Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị (Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài) thể hiện trong cảnh ngộ từ khi cô bị bắt làm con dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra đến khi trốn khỏi Hồng Ngài.

Thứ hai - 26/12/2016 10:05
Trong truyền thống nhân đạo, văn học Việt Nam ta đã xây dựng thành công nhiều hình tượng đẹp về người phụ nữ. Đó là những người mẹ, người chị, người em cần cù, tần tảo, giàu tình thương, giàu đức hi sinh, luôn lấp lánh vẻ đẹp tâm hồn đáng quý dẫu bị hoàn cảnh dập vùi. Nhắc tới điều ấy, khó thể quên nhân vật Mị trong chồng A Phủ của Tô Hoài. Đúng như nhiều nhà phê bình đã nhận xét, hình tượng Mị là điểm sáng, là thành công nổi bật nhất của Tô Hoài khi viết Vợ chồng A Phủ. Bằng vốn hiểu biết phong phú, bằng niêm đồng cảm sâu sắc trước cuộc đời người phụ nữ lao động miền núi Tây Bắc và ngòi bút nghệ thuật tinh tế, Tô Hoài đã xây dựng Mị thành hình tượng điển hình cho một thế hệ phụ nữ Tây Bắc đang từ thân phận nô lệ tăm tối vươn ra ánh sáng tự do với sức sống tiềm tàng.
Bước vào tác phẩm, người đọc bắt gặp ngay hình ảnh Mị. Cô đang ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa nhà thống lí. Dường như sự xuất hiện của Mị thường gắn với cái không gian chật hẹp, bẩn thỉu này. Lúc nào cũng vậy, dù đang làm công việc gì, cô gái ấy cũng “cúi mặt, mắt buồn rười rượi”. Ai ở xa về, có việc vào nhà thống lí thường thắc mắc: tại sao nhà thống lí lắm tiền nhiều của, lúc nào cũng tấp nập người mà lại có cô con gái buồn đến như vậy. Nhưng hỏi ra người ta mới rõ cô ấy không phải con gái nhà Pá Tra mà là vợ A Sử, con trai thống lí.
 
Tô Hoài đã mở đầu truyện bằng một hình ảnh gợi ngạc nhiên, tô đậm ấn tượng vào lòng người đọc để từ đó quay lại kể về lai lịch Mị.
 
Sinh ra trên đời, Mị đâu đã khổ. Tuổi thiếu nữ, cô từng được sống những tháng năm hạnh phúc, dù trong đói nghèo. Mị xinh đẹp, hát hay, có tài thổi sáo từng được bao trai bản mê. Nhiều đêm mùa xuân, con trai đến thổi sáo “đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị”". Một cô gái như thế, lẽ ra xứng đáng hưởng cuộc đời hạnh phúc. Nhưng Mị lại sinh ra trong một nhà nghèo và trăm sự cũng bới cái nghèo, bởi bọn thống trị tham lam và độc ác. Vì món nợ truyền kiếp, vì tục cướp vợ của người H’ Mông mà cô gái tự do, trong trắng ấy bỗng chốc bị biến thành con dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra. Thời gian đầu bị bắt về nhà thống lí, “có đến hàng mấy tháng, đêm nào Mị cũng khóc”. Cô thấm thía nỗi đau của một cuộc đời tự do bị tước đoạt. Đã có lần, Mị toan tìm đến cái chết để giải thoát. Nhưng rồi vì lòng thương bố mà Mị không đành chết. Cô vứt nắm lá ngón, lẳng lặng quay lại nhà thống lí chẳng khác gì trở về chốn địa ngục trần gian. Từ đó, Mị âm thầm chấp nhận thân phận nô lệ. Cô không còn biết khóc, “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”. Suốt ngày, Mị quần quật hết việc này sang việc khác, tưởng mình cũng là con trâu, con ngựa nhà thống lí. Cô giam mình trong căn buồng tối kín mít, có một lỗ cửa sổ vuông bằng bàn tay, trông ra chỉ thấy mờ mờ trăng trắng, không biết là sương hay là nắng. Dường như Mị đã mất ý niệm về thời gian, về tuổi trẻ. Cuộc đời đối với Mị lúc bấy giờ chỉ là một đêm dài thăm thẳm mà thôi. Ngày trước, Thúy Kiều của Nguyễn Du đã vì chữ hiếu mà hi sinh chữ tình. Giờ đây, cô Mị của Tô Hoài có khác gì đâu, cô đành quên đi tuổi trẻ, đánh đổi tự do mà trả món nợ cho nhà giàu.
 
Tưởng chừng ở lâu trong cái khổ, Mị đã hoàn toàn chai lì, mê mụ đi. Vậy mà không. Tận chiều sâu tâm hồn người phụ nữ bất hạnh ấy vẫn âm thầm niềm khát khao hạnh phúc, khát khao được thay đổi. Khát khao này cứ âm ỉ tựa đốm than hồng bị vùi nén để khi gặp được ngọn gió lành sẽ bùng lên thành ngọn lửa.
 
Ngọn gió lành đau tiên khơi dậy sức sống tiềm tàng trong Mị chính là tiếng sáo gọi bạn tình vào một đêm mùa xuân. Mùa xuân đã đem đến cho thiên nhiên và lòng người ở các bản Mèo một sức sống mới rộn rực. “Ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi. Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bổi hổi”, cô ngồi nhẩm thầm bài hát của người đang thổi. Vậy là tiếng sáo gọi bạn tình bắt đầu thức dậy nơi Mị hoài niệm về tuổi trẻ hạnh phúc. Ngòi bút Tô Hoài như cũng bắt đầu hồi hộp dõi theo các bước diễn biến tâm trạng và hành động của có gái để diễn tả thật tinh tế.
 
Lúc bấy giờ, cả nhà thống lí Pá Tra vừa ăn xong bữa cơm Tết cúng ma. Mọi người đang nhảy múa, đánh chiêng ầm ĩ và uống rượu bên bếp lửa. Nhìn người ta như thế, Mị nghĩ: “Ngày Tết, Mị cũng uống rượu”. Cô lén lấy hũ rượu, cứ uống ừng ực từng bát. Đã là con người, ai cũng có quyền uống đôi ba chén rượu ngày Tết. Mị cũng uống để chứng tỏ rằng mình đang là một con người. Mị uống thế như cho bõ tức, bõ hờn bấy lâu nay. Hành động uống rượu này của Mị chính là thể hiện của ý thức làm người, ý thức về quyển bình đẳng. Nó là gì nếu không phải là chứng tỏ của một sức sống tiềm tàng đang trỗi dậy ? Uống rượu đến say, lịm mặt ngồi đấy nhìn mọi người nhảy múa nhưng lòng Mị thì đang sống về ngày trước. Cũng những đêm mùa xuân như thế này. Mị được thổi sáo, được đi chơi. “Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị”. Cô uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Đột nhiên, Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng vui sướng như những đêm Tết ngày trước. “Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”. Lời văn Tô Hoài cũng chộn rộn, náo nức cùng cõi lòng cô gái ở thời điểm ấy. Chợt nghĩ lại thân phận bất hạnh của mình lúc này, một lần nữa Mị lại muốn chết: “Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày Tết. Huống chi A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau ! Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại chỉ thấy nước mắt ứa ra. Mà tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường...”. Lần muốn chết trước là ý định giải thoát đầy uất ức. Lần muốn chết này cũng thế nhưng là kết quả của sự nhận thức đầy đủ hơn về cảnh ngộ éo le của mình.
 
Tiếp đó, Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng. Cô cứ nghĩ, cứ làm như không có A Sử đang gần đấy. “Trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo”. Từ âm thanh bên ngoài vọng đến, tiếng sáo giờ đây đã nhập vào hồn Mị, cứ ám ảnh, chập chờn như vẳng lên từ lòng cô. Bấy lâu nay, Mị có bận tâm gì tới bóng tối hay ánh sáng xung quanh mình đâu. Nhưng có lẽ giờ đây cô không còn chịu nổi cái bóng tối đang vây bọc lấy mình nữa. Thắp sáng thêm đĩa đèn hay là Mị đang muốn thắp sáng lại cả cuộc đời mình ?! Mị quấn lại tóc, với tay lấy chiếc váy hoa vắt ở phía trong vách chuẩn bị đi chơi.
 
Chính cái lúc sự phản kháng trong Mị trỗi dậy đến độ cao nhất thì bị phũ phàng chặn đứng. A Sử đã trói đứng Mị vào cột nhà bằng cả thúng sợi đay. Mái tóc dài của Mị bị quấn lên cột làm cho Mị không cúi, không nghiêng đầu được nữa. Thế nhưng, thật là kì lạ, ngay trong lúc bị hành hạ như thế, sức sống tiềm tàng ở Mị vẫn không lụi tắt. “Hơi rượu còn nồng nàn, Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi”. Có khi, Mị như không biết mình đang bị trói, định vùng bước đi. Nhưng sợi dây trói nghiệt ngã lại kéo Mị về với thực tại. Cô thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa. “Mị nín khóc, Mị lại bồi hồi”, cả đêm ấy, Mị nửa sống với hiện tại, nửa sống về ngày trước. “Lúc thì khắp người bị dây trói thít lại đau nhức. Lúc lại nồng nàn tha thiết nhớ”.
 
Cái sức sống tiềm tàng đã một lần trỗi dậy thì không thế lực nào dập tắt nổi. Nó cứ âm thầm tồn tại để rồi bùng lên mạnh mẽ hơn vào một đêm năm sau. Ấy là một đêm mùa đong giá lạnh trên vùng núi cao, Mị không ngủ được, trở dậy đốt bếp lửa sưởi. Đã mấy đêm nay như thế rồi. Mỗi khi ngọn lửa bùng lên. Mị nhìn sang, thấy mắt A Phủ vẫn mở trừng trừng, mới biết A Phủ còn sống. Nhưng Mị vẫn thản nhiên thổi lửa, hơ tay. Chuyện A Phủ bị trói nào có lạ lùng gì đối với Mị. Mặt khác, A Phủ sống hay chết thì có liên quan gì tới Mị đâu. Nhưng lần này? Ngọn lửa bập bùng sáng lên, Mị lé mắt trông sang, thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở, một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại. Một người như A Phủ đâu dễ khóc. Có lẽ đến lúc này, anh nhận ra mình sắp đi đến cái chết oan ức rồi đây. Từ đây, Mị mới bắt đầu nghĩ. Cô chợt nhớ lại đêm năm trước mình cũng bị trói đứng vào cột như thế này, cũng dòng nước mắt tủi hờn chảy xuống miệng, xuống cổ không sao lau đi được. Rất tự nhiên, Mị nghĩ đến cái chết và cô so sánh hai cái chết: Ta là thân đàn bà, đã trình ma nhà nó rồi thì chỉ biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi. Còn người kia, việc gì mà phải chết oan ức đến như vậy. Chính từ so sánh này, Mị mới phảng phất nghĩ đến chuyện chết thay cho A Phủ. Nghĩ đến cảnh mình lại bị trói thay vào đấy, phải chết trên cái cọc ấy, Mị không khỏi cảm thấy lo sợ.
 
Vậy là nước mắt đã gợi nhớ nước mắt. Dòng nước mắt nơi A Phủ bỗng thức dậy niềm đồng cảm, lòng yêu thương ớ người phụ nữ từng chịu nhiều đắng cay, bất hạnh này. Và tình thương đã chiến thắng nỗi sợ trong phút chốc. Mị đi đến một hành động thật táo bạo: cắt dây trói, giải thoát cho A Phủ.
 
Trong khi làm việc ấy và đến khi cắt đứt sợi dây trói, cuối cùng trên người A Phủ, Mị chỉ nghĩ tới chuyện chết thay chứ đâu đã định cùng chạy thoát khỏi nhà thống lí. Nhưng khi đứng lặng trong bóng tối nhìn theo A Phủ vừa chạy, vừa lăn xuống dốc để rời xa chỗ chết thì Mị lại không muốn chết nữa. Cô vùng chạy theo A Phủ. “Ở đây thì chết mất” - câu nói và hành động này của Mị chứng tỏ lòng ham sống trỗi dậy thật tự nhiên trong người con gái tiềm tàng khả năng phản kháng. Giải thoát cho A Phủ, đồng thời Mị cũng tự giải thoát cho chính mình. Lí giải hành động quyết liệt này của Mị, trước tiên ấy là niềm đồng cảm sâu sắc giữa hai thân phận. Nếu như Mị là con dâu gạt nợ thì A Phủ là đứa ở trừ nợ. Cả hai đều phải đem tuổi trẻ, tự do của mình mà trả món nợ cho nhà giàu. Nếu như Mị tùng bị trói đứng vào cột, dòng nước mắt tủi hờn chảy xuống miệng, xuống cổ không sao lau đi được thì giờ đây A Phủ cũng giống y như thế. Nhưng niềm đồng cảm là điều kiện cần chứ chưa thể là điều kiện đủ. Để đi đến hành động táo bạo ấy còn bởi trong Mị luôn tiềm tàng một sức sống. Rõ ràng không phải bất cứ người phụ nữ nào ở vào hoàn cảnh như Mị cũng đều hành động được như cô (Cũng như không phải bất cứ người phụ nữ nào cũng có thể đánh ngã cai lệ và người nhà lí trưởng trong hoàn cảnh “tức nước vỡ bờ” như chị Dậu trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố), ở đây, Tô Hoài đã miêu tả nhân vật đúng với lô gíc vận động nội tại của tính cách, với sự phát triển tự thân chứ không hề bắt ép gượng gạo. Tưởng chừng bột phát, bất ngờ song các hành động của Mị lại rất tự nhiên, hợp lí.
 
Khi đi vào thể hiện cảnh ngộ bất hạnh cùng vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ, tác phẩm văn học có điều kiện đê đạt tới chiều sâu nhân đạo, để khơi gợi niềm đồng cảm thiết tha ớ bạn đọc. Với nhân vật Mị. Tô Hoài đã làm được điều ấy. Vợ chồng A Phủ đã xây dựng thành công một hình tượng người phụ nữ Tây Bắc với vẻ phong phú, đa dạng. Một cô Mị xinh đẹp, hồn nhiên là thế mà có những lần toan tìm đến cái chết để giải thoát. Một cô Mị dặn lòng chấp nhận kiếp sống nô lệ, tưởng chừng chai lì, mê mụ đi trong cái khổ mà tiềm tàng một sức sống mãnh liệt. Cô Mị ấy đã vùng lên cắt đứt sợi dây trói của cường quyển, thần quyền để đi tới tự do. Thành công của hình tượng này chứng tỏ sự am hiểu, niềm đồng cảm sâu sắc của Tô Hoài đối với người phụ nữ lao động miền núi Tây Bắc, chứng tỏ khả năng nắm bắt và diễn tả tài tình quá trình tâm lí phức tạp, tinh tế của cây bút văn xuôi vào loại hàng đầu trong văn học Việt Nam hiện đại.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây