Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Nhận xét về Việt Bắc có ý kiến cho rằng: Đây là khúc ca nghĩa tình cách mạng . Ý kiến của anh/chị?

Chủ nhật - 12/04/2020 09:59
Nhận xét về Việt Bắc có ý kiến cho rằng “Đây là khúc ca nghĩa tình cách mạng” nhưng có ý kiến khác lại cho rằng “Đây là bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ đậm đà tính dân tộc”. Ý kiến của anh/chị?
BÀI LÀM
Tố Hữu là nhà thơ của lý tưởng cộng sản, là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Ông là người viết sử bằng thơ với những chặng đường đầy vất vả gian lao nhưng rất đỗi hào hùng của dân tộc. “Việt Bắc” là bài thơ tiêu bIểu cho hồn thơ Tố Hữu được sáng tác nhân buổi chia tay lịch sử giữa cán bộ và nhân dân Việt Bắc vào tháng 10 -1954. Nhận xét về Việt Bắc có ý kiến cho rằng “Đây là khúc ca nghĩa tình cách mạng” nhưng có ý kiến khác lại cho rằng “Đây là bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ đậm đà tính dân tộc”.
Việt Bắc là khu căn cứ địa kháng chiến được thành lập từ năm 1940, gồm sáu tỉnh viết tắt là “Cao-Bắc-Lạng-Thái-Tuyên-Hà”. Nơi đây, cán bộ chiến sĩ và nhân dân Việt Bắc đã có mười lăm năm gắn bó keo sơn, nghĩa tình. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Pháp phải kí Hiệp định Geneve trả lại Hà Nội. Nay cán bộ về xuôi tiếp tục nhiệm vụ cách mạng. Buổi chia tay ấy, biết bao kỷ niệm cứ ùa về xoắn xuýt vào lòng khiến người đi kẻ ở ray rứt, bồn chồn không yên.

Trước hết ta cần hiểu hai ý kiến trên như thế nào? Ý kiến thứ nhất cho rằng: “Đây là khúc ca nghĩa tình cách mạng”. Dựa vào nội dung bài thơ ta thấy ý kiến này là nỗi lòng người đi kẻ ở sau mười lăm năm gắn bó thiết tha mặn nồng giữa cán bộ và nhân dân. Ý kiến thứ hai cho rằng “Đây là bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ đạm đà tính dân tộc”. Ý kiến này khẳng định phong cách thơ Tố Hữu, đó là hồn thơ đậm đà tính dân tộc trong nội dung lẫn hình thức nghệ thuật. Điều đó thể hiện ở thể thơ lục bát truyền thống, kết cấu ca dao dân ca, cách sử dụng đại từ nhân xưng... Khám phá tác phẩm ta sẽ thấu hết được điều đó.

Trước hết ta thấy bài thơ Việt Bắc là “khúc ca nghĩa tình cách mạng” giữa nhân dân và cán bộ với mười lăm năm gắn bó mặn nồng. Mở đầu bài thơ là những câu thơ dào dạt tình cảm của người về xuôi đối với thiên nhiên và con người Việt Bắc:

“Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn”

Có thể thấy người về xuôi gợi nhắc kỷ niệm đối với người Việt Bắc. Cụ thể là sự tiếc nuối nghẹn ngào, lưu luyến, bịn rịn, day dứt không muốn xa mảnh đất nghĩa tình đã cùng nhau gắn bó “thiết tha mặn nồng”. Nay trong tim người đi kẻ ở, Việt Bắc là tâm hồn, là máu thịt là quê hương, là cội nguồn. Nếu không có tình cảm thiêng liêng, sâu nặng đối với Việt Bắc thì không thể nào có những vần thơ đầy xúc động đến thế.

Đằng sau những lời mở đầu đầy xúc động đó, “bài ca nghĩa tình cách mạng” ùa về bao kỷ niệm khó phai mờ về nhân dân Việt Bắc cần cù trong lao động, thủy chung trong nghĩa tình.

“Ta về mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”.

Qua dòng hồi ức tươi đẹp ấy có thể thấy Việt Bắc hiện ra với những vẻ đẹp phong phú, đa dạng của thiên nhiên gắn vói con người giãn dị, người đi làm nương rẫy, người hái măng ... Bằng những việc làm tưởng chừng nhỏ bé của mình họ đã góp phần tạo ra sức mạnh vĩ đại của cuộc kháng chiến. Chính tình cảm gắn bó cùng nhau chịu đựng gian khổ, hy sinh, cùng nhau gánh vác nhiệm vụ nặng nề, khó khăn giữa nhân dân với bộ đội. Tất cả đã xây dựng nên hình ảnh Việt Bắc sáng ngời trong hồi tưởng của nhà thơ. Đó là hình ảnh những mái nhà “Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son”, hình ảnh người mẹ “Địu con lên rẫy, bẻ từng bắp ngô” nhọc nhằn vất vả vẫn hoàn thành nhiệm vụ. Và vẫn còn trong nỗi nhó nhà thơ về những ngày tháng mà quân và nhân dân Việt Bắc cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức của thời cuộc Cách mạng, là những lúc “Thương nhau chia củ sắn lùi/ Bát cơm sẻ nữa chăn sui đắp cùng”. Có thể nói âm hưởng trữ tình vang vọng trong bài thơ tạo nên khúc ca ngọt ngào đằm thắm của tình yêu đồng chí với đồng bào, của tình yêu thiên nhiên, đất nước và con người.

Sau hình ảnh thiên nhiên Việt Bắc thơ mộng, những con người Việt Bắc bình dị là những hình ảnh hào hùng trong chiến đấu của Việt Bắc.

“Nhớ khi giặc đến giặc lùng
Rừng cây núi đá ta cùng đánh tây
Núi giăng thành lũy sắt dày
Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù
Mênh mông bốn mặt sương mù
Đất trời ta cả chiến khu một lòng”.

Qua hình ảnh ấy có thể thấy rằng bộ đội, nhân dân và thiên nhiên Việt Bắc đã hòa làm một, cùng nhau tiếp sức, đồng hành và bảo vệ nhau, hoàn thành sứ mệnh của đất nước. Sự đoàn kết ấy tạo nên một làn sóng mạnh mẽ cuộn trào trong tâm hồn và ý chí của mỗi người giúp họ vượt bao gian khổ hy sinh lập nên thành tích với nhũng chiến công Phủ Thông, Đèo Giàng, Sông Lô, Tây Bắc, Điện Biên... Nhưng Tố Hữu không thể miêu ta diễn biến của cuộc kháng chiến mà chỉ còn đi sâu vào lý giải cội nguồn sức mạnh đã dẫn tới chiến thắng. Đó là lòng căm thù “Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai”, sức mạnh tình nghĩa thủy chung “Mình đây ta đó đắng cay ngọt bùi”. Tất cả đã tạo nên hình ảnh “đất nước đứng lên” thật đẹp biết bao.

Từ việc phân tích trên, có thể nói Việt Bắc là “khúc ca nghĩa tình cách mạng”. Đó vừa là khúc ca tình nghĩa, vừa là khúc ca hào hùng của đất nước, tình yêu thương, quý mến nhau giữa người cán bộ về xuôi đối với người dân Việt Bắc không chỉ là tình cảm riêng giữa con người mà đó còn được gây dựng nên từ tình yêu thiên nhiên, tình yêu đối với đất nước. Đó là tình cảm thiêng liêng, sâu nặng được tạo ra và trường tồn trên những khó khăn, thách thức của thời cuộc. Tình cảm đó vẫn được lưu lại vẹn nguyên trên từng câu thơ về Việt Bắc của Tố Hữu.

Tất cả bài ca nghĩa tình cách mạng ấy lại được Tố Hữu diễn tả qua “hồn thơ đậm đà tính dân tộc”.
Thứ nhất, tính dân tộc thể hiện ở thể thơ lục bát thân thuộc, mang đậm nét truyền thống của dân tộc. Giọng thơ mềm mại, uyển chuyển, giàu tính nhạc, dễ đi vào lòng người.

Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.

Có lẽ đây là bài thơ lục bát hay nhất của thơ Tố Hữu. Ngôn từ qua thể thơ lục bát truyền thống của dân tộc được thể hiện hết sức độc đáo mà bình dị, tạo cho người đọc một cảm giác thơ mộng của thiên nhiên hiện hữu cùng với vẻ đẹp của con người. Những hình ảnh sinh hoạt bình dị đời thường khi được Tố Hữu thể hiện bằng thể thơ lục bát lại hiện lên với vẻ đẹp hết sức sinh động đặc sắc.

Vẻ đẹp thứ hai của tính dân tộc được Tố Hữu thể hiện qua hình thức hát đối đáp trong ca dao trữ tình truyền thống. Thường là hát đối đáp giữa nam và nữ, qua đó bộc lộ tình yêu quê hương đất nước, con người, ở đây, người về xuôi và người Việt Bắc đối đáp với nhau. Cuộc chia tay lớn của cán bộ Đảng và Chính phủ với Việt Bắc được thu vào cuộc chia tay của đôi trai gái. Nói khác hơn, tác giả chọn tình yêu của đôi trai gái làm một góc nhìn để bao quát toàn cảnh Việt Bắc. Với “Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng” chuyện riêng đã hóa thành chuyện chung, chuyện tình yêu lứa đôi đã hóa thành chuyện chung của cách mạng.

Tính dân tộc thể hiện ở cách xung hô “ta - mình”, mộc mạc, dân dã, ngọt ngào hương vị ca dao, thắm đượm nghĩa tình quân dân. Việt Bắc và người cán bộ giống như một đôi bạn tình:

“Mình về thành thị xa xôi
Nhà cao còn nhớ núi đồi nữa chăng
Phố cao còn nhớ bản làng
Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng”.

Bài thơ không chỉ là tình cảm giữa người về xuôi dành cho người ở lại mà đó còn là tình cảm của người dân Việt Bắc dành cho người về xuôi. Đó là những câu thơ gợi nhắc người cán bộ về xuôi đừng quên núi rừng Việt Bắc. Bởi ở nơi đây, người cán bộ và nhân dân Việt Bắc đã hòa làm một, đã gắn bó hết mực, cùng nhau chiến đấu và bảo vệ đất nước.

Tính dân tộc còn thể hiện qua nét đẹp của ca dao và Truyện Kiều, qua so sánh ví von.

Ca dao:
“Người về ta chẳng cho về
Ta nắm vạt áo ta đề bài thơ

Qua đình ngã nón trông đình
Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu”.

Trong Việt Bắc Tố Hữu viết:
Mình đi mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiều nước nghĩa tình bấy nhiêu.

Truyện Kiều:
Những là rày ước mai ao
Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình.

Tố Hữu viết:
Mình về mình cỏ nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.

Ngoài ra tính dân tộc còn thể hiện qua ngôn từ thuần Việt giản dị, dễ thuộc, dễ nhớ. Hình ảnh thơ gần gũi đời thường nhiều sức gợi. Chỉ vài nét chấm phá đơn sơ mà gần gũi, tác giả đã khắc họa nên bức tranh hài hòa, độc đáo giữa thiên nhiên và con người, nói lên tình nghĩa đậm đà tính dân tộc truyền thống, thủy chung. Tất cả hướng về lãnh tụ kính yêu và công ơn của Đảng.

Cả hai ý kiến trên đều đúng. Ý kiến thứ nhất thiên về đánh giá nội dung của tác phẩm. Ý kiến thứ hai thiên về đánh giá nghệ thuật. Mặc dù cả hai ý kiến có hai nội dung khác nhau nhưng đều hỗ trợ và bổ sung cho nhau để làm rõ giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ Việt Bắc.

Từ việc phân tích làm sáng tỏ hai ý kiến trên, người đọc có thể dễ dàng cảm nhận về những nét đẹp trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu. Bởi bài thơ là bức tranh chân thực về thiên nhiên và sự gắn bó giữa những con người bình dị mà thiêng liêng, sâu nặng, luôn mang nặng nghĩa tình. Qua đó, Tố Hữu đã tạo nên thành công cho bài thơ cùng với sự kết hợp giũa hồn thơ đậm đà nghệ thuật dân tộc với những hình ảnh thân thương gần gũi, những tình nghĩa sâu nặng mà mỗi con người đã dành cho Việt Bắc. Cho nên bài thơ Việt Bắc là một trường ca tuyệt đẹp về cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, là khúc ca nghĩa tình Cách mạng và cũng là bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ đậm đà tính dân tộc. Vì những lý lẽ ấy, Việt Bắc đã để lại những ấn tượng khó phai trong lòng người đọc.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây