Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Cảm nhận bài thơ Xa ngắm thác núi Lư (bài thơ Xa ngắm thác núi Lư ) - Lý Bạch.

Thứ năm - 19/09/2019 13:32
Có hai căn cứ để xác định vị trí đứng ngắm thác nước của tác giả. Đầu đề bài thơ với chữ vọng và câu thứ hai với chữ dao. Vọng là ngắm, dao là xa. Như vậy tác giả đứng ở xa để ngắm thác núi Lư như đầu đề đã ghi rõ: Xa ngắm thác núi Lư. Cảnh vật được nhìn từ xa. Điểm nhìn đó không cho phép khắc họa cảnh vật một các chi tiết, tỉ mỉ nhưng lại có lợi thế là dễ phát hiện được vẻ đẹp của toàn cảnh. Để làm nổi bật được sắc thái hùng vĩ của thác nước Lư Sơn, cách chọn điểm nhìn đó là tối ưu.
Câu thơ tả vẻ đẹp của mặt trời chiếu trên đỉnh núi Hương Lô. Vẻ đẹp ấy như thế nào và đã được nhà thơ miêu tả ra sao? Muốn cảm nhận được cái “thần” của vẻ đẹp ấy, cần xem lại cấu trúc của câu thơ:

Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên
(Mặt trời chiếu núi Hương Lô sinh làn khói tía).

Nhật là chủ ngữ với hai vị ngữ chiếu Hương Lô và sinh tử yên (hai động từ chiếu và sinh). Như vậy, quan hệ về ý nghĩa giữa hai vế trong câu thơ là quan hệ nhân quả, chủ thể xuyên suốt là mặt mời: mặt trời chiếu núi Hương Lô (vế 1) cho nên sinh làn khói tía (vế 2). Trước Lý Bạch, nhà sư Tuệ Viễn đã từng tả “Khí bao trùm trên đỉnh Hương Lô mịt mù như hương khói” (nên mới có tên Hương Lô là Lò Hương). Nhưng cái mới mà Lý Bạch đã đem tới cho vẻ đẹp của Hương Lô là miêu tả nó dưới những tia nắng của mặt trời, và làn hơi nước phản quang ánh sáng mặt trời, đã chuyển thành một màu tím vừa rực rỡ, vừa kì ảo. Với động từ sinh, ánh sáng mặt trời xuất hiện như chủ thể làm cho mọi vật sinh sôi nảy nở, trở nên sống động. Chỉ tiếc trong câu thơ dịch, vế saụ lại chuyển thành cụm chủ vị (“khói tía bay”), chủ thể là khói tía khiến cho mối quan hệ nhân quả nói trên đã bị xóa bỏ, không khí huyền ảo đã bị xua tan.

Câu thơ đã phác ra được cái phông nền của bức tranh toàn cảnh trước khi miêu tả vẻ đẹp của bản thân thác nước. Thác nước mới là trung tâm của bức tranh nhưng nó đã được hiện lên thật hùng vĩ trên cái phông nền đẹp đẽ này. Từ câu một mà mở ra ba câu tiếp theo: bài thơ đã triển khai theo hướng 1-3 trong mối quan hệ giữa bốn câu thơ của một bài tuyệt cú.

Những vẻ đẹp khác nhau của thác nước đã được Lý Bạch phát hiện và miêu tả trong ba câu tiếp theo.

Có thể thấy ba vẻ đẹp được phát hiện và miêu tả dưới con mắt nghệ sĩ của nhà thơ:

Câu thứ hai: Dao khan bộc bố quải tiền xuyên.

Vẻ đẹp của thác nước được tập trung ở từ quải (treo). Thác không chảy mà lại được treo trên dòng sông phía trước. Vì sao vậy? Vì ở xa ngắm nên dưới mắt nhà thơ, thác nước vốn tuôn trào đổ ầm ầm xuống núi đã biến thành một dải lụa trắng rủ xuống được treo lên giữa khoảng vách núi và dòng sông. Chữ (treo) đã biến cái động thành tĩnh do cảm nhận nhìn từ xa về dòng thác. Đỉnh núi khói tía mịt mù, chân núi dòng sông tuôn chảy, khoảng giữa là thác nước treo cao như dải lụa. Quả là một bức danh họa tráng lệ như lời nhận xét của các nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc. (Ở bản dịch thơ, vì lược bớt chữ “treo” nên ấn tượng do hình ảnh dòng thác gợi ra trở nên mờ nhạt và ảo giác về dải Ngân Hà ở câu cuối cũng trở nên thiếu cơ sở - dải lụa gợi lên dải Ngân Hà hợp lí hơn là dòng thác).

Câu thứ ba: Phi lưu trực há tam thiên xích.

Cảnh vật lại từ tĩnh chuyển sang động nhờ hai động từ “phi” (như bay), “trực” (đọ thẳng đứng): Thác chảy như bay đổ thẳng xuống từ ba nghìn thước. Câu thơ trực tiếp tả thác nước song đồng thời lại cho người đọc hình dung được thế núi cao và sườn núi dốc đứng. Núi thấp sườn thoải thì không thể “phi lưu” “trực há” được.

Câu cuối: Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên.

Đây là vẻ đẹp huyền ảo của thác nước được nhà thơ tái hiện thật tài tình hai động từ “nghi” (ngỡ là), “lạc” (rơi xuống) và hình ảnh Ngân Hà: Ngỡ là sông Ngân rơi tự chín tầng mây. Biết sự thực không phải vậy mà cứ tin là thật thì mới sáng tạo ra cái tứ thơ này khiến dòng thác trở nên hùng vĩ một cách huyền ảo. Câu thơ xưa nay vẫn được coi là danh cú (câu thơ, câu văn hay nổi tiếng) chính vì đã kết hợp được một cách tài tình cái ảo và cái chân, cái hình và cái thần, đã tả được cảm giác kì diệu do hình ảnh thác nước gợi lên trong tâm khảm nhà thơ và để lại dư vị đậm đà trong lòng bạn đọc bao thế hệ.

Cảnh thác núi Lư mĩ lệ, hùng vĩ, kì diệu. Điều đó vừa nói lên tình yêu quê hương, tình yêu thiên nhiên đằm thắm, vừa thể hiện tính cách hào phóng mạnh mẽ của nhà thơ.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây