Nếu chú ý, ta thấy hình ánh vầng trăng khuyết đã “mọc lên” từ phần mở đầu của thiên truyện. Ấy là khi Lãm đang ung dung thư thái tận hướng mấy phút nhàn rỗi đợi người lái phụ nhận hàng đánh xe lên. Anh “đứng tréo chân tựa gốc cây bên đường, thở khói thuốc vòng tròn và ngắm vầng trăng khuyết mỏng manh bằng con mắt mơ mộng”. Nhưng rồi vì bực bội, vì lo lắng, dần về sau Lãm như “quên hẳn” vầng trăng... Nguyễn Minh Châu đã “chuyển” cô gái đi nhờ từ sau thùng xe lên ngồi trong buồng lái rồi qua câu chuyện giữa Lãm - Nguyệt khéo léo tạo nên một tình huống: Ở đơn vị cô gái này có đến ba người tên là Nguyệt. Trong đó, một chị “Nguyệt lão” đã có bốn con. Một cô Nguyệt kia mới hi sinh cách đây ba, bốn tháng. Cô ấy dũng cảm, hiền lành và “hình như mới có người yêu”. Lòng Lãm rối như tơ vò bởi chưa biết Nguyệt “của mình” là ai trong hai cô gái - một trẻ trung, xinh đẹp đang ngồi cạnh mình và một đã hi sinh anh dũng. Chính trong tâm trạng bối rối ấy mà “già đời trong nghề lái xe, bom đạn nguy hiểm gặp đã nhiều”, lần này Lãm bỗng nhìn trăng hóa ra pháo sáng.
Sau lời thốt hỏi có phần hốt hoảng của Lãm, cô gái giải thích một cách thật nhẹ nhàng, ấm áp: “Không phải đâu. Trăng đó anh ạ”. Cũng từ đây, vầng trăng xuất hiện trở lại.
Ở khung cảnh này, vầng trăng hiện lên trong sự vỡ lẽ, sự ngỡ ngàng của người lính lái xe. “Trăng thật. Hôm nay đầu tháng. Từ đầu hôm tôi vẫn đi giữa đêm trăng mà không biết”. Vì bao nỗi lo lắng ngổn ngang, Lãm không biết xe mình đang chạy giữa đêm trăng. Phân nữa cũng bới mới trăng đầu tháng - vầng trăng khuyết nhập nhòa qua tấm kính ướt hơi sương, đang ẩn hiện trong những tầng mây. Hình ảnh vầng trăng lòe nhòe, chập chờn, lay động thế này sẽ làm giảm bớt đi nỗi xấu hổ ở người chiến sĩ lái xe dày dạn khi bỗng nhìn nó ra pháo sáng: “Qua tấm kính ướt hơi sương, mảnh trăng nằm giữa những tầng mây hiện ra tái ngắt, ánh sáng lòe nhòe, mỗi lúc xe nảy lên hay vòng qua chỗ lượn, mảnh trăng lại chập chờn lay động, có lúc thấy rơi tõm xuống khoảng tối mịt mù của cánh rừng già như một trò chơi ú tim”.
Bắt đầu từ một hình ảnh vầng trăng như thế, Nguyễn Minh Châu tiếp tục dựng cảnh, “dọn dẹp” để nó ngày càng lung linh chiếu sáng hơn và cũng hư ảo hơn. Khoảng trời đêm về khuya cao lồng lộng, trong vắt. Sương trắng phủ kín khắp cánh rừng, cả không gian. Màn sương trắng dày tạo nên cái nền, như một tấm phông nâng nổi chiếc xe. Và trên kia: mảnh trăng khuyết đứng yên ở cuối trời, “sáng trong như một mảnh bạc”.
Ngòi bút Nguyễn Minh Châu đến đây vút lên đầy chất thơ. Nói cách khác, tâm hồn người chiến sĩ lái xe đến đây bỗng trở nên bồng bềnh, lâng lâng trong một cảm giác khác thường: vừa mơ hồ ngỡ ngàng vừa tự tin ; vừa vui sướng với vẻ đẹp hiển hiện trước mắt vừa choáng ngợp như đứng trước ảo ảnh xa vời. Bằng linh cảm, Lãm tin chắc người con gái đang ngồi cạnh mình là Nguyệt, là người “đã từng mang canh cánh trong trái tim tuổi trẻ mối tình đầu” đối với mình suốt mấy năm nay, là cô gái “ngoan ngoãn, dũng cảm và lại xinh đẹp” mà mình đang chịu ơn, đang tìm đến. Cái gì đã đem lại cho anh “một niềm tin vô cớ mà chắc chắn” ấy? Một không gian trăng, một không gian sương hư ảo và sáng trong ? Một vẻ đẹp “giản dị và mát mẻ như sương núi tỏa ra từ lời nói, nét mặt và tấm thân mảnh dẻ”? Có lẽ là tất cả ! Cảnh đã gợi hứng, đã truyền tin cho con người. Trong mỗi chúng ta, chắc ai cũng thường có những lúc xuất hiện “niềm tin vô cớ mà chắc chắn” như thế.
Không còn là vầng trăng chập chờn lay động, lúc ẩn lúc hiện như trò chơi ú tim nữa. Trăng sáng trong như một mảnh bạc. Trăng đứng yên ở cuối trời. Và chiếu sáng! Nguyễn Minh Châu đã cho ánh trăng chiếu nghiêng từ phía Nguyệt sang chứ không phải từ phía Lãm ! Bởi thế lúc này, mái tóc, khuôn mặt người con gái xinh đẹp ấy ngập đầy ánh trăng: “Khung cửa xe phía cô gái ngồi lồng đầy bóng trăng... Chốc chốc, tôi lại đưa mắt liếc về phía Nguyệt, thấy từng sợi tóc của Nguyệt đều sáng lên. Mái tóc thơm ngát, dày và trẻ trung làm sao !... Trăng sáng soi thẳng vào khuôn mặt Nguyệt, làm cho khuôn mặt tươi mát ngời lên và đẹp lạ thường !...” Lãm không giữ gìn khi bày tỏ sự xuýt xoa, niềm cảm phục và Nguyễn Minh Châu cũng chẳng ngần ngại sử dụng liên tiếp các câu cảm thán ! Đọc đoạn văn này, ta dễ liên tưởng đến hình ảnh mái tóc dày, thơm mùi bông bưởi của chị Sứ trong tiểu thuyết Hòn của Anh Đức. Cũng dưới đêm bát ngát ánh trăng, trên bãi biển xứ Hòn, chị Sứ bị lũ giặc trói vào cọc mà mái tóc dài xõa bay tung theo gió và đẫm trăng. Hình ảnh mái tóc ấy nói lên vẻ đẹp, sức sống của người phụ nữ Nam bộ, nói lên tấm lòng kiên trinh, thủy chung với lí tưởng cách mạng... Trăng sáng đến từng sợi tóc. Trăng soi thẳng vào khuôn mặt Nguyệt. Đến đây, người đọc chúng ta chợt hiểu ra tại sao cô gái này được Nguyễn Minh Châu đặt tên là Nguyệt và thiên truyện mang tên Mảnh trăng cuối rừng. Ở trước, chẳng phải đã một lần Lãm giải thích với đồng đội “Nguyệt là trăng” đó sao ! Mảnh trăng của thiên nhiên ở trên trời và mảnh trăng của con người trong ca-bin chiếc xe ra trận lúc này đang soi chiếu vào nhau, làm đẹp cho nhau. Đôi mắt Lãm hướng vào đâu cũng toàn gặp ánh trăng. Cả đoạn đường đầy ổ gà phía trước bỗng trở thành con đường của chất thơ lấp lánh, mát dịu: “Từng khúc đường trước mặt cũng thếp từng mảng ánh trăng...”. Có thể nói không ngoa rằng trong giờ phút này tâm hồn Lãm thực sự là một tâm hồn thi sĩ.
Từ đầu đến đoạn này của thiên truyện, Lãm càng ngày càng nhận ra vẻ đẹp lạ thường của cô gái đi nhờ xe - cái người mà sự nhờ vả ban đầu đã khiến anh khó chịu. Bắt đầu là giọng nói trong trẻo, cứng cỏi. Tiếp đến là “một đôi gót chân bóng hồng, sạch sẽ, đôi dép cao su cũng sạch sẽ, gấu quần lụa đen chấm mắt cá” trong ánh đèn gầm hắt xuống mặt đường và Lãm đang chui dưới gầm xe. Nguyễn Minh Châu chỉ để cho Lãm nhìn thấy chừng ấy đã rồi dùng thủ pháp tương phản để làm nổi bật vẻ đẹp của cô gái này. Bên đoàn xe xích kéo pháo đang lao đi ầm ầm là hình ảnh cô gái mang vẻ đẹp giản dị và mát mẻ như sương núi. Tương phản với một hình ảnh hùng tráng, dữ dội của chiến tranh là một vẻ đẹp mát mẻ, thanh bình. Nguyệt còn được so sánh với nhiều cô gái công trường “thường cô nào cũng thấp và đẫy đà”. Nhà văn lại khoác cho cô “chiếc làn và chiếc nón mới trắng lóa ở cánh tay một cách nhẹ nhàng”. Cô gái hiện ra càng rõ bao nhiêu thì nỗi băn khoăn, nghi ngờ ở Lãm lại càng tăng lên bấy nhiêu. “Hay là người ta đi thăm chồng hay đi thăm người yêu thực”. Câu trả lời cứng cỏi, tinh nghịch ban đầu biết đâu lại đúng ?... Bằng các bước chuẩn bị như thế để dẫn cô gái đến với ánh trăng (hay đem ánh trăng đến cho cô gái !), đó là sự “cao tay” trong xây dựng tình huống truyện của Nguyễn Minh Châu. Hơn nữa, tại sao lại “mảnh trăng khuyết”? Lại là trăng đầu tháng ? Bất giác, tôi nhớ đến một ý thơ sâu sắc của R.Tagor:
Tình yêu chỉ thiêng liêng khi nó còn thầm kín.
Nó ánh lên như chùm ngọc
nằm trong bóng im của trái tim e ấp.
Trong ánh sáng của ban ngày dòm dỏ
nó sẽ mờ đi thảm hại vô cùng.
(Người lảm vườn- Bài số 65)
Mối tình của Nguyệt và Lãm là thế. Nó là bông hoa vừa hé. Nó đang ở thuở ban đầu, đang ở sự hứa hẹn. Họ đang tìm đến nhau, chưa hề biết mặt nhau. Nói cách khác, tình yêu ấy chưa đến độ tròn. Nếu trăng độ rằm thì sẽ sáng quá. Đương nhiên không còn sự chập chờn lay động, sự thấp thoáng hư ảo nữa! Và điều Lãm lầm trăng thành pháo sáng bỗng trở thành trơ trẽn, vô lí và vô duyên! Nếu tả vầng trăng khuyết sau rằm, cuối tháng thì đó lại là sự hao gầy, tan lụi. Nguyễn Minh Châu thật tinh tế khi xây dựng hình ảnh mảnh trăng cuối rừng. Mảnh trăng ấy tất sẽ ngày một lộng lẫy tròn đầy như tình yêu hạnh phúc của đôi bạn trẻ vậy!
Đoạn văn thắm thiết trữ tình này tiêu biểu cho bút pháp lãng mạn của Nguyễn Minh Châu. Nó được diễn tả bằng sự vỡ lẽ ngỡ ngàng, bằng niềm yêu mến, cảm phục của một trái tim chiến sĩ - thi sĩ đang xúc động. Ta hãy thử đổi điểm nhìn trần thuật ấy trong đoạn văn (và cũng là trong cả thiên truyện). Nếu không còn nhân vật “tôi” - người trong cuộc - đang tự thuật, đang tự giãi bày và triết lí ấy, câu chuyện trở nên trung tính và lạnh lẽo đến bao nhiêu!
Xét về bố cục truyện, đoạn văn tả chiếc xe chạy trên lớp sương bồng bềnh, dưới ánh trăng, tả mái tóc, khuôn mặt Nguyệt trong ánh trăng trong mát này là bước cao nhất để làm sáng tỏ vẻ đẹp ngoại hình của cô gái. Về sau, nhà văn sẽ tiếp tục soi ngắm vẻ đẹp toàn vẹn của Nguyệt từ một góc độ mới - vẻ đẹp của tinh thần dũng cảm trong thử thách đạn bom. Nhưng nghĩ một chút, đây đâu chỉ là ngoại hình. Nếu Mảnh trăng cuối rừng thể hiện quá trình khám phá viên ngọc ẩn tàng trong chiều sâu tâm hồn con người thì đoạn văn này đã lấp lánh vẻ đẹp của viên ngọc ấy. Một cô gái - một vầng trăng sáng trong, rạng rỡ nhường kia ắt phải mang một tâm hồn tuyệt vời thanh khiết. Đó là “một niềm tin vô cớ mà chắc chấn” ở mỗi người đọc chúng ta khi đến với đoạn văn này.