Mở bài:
+ Giới thiệu bài thơ: Là một trong những bài thơ viết về trăng hay nhất của Bác Hồ trong thời kì kháng chiến chống Pháp.
+ Bài thơ đã khắc hoạ thành công hình ảnh người chiến sĩ cách mạng.
Thân bài:
+ Hai câu đầu: Hình ảnh người chiến sĩ với tâm hồn thi sĩ, yêu mến thiên nhiên.
• Không gian: đêm khuya tĩnh mịch nơi núi rừng hoang vắng.
• Tiếng suối: so sánh với tiếng hát xa -> mới mẻ, gần gũi với cuộc sống con người, thể hiện sự nhạy cảm, tinh tế của trái tim người nghệ sĩ.
• Cảnh vật: lung linh, huyền ảo, nhiều tầng lớp, đường nét, hình khối đa dạng... -> khả năng liên tưởng, tưởng tượng độc đáo của tác giả.
=> Bức tranh đêm rừng tuyệt đẹp có xa gần, cao thấp, tĩnh động, sáng tối... cuốn hút lòng người.
+ Hai câu sau: hình ảnh người chiến sĩ giàu lòng yêu nước.
• Nổi bật trên bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp ấy là hình ảnh một con người thao thức chưa ngủ.
• Người chưa ngủ vì hai lí do: vì cảnh đẹp làm cho tâm hồn người nghệ sĩ rạo rực, bâng khuâng, say đắm không ngủ được và vì “lo nỗi nước nhà” -> hình ảnh người lãnh tụ cách mạng với trách nhiệm lớn lao với dân, với nước.
Hai câu thơ đã cho thấy sự gắn bó mật thiết giữa con người thi sĩ đa cảm và con người chiến sĩ kiên cường trong Bác.
+ Khái quát những biện pháp nghệ thuật đặc sắc của bài thơ.
Kết bài:
Đánh giá bài thơ:
• Là bài thơ tứ tuyệt hay và đẹp, có sự kết hợp hài hoà giữa tính cổ điển và tính hiện đại.
• Bài thơ thể hiện tâm hồn nhạy cảm, tinh tế và tinh thần trách nhiệm cao cả của Bác...
B. Bài văn mẫu
Hình ảnh người chiến sĩ trong thơ Bác luôn gần gũi và đẹp đẽ. Bài thơ “Cảnh khuya” cũng khắc họa được hình ảnh một chiến sĩ cách mạng mang trong mình tình yêu thiên nhiên và tình yêu nước thống nhất.
Trong thơ Người, hình ảnh người chiến sĩ bao giờ cũng được đặt trong vẻ đẹp hài hòa. Hài hòa giữa tâm hồn nghệ sĩ và cốt cách của một vị lãnh tụ. Sự hài hòa này không phải ngẫu nhiên mà có, nó là sự gắn bó, hòa hợp vốn có trong tâm hồn người chiến sĩ và đạt đến độ thống nhất với nhau.
Chúng tương tác với nhau, vừa là nguyên nhân nhưng cũng là hệ quả của nhau, để cuối cùng thể hiện chân thực nhất vẻ đẹp tâm hồn người chiến sĩ.
Đầu tiên, ta thấy một tâm hồn rung động đầy tinh tế trước thiên nhiên của người chiến sĩ cách mạng. Giữa đêm khuya, trong không gian bát ngát của núi rừng chiến khu Việt Bắc, Người vô tình nhận ra vẻ đẹp thiên nhiên như bức tranh thủy mặc. Bức tranh ấy được phát hiện bằng sự cảm nhận vô cùng tinh tế, qua hai nét vẽ độc đáo, âm thanh và hình ảnh. Giữa núi rừng rộng lớn ấy, vì lẽ gì nhà thơ lại chọn hai chi tiết ấy? Tâm hồn người chiến sĩ đang hướng về thiên nhiên để thu nhận tất cả nhưng vô tình âm thanh tiếng suối lại đến với Người. Chắc phải nhạy cảm lắm Người mới thấy âm thanh của tiếng suối (tự nhiên) trong như tiếng hát (âm thanh của con người). Tiếng suối vốn đã réo rắt nay giữa trời khuya lại ngân nga, vang xa đến lạ. Cách so sánh ấy làm cho âm thanh của tự nhiên xích lại gần gũi với con người hơn, dường như có sức sống kì lạ. Đó là một tâm hồn luôn có sự gắn bó hòa quyện thiên nhiên - con người, thiên nhiên và con người làm bầu bạn với nhau, nâng đỡ nhau thân thiết. Điều đó được thể hiện rõ hơn trong câu thơ thứ hai khi người chiến sĩ thấy cảnh tượng lung linh, nhiều đường nét, hình khối đa dạng. Ngước mắt lên cao, bắt gặp ánh trăng sáng ngời, vốn là người bạn tri âm tri kỉ của Bác, Người thấy choáng ngợp trước vẻ đẹp của nó. Cảnh có dáng vươn cao của bóng cây cổ thụ, có cỏ và hoa lá.... Ánh trăng từ trên cao in vào khóm hoa, in lên mặt đất thành những hình bông hoa như thêu như dệt. Cảnh tĩnh mà động, đầy sức sống, ấm áp quấn quýt bên nhau. Qua đó càng bộc lộ rõ hơn tâm hồn thi sĩ trong người chiến sĩ, cũng ấm áp, hòa hợp lạ thường.
Hai câu thơ cuối bài biểu hiện một tâm trạng tưởng như có gì mâu thuẫn nhưng lại rất thống nhất trong con người thi sĩ - chiến sĩ của Bác. Qua đây bộc lộ chiều sâu tâm hồn Người. Vì say mê, vì yêu thiên nhiên, cảnh đẹp của núi rừng Việt Bắc nên mới thao thức không ngủ. Nhưng cũng thật bất ngờ khi câu thơ thứ ba hé lộ một lí do quan trọng hơn, mở ra vẻ đẹp sâu bên trong của người chiến sĩ cách mạng. Thao thức không ngủ đâu chỉ vì cảnh đẹp như vẽ mà còn vì “lo nỗi nước nhà”. Đó mới là lí do quan trọng nhất và nó cũng bình thường như bao đêm khác trong suốt cuộc đời thao thức của Người. Không ngủ vì lo cho vận mệnh đất nước đang trong thế gian nguy, cơ quan đầu não của ta ở chiến khu Việt Bắc bị giặc bao vây dữ dội. Nỗi lo ấy đã khiến Người không thể ngủ, trằn trọc suốt đêm thâu. Phải chăng cũng nhờ thế mà Người vô tình bắt gặp cảnh trăng đẹp. Điệp ngữ “chưa ngủ” cuối câu ba và ở đầu câu thứ tư được coi như “bản lề mở ra hai phía của tâm trạng trong cùng một con người”, niềm say mê cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp và nỗi lòng lo cho dân tộc. Nỗi lo ấy làm cho tâm hồn Bác càng lớn lao thêm nên giữa ánh trăng sáng lung linh và Bác ta khó có thể khẳng định cái nào sáng hơn, chỉ biết tâm hồn Bác đã làm cho thiên nhiên trở nên êm đềm, ấm áp lạ.
Như vậy, chỉ bằng vài nét phác họa, hình tượng người chiến sĩ cách mạng đã hiện lên đầy đủ, rõ nét và sinh động. Con người thi sĩ - chiến sĩ, nhà thơ - vị lãnh tụ ấy luôn thống nhất với nhau làm nên một vẻ đẹp toàn vẹn.