Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích bài thơ "Chiều tối” trong Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh: Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ ... Xay hết, lò than đã rực hồng.

Thứ hai - 05/12/2016 21:49
Không gian và thời gian vào buổi hoàng hôn trong Nhật kí trong tù được miêu tả qua một số bài thơ: Hoàng hôn, Chiều tối, Cảnh chiều hôm, xế chiều... Nhưng trong những bức tranh có phần ảm đạm đó, sinh hoạt của con người, niềm tin yêu lạc quan, vẻ tươi sáng vẫn được thể hiện rõ nét, nhất là trong bài thơ Chiều tối.
Bài thơ lấy cảm hứng trên đường chuyển lao. Đó là lúc trời sắp tối, người tù bị giải đi giữa miền núi. Tấm lòng yêu người, yêu cuộc sống của tác giả toát lên từ bức tranh Chiều tối nay:
 
Bài thơ mở đầu bằng hình ảnh một ngày sắp hết:
 
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,
 
Sau một ngày kiếm ăn, chim chiều mỏi mệt, tìm khu rừng cây quen thuộc để ngủ qua đêm. Chim mỏi về rừng báo hiệu ngày tàn, nhường chỗ cho bóng đêm. Nhưng người đi đường vẫn chưa được dừng bước, không rõ đi đến đâu, cũng không biết bao giờ có được chốn ngủ như những cánh chim kia. Đặt bài thơ trong hoàn cảnh cụ thể của tác giả, ta có thể cảm nhận một nỗi u hoài man mác dâng lên trong lòng người đi. Đó là tình cảm mất tự do trên đất khách quê người giữa cảnh vật ảm đạm của một buổi chiều tàn. Bầu trời buổi chiều tối còn vương lại một chút ánh sáng nhạt mờ, vừa đủ cho nhà thơ nhận ra một chòm mây lẻ loi đang lững lờ trôi:
 
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không
 
Cảnh đẹp như một bức tranh thủy mặc nhưng cũng thật buồn, càng khêu gợi nỗi cô đơn của người trên đường. Hơn nữa, đây còn là một người tù phải cất bước, dù đã mỏi mệt đi suốt một ngày dài.
 
Hai câu thơ tả cảnh nhưng thật gợi tình, như kín đáo bày giãi một tâm trạng, một nỗi niềm. Nhưng giữa cảnh núi rừng mênh mông trùng điệp đang chìm dần vào bóng tối, nổi bật một đốm lửa hồng soi hình bóng của một cô gái đang lao động:
 
Cô em xóm núi xay ngô tối,
Xay hết, lò than đã rực hồng.
 
Nằm bên cạnh con đường miền núi là một xóm nhà nhỏ, có lẽ thưa thớt cảnh thật bình thường, nhưng ngay lúc đó người tù chợt nhìn thấy một hình ảnh gây xúc động: cô gái nhỏ xay ngô và ánh lửa hồng của lò than. Đó là hình ảnh bình dị về cuộc sống thường ngày của người lao động. Sau một ngày làm việc ở ngoài đồng chắc là rất vất vả, những người nông dân trở về nhà để ăn tối và nghỉ ngơi. Cô gái nhỏ này hẳn là con hoặc em gái trong gia đình, chuẩn bị bữa ăn cho cả nhà. Hình ảnh cô gái nhỏ xay ngô và hình ảnh ngọn lửa xuất hiện trong bóng chiều chập choạng thật đẹp, thật đáng yêu và ấm lòng.
 
Nhận ra những chi tiết của bức tranh đó, nhà thơ thực sự cảm động và cảm thông với cuộc sống của người lao động nghèo, vất vả, nhưng ấm cúng. Đóng lại bài thơ bằng một từ “hồng” đầy sức nặng, nhà thơ như muốn ấp ủ ngọn lửa hồng ấy trong trái tìm mình, vui sướng vì ngọn lửa của cuộc sống bình dị luôn sáng ấm.
 
Bài thơ đã kết hợp một cách hài hòa bút pháp cổ điển và bút pháp hiện đại. Cảnh buổi chiều nơi núi rừng bao trùm cả bầu trời, mặt đất, cả thiên nhiên và con người, chỉ được ghi loáng thoáng vài nét đơn sơ: cánh chim, chòm mây, cô gái bên lò than nơi xóm núi. Chỉ đơn sơ vài nét như trong bài thơ cổ, nhưng người đọc vẫn cảm nhận được cái hồn của cảnh vật: tuy buồn mà vẫn ấm áp, đặc biệt lại có niềm vui bình dị. Đó là hình ảnh nhà ai bên bếp lửa hồng tỏa sáng hình bóng khỏe khoắn của cô gái xay ngô.
 
Trong hoàn cảnh bị đày ải trên đường xa, cô độc, mệt mỏi giữa núi rừng nơi đất khách quê người vào lúc chiều tối, tác giả nhìn cảnh vật vẫn thấy ấm áp vui tươi qua ánh lửa hồng rực sáng. Điều đó chứng tỏ mọi vui buồn của Bác đều gắn với vui buồn của con người, hầu như không phụ thuộc vào cảnh ngộ của riêng mình.

Tóm lại, thiên nhiên và con người được miêu tả trong bài thơ bằng vài nét chấm phá. Hình ảnh cô em xóm núi xay ngô trở thành trung tâm bức tranh, đẩy lùi nền trời chiều với cánh chim bay mỏi, chòm mây bay chậm. Nhưng bài thơ không tả một khung cảnh quạnh hiu mà tả cảnh sống đời thường mang vẻ bình yên, ấm áp.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây