Cũng như Điền ở Trăng, sáng, Thứ ở Sống mòn, nhân vật Hộ trong Đời thừa mang dáng dấp của chính Nam Cao. Trước hết, Hộ là một nhà văn có tài và đầy tâm huyết với nghề văn. Anh đã từng viết được một số tác phẩm có giá trị được bạn bè cùng giới viết văn và bạn đọc yên mến, cổ vũ. Hộ đang nghèo, đang thiếu thốn nhưng bù lại có lòng say mê thật chân chính. “Đói rét không có nghĩa lí gì đối với một gã trẻ tuổi say mê lí tưởng”. Dốc lòng phụng sự nghệ thuật. Họ tìm ở đó niềm đam mê mãnh liệt nhất, có thể loại trừ mọi niềm đam mê khác: “Đầu hắn mang một hoài bão lớn. Hắn khinh những lo lắng tủn mủn về vật chất. Hắn chỉ lo vun trồng cho cái tài của hắn ngày một nảy nở. Hắn đọc, ngẫm nghĩ, tìm tòi, nhận xét và suy tưởng không biết chán. Đối với hắn lúc ấy, nghệ thuật là tất cả; ngoài nghệ thuật không có gì đáng quan tâm nữa”. Trong niềm say mê trong trẻo, mãnh liệt đó, Hộ nuôi những mơ ước thật lớn lao. Hộ khao khát vinh quang, ôm ấp dự định viết ra “một tác phẩm nó sẽ làm mờ hết các tác phẩm khác cùng ra một thời”. Thậm chí, anh còn cao hứng tuyên bố với các bạn văn: “Rồi các anh xem... cả một đời tôi, tôi sẽ chỉ viết một quyển thôi, nhưng quyển ấy sẽ ăn giải Nô ben và dịch ra đủ mọi thứ tiếng trên hoàn cầu!”.
Cần phải thấy niềm đam mê, thèm khát vinh quang đó ở Hộ không hề là thói háo danh của những kẻ phàm tục, tầm thường. Nó cũng không phải là lời lẽ huênh hoang lúc chếnh choáng hơi men. Đây chính là nỗi khát khao dâng hiến tài trí cho cuộc đời ở một cá nhân ý thức cao về giá trị sự sống, không muốn “mờ mờ nhân ảnh” mà mong sự tồn tại của mình có nghĩa lí, có gương mặt riêng trong cõi đời. Cũng không nên lầm ý nghĩ “nghệ thuật là tất cả” ở Hộ là biểu hiện của quan niệm “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Đối với Hộ, nghề văn thật sự là một nghề cao đẹp trong đời, có tác dụng phụng sự nhân loại, cổ vũ cho những điều cao quý. Lý tưởng nghệ thuật của Hộ thấm đậm tinh thần nhân đạo, gắn liền với sự khai phá, tìm tòi cái mới trong hiện thực đời sống và trong lòng người. Qua lời lẽ của Hộ, Nam Cao đã gửi gắm những suy nghĩ thật sâu sắc, đầy tâm huyết về sứ mệnh cao quý của nghệ thuật chân chính: “Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bằng... Nó làm cho người gần người hơn”, ở Đời thừa có những tuyên ngôn nghệ thuật khiến ta ngỡ ngàng về tầm vóc của nó: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có...”.
Những mong muốn, suy tưởng trên của Hộ đều rất chân chính, đẹp đẽ nhưng cũng đều tan biến đi như bong bóng xà phòng khi chạm phải cái thực tế hàng ngày nghiệt ngã. Bi kịch bắt đầu nảy sinh khi Hộ ghép cuộc đòi Từ vào cuộc đời mình, khi có cả một gia đình phải chăm lo. Làm sao Hộ có thể thực hiện nổi cái mộng văn chương khi đem tình thương ra cưu mang Từ, khi phải gánh trên đôi vai vốn gầy guộc, ốm o cả một gia đình túng thiếu, nheo nhóc. “Còn gì đau đớn hơn cho một kẻ vẫn khát khao làm một cái gì nâng cao giá trị đời sống của mình, mà kết cục chẳng làm được cái gì, chỉ những lo cơm áo mà đủ mệt?”. “Nỗi đời cay cực đang giơ vuốt - Cơm áo không đùa với khách thơ” (Xuân Diệu). Nỗi đau đớn ấy ở Hộ cũng là tấn bi kịch chung của mọi trí thức tiểu tư sản nghèo có lương tâm, có tài trí trong xã hội cũ.
Từ mâu thuẫn giữa mong muốn bên trong với cái thực tế bên ngoài đã trở thành quen thuộc, phổ biến trên, thành công nổi bật của Đời thừa chính ở chỗ đi sâu diễn tả sự giằng xé giữa hai con người trong một con người. Trong Hộ luôn đồng thời tồn tại hai con người, hai con người ấy không chấp nhận nhau mà cũng không thể loại trừ nhau. Chính điều này mới tạo nên tính dai dẳng, chua xót của tấn bi kịch, tạo nên chứng u uất triền miên ở Hộ. Một mặt, trong Hộ có phẩm chất, khát vọng của một nghệ sĩ chân chính. Mặt khác, trong Hộ cũng có một người chồng, người cha đầy tình thương và tinh thần trách nhiệm. Nên để làm một nghệ sĩ chân chính, phụng sự lí tưởng nghệ thuật thì Hộ phải bỏ mặc, thậm chí tàn nhẫn với vợ con. Nếu lo lắng cho trách nhiệm gánh vác gia đình, nếu nhằm kiếm tiền để sinh sống thì Hộ phải hi sinh cái hoài bão, lí tướng kia, phải viết vội, viết ẩu nhũng tác phẩm mà chính mình tự cảm thấy xấu hổ. Nỗi đau xót chính ở chỗ Hộ không thể thanh thản mà chọn lấy một trong hai con đường: hi sinh nghệ thuật để làm một người chồng, người cha tốt hoặc vì cái đẹp của nghệ thuật mà hi sinh phần con người thường ngày, con người trách nhiệm. Đã từng cưu mang Từ bằng tình thương, Hộ không thể vi phạm cái tiêu chuẩn sống nhân đạo “Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình”. Đã từng tự xỉ vả, “nghiến răng vò nát sách và mắng mình như một thằng khốn nạn” khi toàn phải viết những cái vô vị, nhạt nhẽo, Hộ cũng chẳng thể nguội lạnh cái mộng văn chương chân chính kia. Rồi vì kiếm sống, vì lẽ sống tình thương anh ta vẫn tiếp tục phải viết như vậy. Viết ra rồi lại tự xỉ vả, dằn vặt... Cứ thế, Hộ mãi luấn quẩn trong cái vòng bế tắc, trong nổi đau tinh thần u uất không thế nào giải thoát nổi. Một con người muốn sông cuộc sống có ý nghĩa, một trí thức khát khao sáng tạo, muốn cống hiến cho cuộc đời nhưng lại phải sống như “một kẻ vô ích, một người thừa”.
Nhưng bi kịch tinh thần của Hộ không chỉ có thế. Trong nỗi đau khổ triền miên vì cứ phải sống cuộc “đời thừa”, Hộ còn rơi vào một bi kịch nửa thậm chí còn đau đớn hơn đối với anh. Đó là bi kịch của con người coi tình thương là nguyên tắc sống, là đạo lí cao nhất nhưng lại tàn nhẫn, thô bạo chà đạp lên nguyên tắc, đạo lí ấy của chính mình.
Muốn thực hiện lí tưởng nghệ thuật, Hộ chỉ có một con đường: thoát li vợ con, rũ bỏ trách nhiệm gia đình. Đã có lúc, anh nghĩ đến câu nói của một triết gia phương Tây để sẵn sàng biện hộ cho lối giải thoát ấy: “Phải biết ác, biết tàn nhẫn để sống cho mạnh mẽ”. Nhưng rồi Hộ không thể chấp nhận sự tàn nhẫn, vứt bỏ tình thương: “Hắn không thể bỏ lòng thương; có lẽ hắn nhu nhược, hèn nhát, tầm thường. Nhưng hắn vẫn còn được là người”. Cái gì đã níu giữ Hộ ?
Ấy là lòng nhân hậu. Đối với Hộ, tình thương là tiêu chuẩn xác định tư cách làm người; không có tình thương, con người chỉ là một thứ quái vật. Anh đã hi sinh hoài bão nghệ thuật để giữ lấy tình thương, - dù đó là sự hi sinh đầy đau đớn.
Phải từ bỏ hoài bão cao đẹp về văn chương mà Hộ cứ u uất, bực dọc. Mỗi khi giấc mộng văn chương được bạn bè và men rượu khơi dậy, nỗi khổ đau âm thầm ấy lại bùng lên, day dứt. Rượu chẳng làm vơi đi mà càng nung nấu thêm nỗi khổ sở tuyệt vọng trong anh. Những khi ấy, tấn bi kịch vốn đã chua xót lại càng chua xót thêm bởi chính lỗi của Hộ. Mấy cốc rượu nung nóng máu bốc đồng nghệ sĩ và Hộ quên tất cả - quên lời hứa, quên trách nhiệm của mình. Hộ vi phạm vào lẽ sống nhân đạo mà mình hằng tôn thờ. Anh xỉ vả, mắng đuổi vợ con, cho rằng gánh nặng gia đình là nguyên nhân trực tiếp của tình cảnh bế tắc, là “kẻ thù” của hoài bão nghệ thuật cao cả. Trên điểm này, chúng ta được chứng kiến tinh thần trung thực, thái độ dũng cảm của Nam Cao khi tự mổ xẻ, phê phán tầng lớp giai cấp mình. Nhà văn đã chỉ ra một cách thẳng thắn rằng chính các thói của người trí thức tiểu tư sản đã góp phần làm sâu thêm tấn bi kịch cuộc đời của chính họ. Có điều, sau những giờ phút sa ngã Hộ đã biết phản tỉnh và hối hận. Nhiều nhân vật của Nam Cao là thế: dù đứng giữa ranh giới mong manh, dù ở trước bờ vực thẳm và không ít lần đã chao đảo, ngã nghiêng nhưng rốt cuộc đã đứng vững trên lẽ sống làm người. Lời thổn thức trong nước mắt “Anh... anh... chỉ là... một thằng... khốn nạn !...” của Hộ ở cuối truyện ngắn thể hiện sự hối hận đáng trọng của nhân vật.
Bằng một cốt truyện khá đơn giản với không nhiều nhân vật, truyện ngắn Đời thừa đã đặt ra những vấn đề có ý nghĩa xã hội, nhân sinh to lớn và sâu sắc. Đời thừa không có những xung đột gay cấn, ồn ào, những tính cách dữ dội mà đi vào chiều sâu nội tâm với những giằng xé đến chảy máu ở người trí thức tiểu tư sản. Một nhà văn ý thức cao về năng lực và trách nhiệm cá nhân, khao khát đóng góp cho nhân loại mà phải chịu cảnh “đời thừa", luôn chua chát trong cảm giác sống vô ích. Một con người tôn thờ triết lí tình thương mà không ít khi tự vi phạm lẽ sống cao quý ấy bởi những phản ứng uất ức, bất lực. Tấn bi kịch tinh thần đau đớn cửa nhân vật Hộ, của tầng lớp trí thức tiểu tư sản nghèo trong xã hội cũ ấy được Nam Cao diễn tả bằng những chi tiết hết sức chân thực, bằng giọng văn triết lí trữ tình nhẹ nhàng mà ngậm ngùi chua chát. Từ nỗi đau tinh thần của nhân vật Hộ, Đời thừa cất lên lời tố cáo cái thực tế xã hội nghiệt ngã bóp chết tài năng, ước mơ cao đẹp của con người, cất lên lời đòi hỏi cho quyền sống, quyền sáng tạo chân chính của người trí thức. Hãy tạo điều kiện để con người ta được sống, được phát huy năng lực của mình, được thực hiện hoài bão cao cả cứa mình bằng những đóng góp có ích. Đó chính là chiều sâu nhân đạo của thiên truyện này.
Vây khi nào người trí thức tiểu tư sản được hết cảnh “đời thừa” ? Cách mạng tháng Tám sẽ trả lời câu hỏi đó. Chính cuộc cách mang vĩ đại này sẽ chấm dứt kiếp “sống mòn”, giúp người trí thức tiểu tư sản tiêu tan cảm giác “đời thừa”, đưa họ lên một con đường mới.