Trên cái quầng lửa của hiện thực chiến tranh khốc liệt, thơ Phạm Tiến Duật vẫn hướng về một vầng trăng vừa trẻ trung vừa rắn rỏi, tràn đầy niềm tin của lứa tuổi đôi mươi. Tiểu đội xe không kính là sản phẩm của những năm tháng gian khổ và hào hùng ấy. Với riêng Phạm Tiến Duật, bài thơ thực sự là một cột mốc đáng nhớ trên lộ trình nghệ thuật của nhà thơ.
Dấu ấn chiến trường ác liệt trước hết được thể hiện ngay trong nhan đề bài thơ: Tiểu đội xe không kính. Nghe qua, tưởng như thật vô lí. Lẽ thường, để bảo đảm an toàn cho tính mạng con người, nhất là trong địa hình hiểm trở Trường Sơn, xe phải có kính mới đúng. Ấy thế mà chuyện “không kính” lại là một thực tế. Bởi vậy, những câu thơ mở đầu có thể coi như là lời giải thích cho “sự cố” có phần không bình thường ấy:
Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi.
Lời thơ tự nhiên đến mức buộc người ta phải tin ngay vào sự phân bua của các chàng lái xe dũng cảm. Chất thơ của câu thơ này hiện ra chính trong vẻ tự nhiên đến mức khó ngờ của ngôn từ. Hình ảnh “bom giật, bom rung” giúp ta hình dung được một vùng đất từng được mệnh danh là “túi bom” của địch. Song những gian khổ khó khăn ấy nào có gì đáng bận tâm lắm đâu. Người lính lái xe vẫn đàng hoàng, tự tin:
Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.
Khi mà sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, khi mà những đợt bắn phá của địch liên tiếp diễn ra, những quả bom nổ chậm đang rập rình đâu đó đe dọa con người thì người ta có thể có một thoáng âu lo lắm chứ. Nhưng những người lính Trường Sơn không thế. Họ ung dung với những đoàn xe “bon bon trên dặm đường”, họ “Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng” với vẻ ngang tàng của lính, chỉ riêng lính mới có. Trong niềm lạc quan, thể hiện tâm thế của một thời “tiếng hát át tiếng bom”. Để viết được những câu thơ rắn rỏi, tự nhiên như vậy hẳn tác giả phải là người đã từng quen cầm lái, đã không ít lần đối mặt với hiểm nguy và cái chết. Trên buồng lái của chiếc xe “đặc biệt” này, họ nhìn thấy những gì?
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái.
Đây là những câu thơ tả thực nói về bao khó khăn đã và đang xẩy ra: gió vào xoa mắt đắng, cánh chim sa vào, ùa vào buồng lái... không có kính bảo hiểm, khó khăn, nguy hiểm càng tăng lên. Nhưng điều đó chẳng hề chi. Phía sau chi tiết tả thực của những câu thơ này, người đọc nhận ra một vẻ đẹp khác: những người lính vừa tập trung cao độ để vững vàng tay lái, vừa thả hồn vào những liên tưởng táo bạo đến bất ngờ. Chim sa, văng, quật, đập vào người, vào mắt gây cho người lính biết bao khó khăn, nhưng không cản được tầm mắt các anh dõi theo ánh sao trời khi đêm xuống. Có thể nói hình ảnh “con đường chạy thẳng vào tim” là một hình ảnh gây ấn tượng khá sâu sắc. Con đường không chỉ quen thuộc với người lính lái xe mà đã được tình cảm hóa, cái nghĩa vật chất được che mờ đi để thể hiện hình một con đường đi từ trái tim và đến bằng trái tim. Trên những nẻo đường ấy, “xe ta” vẫn đi, lòng ta vẫn vì miền Nam phía trước. Cũng cần nói thêm rằng, thơ chống Mĩ nói rất nhiều đến con đường: con đường ra trận, con đường tương lai, con đường nỗi nhớ, con đường tình yêu, chiếc cầu hò hẹn... Với Phạm Tiến Duật, thơ chống Mĩ có thêm con đường trái tim. Trong một bài thơ khác, chính nhà thơ đã bày tỏ một nỗi nhớ đường:
Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến
Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo.
“Lưng đèo”, nơi khó khăn nhất của con đường và cũng là nơi dồn tụ của một nỗi nhớ đến “nôn nao”. Có phải vì thế mà những khó khăn đã như vơi bớt đi trong cái nhìn của lính? Nếu như khổ thơ thứ hai chủ yếu nói về gió thì khổ thơ thứ ba lại chủ yếu nói về bụi:
Không có kính, ừ thì có bụi
Bụi phun tóc trắng như người già.
Còn khổ thơ thứ tư dành để nói về mưa:
Không có kính, ừ thi ướt áo
Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời.
Chung quy, chỉ tại “xe không kính” cả thôi! Nhưng càng khó khăn, người lính càng vững tay lái. Các anh sẵn sàng chấp nhận: “ừ thì có bụi”, “ừ thì ướt áo”... Nụ cười vẫn ha ha vang lên, xe vẫn chạy trong sự cố gắng và tinh thần trách nhiệm cao nhất: “lái trăm cây số nữa - Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi”. Nhưng gian khổ vì gió, vì mưa, vì bụi đã bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Phút nghỉ ngơi trên đường, những người lính lại bắt tay nhau, truyền sức mạnh cho nhau “qua cửa kính vỡ rồi”.
Và giờ đây, không còn là một chiếc xe không kính mà từ “trong bom rơi” đã có hẳn cả một tiểu đội. Chính trong phút nghỉ ngơi ấy, quần tụ bên chiếc bếp Hoàng Cầm, các anh có thêm tình cảm gia đình “chung bát đũa”. Có thể nói cuộc chiến tranh chống Mĩ đi đến thắng lợi cuối cùng bởi một trong những nhân tố tạo nên sức mạnh của quân đội ta đã được bắt nguồn từ những tình cảm bình dị mà thiêng liêng ấy, bắt nguồn từ niềm tin và tinh thần lạc quan ấy! Nhịp điệu của các câu thơ vừa sôi nổi, vừa nhịp nhàng đã góp phần thể hiện được hình ảnh đoàn xe vẫn đi không nghỉ. Hình ảnh người lính - qua những chi tiết đậm chất hiện thực - hiện ra thật trẻ trung, phóng khoáng, táo bạo, coi thường hiểm nguy. Khổ thơ cuối cùng được xây cất trên cảm hứng vừa đậm chất lãng mạn, vừa mang màu sắc suy tưởng:
Không có kính, rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước.
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim.
Đúng là đoàn xe do “trái tim cầm lái”. Bài thơ rút cuộc nói đến chuyện “không” và “có”. Cái không (do chiến tranh) hiện ra mỗi lúc một rõ: không kính, rồi không đèn, không mui, thùng xe không nguyên vẹn nhưng lại nguyên vẹn một trái tim dũng cảm. Những con đường chạy thẳng vào tim đang được “trái tim cầm lái”, đó là lôgic của bài thơ và là yếu tố cơ bản tạo nên sức hấp dẫn của tác phẩm. Con đường ấy đang hướng về đích: miền Nam, trái tim ta!
Thơ Phạm Tiến Duật không hấp dẫn người đọc bởi sự mượt mà của các hình ảnh, sự óng ả của ngôn từ, mà chinh phục người dọc bằng sự tự nhiên, khỏe khoắn, trẻ trung của giọng điệu, sự chân thực của các chi tiết, ở chất tinh nghịch tràn (đầy sức sống của tuổi trẻ, của chất “lính tráng” trong thơ).Chất giọng rất riêng ấy được bắt nguồn từ hiện thực mà nhà thơ đã từng trải nghiệm, bắt nguồn từ niềm tin vào chiến thắng, vào lẽ sống cao đẹp trong những tháng năm gian khổ nhất của cuộc chiến tranh. Có thể nói, hình ảnh người lái xe trong bài thơ đã trở thành một biểu tượng đẹp đẽ về người lính Trường Sơn. Cùng với Lửa đèn; Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây; Nhớ... Tiểu đội xe không kính đã khẳng định Phạm Tiến Duật như một trong những gương mặt thơ xuất sắc nhất thời chống Mĩ.