Bác Dương thôi đã thôi rồi
Nước mảy man mác ngậm ngùi lòng ta
Có đọc qua các bài thơ ấy, ta mới thấy Bạn đến chơi nhà là bài thơ Nôm tiêu biểu nhất của ông thể hiện một tình bạn đẹp chân thành và xúc động.
Câu đầu bài thơ mở ra thật tự nhiên như một lời nói mộc mạc. Người đọc qua đó tưởng như đang thấy tác giả dang tay cười chào, mời đón người bạn rất mực thân thiết của mình với niềm vui mừng khôn xiết:
Đã bấy lâu nay bác tới nhà
Sáu câu thơ còn lại bày giãi nỗi băn khoăn của ông trong việc tiếp đãi bạn hiền. Hoàn cảnh mới thực éo le:
Trẻ thời đi vắng chợ thời xa
Dân ta xưa nay vốn có phong tục khách là bạn mới quen đến thì mời trầu, mời nước; khách là bạn thân ở xa đến thì mời cơm, mời rượu. Ấy vậy mà cái nan giải trước hết của tác giả là không có trẻ để đi chợ xa mua sắm thức ăn và để sai nhờ mọi việc.
Ông nghĩ ngay đến sản vật sẵn có trong nhà nhưng cũng không sao thực hiện được:
Ao sâu nước cả khôn chài cá
Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà
Rồi đến cả “cây nhà lá vườn” cũng không thể dùng đến được nữa:
Cải chửa ra cây, cà chửa nụ
Bầu vừa rụng rốn mướp đương hoa
Vậy là mâm cơm đãi khách đã không có được. Đành thôi. Nhưng cả miếng trầu là đầu câu chuyện, sản vật tối thiểu để tiếp đãi nhau cũng không có nốt:
Đầu trò tiếp khách trầu không có.
Mọi thứ vật chất đều không có, nhưng lại có đầy đủ tinh thần. Đó là tình bạn đậm đà chân thành và thắm thiết. Có tình bạn là có tất cả. Người đọc như hình dung được nụ cười nhân hậu đầy hóm hỉnh yêu đời của cụ Tam Nguyên Yên Đổ qua câu thơ cuối bài:
Bác đến chơi đây, ta với ta.
Thật đúng như nhận xét của nhà văn Ngô Tất Tố trong Thi văn bình chú: " Bạn đến chơi nhà nếu không phải là tay văn chương lão luyện thì không đặt nổi". Đủ để thấy Nguyễn Khuyến không những là nhà thơ của làng cảnh quê hương Việt Nam mà còn là nhà thơ của tình bạn trăng sáng cao đẹp thủy chung...