Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích bài “Khóc Dương khuê" của Nguyễn Khuyến (Bài 5)

Thứ sáu - 07/04/2017 04:49
Nguyễn Khuyến từ trong phong cách ứng xử, sinh hoạt đến học vấn đều tỏ rõ là một bậc túc Nho. Song thơ viết về tình bạn của ông hầu như không vướng víu, câu nệ với nếp nghĩ và cách làm bao nhiêu nhà Nho học vẫn quen theo. Thơ tình bạn của ông có giọng điệu thanh thoát, tự nhiên và đặc biệt, hầu như không có màu sắc tượng trưng, ước lệ với cách dùng hình ảnh ẩn dụ, ví von.

Hay tin bạn qua đời, ông kêu lên:

Bác Dương thôi đã thôi rồi

Nhớ tiếc bạn không nguôi, ông kể lại những kỷ niệm với bạn thật cụ thể:

- Cũng có lúc chơi nơi dặm khách
Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo

- Có khi bài soạn câu văn
Biết bao động bích điểm phần trước sau.


Lời kể ở đây thật bồi hồi, xúc động, nó chỉ theo cái nhịp đập của con tim đang thổn thức, theo cái trí nhớ minh mẫn của một người ưa cuộc sống bình đạm.

Bác già tôi cũng già rồi,
Biết thôi, thôi thế thì thôi mới là.
Muốn đi tuổi già thên nhác,
Trước ba năm gặp bác một lần.
Cầm tay hỏi hết xa gần,
Mừng rằng bác vẫn tinh thần chưa can.


Đọc những dòng này lên, ta như thấy rõ cảnh tay trong tay ân cần thân ái của những cặp bạn già tri âm tri kỷ thuở nào. Các cụ ngồi đấy, trên bậc thềm của những căn nhà lợp lá, dưới bóng râm của giàn mướp giàn bầu nơi xóm mạc quê ta, vẳng lên từ đâu có tiếng gà eo óc gáy khiến cảnh quan như thêm tĩnh lặng, êm đềm...

Rõ ràng là, chính việc sử dụng một lối viết không ngại sự kể lể, giãi bày cụ thể, mà tránh đi những ví von khuôn sáo đã khiến cho cái hay của bài thơ, của tình bạn trong bài này đã được tô đậm hơn lên.

Thơ cổ (và phần nào cả thơ bây giờ) vốn rất ngại ngùng khi dùng các hư từ, thán từ. Bởi vì, dùng không khéo sẽ rất dễ sa vào tình trạng ẩm ở, dở dang, như ngô như ngọng ngay.

So với người cùng thời, và nhất là so với các nhà thơ xuất thân Nho gia, quả thực, Tam Nguyên Yên Đổ đã bình thản và mạnh dạn hơn nhiều trong việc dùng những hư từ và thán từ này. Trong bài “Khóc Dương Khuê”, ông đã hơn một lần dùng từ “thôi”. Đọc đi đọc lại, dẫu khó tính, cũng phải chịu là ông dùng rất đạt:

- Bác Dương thôi đã thôi rồi!
- Bác già tôi cũng già rồi.
Biết thôi thôi thế thì thôi mới là,


Là trùng lặp đấy, là láy lại ý từ đấy, là nói chuyện đời người kiếp người, số phận, chuyện hệ trọng đấy, mà chỉ một chữ “thôi” đặt vào trong một sự sắp xếp đầy ý tứ, bề ngoài cứ như không, cứ nhẹ như một hơi thở nhẹ và ngắn. Đố ai thay được chữ “thôi” ở bài này. Chữ “thôi” ấy được đưa ra, hẳn đã từ một sự lựa chọn từ núi ngôn từ dân dã và cao sang trong bấy nhiêu năm, bấy nhiêu cuộc đời, bấy nhiêu hoàn cảnh mà tác giả của nó từng biết.

“Khóc Dương Khuê” là một bài thơ nói về nỗi đau khi mất bạn. Mất, là vì bạn đã chết, đã qua đời. Sự thực là như thế. Song có lẽ hơn rất nhiều bài thơ viết về đề tài này từ xưa lại lại nay, tác giả của nó đã dùng một số từ thật đắt. Những từ nói về cái chết, cái mất mát to lớn hẳn là không gì bù đắp được ấy của Nguyễn Khuyến vừa gợi lên được cái bàng hoàng, cái đau đớn, cái hụt hẫng trong lòng nhà thơ, lại vừa có vẻ tao nhã, thanh cao mà thật gần chứ không một chút hệ lụy kiêu sa nào.

Ông viết, nào là: “Thôi đã thôi rồi, thôi thế thì thôi mới là” rồi lại: “vội về ngay, mải lên tiên, bác chẳng ở...”

Chuyện đáng chú thêm là kèm theo những từ và những cụm từ, nhà thơ không thể đế cho nỗi đau đớn của mình tự nhiên trào ức ra, cho đỡ bớt, cho nguôi ngoai đi phần nào, mà ta như thấy có cả sự trách cứ, hờn dỗi nào đó đối với người quá cố:

Vội vàng chi đã mải lên tiên...
Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở...


Có người bảo ấy là Nguyễn Khuyến có cười cợt một tí cho đỡ đau thương mà thôi. Còn người đọc bây giờ, cũng muốn cho rằng phải thật quý bạn đến mức nào đó, mới viết ra được tự nhiên như vậy (mà không sợ dưới sâu kia bạn lại mếch lòng).

Thì đây, sự tin mến quý trọng là đây:

Bạn quy tiên rồi, nên:

Câu thơ nghĩ đắn do không viết,
Viết đưa ai, ai biết mà đưa?


Tri kỷ tri âm, đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu là vậy.

Cùng với một vài câu trích trọn vẹn ở trên, bài thơ khóc bạn này của Nguyễn Khuyến được truyền tụng, còn là vì ở đây có được cái câu hay hay này nữa:

Tuổi già hạt lệ như sương,
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan.


Đây là những câu có thể đứng độc lập được, như thơ ca dân gian.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây