Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Nghị luận xã hội về câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”

Thứ năm - 03/12/2015 03:33
Nhân cách của con người được hình thành từ môi trường giáo dục của gia đình, nhà trường, xã hội. Mỗi con người lớn lên ở môi trường nào thì nhân cách sẽ phát triển phù hợp với điều kiện của môi trường ấy. Vì vậy môi trường sống của mỗi người có ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành nhân cách của người đó. Để làm rõ điều này, ông cha ta đã có câu: “ Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”.
Lời căn dặn của cha ông được ví với hai vật thể đối nghịch nhau. Mực có màu đen tượng trưng cho những cái xấu xa không tốt đẹp. Đèn biểu tượng cho những cái tốt đẹp, sáng sủa. Câu tục ngữ trên đưa ra lời căn dặn của cha ông rằng, nếu một người sống cùng người xấu sẽ nhiễm những thói hư tậ xấu của người đó còn sống với người tốt sẽ học được điều hay lẽ phải. Môi trường sống ảnh hưởng rất lớn đến chúng ta. Nhất là ở lứa tuổi trẻ thơ thì sự tác động của môi trường càng to lớn hơn nhiều lần. Bởi lẽ, tuổi nhỏ thường hay bắt chước, chúng chưa đủ nhận thức để phân biệt đúng - sai, chỉ thấy người chung quanh làm gì thì chúng lại làm theo ngay, nhất là những tật xấu thói hư. Vì vậy người lớn cần phải làm gương để con trẻ hoàn thiện nhân cách của mình.

Ngay từ trong gia đình, ông bà, cha mẹ, anh em không làm gương, không giữ được hòa khí, nói năng không lịch sự... là mầm giống gây nên ảnh hưởng không tốt cho tuổi thơ, đó là dấu hiệu cho thấy đứa trẻ sống trong môi trường đó khó có thể có một nhân cách tốt đẹp. Đến lớp học, thường xuyên tiếp tục quan hệ với bạn xấu, lười học hay phá phách thì thói hư tật xấu ấy càng thâm nhập vào bên ngoài dần dần lôi cuốn, quyến rũ để dẫn đến những hành vi không tốt và cuối cùng cũng trở thành những phần tử xấu của xã hội. Đây là điều khó tránh khỏi, bởi "những vết mực đen" lan rất nhanh và khi dính vào thì cũng khó "tẩy" ra. Cũng vì vậy, mà xưa kia mẹ của Mạnh Tử phải dời nhà tới ba lần để có được môi trường tốt nhằm nuôi dạy con thành người. Điều đó cho thấy bà đã sớm nhận thấy được mối quan hệ mật thiết giữa môi trường sống và việc hình thành nhân cách ở con người. Ta cũng nhìn nhận rằng: Nếu được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nề nếp đạo đức, ở trong một xóm ấp yên lành, có nếp sống văn hóa, học trong một lớp, một trường tiên tiến có nội quy khắt khe... thì chắc chắn ta sẽ trở thành con ngoan, trò giỏi. Bởi những ánh sáng của bao nhiêu cái tốt đẹp nó soi rọi lan tỏa khắp nơi chung quanh ta, bởi ta đang "gần đèn" thì ắt phải được "sáng". Phải chăng chính là điều này mà ông cha ta thường hay nhắc nhở con cháu phải biế chọn bạn tốt mà chơi.

Thói thường gần mực thì đen
Anh em bạn hữu phải nên chọn người.


Trong cuộc sống hàng ngày nếu ta quan hệ với những người bạn tốt biết giúp đỡ lẫn nhau trong học tập cũng như tron mọi sinh hoạt khác thì dần dần ta sẽ tập cho mình có cách sống vì mọi người. Bạn siêng năng, hiếu học, chăm chỉ ta cũng thi đua học theo bạn, tất nhiên kết quả học tập của ta được tiến bộ hơn... Ngược lại, nếu ta quan hệ tiếp xúc thường xuyên với nhóm bạn xấu, lười học, chỉ biết rong chơi... thì một ngày nào đó những thói hư, tật xấu đó sẽ tiêm nhiễm vào ta và ta trở thành người xấu. Cho nên ta cần phải tránh xa bạn xấu và đến gần những bạn tốt là vì thế. Hiện nay, những tệ nạn xã hội, những hiện tượng tiêu cực trong cuộc sống tăng nhanh, bọn xấu đầy rẫy thường dụ dỗ tuổi trẻ bằng nhiều hình thức khá tinh vi, nếu mất cảnh giác ta khó lòng tránh khỏi. Vì vậy ta cần phải ý thức thật cao và hiểu thấu đáo lời dạy của ông cha "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng" để sau này không hối hận. Và khi ta đã hiểu rằng môi trường sống có ảnh hưởng rất lớn đối với bản thân thì ta sẽ chủ động tìm đến môi trường tốt để học tập và rèn luyện. Nếu như không may gặp phải "môi trường xấu" mà ta phải sống, thì ta phải bình tĩnh để nhận định phân biệt tốt xấu để cái xấu không làm ảnh hưởng đến cuộc sống, đến nhân cách của ta. Được như vậy, ta càng hãnh diện bởi vì ta "Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn".

Lời khuyên, lời căn dặn của cha ông được thể hiện qua câu tục ngữ thật vô cùng có ý nghĩa. Hiểu được ý nghĩa sâu sắc từ lời dạy này, con người sẽ có ý thức giữ gìn nhân cách của bản thân trước những cám dỗ của cái xấu và sửa mình để ngày càng sống đẹp hơn. Tất cả mọi người đều có chung một ý thức đó, chúng ta sẽ được sống trong một xã hội lí tưởng, đáng sống biết bao.

ST

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây