Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích bài “Khóc Dương khuê" của Nguyễn Khuyến (Bài 4)

Thứ sáu - 07/04/2017 04:37
Bác Dương thôi đã thôi rồi.
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.

Mở đầu là cảm giác sửng sốt và nỗi “ngậm ngùi” của Nguyễn Khuyến trước sự ra đi đột ngột và vĩnh viễn của bạn mình - Dương Khuê, ở đoạn sau, cảm nhận ấy còn được nhắc lại.

“Làm sao bác vội về ngay.
Chợt nghe, tôi bỗng chân tay rụng rời”


Câu “làm sao bác vội về ngay” trong nguyên tác bằng chữ Hán là “Hốt văn công phó chí” (1), dịch nghĩa là “Chợt nghe tin báo bác đã qua đời”. Câu thơ dịch không dùng chữ theo nghĩa đen “đã qua đời” mà theo nghĩa bóng “vội về ngay”. Cả bốn lần nói về cái chết của Dương Khuê, Nguyễn Khuyến đều cố tránh cánh diễn đạt trực tiếp về một mất mát đau lòng, một thực tế có vẻ phi lý nhưng lại hiển nhiên:

“...thôi đã thôi rồi” (câu 1)
“...vội về ngay” (câu 25)
“...mãi lên tiên” (câu 28)


“Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở” (câu 35).

Cuộc tử biệt sinh ly đem đến cho người đang sống một tâm trạng hai chiều bạn mất và mất bạn.

Cái chết của bạn sống lại trong lòng tác giả một quãng đời quan trọng với bao kỷ niệm tưởng đã lùi sâu vào dĩ vãng, từ những chuyện nghiêm chỉnh như thi cử đến những chuyện phóng khoáng như cuộc rượu, câu thơ, con hát... Quãng đời ấy lại gắn liền với một cục thế hết sức phức tạp và đen tối. Năm 1882. Hà thành thất thủ; năm 1883, thất thủ kinh đô: Hiệp ước Hác - măng (Harmand) rồi hiệp ước Pa - tơ - nốt (Patennôtre) nhục nhã... Hầu như cơn giông tố ba đào “quốc biến” cứ dồn dập đuổi theo Tam Nguyên trẻ tuổi vừa mới xuất chinh (2).

Hai người kết bạn với nhau ít nhất cũng ba mươi tám năm kể từ khoa thi Giáp Tý (1864). Sau cái sự kiện năm 1883, mỗi người chọn lấy một cách xử thế. Nguyễn “cáo về” ở tuổi năm mươi, tuổi của sự dày dặn và chính chắn. Hai mươi bốn năm tiếp theo, ông là chính nhân đáng giá của lịch sử đất nước với hàng loạt vấn đề cũ và mới như nước mắt, dân nô lệ, nạn đói, kẻ sĩ biến chất, bọn cơ hội, tùy thời “bung ra” và lấn lướt...” bao nhiêu sự kiện phản ảnh vào ông bao nhiêu dằn vặt, tranh đấu trong tâm hồn ông!” (Xuân Diệu) (3). Thơ văn ông đẫm lệ nhân sinh và vũ trụ. Dương ở lại theo “phận đẩu thăng”, thơ văn nặng mùi hưởng lạc. Như vậy, ba mươi tám năm bầu bạn, họ không phải luôn luôn và hoàn toàn tượng tri, tương đắc. Nhất là khoảng thời gian mười chín năm cuối với vấn đề nổi cộm là họ Dương ở lại công tác với kẻ thù dân tộc (?). Dĩ nhiên, họ Dương không thuộc “ê kíp” (4), những tên nhồi tro xác cụ Phan vào thuốc súng rồi bắn xuống “Lan Giang” (4) những kẻ bày trò văn chương thi vịnh Kiều đề đánh hỏa mù vấn đề chính trị (5).

Một câu hỏi lý thú được đặt ra là: Nguyễn Khuyến nhìn nhận bạn như thế nào mà luôn một lúc “sáng tác một bài Nôm song song với bài chữ” (6) để “Khóc Dương Khuê”, bài nào cũng hay và bài thơ dịch còn được đánh giá là áng văn vào hàng hay nhất về tình bạn trong Văn chương nước nhà? 

Những câu thơ tuyệt vời dưới đây đâu phải là chuyện kỷ xảo hoặc tài chơi chữ mà sự chuyển tải những xao xuyến tâm hồn, một tiếng khóc chân thành:

“Rượu ngon không có bạn hiền.
Không mua không phải không tiền không mua.
Câu thơ nghĩ đắn đo muốn viết.
Viết đưa ai, ai biết mà đưa?
Giường kia treo cũng hững hờ.
Đàn kia gẩy củng ngẩn ngơ tiếng đàn”.


Một câu lục bát chỉ mười bốn tiếng, có đến năm từ “không” lặp đi lặp lại nỗi tiếc bạn không nguôi, nỗi đau mình cô độc trước cuộc đời bất như ý. Còn ai để giải bày tâm sự: “viết đưa ai” và còn ai có thể hiểu được mình “ai biết mà đưa?” Nỗi cô đơn của tác giả đã vượt quan hệ Dương - Nguyễn lớn lên thành nỗi đau đời! Thực dân Pháp đã ngồi yên chỗ, ngọn cờ cần Vuơng đã ngã xuống... trong tâm trạng lớp người như Yên Đổ, đại cục của đất nước coi như đã hỏng. Âu trong nỗi buồn mất bạn là nỗi buồn nhân thế, một nỗi buồn thế kỷ. Điều ấy giải thích vì sao tác giả đã tìm được sự đồng cảm của nhiều thế hệ bạn đọc. “Đàn kia” có “gẩy” nữa cũng chỉ làm “ngẩn ngơ” những ai đang “ngất ngơ, lơ láo” trong cảnh “ngày loạn, người cùng”(7). Nỗi buồn nhân thế ấy đã được tác giả khái quát vào một câu thơ đậm chất triết lý: “Ai chẳng biết chán đời là phải”. Không chán sao được khi cái đạo của đời thì đang sụp đổ, còn mình thì:

“Nghĩ đến bút nghiên trào nước mắt
Ngước nhìn sông núi xiết buồn đau!” (8)


Trở lại câu hỏi đã được đặt ra.

Nguyễn Khuyến vẫn giữ một tình bạn chân thành “từ trước đến sau”, thủy chung như nhất. Ông hết sức ân cần với bạn:

Cầm tay hỏi hết xa gần.
Mừng rằng bác vẫn tinh thần chưa can.


Và thực sự đau xót khi nhận được tin chẳng lành:

“Chợt nghe, tôi bỗng tay chân rụng rời”

Nhưng, Nguyễn Khuyến cũng có một thái độ rạch ròi trong việc Dương Khuê ra hợp tác với Tây. Có điều thái độ đó được chuyển tải ra câu chữ hết sức kín đáo và tinh tế.

Tác giả dành hai mươi câu thơ (từ câu 3 đến câu 22) trên tổng số ba mươi tám câu toàn bài để nói về ba mươi tám năm hai người là bạn của nhau. Mười sáu câu trên nói về mười chín năm đầu, lúc cuộc đời dù sao vẫn còn suôn sẻ, khi cả hai tuổi xuân đang phơi phới. Ở tám câu còn lại thì bốn câu cuối (các câu 19,20,21,22) nhắc lại lần gặp nhau gần nhất. Không bao giờ là lần cuối, lần vĩnh biệt. Bốn câu trên (các câu 15,16,17,18) tóm lược chín năm cuối cùng kể từ cái mốc 1883: “Buổi dương cửu... thì thôi mới là!”

Mười chín năm va đập trong cơn quốc biến, chính là lúc vàng đưa vào lửa, lúc nhân cách con người được thử thách trước vận hạn “nước loạn, nhà nghèo”. Lẽ nào lại “dám than trời” cái “phận đẩu thăng?”. Lẽ nào phải đi xin giống khác miếng ăn, “ăn vào thì lại nhục”(9). Vẫn biết, mỗi người có một cảnh ngộ, có kẻ vì cơm áo, có người mất lòng tin và dũng khí... an phận “sáng vác ô đi, tối vác về”. Nguyễn Khuyến cũng nghèo, gốc gác vốn nghèo, làm quan thanh liêm, về già có người “cho thịt” mà ông “ôm mặt khóc”. Khóc vì “Những nỗi cực nhục ở trên đời” (Xuân Diệu) (10). Đối với kẻ sĩ chân chính, danh tiết còn nặng hơn hình hài. “Nghèo chứ không khốn khổ. Kẻ sĩ không thi hành đạo đức thì mới khốn khổ (Trang Tử) (11). Vả lại, rộng và lớn hơn khuôn khổ chữ trung cũ kỹ đối với một dòng họ, một triều đại, vượt khỏi cấp độ truyện cổ “Bá Di, Thúc Tề”, đây là vấn đền nỗi nhục của quốc gia Đại Việt văn hiến. Trước họ mấy thập kỷ, Đồ Chiểu đã dứt khoát: “Thà đui mà giữ đạo nhà”, “thà thác mà chẳng đầu Tây” (12)... Dương Khuê không hẳn không biết Nguyễn Khuyến từng băn khoăn “về hay ở?” (13), “Mừng thấy các ông lùi mạnh bước” (14), mừng thấy “Đạo ta có lẽ chưa cùng chăng?” (15), “Khóc Dương Khuê” không phải là việc “đập cổ kính...” (16) mà đây là lần cuối nói với nhau một lời phải, lúc đậy nắp quan tài cho người đã khuất:

Biết thôi, thôi thế thì thôi mới là!” (câu 18)

Câu thơ dịch trên, nguyên văn chữ Hán là “Giải tổ quy điền viên”, dịch nghĩa “Cởi dây ấn về với ruộng vườn”, ý tứ rõ ràng cụ thể. Câu thơ dịch thanh thoát, ngôn từ dung dị, nhạc điệu uyển chuyển mềm mại làm cho ý nghĩa “co giãn”, vừa mang sắc thái triết lý, vừa là một lời trách cứ nhẹ nhàng nhưng dứt khoát.

Không ai có thể dịch đúng ý tác giả hơn chính tác giả, nhất là đối với con người “nếu ngày xưa có thi thơ Nôm thì Nguyễn Khuyến lại đoạt thêm một cái bảng vàng Tiến sĩ thơ Nôm nữa, chứ chẳng chơi!” (17).

Câu thơ trên - “cái gai hoa hồng” ấy - luôn nhắc nhở con người hãy nghĩ về danh tiết.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây