Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Viết bài văn (khoảng 600 từ) về ý nghĩa câu nói của người cha: Phải nghiêm khắc với chính mình, nhưng cần rộng lượng với người khác qua câu chuyện sau đây:

Thứ sáu - 24/05/2019 01:48
Từ hồi còn học trung học, cha tôi có thói quen vặn đồng hồ chạy nhanh năm phút. Rồi vào đại học, ra trường, đi tìm việc làm, lập gia đình... cha tôi vẫn giữ thói quen như thế. Cha dạy tôi: Phải luôn tôn trọng giờ giấc, và đừng làm ai khó chịu vì mình chậm trễ con ạ. Năm ngoái được thăng chức giám đốc, cha thay đổi thói quen đột ngột. Cha vặn đồng hồ cho chạy chậm năm phút. Tôi thắc mắc, hỏi tại sao, cha trả lời: Phải nghiêm khắc với chính mình, nhưng cần rộng lượng với người khác con ạ.
(Sống ở đời - Phạm Quốc)
“Cư xử sao cho đẹp lòng người mà không thiệt phần mình là cả một nghệ thuật” - tác giả Dale Carnegie đã nói như vậy trong cuốn sách về phép đối nhân xử thế “Đắc nhân tâm” của mình. Cuốn sách này luôn đứng đầu trong danh sách bán chạy nhất mọi thời đại của những toà báo nổi tiếng như New York Times, và sau gần 100 năm ra đời vẫn được cả triệu triệu độc giả ở thế giới hiện đại yêu thích. Trong cuốn sách, tác giả luôn cho rằng muốn được người khác yêu quý, muốn ứng xử hài lòng mọi người thì trước hết ta cần thay đổi hành động và nghiêm khác với chính bản thân mình. Đọc cuốn sách, có lẽ không ít người trong chúng ta sẽ chợt nghĩ đến câu chuyện về người đàn ông chỉnh thời gian trên chiếc đồng hồ của mình nhanh hơn hay chậm đi để thể hiện sự tôn trọng, hay sự rộng lượng với người khác - một câu chuyện tuy đơn giản nhưng bài học trong đó lại to lớn vô cùng đối với tất cả mọi người về cách nhìn nhận chính bản thân mình cũng như phép đối nhân xử thế.
 
Hai lời tâm sự ở hai thời điểm, hai hoàn cảnh khác nhau của người đàn ông đã phần nào lí giải cho những hành động của ông. Câu chuyện xoay quanh chiếc đồng hồ của người đàn ông và việc ông sử dụng chiếc đồng hồ ấy như thế nào. Việc ông luôn vặn đồng hồ chạy nhanh 5 phút là do ông luôn coi trọng giờ giấc, nhưng hơn cả là ông không muốn khiến bất cử ai khác khó chịu vì sự chậm trễ của mình - ông tôn trọng tất cả mọi người và sẵn sàng “đẩy cuộc đời mình” đi nhanh 5 phút để thể hiện sự tôn trọng ấy. Nhưng khi ông được lên chức giám đốc, khi dưới quyền ông là biết bao nhân viên giống như ông khi xưa, ông lại cho đồng hồ chạy chậm 5 phút, vì ông cho rằng với bản thân mình thì phải nghiêm khắc, nhưng lại “cần rộng lượng với người khác”, cần có sự bao dung trước những khuyết điểm, thiếu sót của mọi người.
 
Thời gian như một dòng chảy không ngừng, và coi trọng thời gian luôn là một yêu cầu của con người trong xã hội mới. Nghiêm khắc với bản thân mình như thế nào và để làm gì cũng là câu hỏi thường trực trong mỗi chúng ta. Trong rất nhiều cuộc khảo sát về những điều mà con người quan tâm nhất, hầu như tất cả mọi người đều đặt cách đối nhân xử thế ngay sau sức khoẻ - đủ để cho thấy vấn đề ứng xử với người khác có tính chất cần thiết, cấp bách như thế nào với toàn nhân loại, trong mọi thời điểm. Tất cả những điều ấy đã được tóm lược lại, ngắn gọn mà hàm súc trong câu chuyện về hai hành động nhỏ của người đàn ông này.
 
Trước hết, đó là sự tôn trọng thời gian. Khi đã có một cuộc hẹn, hay một công việc nào đó đã được ấn định thời gian, ta phải đến đúng giờ, thậm chí là sớm hơn, vì chắc chắn sự chậm trễ của ta dù ít hay nhiều cũng gây những phiền toái và sự khó chịu cho những người đến đúng giờ. Nhiều người đến cơ quan từ 7h sáng, nhưng cũng có không ít người 9h mới đến nơi làm việc - tự đặt đó làm thời khoá biểu cho riêng mình và cho rằng đó là điều hết sức bình thường. Tuy những người biết coi trọng thời gian là phần đông, và những kẻ coi thường giờ giấc là cá biệt nhưng lại gây tổn hại rất nhiều. Một cuộc họp, giấy mời ghi 8h mà có người 8h30 mới đến xen ngang vào, vừa gây gián đoạn buổi họp khiến mọi người khó chịu, lại khiến công việc bị trì hoãn lâu, gây tổn thất nhiều. Điều đó cũng thể hiện sự thiếu công bằng khi người đến sớm lại phải chờ đợi, còn kẻ đến sau lại không coi trọng kỉ luật. Có lẽ xã hội càng hiện đại, dòng thời gian như một guồng quay càng nhanh thì con người lại càng cố lấy đó làm lí do để kiếm cho mình những khoảng chậm chạp, lề mề, thể hiện sự thiểu tôn trọng từng giây phút, không chỉ của mình mà là của mọi người. Đúng giờ không chỉ là tôn trọng người khác, mà là tôn trọng cả chính bản thân mình, thể hiện sự văn minh, lịch sự.
 
Tôn trọng giờ giấc chính là một phần trong việc nghiêm khắc với chính bản thân mình. Bill Gates có câu: “Kiên trì công việc mình nên làm là một việc dũng cảm. Tuyệt đối không làm những việc mà lương tri không cho phép lại là một việc làm dũng cảm khác Thật vậy, nghiêm túc nhìn nhận bản thân mình để nhận ra những lỗi sai và sửa chữa là điều không hề dễ dàng, khi mà có quá nhiều thứ khiến ta đôi khi tự buông lỏng bản thân: đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho sai lầm của người khác; dựa dẫm vào vị thế, vào chỗ đứng của mình; hay quá tự mãn với những thành quả đạt được trong quá khứ... Chúng ta thường chỉ đi phán xét, trách cứ người khác, nhưng ít khi tự kiểm điểm chính mình, biến cuộc sống thành một câu chuyện mà chúng ta tự cho mình là nhân vật chính, là nhân vật chính nghĩa, là nhân vật chẳng bao giờ sai lầm. Chúng ta thường ghét phải nghĩ mình còn chưa hoàn hảo, nghĩ mình vẫn còn nhiều sai lầm.
 
T. Davis đã từng nói: “Hãy học hỏi những điều tốt đẹp nhất và cao cả nhất, nhưng hãy dành cho bản thân mình ý nghĩ khiêm tốn” . Giống như Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng tín dụng thương mại Mĩ Howell có một cuốn sổ tay để ghi lại hết những việc mình đã làm trong các cuộc hội nghị, gặp mặt hay thảo luận, để cuối tuần mở ra và tự đặt cho mình những câu hỏi: “Khi đó mình đã làm sai những gì? “, “Có điều nào là đúng? Tôi còn có thể làm thêm gì nữa để cải thiện biểu hiện công tác của bản thân?, “Tôi có thể rút ra được bài học gì từ kinh nghiệm lần này?”, và dù có lúc không vui khi thấy mình có những hành động quá tệ, nhưng chính cách phân tích bản thân, nhìn nhận những điều chưa tốt và cải thiện chúng đã giúp ông trở thành một doanh nhân thành đạt.

Thử đọc kĩ lại xem, chúng ta sẽ thấy quy tắc mà người đàn ông tự đặt ra cho mình là “phải tôn trọng giờ giấc” chính là vì người khác: “đừng làm ai khó chịu”. Hay đúng ra, nếu nói “phải nghiêm khắc với bản thân”, thì theo nguyên tắc cũ ông phải chỉnh đồng hồ nhanh 10 phút, hay thậm chí 15 phút. Không phải ông không có quy tắc riêng, mà ông luôn đặt người khác lên trước bản thân, và cách đối nhân xử thế mới là điều kiến tạo nên những nguyên tắc ông đặt ra cho bản thân mình, ông sẵn sàng đến sớm 5 phút để không khiến mọi người khó chịu. Và ông cũng không ngại chờ đợi thêm 5 phút đối với những người còn chậm trễ. Những người làm việc cho một vị sếp như vậy, nếu còn không coi trọng giờ giấc thì sẽ tự thấy xấu hả với bản thân mình. Chúng ta đặt tiêu chuẩn cho mình khắt khe hơn, cũng chính là một cách để đưa ra yêu cầu cao hơn cho người khác, khiến họ cũng phải tự nghiêm khắc với chính bản thân mình để vươn tới những cột mốc mà ta cũng đang cố gắng vượt qua. Sự rộng lượng, bao dung lại chính là lời nhắc nhở hữu ích nhất, có sức mạnh thay đổi to lớn nhất - nó vượt qua khái niệm “ta đối xử với người” mà trở thành “cho đi và nhận lại”.
 
Đôi khi quá nghiêm khắc với bản thân, quá mải mê làm hài lòng tất cả mọi người lại khiến chúng ta tháy gò bó, cưỡng ép. Mỗi người lại có những quan điểm riêng, chúng ta không thể làm vui lòng tất cả, nhưng hãy cố suy nghĩ xem mình cần đạt đến những chuẩn mực cơ bản và tối thiểu nào để mọi người nhận thấy ta tôn trọng họ. Ngay cả sự rộng lượng cũng vậy, ta “cần” chứ không “phải” làm như thế, Nó cần xuất phát từ việc chúng ta hiểu hay không hiểu ý nghĩa của sự rộng lượng ấy với chính ta, và đặc biệt là với người khác. Bắt buộc “phải” rộng lượng đôi khi lại thành sự dồn nén những ấm ức, bực bội trong lòng, và khiến ta thật tâm bên trong lại còn đánh giá người khác cay nghiệt hơn nữa. Chúng ta cũng cần điều chỉnh cho sự rộng lượng của mình trong một giới hạn nhất định, vì nếu đặt vào đúng người, đúng cách có thể trở thành động lực cho họ phấn đấu, nhưng với nhiều người khác, sự bao dung đó lại là chỗ trú nấp an toàn của sự yếu kém, hèn nhát và lười suy nghĩ, lười phấn đấu, trở thành một chiếc hộp kín an toàn cho những người không chịu nhìn nhận lỗi sai của bản thân, và chiếc hộp ấy sẽ giam nhốt họ mãi khiến họ chẳng tiến xa được.
 
Đạt được thành công luôn đòi hỏi ta phải nghiêm khắc với bản thân và phải biết cách đối đãi với người khác. Vậy tại sao bạn lại không lôi một cuốn sổ ra, bắt đầu ghi lại những điều mình đã làm, những điều đang và cần làm trong hiện tại và tương lai, nhìn nhận bản thân, rồi đặt cho mình những mục tiêu phải cải thiện chúng và tiến tới những thành công mới? Tại sao bạn lại không thay đổi cách đoi xử với người khác, thể hiện sự tôn trọng tuyệt đối của mình với mọi người ngay hôm nay? Có điều gì ngăn bạn làm vậy sao?

Chẳng có điều gì cả!

(Bài viết của Đỗ Kim Chi, Trung học Đống Đa, Hà Nội)

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây