nhún mình thái quá trong cách xưng hô “con - quý toà” thì bỗng dưng sắc sảo, đến bất ngờ trong sự thay đổi cách xưng hô mang đầy vẻ bề trên “chị - các chú”. Cách xưng hô này của chị ta khiến Phùng và Đẩu không tránh khỏi cảm giác khó chịu vì dù sao Đẩu cũng là một chánh án toà án huyện còn Phùng là chứng nhân, vừa là ân nhân khi che chở cho người phụ nữ kia. Nhưng cảm giác sâu sắc nhất, mãnh liệt nhất mà Phùng cảm nhận được từ câu chuyện này lại có được chính từ phát hiện mới của anh về con người của người phụ nữ ấy - đó là những phẩm chất đích thực ẩn giấu sau bề ngoài nhẫn nhục, cam chịu và có phần u mê. Hoá ra, người phụ nữ ấy hoàn toàn không giống với những gì Phùng và Đẩu thấy: Đằng sau vẻ cam chịu nhẫn nhục là sự hiểu biết, lòng vị tha, tình yêu thương sâu sắc - những phẩm chất chỉ có được ở một người có nhiều trải nghiệm cuộc đời và hiểu được ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Chị nhẫn nhục là vì thương con, chị cam chịu vì lòng độ lượng, vị tha, vì thấu hiểu nguyên cớ dẫn đến những hành động độc ác vũ phu của người chồng và trên hết vì chị có một đức hi sinh vô bờ bến. Tất cả nhưng điều này khiến cả Phùng và Đẩu không thể tiếp tục nhìn chị ta bằng cái nhìn thương hại.
b.2. Tình huống nghịch lí
- Nghịch lí nghệ thuật:
+ Cả một tập thể nghệ sĩ say mê, tâm huyết, lăn lộn hàng tháng trời để khám phá, sáng tạo và đã tạo nên vô số những tác phẩm có giá trị nhưng khi vị trưởng phòng lựa chọn để làm một bộ lịch ảnh nghệ thuật về thuyền và biển thì vẫn thấy những tác phẩm đã có trong tay không đủ để tạo nên nột bộ ảnh thật hoàn chỉnh. Vì thế mới có chuyến đi của Phùng về vùng biển để chụp một cảnh biển buổi sáng có sương mù. Như vậy có thể thấy, cho dù người nghệ sĩ có cố gắng nỗ lực bao nhiêu, có say mê tâm huyết bao nhiêu trong khám phá và sáng tạo thì tất cả những cố gắng, nỗ lực, say mê tâm huyết ấy vẫn chưa thể đủ để đáp ứng những đòi hỏi của cuộc sống.
+ Trong bức ảnh mà Phùng mang về, nền ảnh chỉ là đen trắng vói những đường nét như trong một bức cổ hoạ bằng mực tàu thì vì đã có những trải nghiệm trong thực tế nên Phùng luôn nhìn thấy trong những bức ảm đen trắng màu hồng hồng của sương mai. Và tuy bức ảnh chỉ có ảnh, không có con người song khi nhìn kĩ, Phùng vẫn thấy bóng dáng cao lớn của người đàn bà bước ra từ con thuyền và đi lẫn vào đám đông. Từ nghịch lí này, có thể thấy, chỉ khi có trải nghiệm và sự gắn bó với cuộc đời, người nghệ sĩ mới có thể phát hiện những điều mà bằng con mắt thường người ta không thể nhận ra. Và cũng chỉ có sự gắn bó bằng tâm thế của người trong cuộc mới giúp cho người nghệ sĩ thấy cuộc đời trong nghệ thuật và kéo gần được khoảng cách giữa nghệ thuật với cuộc đời.
- Nghịch lí cuộc đời:
+ Khát vọng, nhu cầu của con người và thực tế cuộc sống mà con người phải đối mặt: Người đàn bà trong câu chuyện chỉ mong có một cuộc sống( bình yên, êm ấm, mong những đứa con của chị được ăn no, muốn được thấy cảnh vợ chồng con cái quây quần bên nhau để có những giờ phút vui vẻ. Thế nhưng, chị lại phải đối mặt với một bi kịch gia đình: luôn bị người chồng đánh đập, hành hạ một cách tàn nhẫn. Và dù rất thương con, muốn bảo vệ các con, tránh cho chúng khỏi bị tổn thương thì chị vẫn khiến những đứa con đau lòng, bị tổn thương vì phải chứng kiến cảnh bố đánh mẹ.
+ Tình cảm đạo đức và hành vi trái đạo đức: Thằng Phác vì thương mẹ, muôn bênh vực mẹ nhưng do còn non nớt trong nhận thức và bồng bột trong cách ứng xử nên đã có một hành động dại dột là xông vào đánh bố, thậm chí cầm dao định đâm bố. Nếu hành động này không được ngăn cản sẽ khiếm bi kịch chồng chất nên bi kịch vốn đã rất nặng nề căng thẳng trong cuộc sống của gia đình ấy. Với những hành động này, Phác vốn là đứa con thương mẹ, là chỗ dựa, niềm an ủi cho người mẹ lại trở thành một mũi dao đâm thẳng vào lòng mẹ nó để làm nhỏ xuống những giọt nước mắt. Đòn roi của người chồng khiến chị đau đớn về thân xác, những hành động của đứa con lại khiến chị đau đớn về tinh thần vì nó phá vỡ cái điều mà chị cố gắng gìn giữ trong gia đình: Đó là sự bình yên trong tâm hồn những đứa trẻ.
+ Tình cảm nhân đạo, ý thức trách nhiệm đã khiến cả Phùng và Đẩu cố gắng can thiệp để giúp đỡ, bênh vực, che chở cho người đàn bà bất hạnh nhưng do giải pháp không phù hợp khiến họ bất lực trong mong muốn giúp đỡ: Vì muốn che chở cho người đàn bà bất hạnh, Phùng đã xông vào đánh lão đàn ông vũ phu còn Đẩu thì khuyên nhủ người đàn bà từ bỏ lão chồng độc ác. Phùng và Đẩu làm việc này bằng lương tâm, lòng nhiệt tình và sự cảm thông thật sự. Nhưng những việc họ làm lại không thực sự giúp ích được cho người phụ nữ kia. Bởi vì họ chỉ nhìn câu chuyện của người đàn bà bằng cái nhìn của người ngoài cuộc nên không thể hiểu thấu nội tình. Khi ở toà án huyện, người đàn bà đã nói rõ: “Lòng các chú tốt nhưng các chú đâu có phải là người làm ăn nên các chú đâu có hiểu được việc làm ăn của những người lam lũ khó nhọc” “các chú đâu phải là đàn bà, các chú làm sao hiểu được nỗi khổ của người đàn bà trên một con thuyền không có đàn ông”. Sự giúp đỡ của Phùng và Đẩu sở dĩ không có tác dụng bởi họ không giúp được đúng cái mà người phụ nữ ấy cần (được giải thoát khỏi phải tình trạng nghèo khổ, túng quẫn - nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bi kịch của gia đình chị). Giải pháp thực sự thiết thực đối với chị lúc này là giúp chị thoát nghèo – điều đó vượt ra ngoài phạm vi - khả năng và quyền hạn của Phùng và Đẩu.
b.3. Tình huống tạo bước ngoặt trong nhận thức
- Chính những điều bất ngờ và nghịch lí mà Phùng chứng kiến đã khiến anh không thể tiếp tục nhìn cuộc sống bằng một cái nhìn giản đơn. Nó buộc anh phải suy nghĩ để nhận thức lại tất cả. Ở sự việc bất ngờ đầu tiên mà Phùng bắt gặp trong chuyến đi về vùng biển, anh đã nhận ra rằng cuộc sống không chỉ chứa đựng những vẻ dẹp mà còn chứa đựng những sự thật tàn nhẫn, những quan hệ phức tạp. Việc chứng kiến cảnh người chồng đánh vợ trên bãi cát khiến Phùng bừng tỉnh để nhận ra đằng sau vẻ đẹp của một bức tranh mực tàu, đằng sau màu hồng hồng của sương mai ở một không gian ngỡ như bình yên, tĩnh lặng là một cuộc sống dữ dội với tất cả vẻ phi lí, tàn nhẫn của nó. Tưởng như lúc ấy Phùng đã chạm đến đáy sự thật cuộc đời thì trong cuộc trò chuyện với người đàn bà ở toà án huyện, Phùng lại nhận ra rằng: Hoá ra cuộc sống không hoàn toàn như những gì ta nhìn thấy bên ngoài. Nếu chỉ nhìn bằng cái nhìn của người ngoài cuộc, ta chỉ thấy những biểu hiện bên ngoài của sự việc mà cái bên ngoài không phải bao giờ cũng thống nhất với cái bên trong. Người đàn bà với tư cách một người trong cuộc đã cho Phùng thêm một góc nhìn khác, cách nhìn khác để hiểu hơn về cuộc sống. Qua lời nói của người đàn bà, Phùng hiểu được cái nguyên cớ dẫn đến sự tàn nhẫn độc ác của lão đàn ông, nguyên nhân của tấn bi kịch gia đình và điều quan trọng nhất mà Phùng nhận ra chính là bản chất đích thực của người phụ nữ kia. Hoá ra, sự cam chịu nhẫn nhục của chị không phải vì u mê tăm tối mà nó xuất phát từ lòng vị tha. Người đàn bà chấp nhận để chồng đánh vì chị hiểu rằng người đàn ông ấy rất cần được giải toả sau những nhọc nhằn cơ cực trong cuộc sống hàng ngày. Chị không bỏ chồng vì hiểu rằng trên con thuyền đi biển rất cần có người đàn ông chèo chống vì biển không phải lúc nào cũng gió lặng sóng êm mà còn có cả phong ba, bão tố. Chị xin chồng đưa mình lên bờ để đánh là vì muốn tránh cho các con khỏi nỗi đau lòng... Cứ thế, cuộc trò truyện với người đàn bà ấy không chỉ cho Phùng nhận ra một con người khác ở người phụ nữ này mà còn khiến anh có được một bài học về cách nhìn con người, cách nhìn sự việc: chỉ có thể nhìn nhận một cách thấu đáo về con người cũng như về cuộc sống khi tự biến mình thành người trong cuộc, khi nhìn nhận không chỉ nên dùng lí trí để xét đoán mà còn phải dùng tấm lòng vị tha để mà cảm thông. Điều này ngỡ không mới song lại rất quan trọng, nhất là khi cuộc sống hiện tại luôn chứa đựng cả những mâu thuẫn phức tạp, những điều khó hiểu, khó giải thích bằng những cách nhìn nhận đánh giá thông thường.
c. Đánh giá
Qua tình huống truyện, Nguyễn Minh Châu giúp ta nhận ra cái phức tạp ở đời sống con người với những hiện tượng không dễ để đánh giá, những mối quan hệ không dễ để cắt nghĩa, lí giải. Đối mặt với cuộc sống như thế, người nghệ sĩ phải có một cái nhìn vừa tỉnh táo, vừa thấu suốt nhân tình bởi chỉ có cái nhìn như thế mới có thể phát hiện ra những khiếm khuyết, những đều tệ hại cần loại bỏ trong con người và cả những vẻ đẹp ẩn chứa trong vẻ ngoài thô kệch. Những phát hiện về vẻ đẹp của con người trong tác phẩm đã đem lại cho người đọc một cảm giác ấm áp, một niềm tin vào con người sau những đắng chát và gai góc của cuộc sống.
3. Kết luận
Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Minh Châu đã lựa chọn người kể chuyện trong truyện ngắn này là một người nghệ sĩ bởi chính sự mẫn cảm, cái nhìn sâu sắc mang tính phát hiện và ý thức trách nhiệm với cuộc đời của nghệ sĩ Phùng đã giúp Nguyễn Minh Châu gửi gắm một quan niệm, một yêu cầu đối với nghệ thuật: Nghệ thuật cần hướng tới cái đẹp song nghệ thuật không thể chỉ là chiếc thuyền ngoài xa. Nghệ thuật chỉ có ý nghĩa khi bắt nguồn từ cuộc sống, là tiếng nói của đời sống để trở thành một phần của cuộc sống này.