Đoạt sóc Chương Dương độ, Cầm Hồ Hàm Tử quan.
(Cướp giáo giặc ở bến Chương Dương, Bắt quân Hồ ở cửa Hàm Tử).
Chủ ngữ ở cả hai câu thơ được lược bớt, do vậy đọc hai câu thơ đầu ta cảm giác được nhịp độ diễn tiến của chiến trận dồn dập, sôi động mà quyết liệt bởi nhịp thơ nhanh, gấp, ngôn ngữ hàm súc, rắn rỏi. Các động từ cướp, bắt được đặt ở đầu câu và chuyển trực tiếp đến đối tượng (cướp giáo, bắt quân Hồ). Hai câu thơ sang sảng toát lên bao niềm tự hào. Tuy nhiên, tác giả không dừng lâu ở chiến công, không tỏ ra say sưa với chiến thắng. Trái lại, ý thức cảnh giác với kẻ thù xâm lược, ý thức xây dựng đất nước hùng mạnh về mọi mặt càng được nâng cao:
Thái bình tu trí lực.
(Thái bình rồi nền dốc hết sức lực).
Câu thơ như lắng lại ở hai chữ thái bình và tiếp đó là một nhiệm vụ, một hành động sáng suốt: tu trí lực (nên dốc hết sức lực). Chính lòng tự hào về những chiến công hiển hách trong thời chiến và ý thức xây dựng đất nước trong thời bình được thể hiện trong ba câu thơ đầu là sự khẳng định cho sự trường tồn của đất nước:
Vạn cổ thử giang san
(Muôn đời vẫn có non sông này).
Bài thơ thể hiện tinh thần tự hào bởi những chiến thắng vang dội ở bến Chương Dương và cửa Hàm Tử đem lại thái bình cho đất nước. Đồng thời bài thơ còn thể hiện khát vọng lớn lao của cả dân tộc là xây dựng đất nước vững mạnh về mọi mặt để giữ vững non sông gấm vóc ngàn đời.