Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh là bài thơ rất độc đáo của Lý Bạch. Toàn bài thơ (kể cả đầu đề) chỉ có 23 chữ quen thuộc nhưng ý nghĩa vô cùng phong phú. Thông thường ở một bài tứ tuyệt, hai câu đầu tả cảnh, hai câu sau ngụ tình. Ở đây khác, trong hai câu đầu chỉ có câu đầu là cảnh “sàng tiền minh nguyệt quang” (ánh trăng sáng đầu giường) nhưng là cảnh đặc biệt. Chữ “sàng” trong câu thơ cho thấy nhà thơ có lẽ đang nằm ngủ và không ngủ được. Vì thế, nhà thơ bất chợt nhìn thấy đầu giường “minh nguyệt quang” (ánh trăng sáng). Chính trong lúc trằn trọc ấy lại bắt gặp ánh trăng sáng cho nên tác giả “nghi thị địa thượng sương” (ngỡ là sương trên mặt đất) là hợp lí. Chính ánh trăng sáng là cái duyên cớ đầy sức gợi đánh thức tâm tư tình cảm của tác giả. Chỉ một động từ chỉ .trạng thái tâm lí “nghi” với một hình ảnh so sánh “địa thượng sương”, câu thơ đã nghiêng hẳn về tả tình. Đây chính là bước ngoặt để xuất hiện câu thơ thứ tư:
Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương.
(Ngẩng đầu ngắm vầng trăng sáng,
Cúi đầu nhớ quê cũ)
Câu thơ thứ ba không có gì mới vì nó gần giống với câu dân ca Nam triều “Ngưỡng đầu khán minh nguyệt” nhưng cái mới là Lý Bạch sử dụng rất đúng chỗ. Hành động “cử” là tất yếu. Từ chỗ thấy ánh trăng đẹp tác giả đã ngẩng đầu để ngắm vầng trăng. Và chính Vầng trăng đơn côi mà cực đẹp đã đánh thức tình yêu quê hương trong lòng nhà thơ:
Đê đầu tư cố hương.
Hai câu thơ đối nhau miêu tả những hoạt động liên tục “cử, vọng, đê, tư”, đó là những hoạt động đạt đào tư duy và cảm xúc, làm cụ thể và sinh động hơn tình huống “vọng nguyệt hoài hương” (trông trăng nhớ quê).
Cả bài thơ có năm động từ biểu thị năm trạng thái liên tiếp nhưng không có chủ thể của hoạt động. Chính sự vắng mặt của chủ ngữ mà ý thơ trở nên súc tích, cô đọng, khái quát. Vì thế bài thơ không chỉ là tâm tư của tác giả mà còn là của hàng triệu người xa xứ từ xưa đến nay.