Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích hình ảnh người chiến sĩ lái xe trong bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật

Thứ hai - 08/03/2021 10:19
Hướng dẫn lập dàn bài chi tiết và làm bài văn mẫu, đề bài: Phân tích hình ảnh người chiến sĩ lái xe trong bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật

I. Dàn ý

1. Mở bài:
Giới thiệu sơ lược về tác giả Phạm Tiến Duật.
Hoàn cảnh ra đời và nội dung cơ bản của bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính.

2. Thân bài:
Hình ảnh người chiến sĩ lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính được thể hiện ở nhiều chi tiết khác nhau:

a. Tư thế ung dung hiên ngang
Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.
Từ láy gợi tả ung dung, điệp từ “nhìn”, và nhịp thơ 2/2/2 diễn tả sự thản nhiên, khoan thai, tự tin của người chiến sĩ.
Điệp từ “nhìn thấy” gợi lên hình ảnh này nối tiếp hình ảnh kia một khúc phim đang quay:
Nhìn thấy…
Nhìn thấy…
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Thấy sa như ùa vào buồng lái.
Nhịp thơ nhanh thể hiện tâm hồn lạc quan của người chiến sĩ lái xe và hình ảnh nhân hóa làm cho ý thơ thêm sinh động:
Gió vào – xoa mắt
Con đường – chạy
Sao trời – sa
Cánh chim – ùa

b. Những cảm giác, ấn tượng của người lái xe trong chiếc xe không kín
– Ngồi vào buồng lái chiếc xe không kính, người lái xe nhận ra những cảm giác: gió như xoa vào mắt cay xè, con đường phía trước ngược chiều như đang chạy thẳng về phía người lái với những rung động thật  rõ. Những cảm giác tinh tế này được diễn tả cụ thể và sinh động:
Nhìn thấy gió xoa vào mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim.
Xe chạy trong đêm, những sao trời như đột ngột sa vào buồng lái. Xe chạy giữa núi rừng, những cánh chim như đột ngột ùa vào buồng lái. Các ngữ động từ “sa vào”, “ùa vào” gây ấn tượng độc đáo: Chiếc xe như bềnh bồng trong không gian thiên nhiên hoang dã của núi rừng Trường Sơn.

c. Tinh thần dũng cảm, thái độ bất chấp khó khăn
Không có kính, ừ thì có bụi,
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.
Lời thơ giản dị, hình ảnh trung thực, nhịp thơ như giọng kể. Tiếng “ừ” vang lên như một lời thách thức, chủ động chấp nhận gian khổ. Hình ảnh so sánh: “tóc trắng như người già”. Một kiểu hút thuốc lá nhà binh: phì phèo điếu thuốc. Một tiếng cười hồn nhiên, lạc quan ha ha.
Không có kính, ừ thì ướt áo
Mưa tuôn, mưa như xối ngoài trời
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa khô ngay thôi!
Giọng điệu ngang tàng, tự tin:
Không có kính ừ thì…
Chưa cần…

Thể hiện sự bất chấp khó khăn, xem thường gian nguy của người chiến sĩ lái xe. Sau gió bụi thì mưa. Mưa tuôn, mưa xối mạnh, gợi cho thấy những gian khổ mà người lính phải trải qua. Tuy nhiên, họ vẫn cố gắng vượt khó và lạc quan tin tưởng. Lái trăm cây số nữa và gió lùa khô mau thôi… thể hiện nghị lực, tinh thần vượt khó, bất chấp gian khổ của những người chiến sĩ lái xe.

d. Tình đồng đội
Những chiếc xe từ trong bom rơi…
Lại đi, lại đi trời xanh thêm.
– Tiểu đội xe không kính dừng quân giữa rừng. Sau những chặng đường đầy mưa bụi và bom đạn, những người chiến sĩ lái xe lại gặp nhau:
Gặp bạn bè suốt dọc đường đi tới
Bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi.
– Hình ảnh tả thực:
Bếp Hoàng Cầm…
Chung bát đũa…
Võng mắc chông chênh…
– Điệp ngữ “lại đi”, “lại đi” gợi tả nhịp hành quân khẩn trương của tiểu đội xe không kính.

e. Ý chí chiến đấu vì miền Nam
Hình ảnh xe không kính, không đèn, không mui xe, thùng xe có xước là một hình ảnh thực,
Bom đạn làm biến dạng đi nhưng xe vẫn chạy “Vì miền Nam phía trước và chỉ cần trong xe có một trái tim”.
Trái tim ở đây là trái tim yêu thương, nồng nàn đối với đất nước, một trái tim dũng cảm để đương đầu với bao nhiêu cái “không có”.

3. Kết bài:
Bài thơ ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của người lính lái xe Trường Sơn trong thời kì chống Mỹ cứu nước.


II. Bài làm

Bài làm 1

Những năm tháng chiến tranh diễn ra ác liệt vẻ đẹp của những cô gái thanh niên xung phong, của những người lính trên tuyến đường Trường Sơn trở thành một đề tài hết sức hấp dẫn, luôn nhận được sự quan tâm, sáng tác của nhiều tác giả. Và trong những tác phẩm ấy, ta không thể không nhắc đến những người lính trên chiếc xe không kính trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật. Chân dung họ hiện lên với những khám phá mới mẻ mà vẫn vô cùng thống nhất.

Nếu như, trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu hình ảnh người lính nông dân hiện lên trong sự đồng cam cộng khổ, thấu hiểu những nỗi niềm của nhau, nhớ cây đa, bến nước, cùng nhau vượt qua thiếu thốn : Áo anh rách vai/ Quần tôi có vài mảnh vá/ Miệng cười buốt giá/ Chân không giày/ Thương nhau tay nắm lấy bàn tay . Thì người lính trong tác phẩm này lại hiện lên với một chân dung mới lạ, khác hẳn. Họ là những con người trẻ trung mang trong mình vẻ ung dung, hiên ngang trước những thử thách trên tuyến đường Trường Sơn :

Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất nhìn trời, nhìn thẳng

Trong cuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt, nhưng người lính vẫn giữ được phong thái ung dung, với cái nhìn thẳng đầy tự tin, tràn đầy nhiệt huyết. Nhịp thơ 2/2/2 kết hợp với từ láy ung dung được đảo lên đầu câu nhấn mạnh vào tư thế hiên ngang, làm chủ chiến trường của những người lính. Cái nhìn thẳng của họ không chỉ là nhìn vào con đường phía trước với sự tập trung cao độ mà đó còn là cái nhìn thẳng vào hiện thực chiến tranh khốc liệt, tinh thần sẵn sàng tiến lên phía trước. Sau cái nhìn đó là cảm nhận của người chiến sĩ trên tuyến đường Trường Sơn: Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng/ Thấy con đường chạy thẳng vào tim/ Thấy sao trời và đột ngột cánh chim/ Như sa như ùa vào buồng lái. Bốn câu thơ vừa khắc họa khung cảnh hiện thực nhưng đồng thời cũng hết sức nên thơ, lãng mạn. Những chiếc xe không kính di chuyển trên đường nên tất yếu các cơn gió sẽ ùa vào khoang lái, gió bụi ùa vào khiến họ cảm thấy bỏng rát, nhất là vào những trưa hè. Nhưng dưới con mắt lãng mạn của người chiến sĩ thì những ngọn gió đó vào xoa dịu những vất vả của họ. Hình ảnh con đường chạy thẳng vào tim là một trường liên tưởng vô cùng thú vị. Diễn tả được tốc độ di chuyển nhanh của những chiếc xe không kính, lao mình trong mưa bom bão đạn, không sợ hiểm nguy. Không chỉ vậy, dưới con mắt đầy thi sĩ của người chiến sĩ, họ còn thấy những chú chim và sao trời sa, ùa vào buồng lái, làm bạn với họ trên quãng đường đầy gian khổ, ác liệt. Với nghệ thuật nhân hóa, sử dụng động từ mạnh sa, ùa tác giả đã cho thấy cái nhìn lạc quan của những người lính: thiên nhiên không phải trở ngại, cản bước họ tiến lên mà trở thành người bạn thân thiết, chia sẻ với họ những gian lao trên con đường tiến vào miền Nam.

Không chỉ là những con người ung dung, hiên ngang, trong tâm hồn những người lính trẻ ấy còn mang trong mình nhiệt huyết cách mạng, dũng cảm, coi thường nguy hiểm, gian khổ và một tinh thần trẻ trung, sôi nổi, lạc quan. Khổ thơ thứ ba và thứ tư đã cho thấy những khó khăn người lính phải đối mặt: không có kính khiến bụi, mưa tuôn mưa xối như ở ngoài trời. Đây là những câu thơ miêu tả hết sức chân thực những khó khăn mà người lính phải trải qua trên con đường Trường Sơn vô cùng nguy hiểm. Các động từ tuôn, xối, phun càng nhấn mạnh hơn nữa sự khắc nghiệt mà thiên nhiên đang thử thách các anh. Nhưng trái lại, những người lính đáp lại bằng câu nói nhẹ nhàng, dường như đó chẳng phải là vấn đề đáng bận tâm: ừ thì có bụi, ừ thì ướt áo. Các anh sẵn sàng đối mặt với tất cả thử thách bằng tinh thần hiên ngang, cứng cỏi, bằng giọng điệu vui đùa, trẻ trung.

Không chỉ vậy họ còn hết sức tinh nghịch, trẻ trung. Dù bụi lùa vào khoang lái họ vẫn có những tiếng cười thật rộn rã: nhìn nhau mặt lấm cười ha ha, tiếng cười khoan khoái đã giúp họ xóa tan bao cực nhọc, tiếp thêm sức mạnh để họ vững bước lên đường. Tinh thần lạc quan yêu đời chính là biểu hiện rõ nét nhất của lòng dũng cảm, của sức mạnh tinh thần ở người chiến sĩ. Khổ thơ đã tạc lên chân dung đẹp đẽ, những phẩm chất thật quý báu của người lính.

Trong những năm tháng kháng chiến, phải sống xa gia đình, thì tình cảm đồng chí đồng đội gắn bó thật đáng quý và đáng trân trọng. Nguồn sức mạnh tinh thần ấy sẽ giúp họ vượt qua mọi khó khăn, trở ngại. Những người lính lái xe cũng vậy, qua những ô cửa kính vỡ chỉ cần cái bắt tay vội vã mà nồng ấm tình thương cũng khiến những con người xa lạ trở nên gần gũi với nhau hơn. Và còn điều gì tuyệt vời hơn, khi tranh thủ cùng ăn bát cơm trắng đạm bạc với nhau giữa rừng. Những lúc đó họ không chỉ còn là những người bạn đường nữa mà đã trở thành gia đình của nhau: Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời/ Chung bát đĩa nghĩa là gia đình đấy. Chính những bữa cơm ấy giúp họ xích lại gần nhau hơn, gắn bó với nhau như những người trong gia đình. Tình cảm đồng chí, đồng đội, tình cảm gia đình gắn bó chính là nguồn động lực tiếp sức họ lên đường: Võng mắc chông chênh đường xe chạy/ Lại đi lại đi trời xanh thêm. Với tinh thần, ý chí chiến đấu kiên cường họ vẫn kiên gan, bền bỉ lại đi, lại đi vì màu xanh hi vọng, độc lập ở phía trước.

Đối lập với những khó khăn, thiếu thốn vật chất bên ngoài là sức mạnh tinh thần bền bỉ, mãnh mẽ của người lính với trái tim nhiệt thành, cháy bỏng: Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước/ Chỉ cần trong xe có một trái tim. Những chiếc xe không chỉ chạy bằng nhiên liệu mà còn chạy bằng ý chí, nghị lực phi thường của những người lính. Chỉ cần có trái tim lạc quan, mang trong mình niềm tin chiến thắng thì người lính có thể đưa đoàn xe đến mọi nẻo đường.

Với ngôn ngữ và giọng điệu độc đáo tác giả đã khắc họa lên tượng đài người lính lái xe vừa hiên ngang, dũng cảm vừa hóm hỉnh, lạc quan yêu đời. Họ là những hình ảnh tiêu biểu cho thế hệ thanh niên Việt Nam Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai. Đó là thế hệ anh hùng, hiêng ngang, dũng cảm, quyết đem cả tính mạng, tuổi trẻ của mình để cứu nước.
 

Bài làm 2:

Nói đến Phạm Tiến Duật là nói đến một trong những nhà thơ tiêu biểu của thế hệ nhà thơ trẻ những năm kháng chiến chống Mĩ. Từng chiến đấu trong đội ngũ những người chiến sĩ vận tải dọc đường Trường Sơn, chở vũ khí quân trang từ hậu phương ra tiền tuyến. Thơ ông có giọng điệu khỏe khoắn tràn trề sức sống, tinh nghịch vui tươi mà giàu chất suy tưởng. Thật vậy, Bài thơ về Tiểu đội xe không kính – một bài thơ tiêu biểu của Phạm Tiến Duật đã nêu lên hình tượng những người chiến sĩ lái xe vui vẻ tếu táo mà đĩnh đạc hiên ngang can đảm, thắm tình đồng đội bạn bè bền vững ý chí chiến đấu vì miền Nam ruột thịt.

Bài thơ có nhan đề thật độc đáo ấy biểu hiện vẻ đẹp tâm hồn của những người chiến sĩ lái xe Trường Sơn. Đó chính là những con người dũng cảm đến ngang tàng mà giản dị, yêu đời và lạc quan rất mực. Hình ảnh các anh gắn liền với hình những chiếc xe không kính. Đây là hình ảnh có thực. Bom đạn của chiến tranh ác liệt thời đó đã khiến cho những chiếc xe không chỉ không có kính mà còn trần trụi hơn nữa không có đèn, không có mui xe, thùng xe có xước:

Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi.

Nhà thơ miêu tả những chiếc xe không kính nhằm làm nổi bật hình ảnh những người lái xe trên đó. Tuy công việc đầy hiểm nguy gian khổ, nhưng những anh chiến sĩ trẻ này dưới bom đạn triền miên vẫn luôn giữ một tư thế ung dung lạc quan và tươi trẻ. Phạm Tiến Duật trong bài thơ này đã miêu tả những cảm xúc rất cụ thể của họ khi ngồi trên chiếc xe không có kính.

Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng.
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái.

Những câu thơ có nhịp điệu nhanh gấp mà vẫn nhịp nhàng đều đặn này gợi đến nhịp tiếng bánh xe bon bon chạy trên đường dài. Có thực sự ung dung nhìn đất, nhìn trời không chút lo âu hốt hoảng trước bom đạn cận kề thì anh chiến sĩ trẻ của chúng ta mới có thể nhìn và thấy đến đủ đầy như thế. Anh từ nhìn thấy gió, nhìn thấy con đường đến nhìn thấy cả sao trời và cánh chim… từ buồng lái đã vỡ hết kính chắn gió, gió vào xoa mắt đắng. Làn gió đã ùa vào như thể làm giảm đi vị đắng nơi khoé mắt. Mắt đắng vì mắt đã thức nhiều đêm để lái xe liên tục từ đêm này sang đêm khác. Tất cả thế giới bên ngoài ấy đã ùa vào buồng lái của anh với tốc độ làm chóng mặt. Con đường cũng vì thế như chạy ngược về phía người lái và trở thành Con đường chạy thẳng vào tim. Trong tư thế hiên ngang chủ động đó, người chiến sĩ lái xe đã bình thản coi thường mọi khó khăn, nguy hiểm và gian khổ. Giọng điệu của anh thật ngang tàng, tếu táo:

Không có kính, ừ thì có bụi
Bụi phun tóc trắng như người già.
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc.
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.
Không có kính, ừ thì ướt áo.
Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi!

Các anh còn là những chàng trai trẻ sôi nổi, vui nhộn và lạc quan thể hiện qua cái nhìn Bụi phun tóc trắng như người già và đặc biệt là tiếng cười sảng khoái đầy trẻ trung hồn nhiên và yêu đời: Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha. Dẫu là sinh hoạt từ cái ăn, cái ngủ bình thường của các anh đều có tính tạm bợ, nhiều gian khổ:

Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi, trời xanh thêm.

Trời xanh thêm phải chăng bởi vì lòng người đã phơi phới thêm, say mê thêm trước những chặng đường đã đi, những chặng đường đang đến. Cái gì đã làm nên sức mạnh ấy? Đấy chính là ý chí chiến đấu để giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, là tình yêu nước nồng nàn của tuổi trẻ Việt Nam thời đánh Mĩ:

Không có kính rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim.

Tuy bị bom đạn Mĩ làm cho biến dạng: không có kính, không có đèn, không có mui xe, thùng xe có xước nhưng chiếc xe ấy vẫn chạy vì miền Nam phía trước, nghĩa là vẫn băng băng ra tiền tuyến. Tác giả đã lí giải về điều ấy thật bất ngờ mà cũng chí lí: Chỉ cần trong xe có một trái tim. Đó là trái tim nồng nàn yêu nước, sôi nổi yêu đời, một trái tim dũng cảm.

Tóm lại, Bài thơ về Tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật đã thành công trong việc khắc hoạ hình tượng những chiến sĩ lái xe trên đường Trường Sơn đầy gay go thử thách, một lực lượng tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Cuộc kháng chiến chống Mĩ đã thành công hơn ba mươi năm qua nhưng hình tượng tiêu biểu của một thế hệ trẻ lạc quan yêu đời, hồn nhiên, coi thường thiếu thốn gian khổ, sôi nổi, đầy quyết tâm chiến đấu vì miền Nam ruột thịt ngày nào vẫn chưa mờ phai trong lòng mỗi người Việt Nam chúng ta…
​​​​
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây