I. DÀN Ý
1. Mở bài:
* Giới thiệu chung:
- Cây đa lớn hay nhỏ? (Cây đa cổ thụ)
- Được trồng ở đâu? (Đầu làng em)
2. Thân bài:
* Tả cây đa:
+ Hình dáng:
- Thân cây lớn, rễ mọc ngoằn ngoèo trên mặt đất.
- Xung quanh thân chính có rất nhiều thân phụ.
- Ngọn đa cao vượt khỏi luỹ tre làng.
- Bóng đa tỏa mát một khoảng đất rộng.
- Trong tán cây, nhiều loại chim làm tổ.
- Dưới bóng đa là quán nước cho khách nghỉ chân, là chỗ vui chơi của đám trẻ...
+ Cây đa với cuộc sống của dân làng:
- Cây đa chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của làng.
- Dân làng thường gặp gỡ trao đổi công việc làm ăn, trò chuyện tâm tình dưới gốc đa.
3. Kết bài:
* Cảm nghĩ của em:
- Cây đa là hình ảnh quen thuộc, gần gũi.
- Cây đa là nhân chứng lịch sử của làng.
II. BÀI LÀM
Đầu làng em có một cây đa có lẽ đã vài trăm tuổi. Thân cây lớn lắm! "Rễ đa ngoằn ngèo như những con trăn khổng lồ uốn khúc. Xung quanh gốc chính là hàng chục gốc phụ khiến cho cây thêm bề thế và vững chãi. Cách xa hàng cây số đã nhìn thấy bóng đa cao vượt khỏi lũy tre làng, sừng sững in trên nền trời xanh biếc.
Bóng đa che mát một khoảng đất rộng. Chim chóc làm tổ trên cành, suốt ngày ríu rít. Đang đi trên đường nắng chang chang, khách ghé chân vào quán tranh nghỉ tạm, uống một bát nước chè xanh hãm đặc, tận hưởng cơn gió nồm nam lồng lộng thổi, quả là không có gì sung sướng bằng, bao nhiêu mỏi mệt đều tan biến hết.
Tuổi thơ chúng em cũng tìm được ở cây đa nhiều điều kì thú. Lá đa to, dày và xanh bóng đem cuộn tròn lại, xé hai bên mép lá làm sừng, buộc một mẩu dây chuối khô vào cuống rồi luồn vào trong, khe khẽ kéo... Thế là đã có một “con trâu lá đa”, cặp sừng cong cong, cái đầu gục gặc như sẵn sàng nghênh chiến. Nào là trâu bố, trâu mẹ, nghé tơ... nằm quây quần bên nhau, nhìn mới thích làm sao!
Những chiếc búp đa khô quăn queo màu nâu rơi trên mặt cỏ có thể nhặt về làm kèn. Kèn búp đa ngậm vào miệng rồi phồng má thổi, nó kêu “toe” lên một tiếng, kèm theo chuỗi cười trong trẻo vang xa.
Chiều hè, chúng em thường túm năm tụm bảy dưới góc đa để thi thả diều. Bờ con mương chạy ngang cánh đồng làng là nơi thả diều lí tưởng. Những cánh diều chấp chới bay cao; tiếng sáo diều vi vu ngân nga giữa không trung bát ngát.
Ông em kể rằng cây đa đã chứng kiến bao sự kiện buồn vui của làng. Lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên phất phới bay trên ngọn đa. Cuộc mít tinh đầu tiên của dân làng thành lập chính quyền cách mạng cũng diễn ra dưới gốc đa. Trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mĩ, những cuộc tiễn làm ăn hằng ngày, chuyện đổi mới không ngừng của làng của nước, bà con trao đổi với nhau dưới bóng mát cây đa. Cây đa cổ thụ quả đúng là nhân chứng lịch sử của làng.
Bài 2: Tả cây đa làng em
“Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều”
Quê hương hai tiếng gọi thân thương mà bình dị. Nghĩ về quê hương là nghĩ đến những lũy tre xanh rì rầm, là cánh đồng lúa bát ngát, là dòng sông tắm mát trưa hè. Và không thể không nhắc đến hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình, những điều thân thuộc của làng quê yêu dấu. Quê em cũng có một cây đa cổ thụ và nó trở thành một dấu ấn đẹp đẽ trong tâm hồn em.
Cây đa không biết có tự bao giờ, em nghe nội bảo nó có từ lâu lắm rồi. Đa mọc sừng sững, đứng oai vệ như một người hùng. Nó đã chứng kiến bao nhiêu thế hệ sinh ra và lớn lên trưởng thành xa quê lập nghiệp rồi trở về. Cây đa cũng là nhân chứng tiêu biểu của cuộc chiến tranh tàn ác của Pháp và Mỹ xâm lược nước ta. Cây đa mọc đầu làng, bên cạnh đồng lúa, dưới gốc đa có giếng nước kề cạnh .Thân cây cao khoảng năm, sáu mét, gốc cây to bảy tám người ôm chưa hết một vòng. Cây khoác lên mình màu da nâu đặc trưng, vỏ cây sần sùi, xù xì những vết xước, một vài vết "thẹo " kí ức của chiến tranh. Cây có nhiều cành, cành nào cũng to, khoẻ, chắc nịch như bắp tay người dũng sĩ vươn mình che chở ngôi làng. Cây có tán lá rộng, lá mọc xùm xuê, xanh mướt. Tán lá như một chiếc ô khổng lồ giữa bầu trời. Lá đa to bản, có hình bầu dục và có nhiều gân trên mặt lá, mỗi chiếc lá trong như một bàn tay người lớn. Rễ đa to, mọc lổm chổm trên mặt đất , trườn mình ra như những chú rắn khổng lồ đi tìm nguồn dinh dưỡng nuôi cây. Rễ cây bám chắc vào lòng đất, những ngày gió lớn hay mưa bão cũng không làm quật được sức chiến đấu kiên cường của cây đa. Trái lại, càng làm cho nó thêm mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đa ra quả vào mùa hạ, quả đa chín ngọt và có vị hơi chan chát.
Cây đa gắn liền với kỉ niệm tuổi thơ em và với dân làng. Đó là những lần em cùng lũ bạn chơi trốn tìm, chuyền thẻ, bịt mắt bắt dê,.... vô cùng vui vẻ dưới gốc đa. Là những trưa hè nóng nực, cô bác trong làng ra ngồi dưới gốc đa hóng mát, trò chuyện cùng nhau. Là những ngày vất vả mệt nhọc với vụ mùa, bác nông dân lại cùng đa làm bạn, nghỉ ngơi, thưởng thức vị mát của những cơn gió nồm thổi qua. Là hình ảnh bác trâu già thông thả nằm dưới gốc đa mơ màng lim dim nhai cỏ. Là những chiều về, tụi nhỏ chúng em thả diều, bắt bóng cùng tiếng chim ríu rít trên cành như khúc nhạc tuổi thơ. Là những trưa hè, đa cùng em soi mình dưới mặt nước trong vắt . Là những đêm rằm dưới ánh trăng tròn vành vạnh bóng đa toả bóng mình xuống mặt đất huyền ảo đẹp đẽ đến lạ kì. Và cả những lần hờn đỗi em lại tìm đến gốc đa như một người bạn tâm tình để được vỗ về an ủi.
Cây đa tượng trưng cho sự trường tồn, sức sống dẻo dai. Cây đa mang lại vẻ bình yên cho làng quê. Nó như một nét văn hoá của làng quê Việt, mang vẻ đẹp cổ kính và gần gũi, cần được trân trọng và giữ gìn.
"Cây đa gọi gió đến
Cây đa vẫy chim về
Đa một ngày một lớn
Và nuôi thêm nhiều ve …."
Cây đa quê hương đi vào hồn thơ của biết bao thì nhân một cách tự nhiên và bình dị như thế. đẹp đẽ bên gốc đa mãi là điều đẹp đẽ nhất trong tâm trí em.
Bài 3: Tả cây đa làng em
Từ bến đò Yến, em đã nhìn thấy làng em. Phải qua một cánh đồng bao la, con đường liên xã dài hơn hai cây số, em đã nhìn thấy hình bóng quê hương yêu dấu: cây đa Mục Bài in bóng xanh thẫm trên bầu trời. Mỗi lần đi xa về, em cảm động, tưởng như cây đa làng Hương đang giơ tay vẫy chào, đón đợi mình.
Cây đa tọa lạc trên một bãi cỏ rộng đến ba sào canh ngã ba đường vào xóm Bầu, xóm Bến. Cách xa cây đa độ trăm mét là đình Hương, nổi tiếng khắp vùng. Cây đa tỏa bóng xanh um. Ông nội em cho biết: "Cụ Nghè đã trồng cây đa này và đặt tên là Mục Bài. Đã mười đời nay, con cháu cụ, dòng họ Trịnh vẫn tự hào về cây cổ thụ. Có lẽ đã trên dưới 200 năm rồi đấy...".
Gốc đa xù xì, phải đến năm sáu người ôm mới xuể. Rễ cây nâu đen như một bầy trăn khổng lồ cuồn cuộn, nửa chìm nửa nổi ôm lấy gốc đa, cắm sâu vào bốn phía. Có nhiều rễ phụ từ cành cao đâm thẳng đứng, có những chùm tua tủa bằng chiếc đũa màu gạch đỏ, có những rễ phụ to bằng cổ tay, cổ chân chĩa thẳng xuống.
Năm tháng trôi qua, những rễ phụ này sẽ xuyên sâu vào lòng đất, để hút màu mỡ nuôi cây, để làm cho gốc cây vừa to thêm vừa vững chắc. Gốc đa là nơi nghỉ mát cho khách bộ hành, là nơi đón đợi tụ hội của trẻ mục đồng, của học sinh làng Hương...
Lá đa to và dày bằng bàn tay người lớn. Mùa xuân, cây đa nảy lộc, lá non màu đỏ hung, búp đa nhọn tua tủa như muôn nghìn ngọn giáo nhọn hoắt đâm thẳng lên bầu trời, dân làng em vẫn gọi là “giáo búp đa”. Cuối tháng hai, lá đa xanh rì, xanh ngắt, cành lá sum sê.
Tán đa, vòm đa đứng xa nhìn như một chiếc dù xanh khổng lồ bung nở. Hoa đa như nụ vối, nụ chè, nhưng to hơn. Tháng 5, tháng 6 mùa hè, quả đa chín đỏ mọng, rồi đen thẫm lại như trái bồ quân, như quả táo tàu trong gói thuốc bắc. Quả đa chín có vị ngọt, chúng em vẫn nhặt đa rụng chia nhau.
Hạt đa như hạt kê đen nhánh, rất cứng, hoặc theo phân chim, hoặc theo gió đưa đi xa, gieo giống vào đầu non sườn núi, khắp bốn cõi. Dưới vòm lá đa xanh là nơi cò đậu khi hoàng hôn, là nơi trú mưa của đàn én, là nơi hội họp của bầy sáo. Mùa trái chín, cây đa hiền thảo gọi về hàng trăm con sáo. Chúng hót ríu ran, chúng tranh nhau, cãi nhau chí chóe để tranh giành trái chín từ sáng sớm đến chiều tà.
Dưới gốc cây đa Mục Bài, bà con làng Hương đã từng làm lễ tiễn đưa con em mình ra trận thời chống Mĩ. Là nơi lưu luyến tiên con của những mẹ già, nơi thương nhớ tiễn chồng của những người vợ trẻ. Cây đa chắc còn nhớ những giọt nước mắt hậu phương, chắc còn nhớ 124 gương mặt những chàng trai làng Hương đi đánh giặc mãi mãi không về.
Từ ngày đình làng còn là trường học cấp 2 của xã, cây đa, gốc đa Mục Bài là nơi tụ hội của đám học trò nghịch như quỷ sứ. Sân bóng cũng là đây. Phá tổ chim, hái quả chín, cũng là đây. Nhưng sau ngày có một học sinh trèo đa bị ngã què, cây đa trở thành cõi thiêng, đồn đại nhiều chuyện lạ!.
Em chưa dám một lần trèo cây đa. Nhưng em và bạn em đã nhiều lần đi vòng quanh gốc đa, ôm lấy gốc đa, ngước mắt nhìn lên những cành đa to như cột đình, ngắm vòm lá xanh, nghe chim hót, nghe gió thổi, lá reo mà thấy lòng tuổi thư xôn xao khó tả.
Cụ Nghè họ Trịnh đã trồng cây đa. Phải chăng cụ muốn để đức sâu nghĩa nặng cho con cháu, để lại bóng mát cho bà con. Câu hát của chị gái vẫn làm em xúc động khi nhớ, khi nghĩ về làng Hương yêu dấu, về cây đa Mục Bài thân thương của mình:
“Cây đa cũ, bến đò xưa,
Bộ hành có nghĩa, nắng mưa vẫn chờ”.
Bài 4: Tả cây đa làng em
Làng quê em có rất nhiều cảnh đẹp khiến ai đi xa nơi đây cũng đều thương đều nhớ. Đối với em, hình ảnh mái đình cổ rêu phong nằm tĩnh lặng dưới bóng cây đa cổ thụ luôn in sâu trong tâm trí mỗi lần trở về quê nội.
Cây đa chẳng biết có từ bao giờ. Bà nội kể từ khi bà còn nhỏ, cây đã ở ơi đây tỏa bóng mát cho trẻ con nô đùa. Có lẽ đến nay, cây đa cũng đến hơn trăm tuổi. Rễ đa nổi lên trên mặt đất và bò rộng ra khoảng đất xung quanh để giữ thân cây được vững chắc. Vì vậy, trải qua thời gian với bao cơn bão lớn, đa vẫn đứng vững và tỏa bóng mát cho làng quê. Rễ cây to và dài như những con mãng xà nằm lặng yên trên mặt đất. Đây cũng là nơi người dân làng em thường ngồi nghỉ chân mỗi khi đi làm đồng về và lũ trẻ con thích thú ngồi nô đùa sau mỗi buổi tan học. Cây đa còn có nhiều rễ phụ, buông dài từ trên xuống như những chiếc râu của chú bạch tuộc.
Thân cây đa to lớn, chừng ba đến bốn người dang tay mới ôm xuể. Vỏ cây có màu nâu, thân cây không nhẵn mịn mà xù xì. Thân cây khoảng 8 mét và chia thành ba nhánh lớn, xòe tán rộng xum xuê. Ngọn cao nhất mọc thẳng như hướng về nền trời xanh ngắt
Lá đa dày và rộng hơn bàn tay em, có màu xanh đậm. Mỗi khi lá rụng, lũ trẻ trong làng thường sử dụng để làm quạt mát hoặc biến thành chiếc mũ đội đầu xinh xinh. Tán đa xòe rộng như chiếc ô khổng lồ màu xanh. Trên vòm lá ấy còn xuất hiện những bông hoa đa nhỏ xíu, để rồi kết trái và mùa hè đến có những trái đa đỏ mọng, là món quà của trẻ thơ quê em. Mỗi làn gió nhẹ thổi qua, cành lá đu đưa, tạo nên âm thanh xào xạc. Ở những tán lá rộng, chim chóc kéo nhau về làm tổ rộn ràng.
Cây đa đầu làng đã chứng kiến bao chuyện buồn vui của ngôi làng. Mỗi khi có dịp về quê, em cùng các bạn thường nô đùa và chơi các trò chơi dân gian dưới bóng mát của tán đa cổ thụ. Khách qua làng thường dừng chân bên quán nước ven gốc đa, uống bát nước chè xanh và lắng nghe tiếng chim hót văng vẳng bên tai.
Em yêu thích cây đa bởi vẻ đẹp cổ kính và nơi đây đã gắn bó với bao kỉ niệm tuổi thơ êm đềm. Cây đa giống như ông bụt hiền từ đứng ở đầu làng, luôn dang rộng vòng tay chào đón những người con của làng trở về. Em mong gốc đa cổ thụ sẽ mãi mãi xanh tươi, trở thành người bạn gắn bó và thân thiết với người dân quê em.