Tất cả là ở con người. Vậy chúng ta cũng hoàn toàn có thể thay đổi, cải thiện tại môi trường, làm cho nó ngày càng sạch đẹp, vấn đề là ở chỗ phải thực hiện tất cả những điều đó như thế nào?.
“GDP tăng 1%. chất thải tăng 3%. Nếu tiếp tục tình trạng này, chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt trong hiện tại cũng như mai sau... Đó là những ý kiến của Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc hội Nghiêm Vũ Khải. Ô nhiễm môi trường đã là vấn đề quan trọng mang tính toàn cầu chứ không còn nằm ở riêng quốc gia nào. Con người đang đứng trước những hiểm họa vô cùng lớn liên quan đến môi trường. Nạn cháy rừng, kéo theo sự suy thoái và tuyệt chủng của các loại động thực vật.
Trái Đất đang nóng lên, nguy cơ thiên tai và lũ lụt ngày càng tăng. Nguồn nước sạch bị ô nhiễm, ô nhiễm bầu không khí.,. Sức khỏe con người đang bị đe dọa. Ô nhiễm không khí gây nên các căn bệnh về hô hấp, da liễu. Ô nhiễm nguồn nước gây nên các bệnh chủ yếu về đường ruột. Điều đáng nói là những hậu quả lâu dài của nó. Những năm gần đây, tỉ lệ người bị mắc bệnh ung thư tăng cao. Và tất nhiên, nguyên nhân chủ yếu không phải gì khác chính là do những ảnh hường của môi trường. Sự kiện nhà máy bột ngọt Vê-dan xả thẳng trực tiếp nước thải ra sông Thị Vải tạo nên làn sóng bất bình trong dư luận.
Kéo theo đó là việc phanh phui hàng loạt các doanh nghiệp khác vị phạm tương tự. Một vấn đề trước nay vẫn bị né tránh khi nói đến hoặc nói đến một cách chừng mực là ô nhiễm môi trường do chất thải từ các khu công nghiệp nay đã được đưa ra ánh sáng. Trong khi đó, bên cạnh chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, nước thải công nghiệp, chất thải rắn đang là vấn đề gây ô nhiễm nghiêm trọng. Và thường mức độ ô nhiễm do mặt trái của tăng trưởng kinh tế đặc biệt là từ lĩnh vực công nghiệp gây ra bao giờ cũng nghiêm trọng, khó giải quyết và gây hậu quả lâu dài hơn cả.
Tìm hiểu nguyên nhân của thực trạng này có lẽ cũng nên bắt đầu từ vấn đề ý thức của con người trong việc bảo vệ môi trường. Ăn xong một cái kẹo, tiện tay ném thẳng xuống đường mặc dù cách đó không xa có một thùng rác đang “mòn mỏi” đứng chờ đợi. Một chậu nước bẩn tiện tay hất thẳng ra đường... Tất cả đều bắt nguồn từ cái “tiện tay”, cái “ngại” nhưng hậu quả lại là khôn lường. Nó đã trở thành thỏi quen xấu của người Việt Nam, thậm chí nếu ai có phá vỡ thì cũng dễ bị coi là... gàn dở. Sự thiếu ý thức gây ra ô nhiễm đã đành, tại có những kẻ mặc dù ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường nhưng vì lợi ích cá nhân mà bất chấp tất cả.
Đó chính là những trường hợp vi phạm ở các khu công nghiệp như đã nói ở trên. Bên cạnh đó là do sự quản lí thiếu chặt chẽ của nhà nước. Nhà nước chưa thực sự mạnh tay trong việc xử phạt các trường hợp vi phạm, gây ô nhiễm môi trường. Thế nên mới có chuyện các doanh nghiệp thà trả 70 triệu đồng (mức phạt tối đa cho các vi phạm về môi trường) để tiếp tục được xả chất thả trực tiếp ra môi trường thay vì đầu tư vốn lớn cho công nghệ xử lí rác thải. Các chính sách và pháp luật nhà nước còn nhiều chỗ hỗng với những điều bất cập, khiến cho những kẻ chủ nghĩa cơ hội có điều kiện lách luật, vi phạm luật bảo vệ môi trường. Việc tuyên truyền, tổ chức các cuộc vận động vì môi trường vẫn chưa thực sự phát huy được hết vai trò của mình...
Trước những nguyên nhân và thực trạng đó đòi hỏi nhà nước và toàn xã hội phải tìm ra những giải pháp hiệu quả nhằm hạn chế ô nhiễm từ đó góp phần làm cho môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp. Chiến dịch 3R thu gom và phân loại rác tuy mới được đưa vào áp dụng nhưng đã tỏ ra là một biện pháp khá hữu hiệu nhằm cải thiện môi trường. Đó không chỉ là một hình thức tuyên truyền cổ động mà còn là một hành động hết sức thực tế. Nhờ phong trào này, rác không chỉ được thu gom mà còn được tái sử dụng, mang lại những hiệu quả kinh tế nhất định. Bảo vệ môi trường nên bắt đầu từ những điều hết sức đơn giản như vậy.
Cùng với các hoạt động mang tính thường nhật, nhà nước và các địa phương nên tăng cường hơn nữa việc tổ chức các ngày hoạt động vì môi trường như tham gia quét dọn vệ sinh khu dân cư vào các ngày cuối tuần, tổ chức thi đua giữ gìn vệ sinh chung giữa các khu vực, tổ chức các đợt kiểm tra và giám sát lẫn nhau, tổ chức các hoạt động chào mừng ngày Môi trường thế giới... thu hút sự quan tâm tham gia của cả cộng đồng, cần phải đưa các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vào hoạt động bảo vệ môi trường, nghiêm chỉnh trong việc thực hiện các hình thức xử lí chất thải trước khi thải ra môi trường tự nhiên. Tăng trưởng kinh tế nếu không kèm theo các giải pháp tích cực về môi trường sẽ mang lại những hậu quả nghiêm trọng không thể lường hết.
Nhà nước cần nghiêm khắc hơn nữa trong việc đưa ra các chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, xử phạt các trường hợp vi phạm. Đồng thời phải tìm kiếm và đưa ra các giải pháp tích cực và mang tính khả thi nhằm cải thiện môi trường, môi sinh, trả lại màu xanh cho trái đất, sự trong sạch cho bầu không khí và nguồn nước. Nhưng điều quan trọng hơn hết vẫn là việc giáo dục ý thức của mỗi con người khi hoạt động trong môi trường, tham gia và ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống.
Ăn một chiếc kẹo, trước khi tiện tay thả xuống đường, hãy nghĩ đến việc nó có thể làm ảnh hưởng như thế nào đến môi trường. Hãy là những con người hiểu biết, để tự bảo vệ cuộc sống của mình và những người xung quanh. Bạn đã làm được những gì?...