Trích đoạn “Hồ Pam-pa” không chỉ thể hiện tâm trạng “xôn xao một nỗi xúc động vui buồn, đắm say lẫn lộn” của Ra-ma khi đứng trước vẻ đẹp “mê hồn”, “thơ mộng” của hồ Pam-pa giữa mùa xuân trong cảnh ngộ vắng bóng người yêu mà còn nói lên những phẩm chất của con người chân chính cần có và phải có để vươn lên trước bi kịch đang đè nặng tâm hồn.
Phần đầu mới đọc qua, các tín hiệu ngôn ngữ như: “Em xem kìa”, “Em yêu thương ơi” “Lak-ma-na ơi”. “Em trông kìa!”…, ta tưởng như Ra-ma đang đối thoại, đang tâm sự với người em trai đang đi cùng tìm Xi-ta. Nhưng thật ra đó là những độc thoại nội tâm của Ra-ma.
Cảnh hồ Pam-pa giữa mùa xuân rất đẹp: “Nước hồ sao mà trong vắt như pha lê, có khác gì chất ngọc lỏng trên nước da màu lơ ?”; những bông sen nở rộ, những rặng cây “duyên dáng” viền quanh hồ, cành lá sum sê; “Lớp đất màu xanh thẫm lốm đốm những hoa đủ màu sắc rời khỏi cuống, nom như một tấm chăn kẻ ô vuông xinh đẹp trải trên cỏ” những cây leo dây đó “duyên dáng lấm tấm những chùm hoa nhỏ đang ôm lấy những cành cây cao chót vót nặng trĩu hoa”.
Mùa xuân, “mùa của tình yêu” càng làm cho hồ Pam-pa thêm thơ mộng, quyến rũ. Gió nhẹ thổi, “hoa đang nở rộ và rừng ngào ngạt hương hoa”. Gió thổi cây rung động “trút trận mưa hoa”. Hoa “bị ném xuống đất”; hoa “đang lả tả rơi”, và hoa “đang rung rinh trên cành”.
Dạo bước ngắm cảnh thiên nhiên hồ Pam-pa, Ra-ma cảm nhận và rung động “tiếng nhạc trầm của gió luồn ra khỏi các hang đá”, “mùi thơm nức như đàn hương” của không khí, tiếng “vo ve” của đàn ong đang say mật hoa rừng, và đỉnh những ngọn núi “đội những cây hoa nom như đội vương miện”.
Ra-ma mở rộng tâm hồn đón nhận vẻ đẹp hồ Pam-Pa giữa mùa xuân, lúc thì “anh vui mắt” một lúc thì anh cảm thấy “khoan khoái… cất bỏ mọi mệt nhọc và u sầu”. Qua đó, ta cảm hiểu được rằng vẻ đẹp thiên nhiên, vẻ đẹp mùa xuân và hoa lá, cây cỏ,., có lúc có thể làm dịu bớt cơn đau của lòng người. Hồ Pam-pa đối với Ra-ma cũng như thế.
Nhưng “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ…”, Ra-ma nghe tiếng ca dịu dàng của chim cu “như chế giễu anh”, nghe tiếng líu lo của chim Đê-ti-nha, Ra-ma “thêm tê tái”,… Mất Xi-ta, Ra-ma đau khổ cô đơn, cho nên giờ đây “mùa xuân, như lửa, đang thiêu đốt anh đến là khổ”, hoa A-xô-ka đỏ “là than hồng”, và “tiếng vo ve của đàn ong là tiếng lửa vèo vèo và lá màu đồng thau là ngọn lửa”. Vì vắng bóng nàng Xi-ta, nên Ra-ma cảm thấy vô vị, chán ngán, chẳng thấy “cuộc sống có ích gì cho anh” khi “không còn được trông thấy Xi-ta nói năng dịu dàng, có đôi mắt xinh đẹp và mái tóc duyên dáng”. Ra-ma đau khổ cảm thấy “nỗi buồn thương nhớ Xi-ta” đang thiêu cháy anh, gió mùa xuân không thể quạt cho anh mát dịu được.
Nhìn những cặp chim công đang “vui vầy” múa lượn, “đuôi xòe rộng, lấp loáng như rèm của sổ bằng pha lê” Ra-ma cay đắng nghĩ: “Chắc chắn rồi, không có con yêu tinh nào đã mang Xi-ta đến đây không thế thỉ chim công đã chẳng múa mênh vui sướng thế này”. Ra-ma đinh ninh, đau đớn nghĩ: “Nếu như mùa xuân cũng tới nơi mà nàng đang bị giam hãm chắc chắn nàng cũng âu sầu héo hon như anh vậy”.
Hạnh phúc và đau khổ, sum vấy và cô đơn cần được san sẻ. Với Ra-ma cũng vậy. Đây là một trong những câu thơ tuyệt diệu (trong nguyên tác) thể hiện rõ điều đó.
“Em trông kìa ! Cây Ti-la-ka nở hoa, đu đưa trong làn gió thoảng, nom chẳng khác gì một mĩ nhân chếnh choáng hơi men, lôi cuốn đàn ong đang hối hả bay tới… Thiên nga và chim Cha-kra-va-ka đang nô đùa trong dòng nước pha lê của hồ Pam-pa. Hươu nai và voi đang tới uống nước. Hãy trông những bông hoa sen độ nở rộ, mỗi bông như một buổi bình minh đỏ thắm, và mặt nước phủ phấn hoa mà đàn ong làm rơi rụng xuống. Hồ pam pa đẹp mê hồn, và những tặng cây viền quanh hồ thơ mộng biết bao”.
Ra-ma đang đối thoại cùng em trai, hay đang nói cùng người yêu trong cách biệt, hay đang tự hỏi lòng mình ? Qua đó, ta càng thấy rõ đoạn sử thi nói về mùa xuân và vẻ đẹp hồ Pam-pa cũng là tâm hồn Ra-ma, ở đây thiên nhiên như con người, và con người cũng như thiên nhiên vậy.
Tâm trạng của Ra-ma như cuộn tơ vò. Lúc thì anh oán trách thần tình yêu Ka-ma “mới tàn ác làm sao”, sao lại “đang làm sống lại hình ảnh nàng Xi-ta trong tâm trí anh”. Lúc thì anh cảm thấy “dằn vặt, nhức nhối” vì Chúa xuân sao lại đem “hoa thắm, lá xanh, đè nặng lòng anh”. Vì vắng bóng xi-ta mà anh cảm thấy cảnh đẹp hồ Pam-pa “mất hết vẻ mĩ miều”, và “bông sen mới hé không làm vui mắt anh nữa”. Nhìn hoa sen anh tưởng tượng “giống mắt Xi-ta” nghe gió hây hây mang theo hương sen, anh cảm thấy “có khác gì hơi thở nhẹ nhàng của nàng Xi-ta”.
Ra-ma bồi hồi ao ước tìm ra Xi-ta “rồi cùng nhau ở trên hồ Pam-pa” thì anh sẽ vô cùng sung sướng, “chẳng khát khao gì A-y-ô-đhy-a (ngôi báu) hoặc cõi trời (chốn cực lạc)”. Anh chỉ “ham muốn và thèm khát” được cùng Xi-ta “nô đùa trong làn nước trong veo màu xanh, ngọc bích”.
Ra-ma bối rối nghĩ biết trả lời thế nào khi Gia-na-ka (thân phụ Xi-ta) và những người khác hỏi thăm sức khỏe của nàng, cảm thấy nhức nhối đau đớn khi nghĩ về nàng, và “không biết nàng đang ở đâu ?”, bây giờ, “anh sẽ sống sao đây trong nỗi li biệt, hở em ?”.
Ra-ma không thể nào kìm giữ nổi giọt khóc. Anh nhớ tới “mắt nàng đẹp tựa bông sen” “khuôn mặt ngắt hương sen” giọng nói “rõ ràng, trong sáng dễ mến, ngọt ngào” của Xi-ta. Anh nhớ tới người vợ yêu dấu, chung thủy – “người phụ nữ khuê các trinh bạch vẫn luôn luôn nói với anh những điều dịu dàng…” trong những năm tháng gian khổ nơi rừng xa. Hơn bao giờ hết, anh cảm thấy tuyệt vọng “không tài nào sống nổi” khi vắng Xi-ta.
Ra-ma “than khóc như một con người bơ vơ lẻ loi”. Đoạn thơ “Hồ Pam-pa” đã diễn tả mọi biến thái, mọi rung động về nỗi xúc động “vui, buồn, đắm say lẫn lộn” của Ra-ma một cách tinh tế và sâu sắc. Qua đó, ta càng thấm thía nỗi đau khổ trong tình yêu là bi kịch sâu sắc của con người, cái ác gây ra sự chia li tan nát trong tình yêu và hạnh phúc lứa đôi là không thể dung tha, và mọi cái đẹp của thiên nhiên cũng khó xoa dịu nỗi đau về tình yêu lứa đôi nơi trần thế.
Nhân vật Ra-ma, người anh hùng thần thánh, lí tưởng không chỉ đẹp về tâm hồn mà còn đẹp về trí tuệ, đẹp về ý chí. Sau khi nghe em trai an ủi, khuyên nhủ về nghị lực, “hãy rũ sạch sự nản lòng” “hãy dẹp nỗi đau đớn đi…”, hãy tin tưởng “dựa vào nghị lực, chúng ta có thể giành lại được chị Xi-ta”…, thì Ra-ma nghĩ rằng “phải nghe theo lời khuyên” của em trai, phải “kiềm chế những nỗi buồn đau dằn vặt”… Hai anh em, trên đường đi, “đưa mắt thận trọng nhìn ngó mọi hang động và mọi con suối”. Người em trai qua đàm luận “về đạo đức và sự tích anh hùng” đã cố gắng làm cho Ra-ma được “khuây khỏa” và “phấn chấn”…
Với Ra-ma lúc này, con đường đi tìm người yêu không chỉ có đau khổ, tuyệt vọng mà còn có nghị lực, niềm tin được khơi dậy. Mùa xuân và hồ Pam-pa đối với Ra-ma chỉ mới là một chặng đời, một khoảnh khắc thời gian của hành trình đau khổ hạnh phúc.
“Hồ Pam-pa” là một đoạn thơ tuyệt vời, trong đó không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật và tâm trạng nghệ thuật đồng hiện thể hiện sâu sắc, cảm động bi kịch tình yêu.