Hướng dẫn làm bài:
1. Giới thiệu
- Tuỳ bút Người lái đò sông Đà nằm trong tập tuỳ bút sông Đà là kết quả của những chuyến đi thực tế Tây Bắc của Nguyễn Tuân trong và sau kháng chiến chống Pháp. Thành công của tác phẩm nằm trong việc khẳng định một phong cách nghệ thuật độc đáo, phát hiện những điểm quý báu trong tâm hồn con người vùng Tây Bắc. Song bên cạnh đó, tài năng và tâm hồn giàu rung động của Nguyễn Tuân cũng làm giàu thêm những giá trị tình cảm và thẫm mĩ cho tác phẩm bằng những trang văn tinh tế, tài hoa về vẻ đẹp thiên nhiên miền Tay Bắc vừa hùng vĩ lại vừa thơ mộng.
- Đoạn trích thuộc phần cuối của bài tuỳ bút, trong mạch văn tìm kiếm và tái hiện những vẻ đẹp độc đáo của son sông Đà. Ngòi bút Nguyễn Tuân đã tung phá với những trang văn mô tả sông Đà hung bạo, đến đây lại dịu dàng, trầm lắng và lai láng chất thơ khi rung cảm trước vẻ đẹp trữ tình của dòng sông.
2. Trình bày cảm nhận
+ Vẻ đẹp nội dung: Đoạn trích đã dựng lại được không khí thơ mộng trữ tình của không gian sông Đà nơi hạ lưu của sông: Tính chất thơ mộng, trữ tình được tạo nên từ không khí tĩnh lặng, êm đềm, từ sắc thái tươi tắn thanh khiết của đôi bờ, từ những hình ảnh tuyệt đẹp của thiên nhiên nơi dòng sông và bờ sông.
- Đoạn trích gợi cho người đọc cảm nhận không chỉ vẻ đẹp thơ mộng trữ tình trong diện mạo con sông mà còn cả vẻ lãng mạn và đa cảm của nó, con sông trong trang thơ Nguyễn Tuân như một sinh thể có linh hồn và tràn đầy xúc cảm - xuôi về quãng bằng lặng êm đềm lại nhớ thương những hòn đá thác xa xôi để lại trên thượng nguồn Tây Bắc; hoà mình với không gian đồng bằng sông lại cũng biết lắng nghe giọng nói êm êm của người xuôi.
- Cũng qua đoạn trích, nhà văn đã bộc lộ một tình yêu thiết tha với vẻ đẹp của sông nước quê hương: yêu đến độ không chỉ đắm mình trong không gian thơ mộng của con sông để cảm nhận từng vẻ đẹp mà còn giao cảm với sông để lắng nghe tiếng vọng trong lòng nó. Yêu không chỉ bằng sự gắn bó và xúc động với hiện tại mà còn yêu thương cả những khát khao về tương lai: muốn đem ánh sáng của cuộc sống hiện đại toả chiếu tận đến cả chôn sơn cùng thuỷ tận.
+ Vẻ đẹp nghệ thuật:
- Câu văn ở đoạn này có ngắn lại với dạng cấu trúc gọn và đơn giản. Mỗi câu văn như một điểm nhấn của cảm xúc, cảm giác, ấn tượng, cả đoạn văn là một dòng cảm giác, cảm xúc cứ tràn đi, lan toả, bâng khuâng. Câu văn ngắn, nhiều dấu chấm câu khiến nhịp đi của hơi văn chậm lại, ngân nga, khắc khoải.
- Hệ thống hình ảnh phù hợp, hô ứng với nhau để tạo cảm giác, ấn tượng về vẻ hoang sơ và tĩnh lặng của không gian: đó là những hình ảnh non tơ nhất, tươi tắn và tinh khiết nhất như lá ngô non đầu mùa, búp cỏ gianh đồi núi, vạt cỏ gianh với những nõn búp đẫm sương đêm, con hươu thơ ngộ, đàn cá dầm xanh... Trong không gian ấy, ngay cả một âm thanh rất hiện đại là tiếng còi tàu cùng được cổ tích hoá, huyền thoại hoá: tiếng còi sương. Trong một không gian như thế, sự tương thông giữa lòng người và tạo vật là một tất yếu nên một người khách sông Đà đã nghe được câu hỏi của con hươu thơ ngộ về sự tồn tại của một tiếng còi sương.
- Giọng văn vừa trang trọng, trầm lắng, vừa da diết bâng khuâng vì thế tràn đầy xúc cảm. Từng câu, từng chữ, từng nhịp đi của hơi văn đều làm lộ ra cái dạt dào đó của cảm xúc. Và chính màu sắc cảm xúc khiến đoạn văn biểu hiện được một cách mạnh mẽ niềm yêu mến, sự đắm say trong tình yêu đất nước của nhà văn đồng thời cũng đánh động trong tâm hồn người đọc những xúc động bâng khuâng trước vẻ đẹp của núi sông cây cỏ trên đất nước mình.
- Ngôn ngữ chọn lọc, tinh tế và giàu khả nàng gợi cảm: Những từ “lặng tờ” “hoang dại”, “hồn nhiên”, “con hươu thơ ngộ”, “tiếng còi sương” được dùng rất đắt, có sức lột tả tính chất của hình tượng. Cách so sánh độc đáo: so sánh cái cụ thể với cái trừu tượng để trừu tượng hoá, thi vị hoá một hình ảnh cụ thể nhằm gây ấn tượng cảm giác hơn là gây ấn tượng thị giác “Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa “. Sức tưởng tượng phong phú khiến Nguyễn Tuân hình dung và mô tả được nỗi niềm của cả con sông và của cả những sinh vật sinh sống trên bờ sông ấy. Cách diễn đạt của Nguyễn Tuân cũng rất lạ và tinh tế: Mở đầu đoạn văn là “Thuyền tôi trôi trên sông Đà”, khép lại đoạn văn là “con sông đang trôi những con đò mình nở chạy bằng buồm vải” tạo nên một không gian thật êm đềm mà mọi vận động của sự vật trong không gian đó như hoà quyện, hô ứng với nhau để tạo nên một nhịp điệu, giai điệu chung.
3. Tổng kết - đánh giá
- Đây là một trong những đoạn vần trữ tình vào bậc nhất của tuỳ bút “Người lái đò sông Đà’' nó thể hiện được một trong hai khía cạnh rất quan trọng của sở trường cảm nhận, phát hiện và mô tả nghệ thuật của ngòi bút Nguyễn Tuân để ở đoạn văn này, có thể coi Nguyễn Tuân là nhà văn của những phong cảnh thiên nhiên tuyệt mĩ.
- Đoạn văn đã góp phần quan trọng trong việc tái tạo vẻ đẹp trữ tình của Sông Đà, của thiên nhiên đất nước gấm vóc nên thơ đồng thời góp phần khẳng định tài năng của Nguyễn Tuân trong nghệ thuật viết tuỳ bút.