Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích truyện ngắn Lặng lẽ Sa pa của Nguyễn Thành Long

Thứ năm - 23/02/2017 09:43
Về nhà văn Nguyễn Thành Long, Tô Hoài nhận xét: đó là một “cây truyện ngắn”, vẻ đẹp thế giới nghệ thuật Nguyễn Thành Long không nằm ở những phát hiện sắc sảo, táo bạo mà ở việc tạo dựng một chất thơ trong trẻo, nhẹ nhàng. Lặng lẽ Sa Pa được viết năm 1970 sau chuyến đi thực tế ở Lào Cai của nhà văn, có thể coi là một truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách Nguyễn Thành Long.
Thông qua câu chuyện giữa bốn nhân vật: bác lái xe, ông họa sĩ già, cô gái trẻ mới ra trường và anh thanh niên cán bộ khí tượng, tác giả muốn giới thiệu với ta về một vùng đất “lặng lẽ” đang có những con người “lặng lẽ” âm thầm nhưng mê say hiến dâng tuổi trẻ và tình yêu của mình cho đất nước quê hương.
 
Câu chuyện giữa họ diễn ra trong một khung cảnh đầy ấn tượng: trên đỉnh cao hai ngàn sáu trăm thước. Càng lên cao, cảnh “đẹp một cách kì lạ”. Người lái xe bắt đầu kể với họa sĩ về một thanh niên “cô độc nhất thế gian”. Có lẽ trong chuyến đi thực tế cuối cùng của họa sĩ, ông lại không ngờ có một câu chuyện cuốn hút ông đến vậy. Ông “xúc động” còn cô gái trẻ đi bên ông thì víu chặt lấy vai ông “nửa vì tò mò, nửa vì để tự vệ chống lại một cái gì đó”. Không tò mò, không xúc động sao được khi có người “một mình trên đỉnh núi”, bốn bề chỉ cây cỏ và mây mù lạnh lẽo, cô độc, “thèm người” đến nỗi từng hạ cây chắn đường ô tô để được... nghe thấy tiếng người. Gặp bác lái xe (giờ đã là người quen) anh thanh niên hết sức chu đáo gửi tam thất cho vợ bác vì “bác gái vừa ốm dậy”. Chi tiết này cho thấy, dẫu phải sống một mình, anh thanh niên vẫn dành sự quan tâm của mình cho người khác. Nhận được sách anh “mừng quýnh” vì sách chính là người “trò chuyện” với anh, nhờ có sách mà anh chống chọi được với sự vắng lặng gần như tuyệt đối ở xung quanh, nhờ có sách mà anh tiếp tục học hành mở mang kiến thức.
 
Khi được nghe bác lái xe kể, họa sĩ đã bất ngờ. Đến khi được lên thăm nơi ở, nơi làm việc của anh thanh niên, họa sĩ lại càng bất ngờ. Ông cứ nghĩ, việc anh thanh niên về nhà trước là để “chuẩn bị”. Ai dè, anh hái hoa để tặng khách. Ngôi nhà của anh thật đơn sơ, nhưng hoa thì đủ loại: “hoa đơn, hoa thược dược vàng, tím, đỏ, hồng phấn, tổ ong”... vườn hoa cùng với sắc màu của nó nói với ta về tâm hồn anh, về cách sống của anh. Trên đỉnh núi lạnh lẽo, không một bóng người, người ta có thể cho phép mình một chút cẩu thả, một chút chán buồn lắm chứ? Và nếu thế, ai nỡ trách, người ta có thể thông cảm mà bỏ qua. Người thanh niên không như vậy, mà trái lại, trong lòng anh luôn sáng lên một niềm tin yêu đời. Chính ở trong ngôi nhà ấy, họa sĩ mải mê nghe người cán bộ khí tượng tự kể về mình, và ông không lường được rằng, tại đây ông “đã bắt gặp một điều thật ra ông vẫn ao ước được biết” và chỉ cần điều đó thôi đã “đủ là giá trị một chuyến đi dài”.
 
Hồ hởi, thích giao tiếp nên anh khao khát được trò chuyện, được giãi bày. “Trời ơi, chỉ còn có năm phút.” anh giật mình nói to, nhoẻn cười nhưng lại là nụ cười “tiếc rẻ”. Khách ra đi, anh lại phải một mình “đo nước”, “đoán gió”, lội qua mưa tuyết để phục vụ sản xuất và chiến đấu. Cuộc đối thoại ngắn ngủi đã giúp họa sĩ nhận ra tinh thần “đoàn viên” hết lòng vì công việc của anh thanh niên. Chính anh đã góp công không nhỏ vào việc hạ máy bay Mĩ trên cầu Hàm Rồng. Nhưng khi thấy họa sĩ “bất giác hí hoáy” vẽ chân dung, anh khiêm tốn “Không, không, đừng vẽ cháu! Để cháu giới thiệu vối bác những người khác đáng cho bác vẽ hơn”. Rồi anh kể về anh bạn trên đỉnh Phăng Xi Păng cao 3.142 mét, đồng chí nghiên cứu sét “mười một năm không một ngày xa cơ quan”, về người bố của mình.
 
Cũng như anh thanh niên, họ sẵn sàng hi sinh quyền lợi riêng vì công việc. Trong họ, luôn luôn cháy lên ngọn lửa lí tưởng cao đẹp “mình sinh ra làm gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc”.
 
Có thể nói, nhà văn đã hóa thân vào nhân vật họa sĩ để ngẫm về đất Sa Pa, người Sa Pa: “Trong cái lặng im của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sa Pa, Sa Pa mà chỉ nghe tên, người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước.” Những con người ấy, giờ đang đối diện với ông, bằng xương bằng thịt - anh thanh niên khí tượng kiêm vật lý địa cầu hai mươi bảy tuổi. Chính anh đã giúp ông thêm yêu cuộc sống. Giờ đây, lồng ngực ông như có thêm một trái tim nữa, hay trong ông quả tim cũ đã được “đề cao” lên? Ông thấy anh thanh niên, mặc dù “đáng yêu thật”, nhưng khiến ông “khó nhọc quá”?
 
Người họa sĩ thấy khó nhọc bởi biết làm sao để bức họa của ông có thể nói được nhiều nhất, diễn tả một cách có thần nhất những điều kì diệu mà ông đã từng chứng kiến. Về một phương diện nào đó, chuyến đi đã thành công ngoài dự kiến của họa sĩ, và cái nhọc kia cũng là một niềm hạnh phúc đấy thôi.
 
Còn cô gái? Những gì cô đã nghe, đã thấy đã làm cho cô thêm tin vêu cuộc đời. Bó hoa mà cô đón nhận từ chàng trai làm cho cô cảm động bởi hơi ấm tình người. Đến với cô, hóa ra không chỉ âm vang của một vùng đất mà còn có hương vị của vùng đất ấy. Trên “con đường cô đang đi tới” cái hương sắc của những bông hoa kia sẽ giúp cho cô vượt bao khó khăn. Phút chia tay, cô gái “cẩn trọng, rõ ràng, như người ta cho nhau cái gì chứ không phải là cái bắt tay”. Có lẽ, cô muốn gửi lại cho người con trai một kỉ niệm, và trong cái liếc mắt rất nhanh nhìn bác già, lòng hồi hộp nhưng vẫn im lặng kia biết đâu sẽ... phía sau cái lặng im, lặng lẽ kia, những âm thanh sống động của cuộc đời vẫn ngân lên những giai điệu riêng của nó. Đó là giai điệu của niềm tin, của sự mê say đến quên mình.
 
Không có những tình tiết li kì, phức tạp, Lặng lẽ Sa Pa cuốn hút người đọc ở sự giản dị đến mức không ngờ của nó! Các nhân vật, kể cả nhân vật chính đều không có tên. Đây là dụng ý nghệ thuật của tác giả. Nhà văn muốn nói về những người vô danh, họ xuất thân từ những vùng đất khác nhau, làm những công việc khác nhau, nết tính khác nhau nhưng lại gặp nhau ở một điểm: “Lặng lẽ dâng cho đời” “tình yêu của mình”.
 
Được biết, trước khi Lặng lẽ Sa Pa được in trên tạp chí Tác phẩm Mới, Nguyễn Thành Long rất công phu rút gọn, ông chỉ giữ lại những chi tiết gây ấn tượng nhất với người đọc. Quả thật, cũng giống như họa sĩ và cô kĩ sư nông nghiệp, người đọc cứ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác vì vẻ đẹp của đất Sa Pa, người Sa Pa. Vẻ đẹp ấy được thể hiện qua một lời văn trau chuốt, mượt mà và đầy chất thơ. Ngay cả nhan đề tác phẩm cũng là một nhan đề rất thơ mộng.
 
Chỉ cần non tay một chút thôi, dài lời một chút thôi, thật khó mà có Lặng lẽ Sa Pa, bởi câu chuyện chỉ viết về những người bình thường trong một nhịp sống bình thường. Thế nhưng, nhà văn đã phát hiện ra phía sau cái lặng lẽ kia là những âm vang và sắc hương của cuộc sống. Có lẽ, nhân vật chính còn có nhược điểm là nói hơi nhiều (lẽ ra chỉ suy nghĩ) song câu chuyện về anh vẫn cuốn hút người đọc bởi sự chân thực của cảm xúc, sự trong sáng của ngôn từ. Viết về một thời kì lịch sử, khi phong trào “Ba sẵn sàng”, “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, đang triển khai, Lặng lẽ Sa Pa thêm một tiếng nói để ngợi ca cuộc sống và tái hiện một cách khá thành công tinh thần của thời kì lịch sử ấy. 

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây