Mở bài:
+ Giới thiệu lí do của chuyến đi thăm.
Thân bài:
+ Cảm xúc sợ hãi, giật mình, thương cảm ban đầu khi gặp các em.
+ Cảm xúc khâm phục, ngưỡng mộ, yêu quý dành cho các em.
+ Sự lưu luyến khi chia tay.
Kết bài:
+ Khẳng định tình cảm với các em bị nhiễm chất độc da cam.
B. Bài văn mẫu
Tôi có anh trai học đại học. Anh ấy tham gia đội sinh viên tình nguyện của nhà trường nên nghỉ hè thỉnh thoảng tôi cũng theo anh đi. Hôm ấy, đội sinh viên đến thăm những em nhỏ bị bệnh do chất độc màu da cam. Nhìn các em ấy trong tôi có cảm giác rất khó tả.
Tôi từng theo anh trai đi đến nhiều nơi nhưng chưa bao giờ tôi đến một nơi đặc biệt như thế. Mọi người bảo tôi còn nhỏ không nên đi nhưng vì muốn biết cuộc sống của các em nhỏ ra sao nên tôi vần quyết tâm theo đội tình nguyện. Hôm ấy, trời khá nắng nhưng ai cũng nhiệt tình, hăng hái. Từ xa, khu nhà dần hiện ra. Nơi ấy không lớn lắm nhưng nhìn rất đầm ấm. Vừa đến nơi, các em nhỏ chạy ùa ra vui mừng, kéo các anh chị sinh viên về các nhà nhỏ. Tôi cũng được một em trai ra nắm tay. Thoạt đầu trong tôi là cảm giác sợ hãi, ngạc nhiên mặc dù đã được các anh chị cho biết trước nhưng với tôi hình ảnh các em hiện ra trước mắt thật quá bất ngờ. Một lát sau nhìn các em hiền lành tôi thấy rất xúc động, xen lẫn sự thương cảm. Tôi nhìn kĩ các em một lượt, em nào cũng mang trong mình khiếm khuyết. Có em không nói được chỉ nói o, a; có em nói được nhưng các âm bị méo mó; có em lại bị hở môi, cặp môi to không cân xứng; còn có em đôi mắt lồi ra nhìn ngơ ngác; có em lại bị tập tễnh đôi chân; có bé trai nhìn cùng rất sáng sủa, xinh xắn nhưng chiều cao thì quá “khiêm tốn”.... Quả thực đứng trước các em thì không ai có thể cầm nổi lòng mình. Các em chính là hiện thân của chiến tranh ác liệt, nghiệt ngã. Nhìn thấy dị tật mà các em phải chịu đựng, tôi càng căm ghét chiến tranh. Nó đã đi xa nhưng tàn dư của nó, những nỗi đau, những kí ức vẫn còn lắng đọng trong mỗi người, thậm chí còn nằm đâu đó trong lòng đất mẹ... Tôi cùng các anh chị lặng người đi trước vẻ ngây thơ của các em. Các em là tương lai của đất nước, các em vô tội nhưng những tội ác của chiến tranh khiến các em không có được cuộc sống bình thường như bao người khác. Nhìn một “em” có lẽ đã ngoài hai mươi tuổi còn “hồn nhiên” cười nói mà lòng tôi thấy xót xa. Khi đến thăm các phòng nhỏ, tôi phần nào hiểu cuộc sống của các em, rất giản dị và đơn sơ. Có vậy tôi mới thấy mình hạnh phúc, may mắn hơn các em biết bao nhiêu.
Những cảm giác sợ hãi, bất ngờ, thương cảm nhanh chóng qua đi, thay vào đó là sự ngưỡng mộ, khâm phục mà tôi cũng như các anh chị đội tình nguyện dành cho các em. Các em tuy không hoàn hảo như người khác nhưng lại mang trong mình tâm hồn, tài năng vô cùng đáng quý. Các em rất chăm chì làm những việc hợp với khả năng của mình. Không chỉ vậy, có em còn rất quyết tâm làm được những điều tưởng chừng như không thể...Cho nên dù khuyết tật nhưng các em cũng rất tự lập. Nhìn những sản phẩm các em làm ra như đồ thêu, tranh vẽ, đồ thủ công,... tôi vô cùng ngỡ ngàng, xúc động. Nếu hỏi tôi giá trị những món đồ đó, chắc chắn tôi sẽ nói chúng là vô giá, được làm nên từ những thiên thần. Tôi còn khâm phục các em ở sự nhiệt tình, nhanh nhẹn, tinh thần đoàn kết khi chơi trò chơi. Đặc biệt, trong buổi liên hoan, trò chuyện các em còn bộc lộ tài năng văn nghệ rất xuất sắc. Mọi người bị “hút bồn” trước một giọng hát trong treo, thiết tha với khuôn mặt bừng sáng, say mê của một em gái. Bài hát đã kết thúc rồi mà chúng tôi vẫn yên lặng. Tràng pháo tay của các em mới khiến chúng tôi chợt tỉnh.
Chuyến đi thăm cũng đến lúc kết thúc. Chúng tôi ra về mà các em theo ra đến tận cổng. Có em ôm chầm lấy tôi, kéo lại không cho về. Lúc đó mắt đã đầy những nước, tôi vội quay đi sợ em sẽ nhìn thấy giọt nước mắt của tôi. Tôi vội dúi vào tay em chiếc vòng cổ tôi yêu nhất, hi vọng nó sẽ mang lại may mắn cho em rồi chạy vụt mất. Tôi e nếu còn đứng lại đó tất cả chúng tôi sẽ khó xa được nhau.
Những hình ảnh trong chuyến đi sẽ là những hình ảnh của tình yêu, của niềm hi vọng đọng mãi trong tôi. Giờ đây tôi không còn sợ hãi hay giật mình trước các em bị nhiễm chất độc da cam nữa mà trong tôi chỉ có sự khâm phục, ngưỡng mộ và yêu quý mà thôi.