BÀI LÀM
Sinh thời, Bác Hồ không có ý định trở thành một nhà văn, nhà thơ, Người chỉ khiêm tốn tự nhận mình là bạn của nhà văn nghệ, là người yêu nghệ thuật. Nhưng, trên bước đường hoạt động cách mạng, Người đã nhận ra tác dụng to lớn của văn chương, Người đã nắm lấy, mài sắc nó và trở thành một nhà văn, nhà thơ ngoài ý muốn. Ở mỗi thể loại, Người đều để lại những dấu ấn về phong cách với những vẻ đẹp lấp lánh khác nhau: khi thì cổ điển và hiện đại trong tha ca, khi thì giàu chi tiết sống, chân thực, sắc sảo, giàu tri thức văn hóa như trong bút kí, và khi thì “chất trí tuệ và tính hiện đại là những nét đặc sắc của truyện ngắn Nguyễn Ái Quốc”. Truyện ngắn “Vi hành” Bác sáng tác vào những năm 20 ở Pháp đã thể hiện rất rõ những nét phong cách đó.
Trong số những tác phẩm Nguyễn Ái Quốc viết những năm 20 ở Pháp để đả kích Khải Định, “Vi hành” nổi lên là một tác phẩm thành công hơn cả. Nhiệt tình yêu nước của nhà cách mạng trẻ tuổi bắt gặp những hành vi mờ ám của Khải Định trong chuyến Pháp du là tiền đề cho sự ra đời của “Vi hành”, một áng văn chương đích thực được sử dụng nhằm mục đích chính trị, xã hội...
Người ta thường nói nhiều đến những áng văn “quý hổ tinh bất quý hồ đa” (cần tinh mà không cần nhiều). “Vi hành” là một áng văn chương như thế. Lời thật ít, cốt truyện hầu như không có, chỉ là kể lại những gì mà nhân vật “tôi” mắt thấy tai nghe trên chuyển tàu điện và trên đất Pháp, thỉnh thoảng có xen vào những lời văn như là tâm sự nhẹ nhàng, vậy mà đã nói lên được bao nhiêu điều. Ấy chính là cái “tinh” đáng quý, đáng trọng của “Vi hành”.
Nói đến chất trí tuệ là nói đến cái sắc sảo, cái thâm thuý, cao sâu. Ở “Vi hành” cũng có một kiểu châm biếm thâm thuý và sâu sắc như vậy. Rõ ràng tác phẩm được viết với mục đích chính trị là tố cáo Khải Định “Vi hành”, nhưng trong cả tác phẩm người viết dường như chỉ là nhiệm vụ tường thuật những câu chuyện về Khải Định. Nhà văn đã dựng lên một cuộc lầm lẫn lộn tùng phèo: một đôi trai gái trên chuyến tàu điện tưởng nhầm tác giả là Khải Định, họ nhìn “tôi” bằng một con mắt tò mò, thực chất là đang rất chú ý và bàn tán nhưng lại là ra vẻ không để ý gì.
Vậy là, qua câu chuyện giữa đôi trai gái, hình ảnh Khải Định cứ dần dần hiện lên với “cái mũi tẹt”, “mắt xếch”, da bủng như vỏ chanh, đầu đội cái “chụp đèn”, ngón tay đeo “đầy nhẫn”. Rồi hắn còn khoác lên mình đủ bộ lụa là, hạt cườm. Chà, mới chỉ đến vậy thôi đã dựng lên một chân dung hết sức lố bịch, nực cười. Khải Định y như một cái “ma nơ canh” vậy (!). Thật tài tình và cũng thật thâm thuý, với một cách tường thuật khách quan như vậy, dưới con mắt của những người Pháp, Khải Định càng trở nên nực cười hơn. Giả sử, cứ để cho “tôi” hay một người Việt Nam nào đó nói về Khải Định thì có lẽ hắn cũng không hiện lên thảm hại đến vậy. Lại còn những hành vi mờ ám của hắn nữa chứ, thôi thì chỗ nào cũng có mặt: ở “tiệm cầm đồ”, “trường đua”, thậm chí còn gửi lại tất cả những “hành lí” những “ông quan bà kiếc” ở nhà ga để “đi chơi vi hành”. Chỉ những lời đối thoại của đôi trai gái cũng đủ để gây cười rồi. Bộ mặt và bản chất của Khải Định hiện lên lố bịch hơn và khách quan hơn. Đường đường là một ông vua mà ra đường được dân chúng “đón tiếp”, “chào mừng” bằng những câu... rất Pháp: “hắn đấy”, “xem hắn kìa”, lại còn có một “anh vua” nữa chứ. Hàng loạt những chi tiết gây cười, mà toàn những chi tiết được ghi lại khách quan trên đường phố đấy chứ! Trong con mắt của đôi trai gái của người dân Pháp, Khải Định chẳng khác nào một thằng hề, thậm chí rẻ tiền hoặc không mất tiền. Người dân Pháp mất mấy nghìn Phơrăng để xem “vợ lẽ nàng hầu vua Cao Miên” hay xem trò “nhào lộn của sư Thánh xứ Công Gô”. Còn khi Khải Định đến, họ chẳng mất xu nào mà vẫn được xem “anh vua” đang ở ngay trước mắt. Khải Định đến Pháp thật đúng lúc, khi mà cái kho giải trí của người Pháp “cạn ráo?”. “Nghe nói ông bầu nhà hát múa rối có ý định kí giao kèo thuè dấy!”. Chỉ một câu văn ngắn thôi mà nói lên được bao nhiêu điều về vai trò của Khải Định trên đất Pháp, chẳng qua chỉ là một thăng hề đang sắm vai theo sự hướng dẫn của “mẫu quốc Pháp” (!).
Giọng văn như dửng dưng, lãnh đạm, nhưng thực ra đã tạo nên một hiệu quả châm biếm tuyệt đối. Một bức chân dung, một bản chất của “đức ông Khải Định” hiện lên thật hoàn chỉnh. Cái trí tuệ, cái sâu sắc của ngòi bút nhà văn chính là ở chỗ đã tạo nên một kiểu “bịa” mà “rất nghệ thuật”. Thử hỏi làm sao lại có sự nhầm lẫn tai hại đến vậy? Người dân Pháp đã đành, lại còn cả chính phủ cũng không nhận ra “thượng khách” của họ, nên để “tránh thất thố trong ngoại giao”, “nhà cầm quyền Pháp đã sai người bảo vệ tất cả những ai có màu da vàng”. Nghiễm nhiên, tất cả người Việt Nam trên đất Pháp trở thành hoàng đế! Nhưng “bịa” đấy để mà nói lên sự thật, một sự thật trăm phần trăm được thể hiện dưới một hình thức “bịa”. Có một sự thật không hề xuyên tạc - ấy là việc Khải Định “Vi hành” làm những việc mờ ám, không chính đáng trên đất Pháp.
Hành động của Khải Định đã khiến cho những nhà yêu nước ở Pháp lúc đó như Phan Chu Trinh cũng phải lên tiếng, vốn là người Việt Nam yêu nước, căm ghét ách thống trị của bọn phong kiến thực dân, nên Nguyễn Ái Quốc đã sáng tác những tác phẩm bày tỏ thái độ lên án, tố cáo Khải Định.
Nhưng, không như các tác phẩm khác, “Vi hành” quả có một lối châm biếm hết sức sắc sảo và thâm thuý. Với việc dựng lên một tình huống nhầm lẫn, nhà văn đã gián tiếp lên án Khải Định – lấy cái nhìn khách quan của người Pháp để tố cáo Khải Định thì thật là khách quan và trí tuệ. Khải Định hiện lên cụ thể hơn, lố bịch hơn, trơ trẽn và dơ dáy hơn. Chính phủ Pháp cũng không thể bắt bẻ nhà văn được, chẳng qua “tôi” chỉ nói lên sự thật. Đấy là thái độ của mọi người đối với Khải Định, chứ không phải là thái độ của người cộng sản Nguyễn Ái Quốc tô cáo một tên vua bù nhìn bán nước. Vậy là, đâu cần phải nhiều lời văn vẫn nói được nội dung mình cần nói, mà nói một cách đầy nghệ thuật nữa chứ!
Lại nữa, thi thoảng nhà văn cũng xen vào những lời như là trò chuyện, tâm sự với cô em, những câu hỏi “hay là” thật lấp lững, tả thì ít mà gợi thì nhiều. Cái sở trường của lối văn trữ tình thâm thuý là ở chỗ đó. Nhà văn đặt ra những câu hỏi “hay là ngài muốn xem, dân Pháp dưới quyền cai trị của bạn ngài là Alêchxăng đệ nhất có được uống nhiều rượu và hút nhiều thuốc phiện như dân An Nam hay không?”, “hay là ngài muốn đi thực tế để mang về văn minh cho nhân dân An Nam ngu dốt?”, “hay là chán cánh làm một ông vua to, ngài lại muốn nếm thử cuộc đời các cậu công tử bé?”. Những câu hỏi dồn dập như vậy tưởng như những lời luận bàn ngoài lề nhưng lại mang hiệu quả châm biếm rất cao. Vai trò của Khải Định thế là đã rõ. Thật là lối châm biếm của một bậc cao nhân phương Đông. Nói ít mà gợi nhiều, đó là một lối văn “ý tại ngôn ngoại” rất truyền thống của người phương Đông. Nguyễn Ái Quốc đã tiếp thu những tinh hoa văn hoá của người Việt và người phương Đông để phục vụ mục đích chiến đấu của mình. Đòn đánh của nhà cách mạng trẻ tuổi vào Khải Định không phải là những nhát roi quất mạnh vào bộ mặt dơ dáy của hắn mà chỉ bằng cười ruồi, nói mát. Người phương Đông thường nói với nhau: nói nhiều khi còn đau hơn vả đánh. Nhiều lời nói đặt ra đúng nơi, đúng chỗ và đúng đối tượng nhiều khi tạo nên một hiệu quả rất lớn. Bắt nguồn từ truyền thống thơ ca dân gian, truyện dân gian, Nguyễn Ái Quốc đã vận dụng nó một cách đầy sáng tạo vừa cổ điển, trí tuệ của một bậc “đại trí” là vừa rất mực hiện đại của một nhà cách mạng trẻ tuổi mang trong mình một tinh thần của thời đại mới.
“Vi hành” dựng lên một tình huống nhầm lẫn, ấy là chỗ giông với các tác phẩm văn học dân gian, nhưng chỗ khác, chỗ hiện đại ở đây chính là tình huống nhầm lẫn được sử dụng như một bút pháp, một khuynh hướng chủ đạo quán xuyến toàn bộ tác phẩm. Việt Nam ta có truyện dân gian Trạng Lợn nổi tiếng, nhưng cuối cùng thực chất của Trạng Lợn cũng được bộc lộ. Còn ở đây, từ đầu đến cuối tác phẩm vẫn là một tình huống nhầm lẫn. Có thể nói, tư tưởng chủ đạo của tác phẩm “Vi hành” được xây dựng xung quanh trục nhầm lẫn. Đó là cái mới, cái sáng tạo của nhà văn. Với cách viết ấy, dường như bản chất của Khải Định được khẳng định rõ ràng và chắc chắn hơn. Khải Định là một con người tồn tại thật chứ không phải là con người của truyện dân gian, được nhân dân xây dựng trên cơ sở hư cấu và cường điệu. Một lần nữa, bản chất của Khải Định cùng cái bộ mặt dơ dáy, trơ trẽn của tên vua bù nhìn như “bị đóng đinh, cột chặt vào lịch sử đất nước”.
“Vi hành” viết dưới hình thức một bức thư. Ngay ở dưới tên tác phẩm nhà văn đã đề rõ “Trích những bức thư gửi cô em họ do tác giả tự dịch từ tiếng Nam”. Thư là một hình thức mới lạ với người phương Đông nhưng là rất quen thuộc với người Pháp, người châu Âu. Đã có “Những bức thư Nam Tư”, “Những bức thư từ cối xay gió” của người châu Âu. Do hoạt động trên đất Pháp, mục đích của Nguyễn Ái Quốc là nói cho người Pháp hiểu được bản chất thật của Khải Định, tính chất bịp bợm của chính quyền thực dân, nên sử dụng hình thức viết thư quen thuộc của người châu Âu là hay hơn cả. Đây là một minh chứng cho quan điểm sáng tác của Nguyễn Ái Quốc: hình thức tác phẩm phải phù hợp với mục đích và đối tượng hướng tới. Đây cũng là một nét hiện đại trong sáng tác của Người. Một thái độ phê phán rất mực trí tuệ và thâm thuý mang phong vị Á Đông, được diễn tả dưới một lối văn Tây phương hiện đại. Trên bước đường hoạt động của mình, Bác đã tìm ra những hình thức sáng tác biểu đạt được cao nhất mục đích của mình. Cái đích cần đi đến là tố cáo Khải Định và bọn quan thầy thực dân trước công chúng Pháp, do đó không có gì tốt hơn là viết dưới hình thức văn chương quen thuộc và sở trường của họ.
Vậy là, chất trí tuệ đã hoà hợp với hình thức biểu đạt hiện đại trong một bức thư.
Một đặc điểm của thư (tác phẩm trữ tình) là gợi nhiều hơn tả, có khi chỉ một câu mà nói lên được bao điều. Hình thức gợi nhiều hơn tả vừa thể hiện chất trí tuệ, thâm thúy cao siêu, đồng thời lại hiện đại. Tính hiện đại được tạo nên từ chính mục đích sáng tác của nhà văn không phải thâm thúy để đi vào một hiện tượng siêu hình không thể lí giải, cắt nghĩa nổi, mà để tố cáo tên vua bù nhìn bán nước và quan thầy cướp nước. Do đó vừa thâm thuý vừa tinh ý cũng lại rất mực rõ ràng.
Người châu Âu thường có lối giễu bằng cười cợt, cách nói của Bác đúng là một thứ giễu, mà lại là “giễu chết tươi”. Hình thức viết thư mang lại hiệu quả cao. Nhà văn thoải mái chuyển cảnh, chuyển giọng văn mà hơi văn, ý văn vẫn liền mạch. Trong “Vi hành” không phải chỉ có giọng châm biếm, mỉa mai sâu cay mà còn có cả những giọng tâm tình thủ thỉ giữa “tôi” và cô em họ. Nhưng những lời tâm sự tưởng như bâng quơ không chủ đích thế lại tạo ra những khoảng trống ngân vang trong tâm hồn người đọc. Sau việc thuật lại những câu chuyện về Khải Định là lời “tôi” nói với cô em họ, những hồi tưởng về những kỉ niệm tuổi ấu thơ, những khi “tôi” và “cô” còn ngồi vắt vẻo trên đùi ông bác và nghe kể chuyện về ông vua Pie bên Nga. Và nhân đó lại liên tưởng ngay đến Khải Định “Vi hành”, nhưng không phải để thăm thú lương dân mà chỉ là để thỏa mãn những ham muốn thấp hèn của mình. Dù có chuyển cảnh, chuyển giọng một cách tự nhiên tưởng như không nằm trong câu chuyện về Khải Định lại tạo ra những liên tưởng, những góc nhìn khác nhau về Khải Định.
Chẳng qua những lời “nói thêm” tưởng chừng bâng quơ ấy là để tạo hiệu quả cao hơn cho mục đích tố cáo của mình đấy thôi. Tác giả quả là không hề có cảnh thừa, từ ngữ thừa, ý tứ thừa. Từ nào, câu nào, cảnh nào cũng lấp lánh toả sáng tầm tư tưởng nhân sinh.
Lối viết thư rất Pháp tạo nên một kiểu viết biến hoá kì thú. Ngòi bút trong tay Nguyễn Ái Quốc dường như linh diệu hơn: khi dựng cảnh, khi dựng người, khi là cảnh ở Trung Quốc, khi ở Pháp, khi ở Việt Nam, thậm chí khi ở Nga. Hình thức viết thư được sử dụng khiến cho tác giả dựng cảnh, chuyển cảnh dễ dàng linh hoạt. Những cảnh tưởng như đã xa xưa lắm từ thời vua Nghiêu, vua Thuấn, những kỉ niệm của tuổi ấu thơ, tất cả đều được đặt cạnh nhau cùng lúc với bút pháp “đồng hiện”. Giọng văn vừa mới mỉa mai thâm thuý lại vui tươi hóm hỉnh. Cái thâm thuý là của một bậc đại trí phương Đông, cái hóm hỉnh rất Pháp là của nhà cách mạng trẻ tuổi đang tràn đầy nhiệt huyết. Trong “Vi hành” có cả hai đặc điểm đó. Vẻ đẹp của “Vi hành” chính là sự toả sáng của trí tuệ phương Đông và hiện đại phương Tây được kết tinh nơi ngòi bút của Người.
Trong “Vi hành” có một thứ ngôn ngữ rất hiện đại. Lối văn biến hoá kì thú và ngòi bút của nhà văn thì tha hồ tung hoành trên một phạm vi rất rộng. Vì vậy “Vi hành” đả kích Khải Định nhưng cũng là đả kích bọn vua thầy thực dân. Chẳng phải thế sao? Nguyễn Ái Quốc để đôi trai gái trên tàu phát biểu về Khải Định nhưng cũng gián tiếp nói lên thực chất của xã hội Pháp: thanh niên ham sống vì danh tiếng, hảo danh, không có lí tưởng, thích săn những tin giật gân trên báo chí, người dân thì không văn minh. Còn chính phủ Pháp? Chà, đây mới là chỗ cần nói thì ra, những kẻ luôn làm nhiệm vụ của một “bảo mẫu bám lấy đế giày tôi”, lo lắng khi “chỉ mất tôi trong dăm phút”, rồi “như người mẹ hiền rỉnh đứa con thơ chập chửng bước đi thứ nhất”... Thực chất đây chính là việc kiểm soát gắt gao chính phủ đối với những người Việt Nam yêu nước trên đất Pháp lúc đó mà nhà văn đã nói lên bằng những câu vui, hóm hỉnh, nhưng thâm thuý, sâu sắc. Vậy là một mũi tên trúng hai đích: vừa đả kích Khải Định, vừa vạch trần được bản chất của xã hội văn minh “mẫu quốc Pháp”. Một lối viết kì thú tuyệt vời như vậy không dễ gì đạt được ở những tác phẩm khác, kể cả tác phẩm của Người.
“Vi hành” đã rất thành công trong khi xây dựng những mâu thuẫn trong cùng một hiện tượng: đó là mâu thuẫn giữa bản chất và hình thức. Trong Khải Định là mâu thuẫn giữa địa vị cao sang của một thiên tử và một bản chất đồi bại của những kẻ ham chơi bời, thích sang. Trong chính quyền thực dân đó là mâu thuẫn giữa những khẩu hiệu mà chúng rêu rao ở An Nam với bản chất thật của xã hội thiếu văn minh, văn hoá. Tất cả được đặt trong thế đối lập tạo nên những tiếng cười ruồi chua chát, sâu cay.
Trí tuệ và hiện đại, đó là hai nét đặc sắc trong phong cách viết truyện ngắn Nguyễn Ái Quốc. “Vi hành” đã thể hiện đầy đủ những vẻ đẹp đó, vẻ đẹp của phong cách cũng là vẻ đẹp của con người - văn là người. Đúng vậy, văn của Bác thể hiện con người của Bác. Nhưng, chẳng qua nếu phải nói một câu về Người thì chỉ có thể nói giản dị thế này thôi: tất cả những hành động của Người, những tác phẩm của Người viết ra dù ở thể loại nào, phong cách nào cũng là để đạt được một điều mà Người mong muốn - độc lập của nước, hạnh phúc của dân. Hiểu như vậy, ta càng yêu kính hơn một con người “đại nhân, đại trí, đại dũng”. Cái “trí”, cái “dũng” chẳng qua là vì cái “nhân” cao cả đấy thôi!
“Vi hành” cho ta một cái nhìn sâu sắc và toàn diện về văn phong Nguyễn Ái Quốc. Người đã vô tình đánh rơi vào kho tàng văn học những viên ngọc quý hay những đoá hoa thơm. “Vi hành” là một viên ngọc, một đoá hoa như thế mà mỗi chi tiết, mỗi tình huống đều như muốn sáng lên vẻ đẹp của trí tuệ và tinh thần hiện đại Hồ Chí Minh!
Lê Văn Khoa Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, Kiên Giang
Bài đạt giải Nhì kì thi Học sinh giỏi cấp Tỉnh năm 2016