Vĩ Dạ là một vùng quê thơ mộng nằm bên bờ sông Hương, nổi tiếng với vườn tược bốn mùa tươi xanh. Con người và thiên nhiên nơi đây mang vẻ đẹp dịu dàng, bí ẩn rất đặc trưng của đất cố đô. Vùng đất này đã gợi cảm hứng cho nhiều thi nhân, chẳng hạn như Bích Khê, Tố Hữu... Với Hàn Mặc Tử, thôn Vĩ trở thành “một địa chỉ tâm hồn” không chỉ bởi vẻ đẹp mà còn vì nó gắn với mối tình đơn phương giữa nhà thơ và cô gái xứ Huế Hoàng Thị Kim Cúc. Khi Hàn Mặc Tử bị bệnh ở Quy Nhơn, Hoàng Cúc đã gửi cho tác giả một bức tranh phong cảnh với lời hỏi thăm ân cần. Trong bao nhiêu xúc động và nhung nhớ, thi sĩ đã sáng tác bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ như một sự phúc đáp tấm chân tình của người thôn Vĩ. Được gợi tứ từ một tình yêu đơn phương nhưng bài thơ không đơn thuần chỉ là một bài thơ tình. Cao hơn nữa, bài thơ mang những khát khao tình đời, tình người, khát khao cái đẹp của một tâm hồn thanh sạch.
Bài thơ có ba khổ và có sự đan cài hai bức tranh: thiên nhiên và con người. Thiên nhiên thơ mộng, đẹp và buồn. Con người ăm ắp tâm trạng xót xa, tiếc nuối, cô đơn. Bài thơ mở đầu bằng một câu hỏi dựng nên tình thế thơ:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Lời thơ giống như lời mời mọc của người thôn Vĩ đang vang vọng trong tâm tưởng thi nhân - thôn Vĩ đẹp thế, thơ mộng thế sao anh không về? Hai chữ “không về” nhẹ bẫng, xót xa. Nếu là “chưa về” thì còn có nghĩa là có thể sẽ về. Nhưng “không về” thì đã bao hàm sự tuyệt vọng. Thôn Vĩ do vậy chỉ còn là hoài niệm. Câu thơ bảy chữ mà có tới sáu thanh bằng mang lại cho câu thơ âm hưởng nhẹ nhàng, tha thiết. Thanh trắc duy nhất nằm ở cuối câu lại rơi ngay vào chữ “Vĩ”. Đây chính là tâm điểm của nỗi nhớ thương khắc khoải trong lòng thi nhân. Từ những cảm xúc được khơi gợi, hình ảnh Vĩ Dạ chợt bừng dậy trong tâm trí nhà thơ ở ba câu thơ tiếp theo:
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Đây là hình ảnh thôn Vĩ vào một buổi sớm mai trong trẻo, tinh khôi. Không gian rộng mở tươi tắn với vẻ đẹp của “nắng hàng cau”, “nắng mới lên”. “Nắng mới lên” không phải là thứ ánh nắng chói chang của buổi trưa: “Dọc bờ sông trắng nắng chang chang” (Mùa xuân chín) mà là thứ ánh sáng nguyên sơ, thanh khiết bắt đầu ngày mới. Trong một câu thơ mà có tới hai từ “nắng” được điệp lại gợi cảm giác ánh nắng đang lan toả ấm áp khắp đất trời Vĩ Dạ. Trong tâm tưởng của thi nhân, nắng ở thôn Vĩ cũng không phải ánh nắng chung chung mà là “nắng hàng cau”- thứ ánh sáng lấp loá trên những thân cau, vốn rất đặc trưng của vùng đất này. Câu thơ gợi ta nhớ đến vẻ đẹp thân quen, bình dị của những làng quê Việt Nam với nếp nhà đơn sơ thanh sạch và hàng cau ngát hương trước ngõ. Nấu câu thơ thứ hai là một cái nhìn cao thì ở câu thơ thứ ba, góc nhìn lại được hạ thấp với cảnh vườn tược mướt mát xanh. Câu thơ này không tả mà thiên về gợi cảm giác. Hai chữ “vườn ai” gợi lên một thoáng bâng khuâng mơ hồ, huyền ảo. Chữ “mướt” đặt giữa câu thơ cùng cách so sánh “xanh như ngọc” đã diễn tả tài tình vẻ đẹp nõn nà, căng mọng sức sống của cây lá. Hình như trên phiến lá của cây cối “vườn ai” còn đọng lại sương đêm nên giờ đây, dưới ánh “nắng mới lên” chúng mới lấp lánh màu ngọc biếc như vậy. Hình ảnh thơ thể hiện nhãn lực tinh tường và trái tim nhạy cảm của thi nhân. Tuy không nhiều chi tiết nhưng bức tranh vườn tược thôn Vĩ vẫn hết sức sống động và tươi mới.
Giữa thiên nhiên nõn nà, tươi mát ấy thấp thoáng bóng người xứ Huế:
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Câu thơ được khắc hoạ theo hướng cách điệu hoá. Cái mảnh mai của lá trúc đặt bên cạnh vẻ đẹp vuông vức, đầy đặn của khuôn mặt chữ điền gợi vẻ đẹp hài hoà. Theo quan niệm dân gian, khuôn mặt chữ điền là khuôn mặt phúc hậu. Vẻ đẹp phúc hậu ấy lại hoà vào thiên nhiên nên nó càng kín đáo, tao nhã, gợi vẻ đẹp riêng của con người xứ Huế. Khổ thơ gợi vẻ đẹp vừa trần thế vừa thánh thiện của cảnh sắc và con người xứ Huế. Qua đây, ta thấy được tình yêu thiên nhiên, yêu người tha thiết của nhà thơ.
Nếu khổ thơ thứ nhất là cảnh vườn tược thôn Vĩ buổi sớm mai thì ở khổ thơ thứ hai lại là cảnh mây trời sông nước xứ Huế và cảnh đêm trăng. Đây là một khổ thơ hay và ấn tượng bởi nó đã gọi dậy được cái hồn cốt ngàn đời của đất cố đô:
Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay.
Khổ thơ có nhạc điệu nhẹ nhàng. Câu thơ phảng phất giọng hò Huế thiết tha, nhớ thương. Lắng trong từng câu, từng chữ, ta như thấy được nhịp sống khoan thai và linh hồn trầm mặc của xứ sở này. Gió cứ nhẹ thổi, mây nhẹ trôi, dòng nước sông Hương lặng lờ yên tĩnh cả một vùng cồn Hến ngút ngàn hoa bắp lay. Nếu khổ thơ thứ nhất nghiêng về tả thực thì khổ thơ thứ hai này, những câu thơ đã nghiêng sang ảo. Cảnh được nội tâm hoá nên gió mây đâu phải chỉ là gió mây của cuộc đời thực mà nó đã nhuốm màu tâm trạng. Gió thì đi theo lối của gió, mây lại rẽ theo ngã của mây. Theo quy luật tự nhiên thì “gió thổi mây bay” nhưng ở đây thi sĩ kéo gió đẩy mây về hai đầu xa cách và ngăn chúng bằng cả một khoảng trống vắng không thể lấp đầy. Cách diễn đạt: “Gió theo lối gió, mây đường mây” tạo ra những khoảng không gian đóng kín, cô đơn diệu vợi. Gió mây thì thế còn dòng nước sông Hương lại như chở nặng nỗi niềm tâm sự. Nỗi niềm đó được thi sĩ gọi thành tên: “Buồn thiu” và nó như thấm cả vào hoa bắp ven sông. Ba từ “hoa bắp lay” không chỉ nói cái lay động của cảnh vật mà còn diễn tả nỗi niềm lay lắt của lòng người.
Ở hai câu thơ đầu, cảm xúc còn bâng khuâng mơ hồ. Đến hai câu thơ sau cảnh sắc đã nhuốm màu mộng ảo. Hàn Mặc Tử nói nhiều đến trăng. Trăng trong thơ thi nhân là một sinh thể, một linh hồn sống động với nhiều hình vẻ nhưng chưa ở đâu trăng lại hiện lên mộng ảo như trên đòng sông Hương:
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Câu thơ đẹp mà ám ảnh. Có đủ mấy, gió, trăng, hoa mà vẫn gợi lên cảm giác trống vắng, mơ hồ. “Thuyền ai”- nghe thật xa vắng, “sông trăng” cũng mong manh như một ảo ảnh. Con thuyền chở trăng, chở cả ước mơ hội ngộ giao duyên, chở cả khát khao hi vọng nhưng liệu có về kịp bến sông trăng? Ba chữ “kịp tối nay” đã đủ sức kéo thi nhân trở về thực tại với nỗi cô đơn của chính mình. Cho nên ngay trong hi vọng, đợi chờ đã thấy khắc khoải, băn khoăn. Khổ thơ giúp chúng ta hiểu thêm thế giới tâm hồn thơ Hàn Mặc Tử: một hồn thơ luôn khát khao hướng tới cái đẹp của tình đời, tình người.
Khổ thơ thứ ba của Đây thôn Vĩ Dạ là khổ thơ đầy ám ảnh với những bâng khuâng nuối tiếc trong hư ảo.
Mở đầu khổ thơ, thi nhân đối điện với lòng mình, mơ về một bóng giai nhân:
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra.
“Khách đường xa” gợi hình ảnh khách má hồng, được cụ thể hoá bằng từ “em” ở câu thơ thứ hai. Nhịp thơ gấp gáp, khẩn khoản. Nghệ thuật điệp (Mơ khách đường xa, khách đường xa) khiến câu thơ vang lên như một tiếng gọi. Cảnh và người hiện lên lung linh, hư ảo bởi chúng xuất hiện trong giấc mơ của thi sĩ. Người con gái xứ Huế với màu áo trắng tinh khiết, trinh nguyên đẹp đấy mà cũng xa vời quá. Cách nói “nhìn không ra” vừa có tác dụng cực tả sắc trắng vừa gợi ra vẻ đẹp khó nắm bắt, khó với tới. Đúng lúc hình ảnh người tình xa của Hàn Mặc Tử hiện lên đẹp nhất thì cũng là lúc nhà thơ tuyệt vọng nhất khi trở về với thực tại để nhận ra:
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
“Sương khói” xuất hiện trong câu thơ thứ ba phải chăng là sương khói của đất trời xứ Huế? Cái hồn và vẻ đẹp nên thơ của xứ Huế kết tụ trong câu thơ này. Hơn nữa, “sương khói” ở đây còn là sương khói của khoảng cách không gian, của một mối tình vô vọng- Chính màu áo trắng của em khiến thi nhân choáng ngợp, muốn nắm bắt mà không thể nắm bắt được. Bởi vậy, bài thơ khép lại trong một nỗi hoài nghi:
Ai biết tình ai có đậm đà?
Giữa màn sương khói mờ ảo giăng kín đất trời xứ Huế, không biết tình yêu của người con gái ấy có đậm đà hay cũng mong manh như sương khói? Hai từ “ai” láy lại trong một câu thơ gợi cảm giác chơi vơi, hẫng hụt trước một mối tình đơn phượng, tuyệt vọng.
Bằng những từ ngữ, hình ảnh chọn lọc, Hàn Mặc Tử đã dựng nên bức tranh đẹp về xứ Huế đầy mộng mơ. Ở bức tranh đó có sự hoà quyện giữa vẻ đẹp của thiên nhiên và con người. Qua bài thơ, ta bắt gặp một tâm hồn trong sáng luôn luôn khát khao vươn tới sự thánh thiện của một cuộc sống đẹp đẽ, sống hết mình và biết vượt lên mọi đau đớn của tinh thần và thể xác.