II. Thân bài:
1. Phân tích và chứng minh:
“Thơ Bác đầy trăng” - “thơ trong tù”, thơ chiến khu... có nhiều bài, nhiều câu thơ nói về vầng trăng xinh đẹp và trữ 4 tình.
a. Trước hết nói về thơ trăng trong “Nhật ký trong tù”. “Ngắm trăng” là bài thơ tuyệt tác. Trong ngục tối, nhà thơ không có rượu, có hoa để thưởng trăng. Trăng như một người bạn thân từ phương trời xa, vượt qua song sắt nhà tù đến thăm Bác. Trăng được nhân hóa tuyệt đẹp: có ánh mắt và tâm hồn. Vượt lên mọi cơ cực cảnh tù đày, Bác say sưa ngắm vầng trăng. Trăng với Bác lặng lẽ nhìn nhau, cảm động. Bài thơ ghi lại một tư thế ngắm trăng hiếm thấy: một tâm hồn tha thiết yêu thiên nhiên, tạo vật, một phong thái ung dung tự tại của nhà thơ - chiến sĩ. .Trăng hữu tình nên thơ. Trăng với người tù cảm thông chan hòa trong mối tình tri kỷ:
“Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ, Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”.
“Ngắm trăng” đã phản ánh tinh thần lạc quan và khát vọng sống hướng về ánh sáng, tự do của Bác trong cảnh tù đày.
b. Tiếp theo, ta nói đến thơ trâng chiến khu của Bác. Có gì đẹp hơn gió núi, trăng ngàn? “Rằm tháng giêng” là một bài thơ trăng kỳ diệu. Hai câu đầu là cảnh trăng xuân sông nước... Một màu xanh bao la bát ngát: Sông xuân, nước xuân, trời xuân lung linh dưới vầng trăng đêm nguyên tiêu. Ba chữ “xuân” trong nguyên tác là một gam màu nhẹ sáng và tươi mát:
“Rằm xuân lồng lộng trăng soi,
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân”.
Hai câu thơ cuối ghi lại công việc của Bác trong đêm rằm tháng giêng: giữa nơi khói sóng của dòng sông, Bác “bàn bạc việc quân” để lãnh đạo cuộc kháng chiến. Nửa đêm, con thuyền chở đầy ánh trăng vàng quay về bến:
“Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”.
Con thuyền của lãnh tụ trở thành con thuyền của thi nhân chở đầy ánh trăng vàng. Sự xuất hiện của vầng trăng cho ta thấy một hồn thơ tuyệt đẹp:
Trong khói lửa chiến tranh ác liệt, căng thẳng, bận rộn “việc quân, việc nước”, nhưng Bác vẫn ung dung, lạc quan, yêu đời. “Nguyệt mãn thuyền” (trăng đầy thuyền) là một hình tượng thơ cổ kính, mỹ lệ rất độc đáo.
c. Có vầng trăng “bơi theo” con thuyền của lãnh tụ trên dòng sông Đáy mênh mang giữa núi rừng chiến khu Việt Bắc: “Sao đưa thuyền chạy, thuyền chờ trăng theo” (Đi thuyền trên sông Đáy). Có vầng trăng đến “đòi thơ” như bạn tri âm, cùng Bác chia vui tin thắng trận. Trăng xuất hiện thì chuông lầu đêm thu reo lên, tin vui thắng trận dồn dập báo về... Cái đẹp gắn liền với niềm vui. Trong cảnh tủ đày, trăng đã đến với Bác thì trong máu lửa chiến tranh, trong niềm vui thắng trận, trăng cũng không thể nào vắng bóng?
“Trăng vào cửa sổ đòi thơ,
Việc quân đang bận xin chờ hôm sau.
Chuông lầu chợt tỉnh giấc thu,
Ấy tin thắng trận Liên Khu báo về”.
(“Tin thắng trận” - 1948)
Có vầng trăng thu dát vàng núi rừng đêm khuya. Cổ thụ, ngàn hoa hiện lên dưới vầng trăng làm cho cảnh khuya đẹp như vẽ. Thi nhân thao thức ngắm vầng trăng, nghe tiếng suối chảy “trong như tiếng hát xa”, lòng bồi hồi, xúc động:
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa,
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa ;
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”.
(“Cảnh khuya” - 1947)
d. Thiếu nhi, lớp măng non của dân tộc không thể nào quên vầng trăng thu thuở ấy... Bác yêu thương các cháu cho nên khi ngắm trăng Trung thu, Bác lại nhớ các cháu gần xa. Tấm lòng của Bác như vầng trăng thu ngời sáng:
“Trung thu trăng sáng như gương,
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng”.
e. Có vầng trăng ước hẹn một ngày mai chiến thắng. Nước nhà độc lập, thanh hình, Bác thanh thản trở về cuộc sống bình dị:
“Kháng chiến thành công ta trở lại,
Trăng xưa, hạc củ với xuân này”.
(Cánh rừng Việt Bác)
Kể sao hết vầng trăng trong thơ Bác Hồ, bởi lẽ “Thơ Bác đầy trăng”.
2. Phát biểu cảm nghĩ của em về trăng trong thơ của Bác Hồ:
Thơ Bác đầy trăng, trăng tròn, trăng sáng, trăng trên mọi nẻo đường Bác đã đi qua. Có vầng trăng trong cảnh tù đầy. Có vầng trăng kháng chiến. Có vầng trăng thanh bình. Bác nói nhiều về trăng thu. Bác yêu thiên nhiên, sống lạc quan yêu đời cho nên tâm hồn Bác lúc nào cũng hướng về ánh sáng, về cái đẹp. Trăng là biểu tượng cho vẻ đẹp vĩnh hằng, là bạn tri âm của tao nhân mặc khách. Bác là một nhà thơ yêu trăng.
Ca dao, dân ca, thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến... có nhiều bài tuyệt tác nói về trăng. Thơ Đường, nổi bật nhất là thơ Lý Bạch dào dạt ánh trăng.
Bác Hồ đã kế thừa tinh hoa thơ ca cổ để viết nên những bài thơ trăng kiệt tác.
Trăng là biểu tượng cho vẻ đẹp của thiên nhiên, của non xanh nước biếc. Bác yêu trăng, viết nhiều thơ về trăng vì Bác giàu lòng yêu thương con người. Trăng trong thơ Bác chiếu sáng một tấm lòng thiết tha, gắn bó đối với thiên nhiên tạo vật, đối với nhân dân và đất nước quê hương.
Trăng đã góp phần làm cho thơ Bác thêm đặc sắc. Thơ Bác vừa thực vừa mộng, vừa mang màu sắc cổ điển vừa mới mẻ hiện đại, đậm đà thi vị. Trăng đã góp phần tạo nên gương mặt, bản sắc và tính thẩm mỹ trong thơ Bác.
III. Kết luận:
Cuộc đời không thể thiếu vầng trăng. Đọc thơ trăng của Bac Hô, tâm hồn mỗi chúng ta thêm giàu có, trong sáng, biết hướng tới ngày mai, vươn tới ánh sáng mà đi lên phía trước. Chúng ta càng yêu thêm cảnh trí non sông.
Yêu cái đẹp trong thơ trăng của Bác, cái đẹp trong thơ trăng cổ nhân, chúng ta học tập tình yêu nước, thương dân của Bác. Ước sao đất nước mãi mãi tỏa sáng vầng trăng thanh bình, trăng thu tròn và đẹp cho tuổi thơ, trăng đến với mọi người, mọi nhà trong ấm no, hạnh phúc.