Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử, anh (chị) thích nhất khổ thơ nào? Hãy phân tích khổ thơ đó.

Thứ năm - 30/06/2016 03:06
Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử là một bài thơ hay, dù chỉ có ba khổ thế nhưng ở mỗi khổ thơ đều thể hiện một tâm trạng khác nhau của nhà thơ.
Trong ba khổ thơ thì tôi đặc biệt ấn tượng với khổ thơ đầu:
 
 Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
 Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
 
Tựa đề Đây thôn Vĩ Dạ phải chăng không phải là tiếng reo khi bắt gặp hình ảnh quen thuộc mà mình từng nâng niu, trân trọng, ôm ấp với bao nhiêu kỉ niệm chất chứa. Để rồi từ đó mà buông ra câu hỏi day dứt: Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nghĩa là về cái nơi mà anh hằng gửi nhớ, gửi thương. Đây là câu hỏi của ai với ai đây?
 
Có thể là tiếng vọng vào tâm tưởng từ phía bên ngoài mà cũng có thể là tiếng nói từ cái phía sâu thẳm của tâm hồn nhân vật trữ tình. Nếu là tiếng nói từ bên ngoài thì là sự mời chào, lời trách móc nhẹ nhàng pha chút hoài nghi, tiếc nuối. Nếu là tiếng nói bên trong thì là nỗi băn khoăn, e ngại, thôi thúc giục giã. Dù là tiếng gọi bên ngoài hay lời thôi thúc ở bên trong thì đều xuất phát từ nỗi lòng chờ mong trông đợi được gặp gỡ, được giao cảm với tâm hồn nào đây ở mảnh vườn quê đó thôi.
 
Đứng về phương diện tả cảnh mà xét thì câu hỏi ấy lại là một phương diện để phô bày cảnh đẹp:
 
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
 
Cảnh đẹp, xét cho cùng vẫn chỉ là cái cớ để cho lòng thi nhân hướng về. Bởi nắng hàng cau có gì lạ đâu ở xứ sở Việt Nam này, thôn xóm nào chẳng có, cứ gì phải về thôn Vĩ Dạ. Nhưng nhiều khi vẫn là cảnh ấy, nhờ có tình mà đẹp hơn lên. Cái điều cần nói ở đây là nắng mới lên. Nắng mới lên là cái nắng bắt đầu của một ngày, nhưng cũng là cái nắng bắt đầu của một năm - mùa nắng mới. Mặt trời đi qua mùa đông, cái nắng trở nên héo hắt. Mùa xuân lại mở ra với ánh nắng trắng. Đến nửa chừng xuân thì cái nắng bỗng chuyên trạng thái, vàng lên rực rỡ, nồng nhiệt. Cả không gian như sâu, rộng thêm ra, cảnh vật như được bởi một ánh sáng mới, đẹp đến lạ lùng.
 
Cả thôn xóm đang chìm trong cảnh chạng vạng, chỉ có tán cau cao xanh như thu lấy ánh nắng vàng rượi từ trời xa. Lá cau non của mùa xuân như có nước lẫn với chút sương đêm, gặp ánh nắng mới, hồng rực lên lung linh như lười gươm xanh. Con người vừa đi qua bóng đêm, ngước nhìn lên, tâm hồn cũng hóa nắng theo cây.
ở cái xứ sở mà trời đầy nắng thì nắng cũng đa dạng, phong phú bởi nó được lọc qua lăng kính của tâm hồn nghệ sĩ. Ta có thể bắt gặp cái ánh nắng quái của trai thương vợ trong ca dao. Cái nắng vàng chia nửa gửi theo người về hoặc là nắng mới hoe trong độ xuân về ở thôn xóm. Còn trong thơ Hàn Mặc Tử là nắng mới trinh nguyên, đồng nghĩa với mùa xuân và tình yêu.
 
Như là ánh nắng vàng lay
Như thơ sắp sửa phơi bày yêu đương
(Say nắng - Thơ điên)
 
Anh nắng như mở đường cho sự xuất hiện của những gái quê:
 
Ánh nắng lao xao trên đọt tre
 Tiếng ca lanh lảnh trong vườn me
Tiếng ca im bặt. Rồi thấp thoáng
 Vạt áo màu nâu hiện trước hè.
(Quả dưa - Gái quê)
 
Trong Đây thôn Vĩ Dạ cũng vậy, nắng lên cho sáng đẹp gương mặt người:
 
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
 Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
 
Vườn ai mướt quá là lời nhận xét nhưng cũng là tâm trạng bâng khuâng, sững sờ trước vẻ đẹp mơn mởn của cây lá non tơ. Vườn ai tưởng như chung chung nhưng lại chất chứa bao nhiêu nồi hoài cảm. Ai vốn là từ phiếm chỉ, nhưng ở đây đã mang màu sắc ám chỉ, đem đến một cách nói ý nhị/nửa như thân quen, nửa như xa vời. Phải bằng hình thức so sánh xanh như ngọc này mới nói hết được cái vẻ đẹp tươi mát, lung linh của cây lá mùa xuân với sương và nắng. Mảnh vườn đã nên thơ lại càng thêm mơ màng bởi ai đó ẩn hiện thấp thoáng sau lá trúc che ngang. Mặt chữ điền là gương mặt vuông vức, mộc mạc, chân chất nhưng vẫn có vẻ đẹp riêng - một vẻ đẹp lành mạnh, khỏe khoắn ở chốn vườn quê. Hình ảnh ẩn hiện này như một nét vẽ tài hoa của người họa sĩ. Những lá trúc mảnh mai, sắc sảo, che ngang, làm mất đi những     nét thô cứng trên gương mặt chữ điền, để chỉ còn là cái vẻ đẹp duyên dáng, như thực như hư, như gần như xa xăm huyền ảo mơ màng. Người đã mang cái duyên của trúc và trúc cũng xinh hơn bởi có người. Đúng là mộng người trong mảnh vườn xuân. Trước vẻ đẹp như mộng, như mơ này, ai ghìm được lòng mình nữa. Chẳng thế mà Bích Khê đã buột một tiếng lòng tha thiết:
 
 
Vĩ Dạ thôn! Vĩ Dạ thôn!
Biếc xanh cành trúc không buồn mà say
 
Say về cảnh mà cũng say về tình người thôn Vĩ.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây