Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích tác phẩm “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận

Thứ tư - 22/02/2017 23:33
Huy Cận có lần tự họa chân dung mình:

“Chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm.
Nỗi nhớ thương không biết đã tan chưa
- Hay lòng chàng vẫn tủi nắng sầu mưa
- Cùng đất nước mà nặng buồn sông núi”.

Ấy là cái buồn của chàng thuở “xưa”, khi chàng đang là một trong những gương mặt nổi bật nhất của phong trào Thơ Mới. Buồn nên chàng gửi nhớ, gửi thương vào vũ trụ, đốt lên Ngọn lửa thiêng để giải vơi nỗi sầu.
Huy Cận sau cách mạng khác hẳn. Sau một thời gian trăn trở kiếm tìm một lối đi cho thơ, Huy Cận đã bắt kịp nhịp điệu cuộc sống mới. Nhà thơ hăm hở đi thực tế để viết nên những “khúc tráng ca” về thời đại. Năm 1958, tại vùng đất Hòn Gai đang tưng bừng phấn khởi xây dựng chủ nghĩa xã hội. Huy Cận đã viết bài thơ nổi tiếng Đoàn thuyền đánh cá. Bài thơ được in trong tập Trời mỗi ngày lại sáng, đánh dấu một bước chuyển thực sự trong sự nghiệp sáng tạo thi ca của Huy Cận.
 
Vẫn là cảm hứng rộng lớn về đất trời, vũ trụ, nhưng không còn nỗi “buồn điệp điệp” trên bến vắng “cô liêu”, Đoàn thuyền đánh cá là khúc hát khỏe khoắn, lãng mạn, hào hùng. Trước và trong thiên nhiên, con người hiện lên ở tư thế chủ nhân, tư thế người đi chinh phục. Tin yêu vào cuộc đời “mỗi ngày lại sáng” thêm, Huy Cận dồn hết tâm ý để thể hiện cuộc sống lao động khỏe khoắn, vất vả nhưng đầy chất thơ trong những ngày “chập chững buổi đầu tiên” xây dựng cuộc sông mới.
 
Đoàn thuyền ra khơi đánh cá được miêu tả trong khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp:
 
Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then đêm sập cửa
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.
 
Đây là những câu thơ thật tài hoa. Thiên nhiên được miêu tả qua biện pháp nhân hóa, trở nên sống động lạ thường. Ngày đã khép lại, đêm đã bắt đầu buông xuống. Vũ trụ như đang bước vào trạng thái thư giãn sau một ngày nắng chói chang. Nhưng chính trong thời điểm ấy, cuộc chinh phục biển khơi lại bắt đầu. Đây không phải là lần đầu tiên họ ra biển. Chữ “lại” cho thấy việc đánh cá đêm đã trở thành công việc thường xuyên. Dù đã “cài then”, “sập cửa” nhưng biển không chìm trong lạnh lẽo, hoang vu. Biển đang chứng kiến một cảnh tượng lao động hăng say của những con người ngày đêm không nghỉ. “Câu hát căng buồm cùng gió khơi” là một câu thơ đẹp, đầy khí thế. Thông thường, căng buồm là nhiệm vụ của gió. Thế nhưng câu thơ nói tới hai “lực đẩy”, lực đẩy của gió và lực đẩy của tiếng hát. Cả hai hòa vào nhau, tạo nên vẻ đẹp của cánh buồm no gió, vươn về phía trước. Cuộc sống hôm nay của chúng ta không còn dừng lại ở vài ba lá thuyền mỏng manh, mà đã có cả một đoàn thuyền đang lướt sóng phăng phăng. Con đường ra khơi là con đường ngập tràn tiếng hát: hát cho một cuộc hành trình, hát để ngợi ca biển giàu có:
 
Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng
Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng.
Đến dệt lưới ta đoàn cá ơi!
 
Vẻ đẹp “bài thơ cuộc đời” ngân lên trong những âm thanh ngập tràn niềm tin yêu ấy! Không tin sao được khi ta có một tài nguyên vô tận để dựng xây cuộc đời. Nét nổi bật nhất của biển là cá. Hầu như khổ thơ nào cũng có cá. Sự phong phú của nguồn tài nguyên này được nhắc đến trong nhiều dạng vẻ khác nhau: cá trong câu hát, cá ngoài biển khơi, cá trong lưới kéo, cá trên đường về, cá được kể lượng: “như đoàn thoi”, cá được kể tên: “nhụ, chim, đé song”. Các bộ phận cá cũng được nhắc đến trong vẻ đẹp kì ảo: “Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe”, “Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông”, “Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi”. Có lẽ trong thơ Việt Nam hiện đại, chưa nhà thơ nào nói kĩ về cá trong một hài thơ như Huy Cận. Biển và cá, cả hai được viết trong cảm hứng lãng mạn nên đẹp, một vẻ đẹp thơ mộng và hùng tráng.
 
Trên cái nền hùng vĩ của thiên nhiên, đoàn thuyền đánh cá hiện ra thật đẹp:
 
Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng
Ra đậu dặm xa dò bụng biển
Dàn đan thế trận lưới vây giăng.
 
Đã có thời, biển hiện ra trước con người như một sức mạnh bí ẩn, xa lạ. Đứng trước biển, con người thấy mình nhỏ bé, cô độc. Nhưng trong bài thơ này, những ngư dân đã ra hẳn “dặm xa”, họ đàng hoàng “dàn thế trận” bắt thiên nhiên phục vụ con người. Và thiên nhiên giàu có đã hiện ra trong vẻ bao dung:
 
“Biển cho ta cá như lòng mẹ
- Nuôi lớn đời ta tự thuở nào”.
 
Hình dáng con thuyền được miêu tả trong sự hòa kết giữa cái thực và cái ảo, trong đó, cái ảo giữ vai trò chủ đạo: thuyền có lái, có buồm nhưng lái đã trở thành lái gió. buồm đã trở thành buồm trăng. Vì một bên là gió, một bên là trăng nên con thuyền như bay lên giữa mây cao, biển bằng.
 
Không chỉ làm buồm, trăng còn gõ nhịp cho con người lao động, cho đoàn thuyền “gọi cá”. Người đọc có thể hiểu ánh trăng tan vào nước biển, vỗ vào mạn thuyền tạo nhịp mà cũng có thể hiểu, con thuyền bồng bềnh, lướt đi bay lên như chạm, như gõ vào trăng. Cách hiểu nào cũng thật thú vị. Bởi lẽ, công việc đánh cá đã được thi vị hoá ở mức rất cao. Ấy là chưa nói đến ánh sáng của “cá thu biển Đông”, của “Cái đuôi em quẫy trăng vàng choé”, “Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông”... cũng góp phần tạo nên sự huyền ảo của không gian. Huy Cận vẫn tỏ ra hết sức đặc sắc trong việc cấu trúc lại không gian theo kiểu riêng của mình vói những câu thơ đầy ấn tượng:
 
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe
Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.
 
Trăng in vào nước, giờ trăng lại “vàng chóe” bởi cái quẫy đuôi phóng khoáng của “em”. Đây là một hình ảnh độc đáo, bất ngờ. Đêm vẫn thư giãn, và nhịp thở tình yêu của không gian được ví với “sao lùa nước Hạ Long”. Sao và nước cách nhau vạn dặm ấy thế mà lại đến bên nhau, cùng tồn tại, trong nhịp thở của đêm. Nối những “miền không gian” lại vối nhau, thiên nhiên như một bức sơn mài tráng lệ và kì ảo.
 
Có lẽ duy nhất trong bài thơ chỉ có một chi tiết trực tiếp nhắc đến chuyện đánh cá: “Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng”. Nhưng hai chữ “xoăn tay” có tính tạo hình, tạo khối: ngư dân là nhũng người khoẻ mạnh, lao động cật lực, họ muốn kéo lưới kịp trước lúc trời sáng. Cá trong lưới đã “nặng”, “sao đã mờ”, công việc như càng khẩn trương hơn. Miêu tả người đánh cá, Huy Cận dồn sức thể hiện yếu tố quan trọng nhất: niềm vui trong lao động. Xuyên suốt bài thơ là tiếng hát không ngừng: hát lúc ra khơi, hát gọi cá vào, hát khi “lưới xếp, buồm lên đón nắng hồng”. Tiếng hát ấy cũng chính là tiếng hát ngợi ca cuộc đời mới tưng bừng dựng xây chủ nghĩa xã hội.
 
Khổ thơ cuối nói về cảnh đoàn thuyền trở về trong niềm hân hoan, vui sướng. Đoàn thuyền và cả mặt trời đều được nhân cách hóa cùng tham gia một cuộc “đua”. Ngay trong giờ phút trở về. Con người vẫn muốn giành lấy thời gian để lao động và công hiến. Bài thơ in rất rõ dấu ấn của những năm “chập chững buổi đầu tiên - Tập làm chủ, tập làm người xây dựng” (Tố Hữu). Nếu như con tàu của Chế Lan Viên đầy ắp tiếng hát đi về phía Tây Bắc thì đoàn thuyền của Huy Cận cũng đầy ắp tiếng hát để ra khơi. “Khi Tổ quốc bốn bề tiếng hát” thì lòng người cũng hóa tình yêu.
 
Hai khổ thơ cuối bài mở ra một cảnh tượng huy hoàng, rực rỡ:
 
Mặt trời đội biển nhô mầu mới.
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.
 
Có thể nói, ý tưởng toàn bài được thu gọn trong chính câu thơ cuối cùng này. Đoàn thuyền trở về đầy cá. Thành quả lao động thật tưng bừng. Nhà thơ cũng như nhập vào đoàn người đánh cá, vui mừng, hân hoan. Có lẽ, đúng như có người nói, trong hai câu thơ đẹp này, chữ “phơi” có phần nào “thật quá”. Nó đã mất đi cái ảo nên chưa thật khớp với hai chữ “huy hoàng” dưới ánh mặt trời lúc bình minh. Trong ánh nắng mới, muôn ngàn mắt cá trở thành muôn ngàn mặt trời bé xíu tỏa rạng niềm vui. Cảm hứng lãng mạn ôm trùm toàn bài, hòa nhịp với bức tranh tươi sáng đầy sự sống với biển khơi đã tạo nên sự bay bổng và cuốn hút của hình tượng.
 
Gần bốn mươi năm đã trôi qua kể từ lúc bài thơ ra đời, nhưng Đoàn thuyền đánh cá vẫn giữ được vẻ đẹp đầy hấp dẫn của nó. Ngợi ca vẻ đẹp hùng tráng và thơ mộng của biển khơi, ngợi ca cuộc sống tưng bừng niềm vui xây dựng, bài thơ thực sự là tiếng hát cất lên từ hồn thơ Huy Cận để dâng tặng cuộc đời. Mang trong mình cả phong vị cổ điển nhưng lại rất hiện đại ở những liên tưởng bất ngờ, kì thú, bài thơ mở ra một viễn cảnh thật huy hoàng, truyền cho người đọc niềm tin vào một tương lai nhất định sẽ “nở hoa”. Tuy nhiên, với tất cả sự mộng mơ, ắp đầy tiếng hát lạc quan, Đoàn thuyền đánh cá cũng là dấu ấn của một thời kì lịch sử hùng tráng, đầy chất thơ - thời kì chúng ta bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đang ngày càng thêm “tươi xanh”.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây