Mở bài:
+ Cảm xúc, suy nghĩ của em sau khi học xong văn bản “Một thứ quà của lúa non: Cốm”.
+ Cảm xúc chung của em về cây lúa Việt Nam.
Thân bài:
+ Miêu tả những nét nổi bật về hình dáng của cây lúa (so sánh với các cây lương thực khác như lúa mạch, lúa mì...) khiến em có ấn tượng và cảm xúc: thân, lá, hoa, hạt...
+ Vai trò của cây lúa trong cuộc sống: là cây trồng gắn bó nhất với người nông dân, là nguồn lương thực dùng chính hàng ngày, là mặt hàng xuất khẩu mang lại nguồn thu nhập lớn...
+ Tình cảm, cảm xúc của em: yêu mến, quý trọng...
Kết bài:
Liên tưởng đến hình ảnh và vai trò của cây lúa trong tương lai, bộc lộ tình cảm của mình.
B. Bài văn mẫu
Trải dài đất nước Việt Nam đâu đâu cũng tìm được những nét đẹp thân thương, gần gũi. Nhắc đến cánh đồng rộng mênh mông thẳng cánh cò bay người ta nghĩ ngay đến những bông lúa vàng như món quà độc đáo của tạo hóa ban tặng cho con người.
Thiên nhiên có rất nhiều điều kì diệu khiến con người không khỏi ngạc nhiên, trầm trồ, ngưỡng mộ. Vì thế, trước sự hình thành và lớn lên của những cây lúa ta thấy đó là một kì công của tạo hóa. Từ những hạt thóc vàng, ươm xuống đất dần lớn lên thành cây mạ non xanh mơn mởn rồi cây lúa trưởng thành với bông lúa vàng bóng bẩy. Không chỉ có thế, cây lúa Việt Nam còn mang trong mình nhiều giá trị văn hóa mà Thạch Lam trong “Một thứ quà của lúa non: Cốm” đã thể hiện.
Cây lúa sinh ra và lớn lên trong tự nhiên trời đất. Lúa lấy chất dinh dưỡng từ đất mẹ, uống những mạch nước ngầm trong mát, tắm ánh nắng mặt trời và được thưởng thức những làn gió hay cơn mưa rào bất chợt... Cứ như thế, theo ngày tháng, lúa mang trong mình những gì tinh túy nhất mà theo tác giả “trong cái vỏ xanh kia, có một giọt sữa trắng thơm, phảng phất hương vị ngàn hoa cỏ” và “bông lúa càng ngày càng cong xuống, nặng vì cái chất qúy trong sạch của Trời”. Cũng giống như bông sen Việt Nam, dù sống nơi bùn lầy nhưng cây lúa biết chọn lọc cho mình những gì tốt đẹp nhất để dâng tặng con người như món quà ý nghĩa của thiên nhiên, bù đắp cho những tháng ngày vất vả nhọc nhằn. Lúa mang trong mình những nét đẹp thuần túy là biểu trưng cho vẻ đẹp người Việt Nam hiền lành, chịu thương chịu khó... Cũng lắm gian nan, đương đầu với bao thử thách nhưng người Việt biết khắc phục, biết vươn lên, lòng ngay thẳng, thật thà như bông lúa kia dù hứng chịu bao bão táp phong ba nhưng vẫn cứng cỏi đợi đến ngày thu hoạch.
Không chỉ đẹp, cây lúa Việt Nam còn được biết đến là món quà vô giá có nhiều giá trị văn hóa. Từ lúa, người ta có thể tạo ra rất nhiều món quà tinh thần, mang cốt cách người Việt. Trong số đó tiêu biểu nhất là cốm. “Cốm là thức quà riêng biệt của đất nước, là thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ An Nam”. Tác giả đã dùng những lời lẽ ca ngợi nhất dành cho cốm và cũng là dành cho cây lúa Việt. Cốm có ngon mới là món quà riêng của đất nước. Cốm ngon là nhờ có bông lúa non thơm ngọt. Những hạt thóc khi còn đầy sữa trắng, bao bọc bên ngoài là lớp vỏ xanh non đã theo chân người về nhà. Và qua nhiều quy trình đã cho ra đời hạt cốm xanh, dẻo thơm, mềm mại. Là người Hà Nội thì không ai không biết đến cốm và thích cốm. Khi tiết trời mùa thu hơi se lạnh, được thưởng thức cốm với quả hồng,“một thứ thanh đạm, một thứ ngọt sắc” thì không có gì ngon bằng. Thứ quà giản dị, thanh đạm mà đầy chất thẩm mĩ đó là món quà của tạo hóa đấy, món quà từ lúa non. Và phải thật sâu sắc và tinh tế người ta mới nhận ra được giá trị tuyệt vời của lúa trong các thức quà, đó là sự nâng đỡ, hòa quyện về màu sắc, sự hòa hợp về hương và vị, sự gắn bó của cái chất bên trong, đặc biệt là ý nghĩa của nó trong đời sống tinh thần. Sự xuất hiện của nó trong những ngày trọng đại của con người đã nâng giá trị của cây lúa Việt Nam lên tầm cao hơn, ngày càng đi sâu vào tiềm thức con người. Dường như nó đã giúp cho chúng ta “bình tĩnh” lại, thong thả hơn, lắng đọng hơn để ngẫm nghĩ và chiêm nghiệm. Đó là cái lớn nhất mà lúa mang lại cho con người. Thật đáng trân trọng biết bao.
Nói đến cây lúa Việt Nam, người ta lại nghĩ ngay đến người dân Việt đáng yêu, đáng quý. Bởi tận sâu bên trong, cây lúa Việt Nam đẹp, trong sáng vô ngần...