Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phải chăng “Cái chết không phải là điều mất mát lớn nhất trong cuộc đời. Điều mất mát lớn nhất là bạn để tâm hồn tàn lụi ngay khi còn sống”? (Nooc - man Ku - sin; theo Những vòng tay âu yếm. NXB Trẻ - 2003)

Thứ hai - 17/02/2020 08:24
Hướng dẫn làm bài
1. Giới thiệu
- Trong vở kịch Hồn Trương Ba - da hàng thịt, nhà văn Lưu Quang Vũ đã để nhân vật Trương Ba nói với Đế Thích rằng “Không thể bên ngoài một đằng, bên trong một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. Đó là ước vọng khẩn thiết của Trương Ba sau một thời gian sống trong xác người hàng thịt, bị cái xác ấy làm cho thay đổi trở nên tồi tệ khiêến những người thân yêu lần lượt rời bỏ ông. Nỗi đau khổ tuyệt vọng đã khiến ông không muốn tiếp tục cuộc sống giả tạo, không được là mình.
- Cùng bàn luận về chuyện sống - chết, Nooc - man Ku - sin trong Những vòng tay âu yếm (NXB Trẻ - 2003) đã cho rằng: “Cái chết không phải là điều mất mát lớn nhất trong cuộc đời. Điều mất mát lớn nhất là bạn để cho tâm hôn tàn lụi ngay khi còn sống”.
2. Triển khai
a. Cắt nghĩa
- “Chết” là chấm dứt sự sống theo nghĩa sinh học, là rời bỏ thế giới với tất cả những quan hệ, công việc và quyền lợi cũng như trách nhiệm trong cuộc sống. Cái chết biến một người đang có tất cả trở thành không có gì, nói như Xuân Diệu là đưa người ta từ chỗ dương vô cùng trở thành âm vô cùng.
Cái chết bản thân nó là một mất mát, thua thiệt không gì có thể bù đắp nổi.
- “Không phải là mất mát lớn nhất” nghĩa là vẫn còn có thể có những mất mát lớn hơn.
- “Tâm hồn”: toàn bộ thế giới của tinh thần con người gồm tình cảm, tư tưởng và những biểu hiện của nó. “Tâm hồn tàn lụi”: sự suy yếu, cùn mòn, cạn kiệt của khả năng suy nghĩ cũng như năng lực, tình cảm, nó khiến con người trở nên vô dụng và vô cảm trước cuộc sống. Khi tâm hồn tàn lụi ngay lúc còn sống thì sự sống sẽ chỉ là sự sống theo nghĩa sinh học, là tồn tại chứ không phải sống theo đúng nghĩa.
Nooc - man Ku - sin đã phân biệt sự sống sinh học và sự sống trong toàn bộ các mặt vật chất và tinh thần để từ đó đề cao giá trị ý nghĩa của sự sống theo nghĩa tinh thần, sự sống của tâm hồn con người.
b. Lí giải
- Vì sao cái chết chưa phải là mất mát lớn nhất?
+ Cái chết là một phần tất yếu của cuộc sống, làm nên quy luật tất yếu của sự sống trong quá trình vận động tự nhiên (sinh - diệt) là một kết cục chung cho mọi cá thể sống nên cũng là điều bình thường.
+ Cái chết có thể sớm hoặc muộn, đến bất ngờ hay đã chuẩn bị trước, là sự tự lựa chọn hay điều bất khả kháng thì cũng đều đáng tiếc như nhau. Điều khác nhau nằm trong quan hệ giữa cái chết và cuộc sống trước đó, giữa thực tế không thể thay đổi với nhu cầu của cá nhân, giữa hiện tượng với cách nhìn, cách đánh giá của toàn xã hội. Đó chính là lí do vì sao khi đối diện với cái chết, có người sợ hoặc không sợ, có người mãn nguyện hoặc hối tiếc, đã thanh thản hoặc còn day dứt. Lại cũng có người coi cái chết là sự chấm dứt tất cả, có người lại cho rằng sau cái chết vẫn còn một sự sống khác thiêng liêng và đáng quý - sự sống theo nghĩa tinh thần.
+ Sự được - mất của một cá nhân không chỉ dựa vào một tiêu chí sống hay chết mà quan trọng nhất là ở giá trị mà cuộc sống của cá nhân ấy tạo ra cho mình và cho mọi người. Điều này phụ thuộc vào năng lực sống và năng lực tâm hồn của mỗi cá nhân.
- Vai trò của tâm hồn trong cuộc sống của một con người?
+ Là một phần quan trọng khiến con người được là người với cái nghĩa đầy đủ nhất của từ này (để không là con vật cũng không giống cỗ máy).
- Là tố chất đầy đủ để con người được sống theo cái nghĩa đầy đủ nhất của cuộc sống (hưởng thụ tinh thần bên cạnh việc hương thụ vật chất, suy nghĩ và rung động bên cạnh sự nhận biết ý thức và tình cảm bên cạnh hành động
* Là một năng lực, năng lượng không thể thiếu để con người có thể đứng cao hơn cuộc sống hiện tại của chính mình mà nhìn nhận, suy nghĩ về nó một cách sâu sắc, cảm nhận về nó một cách trọn vẹn và gắn bó vói nó một cách chân thành. Nghĩa là nếu để tâm hồn tàn lụi ngay khi con sống con người sẽ mất đi khả năng sống có ý nghĩa, khả năng cảm nhận và đánh giá những giá trị của đời sống, mất đi cái phần tạo thành nhân tính, tạo thành cái phần người thiêng liêng - mất mát lớn nhất đối với một con người.
c. Bình luận
- Đúng đắn vì con người chân chính không chỉ cần được sống mà còn cần biết sống - Có ý thức về sự sống của chính mình, xác định được mục tiêu sống, cách sống để sự sống ấy trở nên xứng đáng, có ý nghĩa không chỉ cần năng lực sống, năng lực làm việc mà cần có cả năng lực tinh thần tâm hồn.
- Sâu sắc vì xuất phát từ sự hiểu biết thấu đáo về con người không chỉ có hình hài mà cần một nội tâm, không chỉ cần trí tuệ mà cần cả tâm hồn, không chỉ cần cơ bắp mà còn cần tinh thần tình cảm..., sự hiểu biết ấy là nền tảng quan trọng để xác định tiêu chí làm người và mục đích hướng tới của con người trong cuộc sống.
- Rất có ý nghĩa trong gợi mở một cách sống, cách làm người: cần nuôi dưỡng tình cảm, bồi đáp tâm hồn để sống một cách phong phú, tinh tế và có ý nghĩa.
3. Kết luận
Trong vở kịch Hồn Trương Ba - da hàng thịt, nhân vật Trương Ba sau khi trả lại xác cho người hàng thịt, trả lại sự sống không thuộc về mình để “tôi được là tôi toàn vẹn” đã có được một sự sống khác có ý nghĩa hơn: “tôi vẫn ở đây, trong vườn cây nhà ta, trong những điều tốt lành của cuộc đời, trong mỗi trái cây cái Gái nâng niu”. Khi biết sống xứng đáng, con người mới có thể sống có ý nghĩa và tìm thấy hạnh phúc trong ý nghĩa ấy của cuộc sống.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây