Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Nhận định về thơ ca từ Cách mạng tháng Tám đến năm 1975, có ý kiến cho rằng: “Nhiều vần thơ xức động để dành để ca ngợi người phụ nữ”. Hãy chứng minh ý kiến trên.

Thứ hai - 05/12/2016 22:14
Văn học dân gian và văn học cổ thường ca ngợi người phụ nữ Việt Nam với những phẩm chất tốt đẹp: cần cù lao động, đảm đang, tháo vát, tận tụy hi sinh cho chồng con. Từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay, những phẩm chất tốt đẹp đó càng được phát huy. Tình yêu chồng con mở rộng và gắn liền lòng yêu nước, đảm đang việc nhà thành đảm đang việc nước. Họ đã tích cực góp phần vào sự nghiệp cách mạng, vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Nhận định về thơ ca từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến năm 1975, có ý kiến: “Nhiều vần thơ xúc động đã dành để ca ngợi người phụ nữ”.
 
Tùy theo tuổi tác, tùy theo hoàn cảnh riêng, người phụ nữ đã góp phần vào công cuộc bảo vệ tổ quốc bằng nhiều cách. Có thể cho trực tiếp cầm súng chiến đấu như chị Út Tịch trong Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi được Lê Anh Xuân ca ngợi:
 
Mẹ của sáu đứa con còn nhỏ
Tóc bới cao bỏm bẻm nhai trầu
Là chị Út quân thù khiếp sợ
Bụng có mang vẫn cướp bót phá cầu.
(Lê Anh Xuân)
 
Họ dũng cảm, kiên trì đấu tranh trong nhà tù. Đó là hình ảnh chị Lí:
 
Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung
Không giết được em người con gái anh hùng.
(Tố Hữu)
 
Họ tích cực tham gia đấu tranh chính trị:
 
Vì sao tuổi mẹ đã cao
Đấu tranh mẹ vẫn đi đầu mẹ ơi!
(Tố Hữu)
 
Ngoài ra, còn có những người phụ nữ đấu tranh địch vận:
 
Cô em cướp bót mấy lần tay không
(Lê Anh Xuân)
 
Song song với các cô gái, còn có những người mẹ đã đóng góp nhiều công sức trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam. Đó là người mẹ đào hầm nuôi cán bộ, bộ đội, bất chấp hiểm nguy:
 
Mẹ đào hầm từ lúc tóc còn xanh
Nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc
Mẹ vẫn đào hầm dưới tầm đại bác
Bao đêm rồi tiếng cuốc vọng năm canh.
(Dương Hương Ly)
 
Có những cô du kích bảo vệ xóm làng, luôn đặt nặng công việc nước nhà trước việc riêng tư:
 
Chị em du kích Thái Bình
Ca lô đội lệch vừa xinh vừa giòn
Người ta nhắc chuyện chồng con
Lắc đầu nguây nguẩy em còn đánh Tây.
(Ca dao kháng chiến)
 
Có những cô gái vừa đảm đang việc nhà vừa tích cực tham gia việc nước, không quản ngại vất vả gian nan. Đó là người phụ nữ Bắc Giang:
 
Em là con gái Bắc Giang
Rét thì mặc rét nước làng em lo.
Nhà em phơi lúa chưa khô
Ngô chưa vào bồ, sắn thái chưa xong.
Nhà em con bế con bồng
Em cũng theo chồng đi phá đường quan.
(Tố Hữu)
 
Có những người phụ nữ gắn bó nơi chiến trường, chăm lo việc hậu cần, tiếp tế cho bộ đội, là nguồn động viên kịp thời cả về vật chất lẫn tinh thần cho người chiến sĩ:
 
Anh nắm tay em cuối mùa chiến dịch
Vắt xôi nuôi quân em giấu giữa rừng
Đất Tây Bắc tháng này không có lịch
Bữa xôi đầu còn tỏa nhớ mùi hương.
(Chế Lan Viên)
 
Ngoài ra, người mẹ Việt Nam còn chăm lo, động viên con ra mặt trận:
 
Tao bảo “Mày đi
Mày lo cho khỏe
Đừng nghĩ lo gì
Ở nhà có mế”.
(Tố Hữu)
 
Thực vậy, nơi chiến trường có những con người xông pha vào lửa đạn, thì ở hậu phương không thiếu những tấm lòng, những bàn tay chung sức chiến đấu. Tố Hữu phác họa lại hình ảnh bà mẹ làm giao liên với ý chí vững vàng:
 
Tàu bay hắn bắn sớm trưa
Thì tui cứ việc nắng mưa đưa đò.
(Tố Hữu)
 
Hoặc ca ngợi cô dân quân lãng mạn – anh hùng của người phụ nữ thời chống Mĩ.
 
Chào cô dân quân vai súng tay cày
Chân đội bùn mơ hạ máy bay.
 
Ước mơ đó không phải là xa vời. Đã có hình ảnh thật sống động làm thế giới phải ngạc nhiên khi:
 
O du kích nhỏ giương cao súng;
Thằng Mĩ lênh khênh bước cúi đầu.
(Tố Hữu)
 
Dù ở vị trí nào, giữ công việc nào trong xã hội, trong hoàn cảnh chiến tranh chống giặc ngoại xâm, người phụ nữ cũng đều thể hiện tấm lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm, đóng góp công sức của mình cho cuộc chiến đấu. Người vợ ở hậu phương trong bài Thăm lúa của Trần Hữu Thung cảm thấy hân hoan:
 
Anh đang mùa thắng lợi
Lúa em cũng chín rồi
Lúa tốt lắm anh ơi
Giải thi đua em giật.
(Trần Hữu Thung)
 
Qua những dẫn chứng trên, ta thấy thơ ca thời kì từ 1945 đến 1975 đã có nhiều vần thơ xúc động ca ngợi người phụ nữ. Lịch sử sẽ mãi mãi ghi ơn những người mẹ, những người chị, những cô gái đã âm thầm hi sinh để đất nước này được nở hoa độc lập, kết quả tự do.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây