Tác phẩm lớn là gì? Bốn mươi triệu dân của đất nước Tây Ban Nha được được nhân loại biết đến và kính trọng bằng một lão gàn vĩ đại vì mang trên mình tính ảo tưởng muôn đời của toàn thể nhân loại. Và gần một tỉ người của đất nước Trung Hoa được nhân loại thấu hiểu sâu sắc bằng một anh chàng nông dân A.Q. Cả Đông Ki sốt lẫn A.Q chẳng hề làm xấu Tây Ban Nha lẫn Trung Quốc, mà làm đẹp cho cả hai đất nước này. (Nguyễn Minh Châu). Đã bao thời đại, văn học luôn luôn tồn tại một câu hỏi lớn: thế nào là một tác phẩm nghệ thuật thực sự? Phải chăng là một tác phẩm chứa đựng những triết lí cao siêu được biểu đạt bằng thứ ngôn từ hoa mĩ, bóng bẩy? Bàn về giá trị của tác phẩm nghệ thuật, Biê-lin-xki cho rằng: Tác phẩm nghệ thuật thực sự bao giờ cũng làm cho độc giả sửng sốt bởi tính chân thực, tính tự nhiên, tính đúng đắn, tính tế đến mức khi đọc nó, bất giác ta tin tưởng sâu sắc rằng: Tất cả những gì được kể trong đó đều diễn ra đúng như thế chứ không thể khác được.
Không có nghệ thuật nào là không hiện thực (Grandi). Cuộc sống là nơi bắt đầu và là nơi đi tới của văn chương. Hơn bất cứ một loại hình nghệ thuật nào, văn học gắn chặt với hiện thực cuộc sống và hút mật ngọt từ nguồn sống dồi dào đó. Ai đó đã từng ví văn học và cuộc sống như thần Ăng tê và Đất Mẹ. Thần trở nên vô địch khi đặt hai chân lên Đất Mẹ cũng như văn học chỉ cường tráng và dũng mãnh khi gắn liền với hiện thực đời sống. Đầu tiên và trên hết, văn chương đòi hỏi ở tác phẩm nghệ thuật chất hiện thực. Hiện thực xã hội là mảnh đất sống của văn chương, là chất mật làm nên tính chân thực, tính tự nhiên, tính đứng đắn, tính thực tế của tác phẩm văn học. Nhận định của Biê-lin-xki đã 2 lên đặc điểm cơ bản nhất, làm nên một tác phẩm nghệ thuật thực sự: chất hiện thực của văn chương. Một tác phẩm có giá trị hiện thực bao giờ cũng giúp người ta nhận thức được tính quy luật của hiện thực và chân lí đời sống. Những tác phẩm kinh điển bao giờ cũng chở đi được những tư tưởng lớn của thời đại trên đôi cánh của hiện thực cuộc sống. Cánh diều văn học dù bay cao bay xa đến đâu vẫn gắn với mặt đất cuộc sống bằng sợi dây hiện thực mỏng manh mà bền chắc. Tính chân thực, tính tự nhiên, tính đúng đắn, tính thực tế tựu trung lại đều là những thuộc tính của chất hiện thực trong tác phẩm văn học. Nó đã hoá thân nhuần nhuyễn vào trong tác phẩm đến mức bất giác ta tin tưởng sâu sắc rằng: Tất cả những gì được kể trong đó đều diễn ra đúng như thế chứ không thể khác được.
Tác phẩm văn học là tấm gương soi chiếu hiện thực cuộc sống nhung phải qua lăng kính chủ quan của nhà văn. Chính vì vậy, hiện thực trong tác phẩm còn thực hơn hiện thực ngoài đời sống vì nó đã được nhào nặn qua bàn tay nghệ thuật của người nghệ sĩ, được thổi vào đó không chỉ hơi thở của thời đại mà cả sức sống tư tưởng và tâm hồn người viết. Bởi vậy, văn học không chỉ cần tính chân thực. Hiện thực cuộc sống không phải chỉ là những hiện tượng, sự kiện nằm thẳng đơ trên trang viết mà phải hoà tan vào trong câu chữ, trở thành máu thịt của tác phẩm. Tác phẩm nghệ thuật sẽ trở thành chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để mà miêu tả, nếu nó không phải là tiếng gào thét của nỗi đau khổ hay lời ca của nỗi vui mừng, nếu nó không phải là một câu hỏi hoặc là sẽ trả lời câu hỏi đó (Biê-lin-xki). Tác phẩm nghệ thuật thực sự bao giờ cũng làm cho độc giả sửng sốt bởi chất hiện thực đã được hoá thân nhuần nhuyễn vào trong tác phẩm để mỗi lần bắt gặp, ta như nhận ra người lạ quen biết. Cái thần của sự sáng tạo chính ở chỗ cùng sự vật ấy, con người ấy, trong khi ta trễ nải nhác qua thì ngòi bút thiên tài của người nghệ sĩ đã tìm ra những dáng vẽ riêng biệt, những khám phá độc đáo và diệu kì. Chất hiện thực làm nên sức sống cho tác phẩm và chính tài năng người nghệ sĩ đã bất tử hoá sức sống ấy.
Ở bất kì thời đại nào, tái hiện chân lí, tái hiện thực tế của cuộc sóng một cách chính xác và mạnh mẽ cũng là hạnh phúc cao cả nhất của người nghệ sĩ, ngay cả khi chân lí đó không trùng hợp với những thiện cảm riêng của mình. Ban-dắc từng phát biểu: Đâu phải lỗi tại tôi nếu sự thực tự nó nói lên và nói lên to như thế. Có phải bởi thế, Ăng-ghen, khi đọc bộ tiểu thuyết Tấn trò đời của Ban-dắc, cho rằng ông thấy được về xã hội Pháp nhiều hơn các tác phẩm của các nhà thống kê học, chính trị học, lịch sử học... cộng lại. Thái độ trung thực đối với sự thật của cuộc sống đã trở thành cái chung, là nguyên tắc sáng tác cơ bản của tất cả các nghệ sĩ hiện thực chủ nghĩa. Trong cuốn tiểu thuyết của tôi, nhân vật mà tôi yêu bằng tất cả sức mạnh tâm hồn, nhân vật mà tôi cô gắng tái hiện với tất cả vẻ đẹp của nó, nhân vật đã, đang và sẽ luôn luôn đẹp, dó là sự thật (Lép Tôn-xtôi). Nghệ thuật không sao chép hiện thực. Nó phản ánh cuộc sống dưới ánh sáng của lí tưởng, vì một lí tưởng. Mỗi hình ảnh của cuộc sống mà nhà văn tái hiện trong tác phẩm bao giờ cũng chứa đựng một thái độ sống, một ước mơ, khát vọng về lẽ phải, về cái đẹp. Nghệ thuật miêu tả cái đang có là vì cái nên có, cái cần phải có. Theo Sê-khốp, những nghệ sĩ lớn lao bao giờ cũng gọi chúng ta đến một chân trời mới tốt hơn, đẹp hơn hiện tại mà chúng ta đang sống. Chính sự kết hợp giữa hiện thực và lí tưởng đã tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt của nghệ thuật, để ta tin tưởng sâu sắc rằng: Tất cả những gì được kể trong đó đều diễn ra đúng như thế chứ không thể khác được.
Nhận định của Biê-lin-xki đã đặt ra yêu cầu của một tác phẩm nghệ thuật thực sự cũng như yêu cầu của một nghệ sĩ thực sự.
Văn học là cuốn đại bách khoa toàn thư về cuộc sống. Mỗi tác phẩm ưu tú là một mảnh đời, mảnh tâm hồn dân tộc, một tiếng nói của lương tri thời đại. Hiện thực trong tác phẩm không chỉ chân thực mà còn phải sống động. Đọc một tác phẩm tốt là như đang xem một cuốn phim hay mà mọi diễn biến của cuộc đời nhân vật như đang hiện ra trước mắt. Ta như được sống cùng thời đại với nhân vật, được khóc cười, được hạnh phúc và đớn đau trên mỗi chặng đường đời nhân vật. Tác phẩm nghệ thuật thực sự phải nối liền được những khoảng cách không gian và thời gian, nối liền tâm hồn với tâm hồn, nối giữa chân trời của một người đến chân trời của tất cả. Hiện thực cuộc sống được phản ánh trong tác phẩm phải có sức khái quát và điển hình cao độ. Qua số phận một con người, ta nhận ra bóng dáng của cả thời đại, nhận ra bức tranh hiện thực rộng lớn của xã hội nhân vật đang sống. Xét trên phương diện đó, truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao thực sự là một tác phẩm hấp dẫn bởi tính chân thực trong từng chi tiết của nó.
Chí Phèo của Nam Cao đem đến cho người đọc một cái nhìn toàn diện và sâu sắc về hiện thực xã hội Việt Nam trước cách mạng. Nếu như với Nguyễn Công Hoan, đời là mảnh ghép của những nghịch cảnh, với Thạch Lam, đời là miếng vải có lỗ thủng, những vết ố nhưng vẫn nguyên vẹn thì với Nam Cao, cuộc đời là một tâm áo cũ bị xé rách tả tơi, từ cái làng Vũ Đại đến mỗi gia đình, mỗi số phận. Chất hiện thực thấm đẫm trong không gian toàn cảnh của tác phẩm. Nam Cao miêu tả làng Vũ Đại ở cái thế “quần ngư tranh thực” bọn đàn anh chỉ là một đàn cá tranh mồi. Mồi thì ngon đấy, nhưng mà năm bè bẩy mối, bè nào cũng muốn ăn. Ngoài mặt thì tử tế với nhau nhưng thật ra trong bụng lúc nào củng muốn cho nhau lụn bại để cưỡi lên đầu lên cổ. Cái làng ấy bề ngoài như mặt hồ phẳng lặng mà trong lòng liên tiếp những đợt sóng ngầm. Phe Bá Kiến, cánh Đội Tảo, cánh ông Tư Đạm, cánh ông Bát Túng... Từng ấy phe cánh đánh đu, chia rẽ để bóc lột con em và trừng trị lẫn nhau. Xã hội ấy mục nát từ những thành phần nhỏ bé nhất. Kẻ cùng như Chí Phèo, Binh Chức, Năm Thọ... thì bị đẩy vào nhà tù thực dân, để rồi quay trở lại cuộc đời với bộ mặt và tâm hồn của loài quỷ dữ. Kẻ ở tầng lớp trên như Bá Kiến, Lí Cường, Đội Tảo... thì độc ác, tham lam, tàn nhẫn, không từ một thủ đoạn nào để bóc lột người dân. Hãy lắng nghe triết lí trị người của Bá Kiến: phải có những thằng đầu bò để trị những thằng đầu bò. Hãy ngấm ngầm đẩy người ta xuống sông nhưng rồi lại dắt nó lên để nó đền ơn. Hãy đập bàn đập ghế đòi cho được năm đồng nhưng được rồi thì vứt trả lại năm hào vì thương anh túng quá. Ta như nhận ra hình ảnh quen thuộc của những tên địa chủ phong kiến trong xã hội cũ. Bá Kiến của Nam Cao tùng như Nghị Quế của Ngô Tất Tố. Nghị Lại của Nguyễn Công Hoan, Nghị Hách của Vũ Trọng Phụng... đều mang bản chất đặc trưng của bộ máy thống trị xã hội: ban chất bóc lột và áp bức, là hình ảnh điển hình cho giai cấp thống trị thời xưa. Tính chân thực trong Chí Phèo của Nam Cao luôn gắn liền với mọi biến động của lịch sử xã hội, là hình ảnh khúc xạ của xã hội đương thời từ giai cấp thống trị đến giai cấp bị trị để ngàn năm sau, văn học vẫn sang sảng một tiếng cười Bá Kiến, vẫn uy thế một tiếng quát bá Kiến như hình tượng tiêu biểu của bộ máy quyền lực một thời.
Xây dựng nên một không gian hiện thực, Nam Cao đã đặt vào đó những con người hiện thực với những gì tiêu biểu nhất cho số phận người nông dân trước cách mạng qua hình tượng nhân vật Chí Phèo. Chí Phèo là đứa con của xã hội phong kiến được nhào nặn dưới bàn tay của xã hội phong kiến và nhà tù thực dân. Chí Phèo là một sản phẩm dị dạng hoàn hảo của xã hội đương thời. Xuất phát từ một anh canh điền hiền lành, chính bộ máy quyền lực của xã hội, mà bá Kiến là đại diện, đã đẩy Chí Phèo vào tù một cách vô cớ và bất ngờ, chỉ qua những lời nghe đâu, hình như là đúng với bản chất độc ác, vô tình của xã hội. Và chính hiện thực khắc nghiệt đã khiến Chí Phèo trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Ra tù, không nhà cửa, không mẹ cha, không ruộng vườn, nghề ngỗng... thử hỏi Chí Phèo có thể sống bằng gì nếu không phải là cướp bóc? Hắn giành giật từ cuộc đời những gì cuộc đời đã cướp đoạt của hắn. Đó là miếng cơm manh áo, là quyền sống tối thiểu của một con người. Bởi thế, Chí Phèo phải cướp bóc, phải đập phá, phải đâm chém. Con người bị cuộc đời cướp cả nhân hình và nhân tính ấy đã vùng vẫy trên vũng bùn cuộc đời để trả thù cuộc đời bằng cách đạp đổ bao hạnh phúc, gây nên bao nhiêu máu và nước mắt cho chính nơi đã sản sinh và quay lưng lại với hắn. Trở lại với cuộc đời, Chí không được đón nhận và càng bị thờ ơ thì hắn càng đập phá và càng đập phá thì Chí Phèo càng bị ghê tởm và xa lánh. Quy luật nghiệt ngã của lòng vô tâm, ích kỉ trong mỗi con người đã góp phần đẩy Chí Phèo về phía phi nhân loại. Ngòi bút đầy đớn đau và chua xót của Nam Cao đã nhìn ra một hiện thực chua chát của xã hội đương thời. Khi con người bị đè nén, áp bức, khi con người bị cuộc sống nghiệt ngã dồn đến bước đường cùng, nếu không phải là tìm đến cái chết như lão Hạc thì chỉ còn con đường lưu manh hoá, đê tiện hoá, chỉ còn con đường sa đoạ phải lừa đảo, phải cướp bóc như Binh Tư, như Chí Phèo, số phận đau đớn của Chí Phèo là một minh chứng chân thực và sống động nhất cho hiện thực khốc liệt của xã hội đương thời.
Trong xã hội ấy, con người không có quyền sống đúng với bản tính lương thiện của mình, không có quyền được hưởng hạnh phúc. Chí Phèo khi nhận ra bi kịch của cuộc đời mình, khi biết khát khao cuộc sống lương thiện cũng là lúc hắn nhận ra khát khao không bao giờ trở thành hiện thực. Để rồi, cũng như lão Hạc, Chí Phèo tìm đến cái chết như một giải pháp tất yếu cho cuộc đời bi kịch của mình. Tiếng kêu đầy tuyệt vọng của Chí Phèo trước lúc chết: “Tao muốn lương thiện... Ai cho tao lương thiện...”. Làm sao xoá được những vết sẹo trên mặt này... là những câu hỏi nhức nhối xoáy vào lương tri thời đại và trái tim người đọc. Làm sao có thé hết những cuộc đời bi kịch như Chí Phèo nếu như trong xã hội vẫn còn những đại diện của bộ máy thống trị độc ác và bất lương như Bá Kiến, vẫn còn những bất công và đau khổ đầy đoạ con người, vẫn còn sự thờ ơ và lạnh lùng của lương tâm quay lưng lại với những số phận đáng thương, bất hạnh? Trang viết Nam Cao sắc lạnh những chi tiết hiện thực xoáy vào lòng người đọc nỗi đau của một thời đại đã qua nhưng bóng dáng của con người thời đại vẫn tồn tại tới tận ngày hôm nay. Những Chí Phèo, Thị Nở đã từ trang văn bước ra cuộc đời như một tính cách tiêu biểu, một nhân vật điển hình khẳng định sức sống của chi tiết hiện thực trong tác phẩm và tài năng bậc thầy của nhà văn.
Không chỉ nêu bật tính chân thực trong con người và cuộc sống khốc liệt của xã hội, ngòi bút Nam Cao còn tinh tế nhận ra những quy luật tất yếu của tâm hồn con người. Đứng trước những độc ác, tàn bạo của xã hội, đứng trước sự tha hoá trong nhân phẩm, đạo đức con người, Nam Cao vẫn nhìn ra trong đáy sâu tâm hồn con người ánh sáng của lương tri. Chí Phèo đằng sau những cơn say vẫn nhận ra những thanh âm cuộc sống. Tiếng mái chèo quạt nước, tiếng người đi chợ ban mai đã vọng vào tiềm thức hắn tiếng nói, hơi thở của sự sống để giấc mơ một mái ấm hạnh phúc với chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải lại hiện về sau bao năm bị quên lãng. Hắn lại thấy thèm sống, thèm cuộc sống lương thiện, thèm được hạnh phúc. Giấc mơ được trở lại thành người lương thiện và đặc biệt, tình yêu giản dị, đẹp đẽ với Thị Nở đã đánh dấu bước vận động, sự thức tỉnh của tính người trong tâm hồn quỷ dữ của Chí Phèo. Từ trong bóng tối của đau thương, khốn khổ, Chí Phèo bước ra ngoài ánh sáng của sự sống, của hạnh phúc bằng ngọn lửa của khát vọng cuộc sống lương thiện.
Phép biện chứng tâm hồn của ngòi bút Nam Cao đã khám phá ra một quy luật của tâm hồn: đặt trong không gian của sự sống, tâm hồn con người luôn có sự vận động, thức tỉnh để vươn đến sự hoàn mĩ và khẳng định sức sống của chính mình. Ngòi bút đầy cảm thông và thấm đẫm tinh thần nhân đạo của Nam Cao đã thấm thía chất hiện thực giản dị và xúc động ấy để từng câu từng chữ như ngân lên những nốt nhạc của tình yêu thương vô bờ bến mà nhà văn dành cho nhân vật. Chi tiết bát cháo hành cũng là một chi tiết hiện thực đặc sắc khẳng định trái tim giàu yêu thương của nhà văn. Chính hương vị của bát cháo hành, hương vị của tình yêu, của sự sống đã nâng đỡ tâm hồn Chí Phèo, đưa Chí trở lại với bản tính lương thiện. Hạnh phúc đôi khi chỉ là những điều giản dị mà thiêng liêng như thế. Ngòi bút nhà văn tỏ rõ sự nhạy bén trong việc nắm bắt những chi tiết hiện thực tưởng như nhỏ bé, tầm thường nhưng lại có giá trị tư tưởng lớn lao để đưa vào tác phẩm. Chi tiết nhỏ làm nên tư tưởng lớn. Sức hấp dẫn của Chí Phèo được khơi dậy từ những chi tiết nhỏ nhưng chân thực và sống động như thế.
Tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao là một tác phẩm nghệ thuật thực sự bởi tính chân thực của nó làm ta tin tưởng sâu sắc rằng: Tất cả những gì được kể trong đó đều diễn ra đúng như thế chứ không thể khác được. Ta tức giận trước sự nham hiểm, tàn ác của bá Kiến, trước sự lạnh lùng của người dân làng Vũ Đại; ta đớn đau, thương xót cho cuộc đời Chí Phèo; ta cảm động, yêu thương mối tình Thị Nở - Chí Phèo bởi ta tin tất cả những gì Nam Cao viết về họ là có thật, ta tin vào sự thức tỉnh lương tri của con người, tin rằng lòng nhân đạo sẽ cảm hoá được con người và dù trong bất kì hoàn cảnh khắc nghiệt nào, con người cũng tìm ra con đường sống để khẳng định chính mình. Tính chân thực trong Chí Phèo của Nam Cao không chỉ tái hiện lại bức tranh hiện thực rộng lớn của xã hội Việt Nam trước cách mạng, không chỉ nêu lên những quy luật khắc nghiệt của cuộc sống mà còn phát huy cao độ chức năng nhân đạo hoá của văn chương.
Ngòi bút nhà văn với lòng yêu thương luôn hướng đến chỗ làm cho con người hiểu con người hơn, biết quý trọng bản tính tốt đẹp vốn có của con người, cái bản tính thường ngày bị bóp méo, bị che lấp bởi hoàn cảnh, bởi sự nghèo khổ và cả sự bàng quan, vô tâm của những người xung quanh. Phải chăng bởi Nam Cao đã đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy mọi vang động của đời để viết lên những trang văn chân thực và giàu tình yêu thương đến thế? Nếu cuộc sống vùi dập ước mơ con người, nhà văn cho họ ước mơ. Nếu cuộc sống không cho con người hi vọng, nhà văn thắp sáng hi vọng trong tim họ. Dù sống trong một xã hội thật dữ dằn, cay nghiệt, hoàn cảnh như muốn nghiền nát con người nhưng con người vẫn không chịu khuất phục, vẫn cố ngoi lên để sống, để làm người. Nam Cao tin ở điều đó và chúng ta tin ở điều đó. Những Thị Nở, Chí Phèo... của Nam Cao không chỉ sống ở một làng Vũ Đại nào đó mà đã thực sự sống trong tim mọi người bởi những trang văn đầy xúc động và giàu tính chân thực của tác giả.
Trở lại với ý kiến của Biê-lin-xki, tác giả không chỉ đặt ra yêu cầu về tính chân thực của tác phẩm văn học mà còn đặt ra yêu cầu của nhà văn: Người viết vẫn là một người rất nặng nợ với đời. Cuộc đời của anh ta là một cuộc đời không bao giờ được phép ngừng lăn lộn trong cuộc sống thực tế, không bao giờ ngưng nghiên cứu và quan sát (Nguyễn Minh Chầu). Người nghệ sĩ chân chính phải đi sâu vào thực tế đời sống để khám phá ra chất ngọc trong tâm hồn con người, phải có con mắt giàu yêu thương để nhìn nhận cuộc đời và nâng đỡ con người. Chính niềm tin của nhà văn vào thiện căn con người, khao khát của nhà văn về một cuộc sông xứng đáng, lương thiện đà làm cho những trang viết của nhà văn thấm đượm, lan toả sự ấm áp của tình người, của hi vọng.
Bản thân hiện thực là sự hướng dẫn, bản thân nó là tác phẩm, bản thân nó là bài ca hùng tráng, bài ca trữ tỉnh, nó thành thật dáng sẵn, đón chờ? (Phạm Văn Đồng). Hiện thực cuộc sống với đầy đủ cái đẹp, cái xấu cũng như sự buồn vui không dễ gì thoáng qua và cảm nhận được ngay. Chỉ có tâm hồn nhạy cảm mới nắm bắt được cái đẹp trong hiện thực cuộc sông để dù cho mọi lí thuyết là màu xám, chỉ cây đời mãi mãi xanh tươi. (Gớt).
Lê Trần Yến
Trường Phổ thông năng khiếu Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Bài đạt giải Nhất kì thi Học sinh giỏi cấp Thành phố năm 2018