Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Pau-tôp-xki viết: Nhưng cũng giống như bông hồng vàng của Samet làm ra là để cho Xuytan được hạnh phúc, sáng tác của chúng ta là để cho cái đẹp của Trái Đất

Thứ ba - 10/11/2020 09:29
Nghị luận văn học: Trong truyện ngắn Bụi quý, Pau-tôp-xki viết: Nhưng cũng giống như bông hồng vàng của Samet làm ra là để cho Xuytan được hạnh phúc, sáng tác của chúng ta là để cho cái đẹp của Trái Đất, cho lời kêu gọi đấu tranh vì hạnh phúc, vì niềm vui và tự do, cho cái cao rộng của tâm hồn và sức mạnh của trí tuệ chiến thắng bóng tối, cho chúng ta rực rỡ như một mặt trời không bao giờ tắt. Anh/chị hãy bình luận và chứng minh ý kiến trên.
Pau-tôp-xki viết: Nhưng cũng giống như bông hồng vàng của Samet làm ra là để cho Xuytan được hạnh phúc, sáng tác của chúng ta là để cho cái đẹp của Trái Đất
Những câu chuyện của Pau-tôp-xki, những câu chuyện ngân vang trên ngọn đồi trung du tuyết phủ trắng trời, thấp thoáng những đóa sơn trà e ấp trong làn sương giăng mờ ảo đã gieo vào tâm hồn nhà thơ Xi-mô-nốp nguồn xúc cảm dạt dào:
Đồi trung du phất phơ bóng thông già
Rừng thông đứng - Hồn trong chiều lặng gió
Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ
Như đám mây ngũ sắc ngủ trên đầu.
(Nghĩ lại về Pau-tôp-xki)

Những trang sách của Pau-tôp-xki lấp lánh giữa cuộc đời tựa như sự kết tinh, chắt chiu của muôn triệu hạt bụi quý rải rác giữa cuộc đời. Nó đã làm tròn nhiệm vụ mà người sáng tạo ra nó hằng mong muốn, ước ao: Nhưng cũng giống như bông hồng vàng của Samet làm ra là để cho Xuyzan được hạnh phúc, sáng tác của chúng ta là để cho cái đẹp của Trái Đất, cho lời kêu gọi đấu tranh vì hạnh phúc, vì niềm vui và tự do, cho cái cao rộng của tâm hồn và sức mạnh của trí tuệ chiến thắng bóng tối, cho chúng rực rỡ như một mặt trời không bao giờ tắt.

Chính trong những dòng nhắn nhủ cuối cùng của tập truyện ngắn Bông hồng vàng, Pau-tôp-xki đã nói: Chúng ta, những nhà văn, chúng ta bòn đãi trong hàng chục năm hàng triệu những hạt cát để lặng lẽ thu góp lại cho mình, biến chúng thành những hợp kim rồi từ hợp kim đó ta đánh thành bông hồng vàng của ta - truyện, tiểu thuyết hay thơ. Mỗi tác phẩm văn chương được tạo ra đều được chắt chiu, vun đúc từ những hạt bụi quý của cuộc đời cũng giống như Bông hồng vàng của Samet. Xuyzan đã từng ước ao Giá có ai đó tặng em Bông hồng vàng, em sẽ được hạnh phúc. Vậy thì sáng tác của chúng ta được ra đời cũng là để đem đến hạnh phúc cho mọi người, đem đến cái đẹp cho Trái Đất, lời kêu gọi dấu tranh vì hạnh phúc, vì niềm vui và tự do, cái cao rộng của tâm hồn và sức mạnh của trí tuệ chiến thắng bóng tối. Pau-tôp-xki đã khái quát được những chức năng cơ bản của văn chương tác động đến nhận thức của con người và bản thể của cuộc sống. Văn chương trước hết phải để cho cái đẹp của Trái Đất phải là những bông hoa tỏa hương và làm đẹp cho cuộc sống, sau đó là ngọn lửa thắp sáng tư tưởng, nhận thức của mỗi người, thôi thúc sự đấu tranh vì hạnh phúc, vì niềm vui và tự do và cuối cùng chính là bầu trời cao rộng của tâm hồn con người, đem ánh sáng và sức mạnh của trí thức để chiến thắng bóng tối. Mỗi sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ chỉ thực sự rực rỡ như một mặt trời không bao giờ tắt khi nó có đủ các chức năng giáo dục, nhận thức, thẩm mỹ, giao tiếp... Một tác phẩm chỉ thực sự sống khi nó chạm đến những rung cảm tận đáy tâm hồn người đọc, khơi dậy được khao khát đấu tranh và thức tỉnh, làm ra được hạt ngọc ẩn dấu bền trong tâm hồn con người. Từ đó, ta có thể nhận thấy được tầm quan trọng, tác dụng và ý nghĩa của văn học trong đời sống tinh thần vô cùng phong phú của con người. Tìm được những bông hồng vàng giữa lòng thế giới quả thực rất khó nhưng khám phá ra được những bông hồng vàng trong văn chương lại càng nhọc nhằn hơn. Lời nhận định của Pau-tôp-xki như một tiếng ca ngợi âm thầm nhưng chân thành, nhẹ nhàng nhưng cô đọng nguồn sống dạt dào mà văn chương đem lại cho con người.

Triết gia thi sĩ Chế Lan Viên đã từng nguyện ước rằng:

Ăn phải bùa của các nhà thơ ta yêu Trái Đất đến trăm lần
Dẫu phải thành hương bay đi còn quyến lại
Dù có thể sống triệu năm ở Kim Tinh, Hùng Tinh hay sao chổi
Để được một ngày trên Trái Đất hóa tình nhân.

Văn chương là thứ bùa màu nhiệm và bí ẩn, có sức cuốn hút và mê đắm lòng người bởi nó là kết tinh của triệu vì tinh tú, của vạn giọt nước trong, của nghìn viên ngọc quý giữa lòng cuộc sống. Nhà văn chính là người chắt chiu những vẻ đẹp đương tiềm ẩn, gạn đục khơi trong, đãi cát tìm vàng để sáng tạo ra tác phẩm của mình. Bởi thế mà mỗi sáng tác của người nghệ sĩ đều là để cho cái đẹp của Trái Đất đều ít nhiều đem đến những quan niệm, lí tưởng, thị hiếu và xúc cảm thẩm mĩ cho người đọc. Tác phẩm ra đời là để đánh dấu quá trình khổ công, miệt mài tìm kiếm những chất liệu mộc, thô sơ từ trong cuộc sống, nhào nặn, chế biến và sáng tạo chúng dựa trên quy luật của cái đẹp và quan niệm thẩm mĩ của cá nhân nhà văn. Mỗi phút, mỗi lời tình cờ được nói ra và mỗi cái nhìn vô tình ta bắt gặp, mỗi ý nghĩ sâu sắc hoặc vui đùa, mỗi rung dộng thầm lặng của con tim, cũng như cánh của một bông xốp hoa hướng dương đang bay hay lửa sao trong một vũng nước đêm, tất cả đó đều là những hạt rất nhỏ của bụi vàng (Pau-tôp-xki). Như Xuân Diệu đã nói Thơ là do cá nhân thi sĩ làm, sáng tạo văn chương trước hết là của cá nhân người nghệ sĩ, họ phải sàng lọc, gìn giữ những hạt rất nhỏ của bụi vàng để chờ ngày đúc được một bóng hồng vàng đích thực để cho cái đẹp của Trái Đất. Văn chương chỉ thực sự có tính thẩm mĩ cao khi nó được sáng tạo dựa trên quy luật của cái đẹp và truyền được những quan niệm, xúc cảm thẩm mĩ đến với người đọc. Thứ văn chương để cho cái đẹp của Trái Đất chính là liều thuốc thức tỉnh, khơi dậy những xúc cảm đẹp, những chiều sâu mĩ cảm đang tiềm ẩn trong tâm hồn mỗi người. Văn chương đẹp nhất khi nó có thể kết nối được con tim người đọc và người viết, hướng họ tới chân trời của cái ĐẸP đích thực. Làm sao ta có thể cảm nhận được vẻ đẹp rạng rỡ của tình người, của lòng bác ái nếu chưa một lần thử đọc Chiếc lá cuối cùng của Ô Hen-ri. Song hành với niềm hạnh phúc khi Giôn- xi đã được nhìn thấy chiếc lá bắt đầu sự sống của mình chính là những giọt nước mắt xót xa ướt đẫm trang viết. Bác họa sĩ già Bơ-men đã dùng tài năng nghệ thuật và tấm lòng nhân ái của mình để cứu vớt người đồng nghiệp đồng thương. Khát vọng vươn tới cái đẹp đôi khi khiến người ta phải đánh đổi cuộc sống nhưng vẫn an lòng và mãn nguyện. Người họa sĩ già đã tìm được lẽ sống của mình còn người đọc tác phẩm đã tiếp nhận được những rung cảm thẩm mĩ tinh tế và sâu sắc như niềm vui, sự đau xót, tiếc thương và khâm phục trước số phận con người. Nước mắt tuổi thơ thấm đẫm trang truyện cổ vì thương cho số phận của nàng tiên cá câm lặng gìn giữ tình yêu thầm kín. Nụ cười hé trên môi vì cuối cùng Lọ Lem và hoàng tử đã mãi mãi bên nhau để viết tiếp chuyện tình cổ tích cho muôn vàn trang thơ Anđécxen. Tất cả những xúc cảm đó đều là những vì tinh tú, những viên ngọc quý mà tác phẩm văn chương mong tìm được. Cái đẹp hoàn mĩ nhất chính là vẻ đẹp của tâm hồn, và một khi sáng tạo nghệ thuật đã chạm tới đáy hồn người, ấy chính là làm đẹp thêm cho cuộc sống văn chương, là hoàn thành được chức nàng chân chính của văn học.

Bằng những xúc cảm mạnh mẽ của mình, thơ ca đã thôi thúc ta vươn tới cái dẹp như thể:

Thơ là đôi cánh nâng tôi bay
Thơ là vũ khí trong trận đánh.
(Raxun Gamzatov)

Yêu thiết tha cái đẹp, con người sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ cái đẹp, căm thù những kẻ xấu xa phá hoại nét đẹp trong sáng, ngọc ngà của cuộc sống quanh ta. Chính vì thế mà mỗi sáng tác của nhà văn phải là lời kêu gọi đấu tranh vì hạnh phúc, vì niềm vui và tự do. Văn chương đâu chỉ là những phút điên loạn thánh thần, là tiếng lòng hay một phút nổ ra như tiếng sét, văn học còn tham gia xây dựng và củng cố đời sống theo đúng quy luật phát triển của nó. Nó không trực tiếp kiến tạo xã hội song văn học lại như một người thầy giáo, giúp con người nâng cao ý chí và củng cố lòng tin vào cuộc sống. Không chỉ dừng lại ở việc phản ánh xã hội, nghệ thuật đích thực phải kéo con người trở về thực tại, giúp họ nhận ra cái đẹp là cuộc sống (Sec-nư-sep-xki), tin tưởng răng cuộc sống là kì diệu và đẹp đẽ nhất (Pau-tôp-xki). Nhận ra được những nét thanh tân, những vẻ ngà ngọc, những ý nghĩa lớn lao của cuộc sống quanh mình, con người sẽ có lối sống vận động tích cực hơn để đấu tranh cho niềm vui, tự do và hạnh phúc của bản thân mình. Nếu văn chương chỉ dồn con người vào những xúc cảm ngao ngán, mơ hồ:

Hôm nay trời nhẹ lên cao
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn.

hay nỗi buồn ứa máu, xót xa:

Tiếng gà gáy nghe buồn như máu ứa
Chết không gian khô héo cả hồn cao.

thì đâu có thể là đôi cánh năng tôi bay, là lời đấu tranh cho hạnh phúc, tự do. Thơ phải là tiếng nói đồng chí, đồng ý, đồng tình, là liều thuốc tinh thần để nâng cánh tâm hồn ta, tiếp thêm nguồn sinh lực dồi dào để ta mạnh mẽ chiến đấu vì niềm vui, hạnh phúc và tự do. Tố Hữu đã nói cuộc đời là nơi xuất phát và cũng là nơi đến của văn chương, thơ ca bắt rễ từ cuộc đời vì thế trước tiên nó phải củng cố được niềm tin của con người vào cuộc đời, từ đó mà khơi dậy, mà kêu gọi tinh thần đấu tranh vì hạnh phúc, niềm vui và tự do. Chúng ta hướng đôi mắt nhìn vào hiện thực bề bộn của cuộc sống thực dân nửa phong kiến, nơi có những người nông dân nghèo khổ khốn cùng vì sưu thuế như chị Dậu, những kẻ bị xã hội tha hóa, ruồng rẫy như Chí Phèo, Thị Nở hay những số phận bi thảm, muốn được sống làm người lương thiện nhưng cũng đành bất lực mà chọn lấy cái chết như lão Hạc. Hiểu thêm về cuộc sống, về những kiếp người chấp nhận cái chết để đòi được sống, ta càng thêm căm phẫn, căm thù cái xã hội tàn bạo đã tước đi quyền sống của con người. Khao khát đấu tranh để tìm đến chân trời “hạnh phúc, tự do và niềm vui” cứ cháy mãi không dứt trong ta. Bản thân mỗi tác phẩm văn học đã là tiếng nói đấu tranh để chống lại cái xấu, cái ác, nhưng tầm ảnh hưởng của nó không chỉ tồn tại trong phạm vi tác phẩm, nó phải lan rộng ra toàn nhân loại, giáo dục và khơi thông nhận thức của người đọc, kích thích tinh thần chiến đấu vì hạnh phúc, niềm vui và tự do của mỗi người. Tất cả những điều đó đã làm cho văn chương trở thành một thứ vũ khí sắc bén, vũ khí của lòng người. Văn học mãi là người bạn của con người, giúp con người có niềm tin, có khát vọng, có nhiệt tình để sáng tạo thực tại xã hội và đấu tranh vì hạnh phúc, vì niềm vui và tự do.

Reverdy đã từng nói: Nhà thơ là người thợ lặn đang sục tìm những vực sâu kín nhất của tâm thức mình những vật liệu cao quý sẽ kết tinh lại khi bàn tay anh ta mang chúng ra ánh sáng. Người nghệ sĩ chân chính trước hết phải tìm thấy được những nét đẹp sâu kín trong tầm hồn mình, sau đó mới là người đi tìm các hạt ngọc ẩn giấu bên trong tâm hồn con người (Nguyễn Minh Châu). Chỉ khi sáng tác nghệ thuật dung hòa được tâm hồn của người nghệ sĩ và người đọc, nó mới thực sự là cho cái cao rộng của tâm hồn và sức mạnh của trí tuệ chiến thắng bóng tối. Pau-tôp-xki không chỉ nhận thức được tầm quan trọng của văn chương trong công cuộc chinh phục cái đẹp, đánh thức khát vọng đấu tranh và vươn lên của con người, văn chương còn phải mở rộng tâm hồn của mỗi người, đưa họ đến với sức mạnh của tri thức, với ánh sáng của tri thức chiến thắng bóng tối. Chức năng lớn nhất của văn học là xây dựng nhận thức đúng đắn cho con người, mở cửa tâm hồn họ để đem tới những chân lí sống, những khát vọng và ước mơ cao đẹp. Văn học là nhân học (Gorki), mỗi sáng rạo văn chương đều cần phải làm đẹp thêm cho tâm hồn con người, đưa họ ra khơi những suy nghĩ tiêu cực. Chưa bao giờ trách nhiệm của văn chương lại được đề cao đến thế. Nó tựa như người thầy, người cha, người mẹ, nó mang trọng trách giáo dục và làm màu mỡ thêm mảnh đất của tâm hồn con người, đem ánh sáng của tri thức vào trong đời sống. Trong bụng không có ba vạn quyển sách, trong mắt không có núi sông kì lạ của thiên nhiên thì không thể làm thơ (Lê Quý Đôn), văn chương chân chính không chỉ cần cảm xúc, cần tiếng lòng, nó phải là sự đúc kết vốn sống, vốn tri thức của nhà văn để đêm đến cho người đọc một cái nhìn đúng đắn và chính xác. Một bác sĩ tồi có thể giết chết một bệnh nhân, một vị tướng tốt có thể hại chết cả một sư đoàn nhưng một nhà văn tồi có thể giết chết cả một thế hệ. Văn học là tư tưởng, tư tưởng của nhà văn có đúng đắn thì mới có thể đem đến cho người đọc cái cao rộng của tâm hồn chứ không phải lối suy nghĩ hẹp hòi, tiêu cực và gò bó. Nhưng không chỉ cần có tính chiến đấu cao, tác phẩm nghệ thuật cần phải có tính giáo dục, có tư tưởng đúng đắn để hướng con người ta tới lối sống đẹp, suy nghĩ đúng, đem tri thức và nhận thức cho con người như một luồng ánh sáng diệu kì xua tan đêm tối trong tâm hồn mỗi người, có như vậy, văn chương mới thực sự là văn chương, mới có giá trị nhân đạo và giáo dục cao cả. Nếu không có những câu chuyện cổ tích ngày xưa như Tấm Cám, Sọ Dừa... ta nào có thể hiểu được chân lí ác giả ác báo, ở hiền gặp lành để giờ đây sống sao cho nhân ái, cao dung. Nếu chẳng may ta lỡ đánh rơi mất những lời thơ của Chế Lan Viên:

Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con.
(Con cò)

thì sao có thể hiểu được công lao dưỡng dục của mẹ mà biết ơn, mà hiếu nghĩa. Con người lớn lên và thấu hiểu giá trị và chân lí của cuộc sống cũng phần nào nhờ cuốn “bách khoa toàn thư” văn học. Vì vậy mà mỗi sáng tác đều là để cho cao rộng của tâm hồn và sức mạnh của tri tuệ chiến thắng bóng tối, phải có giá trị giáo dục chính xác và toàn năng để nuôi dưỡng tâm hồn của nhiều thế hệ sau này.

Văn học nghệ thuật là lĩnh vực đa chức năng. Một tác phẩm thành công cần phải là sự tổng hợp của tất cả các chức năng giáo dục, thẩm mĩ, nhận thức để làm đẹp cho cuộc đời và văn chương. Ta quay ngược dòng thời gian để trở về với một làng Vũ Đại “quần ngư tranh thực”, một làng xã điển hình của nông thôn Việt Nam lúc bấy giờ để cảm nhận được nét sắc sảo và tài năng trong ngòi bút của Nam Cao. Ông đã thổi hồn vào tác phẩm, đem đến những rung cảm thẩm mĩ độc đáo và cả tính chất giáo dục vô cùng sâu sắc. Chí Phèo là một truyện ngắn có dung lượng của tiểu thuyết, vì vậy mà người đọc sẽ có một cái nhìn sâu sắc và bao quát hơn về cuộc đời của một anh Chí - một người nông dân bình thường như biết bao người dân khác trong xã hội thuộc địa nửa phong kiến lúc bấy giờ. Quá trình tha hóa của Chí Phèo từ một anh Chí hiền lành, lương thiện cho đến một thằng săng đá, một tên lưu manh Chí Phèo diễn ra không chóng vánh mà theo một quá trình đúng như sự xếp đặt đầy ngụ ý của Nam Cao. Từ một anh Chí suốt ngày chỉ biết cắm mặt đi cày thuê cuốc mướn cho đến khi bị tống vào tù vì trót làm trái ý cụ bá để rồi khi ra tù, hắn mang diện mạo và hình hài của một thằng săng đá đã là một bước trượt dài trong cuộc đời Chí Phèo. Nam Cao xây dựng các bước tha hóa của Chí Phèo ngày càng dồn dập, nhanh chóng. Lần đầu tiên đến nhà bá Kiến, hắn vẫn chỉ là một thằng rạch mặt ăn vạ mong kiếm chút tiền còm uống rượu. Nhưng đến lần thứ hai, Chí Phèo đã cởi bỏ lốt người để trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại, hắn đã biết “vòi tiền”, biết dọa giết năm ba thằng. Chí Phèo giờ đây đã thực sự trở thành một sản phẩm của xã hội thực dân chó đểu, trở thành tay sai cho bá Kiến. Hình tượng Chí Phèo trong sáng tác Nam Cao là hình tượng điển hình, khái quát và phản ánh số phận của muôn kiếp người trong xã hội lúc bấy giờ. Nếu muốn được sống thì phải chấp nhận tha hóa, chấp nhận từ bỏ hết nhân hình, nhân tính như Chí Phèo. Số phận của Chí Phèo khiến người đọc phải cảm thương, phải xót xa trăn trở, nhức nhối khôn nguôi. Ta giận cho một Chí Phèo đánh mất mình từ quá sớm, ta căm cho một xã hội thối nát đã đẩy con người đến bước đường cùng và rồi ta thương, ta đau cho một Chí Phèo đến cuối của cuộc đời vẫn còn chưa có được câu trả lời “Ai cho tao lương thiện”? Làng Vũ Đại đã ruồng rẫy một đứa con hoang, Thị Nở đã “dừng yêu” mà gạt tay Chí Phèo ra khỏi cuộc đời mình, đẩy hắn từ chỗ đang khao khát được làm người lương thiện trở nên tuyệt vọng và suy sụp. Vậy thì ai? Ai cho Chí Phèo được sống lương thiện? Đau lắm thay cho cuộc sống tội nghiệp của một anh Chí đáng thương hơn đáng giận. Người đọc cảm nhận những dòng kết truyện Nam Cao mà như có ngàn vạn mũi dao cứa vào tim, mà như có nước mắt mặn đắng nơi đầu lưỡi. Nào là thương, giận, là xót xa, là đau đớn, trang văn Nam Cao đã cho người đọc những phút thăng hoa, hướng họ đến những rung cảm đẹp đẽ, những niềm xúc cảm nhân bản nhất của một con người. Nhưng niềm đau sẽ mãi chỉ là niềm đau nếu ta không dùng hết sức mạnh đấu tranh, chống lại những cái xấu, cái ác còn đứng hiện hữu giữa lòng cuộc sống. Tác phẩm của Nam Cao như gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh, thúc giục con người ta phải nhìn thẳng vào thực trạng xã hội, từ đó thúc giục con người vươn lên đấu tranh giành quyền sống cho chính mình. Sẽ không còn những Chí Phèo, những lão Hạc phải chết khi còn đang có một ước mong sống lương thiện và cao đẹp. Trang văn Nam Cao sắc lạnh, tỉnh táo nhưng lại rất giàu tính chiến đấu, thông qua việc vạch trần bộ mặt của xã hội phong kiến và khắc họa chân dung cận cảnh của những kiếp khốn cùng như Chí Phèo, nó đã kích thích và có ảnh hưởng sâu sắc đến suy nghĩ và nhận thức của người đọc. Từ hiện thực bề bộn của xã hội, Nam Cao dồn nén, cô đúc vào hình tượng của một làng Vũ Đại ngày ấy khiến cho người đọc như đang sống cùng nhân vật, từ đó mà khao khát đấu tranh giành quyền sống, quyền tự do, ước ao muốn trở thành người lương thiện càng cháy bỏng trong tâm hồn mỗi con người. Hơn bất kì lời “hô to gọi giật” nào, văn chương trở thành thứ vũ khí sắc bén để đuổi nghìn quân giặc (Lê Thánh Tông), là mảnh đất màu mỡ để nuôi dưỡng những rung cảm thẩm mĩ tinh tế và đầy nhân văn của con người.

Pau-tôp-xki đã viết: Nhưng cũng giống như bông hồng vàng của Samet làm ra là để cho Xuyzan được hạnh phúc, sáng tác của chúng ta là để cho cái đẹp của Trái Đất, cho lời kêu gọi đấu tranh vì hạnh phúc, vì niềm vui và tự do, cho cái cao rộng của tâm hồn và sức mạnh của trí tuệ chiến thắng bóng tối, cho chúng rực rỡ như một mặt trời không bao giờ tắt. Mỗi tác phẩm văn chương là kết tinh của hàng ngàn hạt bụi quý được sàng lọc bởi bàn tay khéo léo và ngọn cút của nhà văn. Nhưng để đúc được một bông hồng vàng đích thực, ta cần không chỉ một mà nhiều hạt bụi vàng được cô đúc, hòa quyện vào với nhau, cũng giống như thế, văn chương cần đến sự kết hợp của nhiều chức năng cơ bản như thẩm mĩ, giáo dục, nhận thức... để cho tác phẩm “rực rỡ như một mặt trời không bao giờ tắt” trong thi ca. Nhà văn là người tạo ra tác phẩm còn độc giả là người quyết định số phận của tác phẩm (Gorki), chỉ khi nào văn học chạm đến những chiều sâu thăm thẳm, bao quát mọi mặt trong khối đa diện của tâm hồn con người, nó mới thực sự thành công. Các chức năng của văn chương lúc nào lũng tồn tại song hành và bổ sung cho nhau, vì thế tác phẩm cần phải bao quát kết hợp được tất cả những ưu điểm đó, từ đó tạo nên giá trị nhân đạo của tác phẩm, tạo nên một mặt trời không bao giờ tắt trong trái tim người đọc. Muốn như vậy, đòi hỏi nhà văn phải là người cho máu (En-xa Tri-obe), là nhà tư tưởng (Biê-lin-xki) và là nhà nhân đạo từ trong cốt tủy (Sê-khôp). Mỗi tác phẩm đều là sản phẩm của quá trình sáng tạo nghệ thuật, là kết tinh, cô đúc những rung cảm của nhà văn với cuộc đời. Chính vì thế mà nó đòi hỏi người viết văn cần có những rung động thực sự trước cuộc đời, có khả năng nắm bắt và đưa hiện thực bề bộn của đời sống vào trong văn một cách sống động:

Nhà thơ phải trả chữ với giá cắt cổ
Như khai thác chất hiếm “radium”
Lấy một gam phải mất hàng năm lao lực
Lấy một chữ phải mất hàng tấn quặng ngôn từ.
(Maia-cốp-xki)

Văn chương là sự dụng công thần kì của nhà văn. Muốn cho người đọc có những xúc cảm, có những suy ngẫm về tác phẩm của mình, nhà văn trước hết phải khổ công tìm kiếm, chắt chiu mật ngọt của cuộc sống tựa như con ong hút mật vậy (Po-vlen-ko). Những câu thơ tuyệt diệu nhất là những câu thơ không làm xong được bao giờ (Ros-tand), văn chương chỉ thực sự vượt qua quy luật của sự băng hoại khi nó là nhịp cầu nối bất tử giữa người đọc và người viết, để mỗi tác phẩm sẽ vĩnh hằng như Những câu thơ trong thi ca.

Anh tìm thấy Pau-tôp-xki trong cuộc sống
Bông hồng vàng góp lại từ đáy đời thường.

Mọi đóa hồng đều nở ra từ lòng người. Bông hồng vàng của Samet có thể làm cho Xuyzan được hạnh phúc vì nó là kết tinh của tình yêu trong sáng, thủy chung và đầy hi sinh. Mỗi tác phẩm chỉ thực sự là một bông hồng vàng, là mặt trời rực rỡ khi nó chiếu sáng và nở hoa nơi tâm hồn con người.
 
Nguyễn Hồng
rường THPT chuyên Lê Hồng Phong Thành phố Hồ Chí Minh
Bài đạt giải Nhất kì thi Tuyển chọn học sinh giỏi cấp Thành phố, năm 2017

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây