Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Bình giảng đoạn văn tả cảnh cho chữ trong nhà giam cuối truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân.

Chủ nhật - 25/12/2016 22:50
Có những tác phẩn văn chương khiến ta sững sờ trước cái đẹp, trước tài năng. Có những đoạn văn làm ta ngạc nhiên trước một nhân cách cao cả, một bút pháp tinh luyện. Đoạn văn tả cảnh cho chữ trong nhà giam ở cuối thiên truyện Chữ người tử tù của Nguyền Tuân là một trong số không nhiều những trường hợp như thế.
Có lẽ không ngần ngại khi khẳng định rằng Chữ người tử tù là một trong những áng văn vào hàng đẹp nhất của nền văn học hiện đại Việt Nam, là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Nguyễn Tuân. Nơi đây kết tinh lí tưởng thẩm mĩ, phong cách nghệ thuật độc đáo của một nghệ sĩ lớn.
 
Cốt truyện của Chữ người tử tù được xây dựng trên một cuộc gặp gỡ khác thường của hai con người cũng thật khác thường. Là kẻ đại diện cho bạo lực tăm tối, quản ngục lại rất khát khao ánh sáng của chữ nghĩa. Kẻ ấy đã gặp được một người viết chữ nổi tiếng mà mình vốn nghe danh, vốn tôn kính lâu nay. Lẽ ra đây phải là cuộc hội ngộ tương đắc giữa những kẻ biệt nhỡn liên tài. Song, thật oái oăm, hai nhân cách khác thường này lại gặp nhau nơi nhà ngục tử tù và cuộc gặp gỡ ấy trở thành cuộc chạm trán giữa một người tử tù và một viên quan coi ngục.
 
Huấn Cao càng lạnh lùng, càng tỏ ra bất cần thì viên quản ngục lại càng cháy bỏng cái sở nguyện được chữ. “Có được chữ ông Huấn mà treo là có một vật báu trên đời”. Bởi tâm niệm ấy, ông ta thêm nhún nhường, nhã nhặn ngay cả khi bị Huấn Cao xua đuổi. Nguyễn Tuân thật khéo tạo tình huống kịch và nhanh chóng đẩy nó đến cao trào. Nút kịch được thắt lại ở chi tiết quản ngục bỗng nhận được công văn khẩn của quan Hình bộ thượng thư giữa một buổi chiều lạnh. Ngày mai, sớm tinh mơ, sẽ có người đến lĩnh tù. Pháp trường lập ở trong Kinh. Đến đây, người đọc băn khoăn trước các câu hỏi: Liệu cho đến khi từ giã cõi đời, Huấn Cao có hiểu được tấm lòng tốt của quản ngục hay không? Cái ước nguyện thiết tha, chính đáng của quản ngục có được Huấn Cao chấp thuận chăng?
 
Đặt trong dòng cốt truyện, trong kết cấu của tác phẩm, cảnh cho chữ trong nhà giam có vai trò “cởi nút”, giải tỏa. Từ đây, nổi bật lên vẻ đẹp kì vĩ của các nhân vật, nổi bật lên lí tưởng thẩm mĩ của người nghệ sĩ Nguyễn Tuân.
 
Ngòi bút nhà văn như vẽ, như khắc để tô đậm “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có”. Đã bao giờ có chưa cảnh cho chữ “bày ra trong một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, tổ rệp, đất bừa bãi phân chuột, phân gián” ? Đã bao giờ có chưa ánh sáng để viết chữ tỏa ra từ một bó đuốc tẩm dầu, khói bốc mù mịt khiến mọi người dụi mắt lia lịa ? Vào cái đêm khuya hôm ấy, trong trại giam tỉnh Sơn quả đã diễn ra một sự kiện đáng ghi tạc trọn đời đối với ba tấm lòng cao cả trong thiên hạ.
 
Trong thời gian, không gian, ánh sáng xưa nay chưa từng có ấy, tư thế của những con người cho chữ và nhận chữ cũng xưa nay chưa từng có. Người cho chữ cổ vẫn đeo gông, chân vẫn vướng xiềng. Những thứ gông xiềng quái ác ấy đối với một tử tù phải chăng lúc này Nguyễn Tuân không muốn cởi ra để càng tô đậm lên vẻ đẹp tư thế hiên ngang, hành động nghĩa hiệp, thiêng liêng của Huấn Cao ? Tương phản với tư thế, với hành động này, viên quản ngục lại “khúm núm”, thầy thơ lại gầy gò thì “run run bưng chậu mực”. Không khí trang trọng đặc biệt của cảnh tượng cho chữ, vì thế, càng tăng lên gấp bội. Cả hai con người này đang quá cảm động, quá ngưỡng mộ trước việc làm cao cả của Huấn Cao.
 
Chính từ hoàn cảnh cho chữ, từ tư thế những con người cho chữ và nhận chữ xưa nay chưa từng có như trên đã làm nổi bật lên tính chất chưa từng có của cuộc gặp gỡ này. Đây là lần đầu tiên, nhưng thật đau xót - cũng là lần cuối cùng, ba con người này đồng thời gặp nhau với con người thật của mình. Rất nhiều lần trước họ chỉ gặp nhau tay đôi (theo từng cặp). Gặp nhau mà đâu đã thực hiểu lòng nhau. Gặp nhau theo con người chức phận Nhà nước, con người nghĩa vụ. Giờ đây, Huấn Cao ở cương vị người cho chữ, người truyền dạy. Quản ngục được ở vị trí người nhận chữ, được thỏa mãn ước nguyện của mình bấy lâu nay. Đâu còn kẻ tử tù. Đâu còn quan coi ngục. Lúc này chỉ có những tấm lòng biệt nhỡn liên tài đang rung cảm với những nét chữ vuông vắn trên tấm lụa trắng tinh còn nguyên vẹn lần hồ.
 
Có người phân tích rằng ở đây đã diễn ra một sự thay bậc đổi ngôi. Thật ra, đó chỉ là nhìn trên bề mặt hình thức. Suốt từ đầu truyện tới lúc này, tuy là một kẻ tử tù đấy nhưng Huấn Cao có bao giờ chịu ở “bậc dưới” và quản ngục cũng đâu đặt mình ở “ngôi trên” bao giờ. Nhấn mạnh sự thay bậc đổi ngôi nghĩa là muốn khẳng định tính đột biến, đột xuất của cảnh tượng cho chữ. Kì thực, đây là bước nhảy vọt về chất đã có quá trình tích lũy về lượng. Ngẫm ra, nó là bước hội ngộ tất yếu và đẹp đẽ nhất giữa những kẻ biệt nhỡn liên tài. Hãy chú ý hành động của Huấn Cao trước khi cất lời dặn dò viên quản ngục. Hãy chú ý giọng điệu của lời khuyên. Vừa có tư thế, vừa có giọng điệu của một bề trên song chủ yếu đây chính là cử chỉ, là lời lẽ của một tấm lòng bè bạn. Không muốn thấy người sắp nghe ở tư thế quỳ lạy nên Huấn Cao “buồn bã đỡ viên quản ngục đứng thẳng người dậy” rồi mới “đỉnh đạc bảo”. Tôn trọng người khác cũng chính là tự tôn trọng mình vậy. Bằng cử chỉ ấy, người tử tù đã tự nâng cao phẩm cách văn hóa, tinh thần nghĩa hiệp ngời sáng ở mình.
 
Chơi chữ đâu chỉ là chuyện chữ nghĩa. Đó là chuyện cách sống, chuyện văn hóa. Từ đây chúng ta nhận ra vẻ đẹp của một cách ứng xử cao thượng. Khi chưa hiểu thiên lương ở viên quản ngục, Huấn Cao khinh bạc đến điều. Song lúc nhận ra tấm lòng biệt nhỡn liên tài ở con người văn hóa này, ông sẵn sàng tìm cách báo đáp. Quyền thế không ép buộc nổi. Vàng ngọc chẳng mua chuộc xong. Nhưng chính cái tấm lòng kia đã rung động tâm can Huấn Cao. “Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. Có lẽ đây là một trong không nhiều điều mà những người như Huấn Cao sợ nhất. Chính Huấn Cao đã chủ động vạch ra kế hoạch cho chữ.
 
Lời Huấn Cao khuyên quản ngục hay chính là lời nghệ sĩ Nguyễn Tuân muốn nhắn tới người đời lúc bấy giờ. Muốn chơi chữ, phải giữ lấy thiên lương. Trong môi trường của cái ác, cái đẹp khó có thể tồn tại vững bền. Chữ nghĩa và thiên lương không thể chung sống với lũ người quay quắt nơi chốn ngục tù đen tối tàn bạo. “Thoi mực, kiếm được ở đâu tốt và thơm lắm. Thầy có thấy mùi thơm ở chậu mực bốc lên không?...”. Lời nói này của Huấn Cao đầy ngụ ý, đầy sức gợi. Mấy người thưởng thức được mùi thơm của mực ? Hãy biết tìm trong mực, trong chữ hương vị của thiên lương. Cái gốc của chữ nghĩa chính là thiên lương đó thôi. Cho đến khi sắp từ giã cõi đời, Huấn Cao càng thiết tha mong ước người còn sống sáng ra lẽ ấy.
 
Huân Cao chết nhưng chữ Huấn Cao còn. Hành động và lời dạy của Huấn Cao đã cảm hóa được viên quản ngục. Chi tiết kết thúc cảnh cho chữ càng gợi không khí lắng đọng, thiêng liêng làm sao:
 
“Ba người nhìn bức châm, rồi lại nhìn nhau”.
 
Ngục quan cảm động, vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”.
 
Đã một lần trước, viên quản ngục nhã nhặn “xin lĩnh ý” khi bị Huấn Cao lạnh lùng đuổi khỏi buồng giam. Nhưng đó là lần nhẫn nhục, lần cam chịu. Lần bái lĩnh này là kết quả của sự bừng tỉnh, sự giác ngộ. Chiến thắng đã thuộc về cái đẹp, cái cao thượng. Ngay giữa nơi tưởng chỉ có thể tồn tại cái xấu, cái ác, tài năng và nhân cách cao cả của con người vẫn có thể tìm thấy không gian, thời gian để tồn tại và chiến thắng. Không gian ấy, dù chỉ là một nhà ngục tử tù. Thời gian ấy, dù chỉ là đêm cuối trong cuộc đời một con người. Đó chính là lí tưởng thẩm mĩ, là niềm tin đáng quý của người nghệ sĩ Nguyễn Tuân trong hoàn cảnh xã hội đen tối, tù túng thời bấy giờ.
 
Xây dựng hình tượng Huấn Cao, Nguyễn Tuân đã dựa vào nguyên mẫu nhân vật lịch sử Cao Bá Quát. Trong thực tế lịch sử, Cao Bá Quát đã bỏ mình nơi chiến địa trong cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình phong kiến. Nhưng Nguyễn Tuân đã “kéo dài” cuộc đời Cao Bá Quát, biến vị anh hùng - nghệ sĩ này thành một kẻ tử tù để từ đó sáng tạo nên một cuộc gặp gỡ thú vị, một cảnh tượng cho chữ xưa nay chưa từng có. Sáng tạo này là chỗ gửi gắm lí tưởng thẩm mĩ của Nguyễn Tuân. Bút pháp tương phản đã được nhà văn vận dụng rất thành công để khắc họa nổi bật cảnh tượng độc đáo. Sức mạnh của tài năng, của nhân cách cao cả được ngời sáng trên “nền tối” của một không gian, thời gian khác thường.
 
Cảnh tượng cho chữ cuối thiên truyện Chữ người là một kết thúc có hậu. Nó giúp cho người đọc thêm yêu mến một nét đẹp trong truyền thống văn hóa của dân tộc. Nó giáo dục cách ứng xử văn hóa, thái độ tôn trọng tài năng. Nó gieo vào lòng ta một niềm tin vào sự bất diệt của thiên lương...
 
Nhưng kết thúc có hậu, có tính tất yếu mà vẫn chứa đựng sự bất ngờ. Cái cảm giác thỏa mãn mà đoạn văn đem lại cho ta không chút dễ dàng. Đó là kết quả của sự chờ đợi, của những âu lo, hồi hộp. Nó như sự bừng sáng, bừng ngộ để bỗng thêm khâm phục, ngỡ ngàng. Đoạn văn là đỉnh điểm sáng tạo xuất sắc của Nguyễn Tuân ở Chữ người tử tù, khiến ta “bái lĩnh” vẻ đẹp của một tư tưởng, tài hoa của một nghệ sĩ.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây