Phong trào Thơ mới (1932 - 1945) tập trung đội ngũ nhà thơ tài năng và dồi dào sức sáng tạo. Thơ của họ chủ yếu viết về tình yêu và thiên nhiên, quê hương đất nước. Hàn Mặc Tử (1912 - 1940) là nhà thơ tài năng có hồn thơ mãnh liệt và đầy sáng tạo. ông đã để lại cho đời những thi phẩm đặc sắc: Thơ điên, Xuân như ý, Thượng thanh khí... Thế giới thơ của Hàn Mặc Tử là một thế giới nghệ thuật điên loạn, ma quái, rùng rợn. Nhưng trong đó cũng có những bài thơ trong sáng, tươi trẻ, hồn nhiên như: Mùa xuân chín, Đây thôn Vĩ Dạ viết về vẻ đẹp quê hương xứ Huế mộng và thơ, chứa chan tình yêu thương, niềm khát khao tình đời của tác giả trong những giờ phút đau thương của số phận. Bài thơ sáng tác năm 1937, khi tác giả đang trị bệnh tại Quy Nhơn. Nhìn tấm bưu ảnh mà Hoàng Cúc (người khi xưa Hàn Mặc Tư đã yêu thầm) ở thôn Vĩ gửi tặng với lời hỏi thăm sức khỏe, nhà thơ xúc động, tưởng nhớ, những kỉ niệm thân thương đã vẫy gọi cảm xúc bay về. Khổ thơ mở đầu gợi tả vẻ đẹp thôn Vĩ qua hồi ức:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng môi lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Mở đầu bài thơ là câu hỏi tu từ, tác giả như thầm nhắc lòng mình:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Thôn Vĩ Dạ nằm bên bờ sông Hương, ngoại thành Huế là một vùng quê xinh xắn, nổi tiếng cây xanh lá ngọt, cảnh vật trù phú tốt tươi, cây ăn quả, cây cảnh được chăm sóc chu đáo.
Câu thơ mở đầu đã làm thức dậy trong tâm hồn nhà thơ những kỷ niệm đẹp về thôn Vĩ. Những hình ảnh được lọc qua nỗi nhớ, sống dậy trong kí ức nên đều ấn tượng.
Vẻ đẹp ấn tượng của thôn Vĩ là phong cảnh buổi bình minh tươi xanh, bừng lên nắng mới:
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Nắng mới là màu nắng tươi tắn, lấp lánh, tinh khôi, mới mẻ, ấm áp, trong trẻo mang theo sự sống đi về muôn nơi. Điệp từ nắng trong một câu thơ tạo nên ấn tượng về khung cảnh ban mai với ánh nắng ngập tràn, chiếu lấp lóa. Thế giới đầy ánh sáng ấy đẹp như chốn thần tiên, rực rỡ đến lóa mắt. Ba thanh trắc nổi lên trong câu thơ đã diễn tả những tia nắng đang nhảy nhót tươi vui trên những hàng cau.
Ánh bình minh tươi vui cũng được Xuân Diệu miêu tả đầy hình tượng:
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,
Mỗi sáng sớm thần Vui hằng gõ cửa.
(Vội vàng)
Cũng màu nắng ấy nhưng hồn thơ buồn nên nắng cũng buồn theo:
Mỗi lần nắng mới hắt bên song
Xao xác gà trưa gáy não nùng.
(Lưu Trọng Lư - Nắng mới)
Ngôn ngữ thơ của Hàn có giá trị tạo hình: gợi ra hình ảnh hàng cau xanh cao vút vươn mình lên khung trời xanh để tắm nắng ban mai ấm áp, trong lành. Một phong cảnh bình dị quen thuộc nhưng cũng khá tiêu biếu cho vẻ đẹp thơ mộng, duyên dáng, thanh sơ, hiền hòa ở làng quê Việt Nam. Vì vậy mà nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng: Đọc câu thơ sao nghe nỗi niềm làng mạc quê hương đến thế.
Trong phong cảnh bao quát ấy, vẻ đẹp thôn Vĩ được gợi tả gần hơn: Vườn ai mướt quá xanh như ngọc ấn tượng về màu xanh được nhấn mạnh hai lần: mướt quá, xanh ngọc, gợi cảnh vườn tược xum xuê cây lá non tơ mơn mởn, óng chuối ướt đẫm sương mai và lóng lánh dưới ánh nắng mặt trời. Từ xanh mướt chỉ vẻ láng bóng, từ mướt thêm được nghĩa là lá cây loáng nước, tươi non, chỉ có màu tươi non trong trẻo mới so sánh là trong như ngọc. Biện pháp so sánh mới lạ này gợi tả khu vườn có màu xanh tinh khiết, trong suốt, như ánh sáng, đẹp như mộng, sáng lên. trong hồi tưởng. Nên câu thơ còn là tiếng reo vui hạnh phúc. Màu xanh của vườn tràn đầy nhựa sông được cộng hưởng bới nỗi nhớ và lòng khát khao gắn bó nên có vẻ đẹp huyền diệu, thần tiên. Ý thơ cho thấy rằng quê hương xứ sở, cuộc đời này đẹp đẽ bao nhiêu.
Con người bỗng xuất hiện thấp thoáng trong cảnh theo bút pháp chấm phá:
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Khuôn mặt chữ điền đã gây khá nhiều tranh cãi. Thế nhưng vẫn hiểu được đó là khuôn mặt của người con gái dịu dàng, kín đáo và phúc hậu.
Hình ảnh người con gái thấp thoáng dưới trúc bởi vẻ đẹp Á Đông, vừa ước lệ, vừa cụ thể sinh động trong bức tranh toàn cảnh của thôn Vĩ. Nhìn hình ảnh này mà có lần nhà thơ Bích Khê đã thảng thốt:
Vĩ Dạ thôn! Vĩ Dạ thôn!
Biếc che cần trúc không buồn mà say.
Khi con người xuất hiện thiên nhiên bỗng sinh động hẳn lên. Cảnh đẹp, người đẹp thiên nhiên và con người hài hòa trong vẻ đẹp đáng yêu quyến rũ.
Cái tôi của thi sĩ đã mê đắm trước vẻ đẹp trinh nguyên, trong sáng, mơn mởn, mới mẻ của bức tranh quê thơ mộng, ấm áp tình người này.
Bài thơ dùng nhiều từ phiếm chỉ vườn ai, thuyền ai, tình ai; nên vườn ai có thể khu vườn của kỷ niệm, là khu vườn của tưởng tượng, ước mơ hay là vườn nhà em? Vì vậy, bức tranh làng quê này vừa đem lại cảm giác hạnh phúc vừa gợi nhiều khao khát gắn bó yêu thương và làm cho nỗi nhớ càng thêm tha thiết trong tim.
Khổ thơ cũng như bài gợi tả vẻ đẹp xanh tươi, mỹ lệ của xứ Huế mộng và thơ. Qua đó tác giả bộc lộ tình yêu đối với quê hương xứ sở, niềm khát khao với vẻ đẹp của tình đời, tình người dù biết rằng còn xa xôi mờ ảo.