Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích bức tranh cảnh vật và con người ở phố huyện nghèo trong truyện Hai đứa trẻ (Thạch Lam). Hãy làm rõ giá trị tác phẩm và tư tưởng nhân văn của nhà văn qua cách nhìn, cách cảm nghĩ về thân phận những con người đó.

Thứ hai - 27/05/2019 11:09
Trong Tự lực văn đoàn, văn chương Thạch Lam chảy một dòng riêng: điềm tĩnh, nhẹ nhàng mà truyền cảm lạ lùng. Nếu các tác giả khác trong Tự lực văn đoàn hướng sự quan tâm tới tầng lớp thượng lưu thì riêng Thạch Lam lại nghiêng mình xuống những thân phận nhỏ bẻ dưới đáy xã hội. Bức tranh thiên nhiên và con người trong Hai đứa trẻ rất tiêu biểu cho phong cách văn chương này của tác giả. Thấm trong tùng câu chữ là tấm lòng và những quan điểm hết sức nhân văn về con người của nhà văn.
Hai đứa trẻ là truyện ngắn xuất sắc của cây bút văn xuôi lãng mạn Thạch Lam, rút từ tập truyện ngắn Nắng trong vườn (1938).
Cái làm nên nét đặc sắc trong văn chương của Thạch Lam là bút pháp miêu tả tâm lí nhẹ nhàng, sâu lắng. Nhà văn không thiên về miêu tả những xung đột gay gắt của hiện thực mà quan tâm tới những rung động tinh vi “như cánh bướm non” trong tâm hồn con người. Truyện của ông thường không có cốt truyện, tất cả cứ nhẹ nhàng, mơn man “như một bài thơ trữ tình đượm buồn”. Cùng dòng với Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh, văn chương Thạch Lam là sự giao thoa giữa thơ và văn xuôi, giữa lãng mạn và hiện thực. Chính điều này đã làm cho những trang viết của ông tưởng chừng giản đơn đến mức không có gì để kể song chúng lại có sức ám ảnh sâu sắc. Hai đứa trẻ cũng không ngoại lệ. Một phố huyện nghèo đi vào đêm với những hoạt động bình thường ngày nào cũng diễn ra vậy mà cứ làm ta trăn trở, day dứt mãi không yên.
 
Hình ảnh phố huyện được đan dệt từ thiên nhiên và con người làm bật ra nghịch lí thiên nhiên yên tĩnh nhưng con người chẳng yên lòng. Đặc biệt, để tăng áp lực tâm lí cho người đọc, Thạch Lam để hình ảnh thiên nhiên và cuộc sống con người ấy hiện ra qua lăng kính của hai đứa trẻ là Liên và An. Chúng là “những đứa trẻ chết già” (theo cách diễn đạt của Nguyễn Bình Phương) trong một thế giới tàn lụi, quẩn quanh. Bức tranh phố huyện được đặt trên nền thiên nhiên lúc chiều muộn và đang đi dần vào đêm. Cái yên lặng của buổi chiều quê được Liên cảm nhận thật rõ nét: “Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều. Phương đông đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn”.
 
Những câu văn dài, chậm buồn đã bất được đúng cái hồn của buổi chiều quê nơi phố huyện. Đọc những trang văn này, người đọc có cái nhã thú của sự căng mở tất cả các giác quan để cảm nhận thiên nhiên và đồng cảm với những rung động của nhân vật. Đây là một thiên nhiên đẹp nhưng tàn và buồn. Tất cả đều được mô tả ở độ sắp sửa lụi tàn, sắp sửa biến mất. Tiếng trống thì “vang ra”, tiếng muỗi chỉ “vo ve” còn tiếng ếch nhái thì “kêu ran” và “văng vẳng” đưa lại. Những âm thanh ấy cũng mỏng và nhẹ như ngọn gió quê. Chúng được mô tả ở tần số thấp và đang có chiều hướng nhỏ dần, gợi ra cái yên lặng mênh mông của những buồi chiều quê muôn thuở. Đọc những trang viết của Thạch Lam, người đọc có thể hình dung được bước đi của thời gian trên phố huyện. Từ chỗ “phương đông đỏ rực như lửa cháy” tới hình ảnh “luỹ tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời” là vũ trụ đã chuyển vần mạnh mẽ để bước vào đêm. Những từ “chiều”, “tối”, “tàn” “buồn” cứ điệp đi điệp lại trong một đoạn văn ngắn. Chúng khắc sâu thêm cái buồn và tàn của phố huyện. Cái buồn man mác như đã có từ ngàn xưa vẫn còn phảng phất trong văn chương Thạch Lam.
 
Qua đôi mắt thơ ngây và tâm hồn nhạy cảm của Liên, phố huyện buổi chiều tàn còn được nhận diện bằng một phiên chợ tàn; “chợ về hết và tiếng ồn ào cũng mất. Trên đất chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn, lá mía... Mùi ẩm mốc bốc lên”. Cảm xúc của người đọc dường như trở nên tinh tế hơn để bắt kịp cái nhịp điệu riêng của phố huyện. Thiên nhiên trong Hai đứa trẻ không chỉ buồn và tàn mà còn thấm đẫm chất thơ và êm dịu. Thiên nhiên ấy ôm một vũ trụ cao rộng mênh mông với bầu trời thăm thẳm sao, mặt đất lập loè đom đóm. Trong cái thời khắc chấp chới giữa ngày và đêm ấy, cái gì cũng mượt và nhẹ: “chiều êm ả như ru”, “một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát”. Đâu đó trong không gian cứ giăng mắc làn hương dịu dàng mong manh của “hoa bàng rụng xuống vai Liên từng loạt một”. Giữa nhũng vội vàng của cuộc sống, ta bỗng bắt gặp một sự bình yên, thanh thản lạ lùng trong những trang viết của Thạch Lam. Ta chợt nhớ tới câu nói của Pautốpxki: “Dù người ta có nói với bạn điều gì đi chăng nữa, bạn hãy cứ tin rằng cuộc sống là một điều kì diệu và đẹp đẽ”. Chính vì vậy, khung cảnh phố huyện trong một buổi chiều tàn của Hai đứa trẻ tuy có buồn nhưng không khiến cho người đọc cảm thấy chán nản. Ngay trong nhịp điệu u buồn đó, ta vẫn nhận ra những ý vị thật thân quen của hơi thở quê hương, của hồn Việt bình dị.
 
Thiên nhiên trong tác phẩm mang tính lưỡng trị, vừa khơi gợi, vỗ về tâm hồn người đọc trong những câm xúc bâng khuâng, dịu dàng, lại vừa đánh lạc hướng cảm xúc. Người đọc bị bẫy vào một thế giới ôm ái, tưởng chẳng có gì, để rồi lại bị sa ngay vào sợi tơ nhện của sự day dứt trước những mảng đời nơi phố huyện lầm than.
 
Trong các tác phẩm của mình, Thạch Lam không hướng tới hiện thực áp bức và đấu tranh như Ngô Tất Tố, Nam Cao, Phố huyện không được khai thác nhiều ở phương diện nghèo đói, vất vả mà được khắc sâu ở phía buồn chán - tức là sự luẩn quẩn, nhàm tẻ, tối tăm, vô nghĩa lí. Ngụp lặn trong đó là những kiếp người cũng mỏi mòn, quẩn quanh. Truyện dường như không có gì để kể, chỉ là cuộc sống uể oải của con người nơi một phố huyện heo hút và những buồn vui âm thầm của hai đứa trẻ - những chuyện vặt vãnh mà chỉ một chút lơ đễnh thôi, người đọc sẽ rất dễ lãng quên. Song chính những điều tưởng vặt vãnh ấy lại chứa đựng một ám ảnh nghệ thuật sâu sắc. Nếu cái nghèo mới chỉ là cái đói về vật chất thì cái buồn chán lại là cái đói về tinh thần. Nó âm ỉ và tê tái hơn gấp nhiều lần sự thiếu ăn, thiếu mặc. Trước kia, văn học đã chú ý đến cái đói vật chất hay nỗi buồn chán tập thể (nỗi đau dân đau nước, nỗi đau thời thế). Bây giờ, khi ý thức cá nhân đã được thức tỉnh, nỗi đau đớn, khắc khoải riêng của mỗi cá nhân mới trở thành đối tượng của văn học 1930 - 1945. Bởi vậy, Thạch Lam đầy dụng ý khi đặt phố huyện vào một không gian thật đặc biệt: ngày tàn đang chuyển dần sang đêm. Không gian truyện có sự giao tranh giữa bóng tối và ánh sáng. Bóng tối cứ lấn át dần và trở thành gam màu chủ đạo. Hình ảnh bóng tối được tác giả lặp đi lặp lại nhiều lần như một ám ảnh, tạo cảm giác xót xa về đời sống.
 
Cách miêu tả bóng tối của Thạch Lam rất lạ. Nó dường như không xuất phát từ thiên nhiên mà ra đi từ đôi mắt của thiếu nữ: “Liên ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen, đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần và cái buồn của buổi chiều quê thấm thìa vào tâm hồn thơ ngây của chị”. Đây không chỉ giản đơn là thứ bóng tối vật lí mà còn là thứ bóng tối thân phận và số phận. Nó cứ vướng vít, đan dệt vào trong dòng chảy tâm lí và cảm xúc của nhân vật. Từ mắt Liên, bóng tối toả ra ngoài ngày càng đậm về màu sắc (sẫm đen), rộng về phạm vi lan toả (đầy bóng tối, ngập đầy dần, mênh mông). Bóng tối xâm lấn mọi ngõ ngách, xoá dần mọi đường nét dể đến cuối truyện thì đêm ở trong phố “tịch mịch và đầy bóng tối”. Thạch Lam còn dùng ánh sáng để miêu tả bóng tối. Nếu như bóng tối bao trùm và lan toả khấp không gian thì ánh sáng chỉ tụ lại ở một vài điểm nhỏ nhoi. Đó là ánh sao nhấp nháy trên bầu trời, đom đóm tập loè ngoài đồng ruộng, ánh đèn gánh phở Siêu. Đặc biệt nhất là hình ảnh ánh sáng được nhắc đi nhắc lại, khi là “hột sáng”, “vệt sáng” lúc lại là “quầng sáng”. Đây là một ám ảnh nghệ thuật mạnh mẽ, gây ấn tượng sâu sắc về sự đậm đặc của bóng tối và những kiếp người cũng nhỏ nhoi, leo lét như ngọn đèn nơi chõng hàng chị Tí.
 
Bóng tối u uẩn và dày đặc của phố huyện chính là cái nền để những kiếp người tàn nơi đây xuất hiện. Mỗi người mỗi cuộc sống khác nhau song đều gặp nhau ở sự lam lũ mưu sinh và vật vờ tồn tại. Đó là lũ trẻ con bới nhặt nhũng thứ người ta đã bỏ đi sau phiên chợ. Là gia đình chị Tí lỉnh kỉnh chõng hàng cùng bao nhiêu thứ đồ đạc. Ngày chị đi mò cua bắt tép, tối lại dọn hàng nước với những thứ đồ nghèo nàn bán cho mấy chú lính lệ hay người nhà thầy thừa đi gọi chân tố tôm. Điểm nhịp cho cuộc sống tàn và buồn nơi phổ huyện là tiếng đàn bầu run lên bần bật của gia đình bác xẩm. Không có một chút hồi âm, tiếng đàn ấy cứ cô độc ngân lên rồi lại lặng lẽ im tiếng như chính cuộc sống âm thầm không biến động nơi đây. Ám ảnh nhất có lẽ là tiếng cười giòn, vang của cụ Thi điên cứ tắt dần trong ngõ vắng. Thạch Lam đã đưa một nét hoang dã vào bức tranh đời sống khiến nó càng buồn đến rợn người.
 
So với những người dân nơi phố huyện, gia đình Liên có khá giả hơn song cuộc sống cũng không phải dễ dàng gì. Từ ngày bố mất việc, gia đình chị phải chuyển về sống ở phố huyện nghèo. Mẹ thì làm hàng xáo, còn hai đứa trẻ cũng sớm bị cuốn vào vòng xoáy mưu sinh. Gian hàng nhà Liên chỉ là một nửa căn nhà được ngăn ra bằng mấy tấm cót thuê lại của bà lão Mồm. Hàng hoá cũng chẳng nhiều nhặn gì, chỉ dăm bánh xà phòng, vài phong thuốc lào, mấy hộp diêm,… Người mua hàng thưa thớt, có khi phải mua chịu và thậm chí chỉ đủ tiền mua nửa bánh xà phòng. Nhà văn đã rất tài tình khi thể hiện cuộc sống nơi đây bằng chính nhịp điệu của câu văn. Đọc qua, ta tưởng tác giả viết nhàm tẻ, lặp lại, nhưng chính nó lại gợi ra cái buồn tẻ của cuộc sống. Ngữ điệu câu văn cứ điệp lại: “chiều nào”, “ngày nào”,… đã gọi dậy cái hồn của cuộc sống nơi đây: quẩn quanh, tù túng, đơn điệu. Phố huyện như một mảnh đời bị bỏ quên, mất hết sinh khí. Người dân không phải sống mà chỉ là tồn tại trong cái “ao đời phẳng lặng” (chữ dùng của Xuân Diệu). Nói như Huy Cận:
 
Quanh quẩn mãi với vài ba dáng điệu
Tới hay lui cũng chừng ấy mặt người
Vì quá thần nên quá đổi buồn cười
Môi nhắc lại chỉ có ngần ấy chuyện.
 
Đọc văn Thạch Lam, người đọc không uất ức, căm giận trước những cảnh hành hạ, bóc lột của giai cấp thống trị, nhưng đây đó vẫn cứ bảng lảng cảm giác thương xót, day dứt không yên. Đây cũng chính là giá trị nhân đạo của tác phẩm Thạch Lam. Tinh thần nhân đạo ấy toát lên trước hết ở niềm xót thương chân thành của nhà văn trước những cảnh đời tội nghiệp, nhỏ bé, mong manh nơi phố huyện. Thạch Lam đã viết về cuộc sống nghèo nàn của họ với tình yêu thương và cảm thông sâu sắc. Đây cũng là điểm gặp gỡ của nhà văn với các cây bút đương thời như Xuân Diệu (Tỏa Nhị Kiều), Nam Cao (Sống mòn, Đời thừa).
 
Không dừng lại ở sự xót thương, Thạch Lam còn muốn gióng lên trong tâm trí con người một hi vọng mong manh về cuộc sống. Niềm hi vọng ấy được nhà văn gửi vào việc chờ đợi đoàn tàu đi qua phố huyện của hai chị em Liên. Trong hiện tại nghèo khổ, hai chị em nhớ về Hà nội với những lần đi chơi Bờ Hồ, được uống những cốc nước lạnh xanh đỏ. Hà Nội đâu chỉ là một miền đất hai đứa trẻ đã từng được sống mà còn trở thành bóng ảnh của một cuộc sống sung sướng cứ chấp chới vẫy gọi trước mắt. Phải chăng chính kí ức không bao giờ quên ấy đã thôi thúc những đứa trẻ đêm nào cũng thức chờ tàu như “chờ đợi một cái gì tươi sáng cho cuộc sống nghèo khổ của họ”? Dù mi mắt đã sắp sửa rơi xuống An vẫn cố dặn chị: “Tàu đến chị gọi em dậy với nhé”. Chúng chờ đợi đoàn tàu với tâm trạng rất háo hức, kiên nhẫn và bồn chồn như chờ giây phút giao thừa. Con tàu chính là hoạt động cuối cùng của đêm khuya, với những âm thanh náo động: tiếng còi vang trong gió, tiếng bánh tàu rít, tiếng rầm rập... Hai đứa trẻ muốn được sống nhịp sôi động cuối cùng nơi phố huyện. Chúng thèm sống và không chịu thoả hiệp với cuộc sống tẻ nhạt nơi đây. Đoàn tàu đến mang theo cả một thế giới vui vẻ, huyên náo, khác hẳn thế giới nơi phố huyện lặng lẽ và nghèo khổ. Những toa tàu với cửa kính sáng, đồng và kền lấp lánh chính là hiện thân của một cuộc sống sung túc, vui vẻ mà chúng luôn khao khát: “Nhưng họ ở Hà Nội về. Liên lặng theo mơ tưởng. Hà Nội xa xăm. Hà Nội sáng rực, vui vẻ và huyên náo”. Con tàu như mang theo một thế giới khác đi qua, một thế giới phía tuổi thơ đã mất và cũng là một thế giới luôn tồn tại trong mơ ước của hai đứa trẻ. Còn gì xót xa hơn khi trong đau khổ người ta mơ về hạnh phúc, hạnh phúc ấy đã có và đã bị mất đi. Với chi tiết đợi tàu, Thạch Lam đã gióng lên trong chúng ta yêu cầu về một sự đổi thay để có cuộc sống giàu ý nghĩa hơn, sống cho ra sống chứ không phải leo lét tồn tại trong một mảng đời “mờ mờ nhân ảnh” nữa. Đặt trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam những năm 1930 - 1945, niềm khao khát ấy cũng chính là sự thức tỉnh của ý thức cá nhân mới mẻ. Nói lên điều này, tác phẩm của Thạch Lam đã có sự đóng góp đáng kể làm phong phú hơn tư tưởng nhân đạo thời kì này.
 
Chuyện kể lại rằng, trong giây phút cuối cùng của cuộc đời mình, Thạch Lam yêu cầu chị Lễ nâng mình lên cao thêm một chút để ông được nhìn thấy cây liễu trồng trước nhà. Thì ra con người ấy tới phút cuối cùng vẫn khao khát cái đẹp - cái đẹp của sự yêu thương, cảm thông và trân trọng nâng niu những ước mơ nhỏ bé của con người. Ra đời từ sự khát khao cái đẹp ấy, Hai đứa trẻ chính là “thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có để vừa tố cáo vừa thay đổi và làm cho lòng người được trong sạch và phong phú hơn” (Thạch Lam - Theo dòng).

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây