Người nghe tò mò tự hỏi: “Cái thằng cha lí toét này nổi tiếng xử kiện giỏi như thế nào?”.
Cái và Ngô là hai anh nhà quê vai u thịt bắp, hung bạo và hiếu thắng đã đánh nhau. Cả hai đứa vừa ngu vừa dại, đứa nào cũng muốn thắng kiện. Chúng cứ tưởng “nén bạc đâm toạc tờ giấy” nên đã tìm cách “chạy án”, đút lót tên lí trưởng. Cái sợ kém thế, lót trước cho thầy lí năm đồng. Nhưng Ngô lại cao thủ hơn đã biện chè lá thầy lí những mười đồng.
Lời nói và cử chỉ của thầy lí vừa nghiêm vừa sâu xa, hóm hỉnh. Vì thằng Cải đánh thằng Ngô đau hơn, nên thầy lí đã phạt thằng Cải một chục roi. Cái cử chỉ thằng Cải “xoè năm ngón tay” ngẩng mặt nhìn thầy lí, đề nghị thầy lí xét lại, vì nó tin rằng lẽ phải về nó. Nó xoè năm ngón tay là cố ý nhắc ngầm thầy lí năm đồng bạc mà nó đã lo lót thầy. Nó đâu biết thầy lí bắt cá hai tay, thầy lí là loại đòn xóc hai đầu, đã ăn lễ “chè lá” mười đồng của thằng Ngô.
Cái cử chỉ của thầy lí thật ngộ: “Thầy lí xoè năm ngón tay trái úp lên trên năm ngón tay mặt”. Thằng Cải chắc không hiểu. Chỉ có thằng Ngô mới khoái khi nghe thầy lí nói:
“Tao biết mày phải ... nhưng nó lại phải ... bằng hai mày!”
Thầy lí đã làm một bài tính chia “10 chia cho 5”, hoặc bài tính nhân “5 nhân với 2” rất tài tình.
Thằng Ngô đã thắng vì nó “phải bằng hai” thằng Cải.
Truyện cười “Nhưng nó phải bằng hai mày” hấp dẫn như một màn bi hài kịch. Thằng Cải và thằng Ngô đều đáng thương. Cả hai đứa ngu dại này đều thua đau trong vụ kiện. Chỉ có tên lí trưởng là được, được to, ăn bẫm. Thầy lí quá là tên nổi tiếng xử kiện giỏi!
Qua truyện cười này, dân gian đã châm biếm, giễu cợt cái thử công lí đồng tiền. “Kiện củ khoai”, “quan thấy kiện như kiến thấy mỡ”,... là những điều nên biết, cần biết! Đừng có ngu dại mà kiện tụng lung tung, vì “sinh sự thì sự sinh”, chỉ nuôi béo bọn quan lại tham nhũng mà thôi. Xưa nay, vào cửa quan không có lối nói bằng nước dãi bao giờ!