Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích bài thơ “Rằm tháng giêng” (Nguyên tiêu) của Hồ chủ tịch. Cảm nghĩ của em khi học bài thơ này?

Chủ nhật - 14/11/2021 09:14
I. Mở bài:
• “Rằm tháng giêng” (Nguyên tiêu) năm trong chùm thơ chữ Hán của Hồ Chủ tịch viết năm 1948: Nguyên tiêu, Báo tiệp, Thu dạ... Sau chiến thắng Việt Bắc thu đông 1947, sang đầu năm 1948, quân ta lại thắng lớn trên đường số Bốn, niềm vui chiến thắng trận tràn ngập tiền tuyến, hậu phương. Trong không khí sôi động và phấn chấn ấy bài thơ Nguyên tiêu” của Bác xuất hiện trên báo “Cứu quốc”, nó như một đóa hoa xuân ngát sắc hương. Dưới đây là bản dịch của Xuân Thủy theo thể thơ lục bát:
“Rằm xuân lồng lộng trăng soi,
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.
Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”.

Bài thơ diễn tả cảm xúc và niềm vui dào dạt tâm hồn lãnh tụ đêm nguyên tiêu trăng sáng ngời trên dòng sông quê hương.
 

II. Thân bài:

1. Hai câu thơ đầu vẽ lên cảnh đẹp tuyệt với đêm nguyên tiêu. Trên bầu trời xanh cao, vầng trăng xuân vừa tròn (nguyệt chính viên). Đất nước quê hương bao la một màu xanh bất tận. Màu xanh của “xuân giang”, màu xanh của “xuân thủy” tiếp nối màu xanh của “xuân thiên”. Ba từ “xuân” trong câu thơ thứ hai là ba nét vẽ thân tình làm nổi bật vẻ đẹp nên thơ của cảnh sắc đất nước đêm rằm tháng giêng:

“Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên”
(Sóng xuân nước lẫn màu trời thêm xuân).

“Xuân” là mùa xuân, là tuổi trẻ, là vẻ đẹp xinh tươi, trong văn cảnh còn gợi lên màu xanh của sông, nước, đất trời vào xuân. Ngoài giá trị miêu tả cảnh đẹp đêm nguyên tiêu, vần thơ còn biểu hiện tinh tế cảm xúc tự hào, niềm vui sướng dạt dào của một hồn thơ đang rung động giữa đêm xuân lịch sử mùa xuân kháng chiến.

Tình yêu thiên nhiên cũng là tình yêu đời tha thiết. Bác yêu thiên nhiên nên cây cỏ, hoa lá, tạo vật trong thơ Bác rất hữu tình. Bác yêu hoa núi, chim rừng Việt Bắc: “Xem sách chim rừng vào cửa đậu - Phê văn, hoa núi ghé nghiên soi” ;yêu ngọn gió, giọt mưa báo trước cơn lạnh đầu thu chợt đến. Và như xưa, trăng vẫn là người bạn tri âm, tri kỷ. Trong nhà ngục Quảng Tây, “trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ” thì trên nhà sàn Việt Bắc “trăng vào cửa sổ đòi thơ” trong niềm vui thắng trận.

2. Ánh trăng ngày trước chiếu vào ngục lạnh, thì đêm nguyên tiêu này, trăng soi xuống con thuyền, trong đó Bác đang “bàn bạc việc quân”. Trăng nguyên tiêu là trăng ước hẹn, báo trước những mùa trăng trong năm, được dân tộc đón đợi với bao tình cảm nồng hậu. Lại nữa, trường hợp thưởng trăng không phải là trường hợp bình thường trên sân nhà, trong ngõ xóm, “đăng lâu vọng nguyệt”, ...mà là thưởng trăng trên khói sóng mù mịt, nơi “yên ba thâm xứ” - cõi sâu kín, bí mật giữa núi rừng chiến khu bao la ! Người thưởng trăng đêm nguyên tiêu không chỉ là nhà thơ (mang bầu rượu, túi thơ như những tao nhân mặc khách) mà còn là con người hành động, người chiến sĩ đánh giặc, vị lãnh tụ “đàm quân sự” để đẩy mạnh cuộc kháng chiến, bảo vệ non sông. Quả thật, đây là một trường hợp thưởng trăng đặc biệt:

“Yên ba thâm xứ đàm quân sự”
(Giữa dòng bàn bạc việc quân)

Yên ba là khói sóng, một thi liệu cổ được Bác vận dụng sáng tạo làm cho bài thơ mang phong vị thơ Đường. Ba chữ đàm quân sự đã khu biệt thơ Bác với thơ của người xưa. Sau những giờ phút căng thẳng bàn bạc việc quân, trời đã về khuya. Nửa đêm (dạ bán). Bác cùng con thuyền trở về bến, tâm hồn sảng khoái vô cùng. Con thuyền nhẹ bơi trên dòng sông mênh mang, chở đầy ánh trăng vàng:

“Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”
(Khuya về bát ngát trăng ngăn đầy thuyền). 

“Nguyệt mãn thuyền” là một hình ảnh rất đẹp và trữ tình, nó làm ta liên tưởng đến những vần thơ cổ hoa lệ... Trong vầng trăng nguyên tiêu, hiện lên một thủ lĩnh quân sự dào dạt hồn thơ đang lãnh đạo quân dân ta kháng chiến để giành lại độc lập tự do, để giữ mãi những đêm nguyên tiêu trăng sáng đẹp cho quê hương xứ sở.
 

III. Kết luận:

Qua bài thơ “Rằm tháng giêng”, ta có thể nói, trăng trong thơ Bác đẹp quá ! Chính vầng trăng ấy đã thể hiện phong thái ung dung, tâm hồn thanh cao của người lãnh tụ mang cốt cách người nghệ sĩ, nhà hiền triết phương Đông.

“Nguyên tiêu” được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, man mác phong vị Đường thi. Bài thơ có đầy đủ những yếu tố của thơ cổ: Một con thuyền và một vầng trăng, có sông xuân, nước xuân, bầu trời xuân ở tận cùng của khói sóng. Chỉ khác một điều, ở trong khung cảnh thiên nhiên hữu tình ấy, nhà thơ không bàn chuyện thơ phú mà chỉ “đàm quân sự”. Bài thơ như một đóa hoa xuân đẹp trong vườn thơ dân tộc, là tinh hoa kết tụ từ tâm hồn, trí tuệ, đạo đức cúa Hồ Chủ tịch. Văn tức là người ; thơ Bác phản ánh tâm tư, tình cảm, lẽ sống cao đẹp của Bác. Bác yêu nước thương dân, Bác yêu đêm nguyên tiêu với vầng trăng xuân thơ mộng. Bài thơ tỏa sáng tâm hồn chúng ta, nó hướng chúng ta vươn tới ánh sáng và một ngày mai ca hát. 
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây